Phương pháp tư duy nào nhận thức đối tượng trong các mối liên hệ phổ biến vốn có của nó

Chủ nghĩa duy vật biện chứng được sáng lập bởi C.Mác và Ph.Ăngghen vào giữa thế kỉ XIX, về sau được V.I.Lênin phát triển vào đầu thế kỉ XX, là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng. Chính vì vậy, nó đã khắc phục được những hạn chế của phép biện chứng chất phác thời cổ đại và những thiếu sót của phép biện chứng duy tâm khách quan thời cận đại. Nó đã khái quát đúng đắn những quy luật cơ bản chung nhất của sự vận động và phát triển của thế giới. Phép biện chứng duy vật trở thành một khoa học. Phép biện chứng duy vật được xây dựng trên cơ sở một hệ thống những nguyên lý, những phạm trù cơ bản, những quy luật phổ biến phản ánh đúng đắn hiện thực. Trong hệ thống đó, có hai nguyên lý cơ bản nhất, một trong số đó nguyên lý về mối liên hệ phổ biến; nguyên lý này khái quát một trong những thuộc tính phổ biến của mọi sự vật hiện tượng, là thuộc tính liên hệ, quan hệ lẫn nhau giữa chúng và nó được xem là nội dung cơ bản nhất của phép biện chứng duy vật.

Trong phép biện chứng duy vật, mối liên hệ là phạm trù triết học dùng để chỉ sự quy định, sự tác động qua lại, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện tượng trong thế giới. Ví dụ: Trong tự nhiên tồn tại mối liên hệ giữa động vật và thực vật, giữa thực vật và khí hậu… Mối liên hệ gồm các tính chất cơ bản như: tính khách quan của các mối liên hệ, tính phổ biến của các mối liên hệ, tính đa dạng, phong phú của mối liên hệ.

Tính khách quan của các mối liên hệ: theo quan điểm biện chứng duy vật, các mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng của thế giới là có tính khách quan. Sự quy định, tác động và chuyển hóa lẫn nhau của các sự vật, hiện tượng hoặc trong bản thân chúng là cái vốn có của nó, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý chí con người; con người chỉ có khả năng nhận thức và vận dụng các mối liên hệ đó trong hoạt động thực tiễn của mình.

Tính phổ biến của mối liên hệ: phép biện chứng duy vật khẳng định không có bất cứ sự vật, hiện tượng hay quá trình nào tồn tại một cách riêng lẻ, cô lập tuyệt đối với các sự vật, hiện tượng hay quá trình khác mà trái lại chúng tồn tại trong sự liên hệ, ràng buộc, phụ thuộc, tác động, chuyển hóa lẫn nhau. Không có bất cứ sự vật, hiện tượng nào không phải là một cấu trúc hệ thống, bao gồm các yếu tố cấu thành với những mối liên hệ bên trong của nó, tức là bất cứ một tồn tại nào cũng là một hệ thống mở tồn tại trong mối liên hệ với hệ thống khác, tương tác và làm biến đổi lẫn nhau.

Tính đa dạng, phong phú của mối liên hệ: quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định mối liên hệ còn có tính phong phú, đa dạng. Tính chất này được biểu hiện ở chỗ: các sự vật, hiện tượng hay quá trình khác nhau đều có những mối liên hệ cụ thể khác nhau, giữ vị trí, vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và phát triển của nó; mặt khác, cùng một mối liên hệ nhất định của sự vật nhưng trong những điều kiện cụ thể khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình vận động, phát triển của sự vật thì cũng có tính chất và vai trò khác nhau. Do đó, không thể đồng nhất tính chất, vị trí, vai trò cụ thể của các mối liên hệ khác nhau đối với mỗi sự vật, hiện tượng trong những điều kiện xác định.

Mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ tính phổ biến của các mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng của thế giới, đồng thời cũng dùng để chỉ các mối liên hệ tồn tại ở nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới. Trong đó, những mối liên hệ phổ biến nhất là những mối liên hệ ở mọi sự vật, hiện tượng của thế giới, đó là mối liên hệ giữa các mặt đối lập, lượng và chất, khẳng định và phủ định, cái chung và cái riêng, bản chất và hiện tượng…

Trên thực tế, mối liên hệ biểu hiện rất phong phú, đa dạng; cùng một sự vật, hiện tượng có nhiều mối liên hệ khác nhau chi phối. Đồng thời, có một mối liên hệ nào đó có thể chi phối được nhiều sự vật, hiện tượng. Bên cạnh mối liên hệ phổ biến, căn cứ vào tính chất, đặc trưng của từng mối liên hệ, có thể phân loại thành các mối liên hệ sau: mối liên hệ bên trong và bên ngoài, mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp, mối liên hệ chủ yếu và thứ yếu, mối liên hệ cơ bản và không cơ bản, mối liên hệ cụ thể, mối liên hệ chung… Mỗi loại mối liên hệ nêu ra trên đây có vai trò khác nhau đối với sự vận động và phát triển của sự vật; chẳng hạn, mối liên hệ bên trong là sự tác động qua lại, sự quy định, sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các yếu tố, các thuộc tính, các mặt trong một sự vật, hiện tượng. Mối liên hệ này giữa vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng đó. Còn mối liên hệ bên ngoài là mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng với nhau, không giữ vai tò quyết định đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Nó thường phải thông qua mối liên hệ bên trong mới có thể tác động đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng.

Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến là cơ sở lý luận của quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể.

Điển hình như từ tính khách quan và tính phổ biến của các mối liên hệ đã cho thấy trong hoạt động nhận thức và thực tiễn cần phải có quan điểm toàn diện. Quan điểm toàn diện đòi hỏi trong nhận thức và xử lý các tình huống thực tiễn phải xem xét sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ biện chứng qua lại giữa các bộ phận, các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật, hiện tượng và sự tác động qua lại giữ sự vật, hiện tượng đó với các sự vật, hiện tượng khác. Trên cơ sở đó mới có nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng và xử lý có hiệu quả các vấn đề của đời sống thực tiễn. Như vậy, quan điểm toàn diện đối lập với quan điểm phiến diện, siêu hình trong nhận thức và thực tiễn. V.I.Lênin cho rằng: “Muốn thực sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và “quan hệ giao tiếp” của sự vật đó”.

Từ tính chất đa dạng, phong phú của các mối liên hệ cho thấy trong hoạt động nhận thức và thực tiễn thì đồng thời phải kết hợp quan điểm toàn diện với quan điểm lịch sử - cụ thể. Quan điểm lịch sử - cụ thể yêu cầu việc nhận thức và xử lý các tình huống trong hoạt động thực tiễn cần phải xét đến những tinh chất đặc thù của đối tượng nhận thức và tình huống phải giải quyết khác nhau trong thực tiễn. Phải xác định rõ vị trí, vai trò khác nhau của mối liên hệ cụ thể trong những tình huống cụ thể để từ đó có được những giải pháp đúng đắn và có hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề thực tiễn. Như vậy, trong nhận thức và thực tiễn không những cần phải tránh và khắc phục quan điểm phiến diện, siêu hình mà còn phải tránh và khắc phục quan điểm chiết trung, ngụy biện.

Trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục…), mà trước hết là đổi mới tư duy lý luận, tư duy chính trị về CNXH. Cụ thể, về xã hội: giải quyết tốt mối liên hệ giữa công nhân, nông dân và trí thức tạo thành mối liên hệ công nông trí thức. Về chính trị: đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống, chức năng, tránh chồng chéo, tạo sự đồng bộ giữa đảng và nhà nước. Về tư tưởng: với ba bộ phận chủ yếu: văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Nó phải có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu.

Tuy nhiên không phải đổi mới tất cả các lĩnh vực ngay cùng một lúc (như thế sẽ không đủ lực để thực hiện) mà phải xác định đổi mới có trọng tâm, trọng điểm. Trong đổi mới các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục…. Đảng xác định đổi mới kinh tế là trước hết; đổi mới giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu trên cơ sở phát huy sức mạnh nội lực và tranh thủ ngoại lực.

Một điều cần lưu ý nữa là trong cả nhận thức và hoạt động thực tiễn cần phê phán quan điểm phiến diện, một chiều. Đặc biệt, cần tích cực chống lại chủ nghĩa chiết trung (mục đích là kết hợp giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, hoặc ý định của bọn xét lại là muốn kết hợp chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán). Chủ nghĩa chiết trung không biết rút ra từ tổng số những mối liên hệ và quan hệ của thế giới khách quan thành những mối liên hệ chủ yếu, cơ bản của sự vật, hiện tượng trong tính lịch sử - cụ thể của nó và thuật ngụy biện (lập luận chủ quan, đánh tráo mối liên hệ không cơ bản, không quan trọng với mối liên hệ cơ bản, quan trọng ).

Để xác định đúng đường lối, chủ trương của từng giai đoạn cách mạng, của từng thời kỳ xây dựng đất nước, bao giờ Đảng cũng phân tích tình hình cụ thể của đất nước và bối cảnh quốc tế diễn ra trong từng giai đoạn, thời kỳ và trong khi thực hiện đường lối, chủ trương, Đảng ta cũng bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của hoàn cảnh cụ thể. Đại hội Đảng lần VIII đã khẳng định: “Xét trên tổng thể, Đảng ta đã bắt đầu công cuộc đổi mới từ đổi mới về tư duy chính trị trong việc hoạch định đường lối và chính sách đối nội, đối ngoại. Không có sự đổi mới đó thì không có mọi sự đổi mới khác”.

Đây là nguyên lý cơ bản nhất của phép biện chứng duy vật, chúng ta phải chú trọng tất cả các mối liên hệ, đánh giá đúng vai trò mối liên hệ đang chi phối đối tượng. Qua hoạt động thực tiễn, chúng ta sử dụng nhiều biện pháp, phương tiện thích hợp để thúc đẩy mối quan hệ đó phát triển một cách tích cực.



Video liên quan

Chủ đề