Phương pháp extend xử lý bớt

Ứng dụng Laser trong điều trị bệnh lý mạch máu

Tác giả: Adam S. Aldahan, BS, Brian J. Simmons, BS, Vidhi V. Shah, BA, Stephanie Mlacker, BS, Keyvan Nouri, MD

University of Miami Miller School of Medicine, Department of Dermatology and Cutaneous Surgery, Miami, FL, US

Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

Laser hoạt động bằng cách khuếch đại và phát ra các chùm ánh sáng cường độ cao có bước sóng đơn theo hướng đồng nhất.

Laser nhuộm xung (PDL), Laser Potassium Titanyl phosphate (KTP) và Laser Nd:YAG là những phương pháp điều trị phổ biến đối với các tổn thương mạch máu của da.

Các tổn thương mạch máu bẩm sinh xuất hiện khi sinh, bao gồm u máu ở trẻ sơ sinh (infantile hemangiomas), bớt rượu vang (port wine stains) và u mạch bạch huyết (lymphangiomas).

Tình trạng sức khoẻ, môi trường tiếp xúc hoặc quá trình lão hóa gây ra tổn thương mạch máu mắc phải, bao gồm giãn mao mạch, hemangiomas anh đào, giãn tĩnh mạch, u hạt sinh mủ, hồ tĩnh mạch, poikiloderma, và Kaposi sarcoma.

Laser là một giải pháp thay thế cho phẫu thuật loại bỏ các tổn thương mạch máu của da.

GIỚI THIỆU

Các laser chính được sử dụng để điều trị các tổn thương mạch máu bao gồm: laser nhuộm xung (PDL), laser potassium titanyl phosphate (KTP) và laser neodymium: yttri aluminium garnet (Nd: YAG). Tổn thương mạch máu bẩm sinh xuất hiện từ lúc mới sinh. Theo thời gian, chúng có thể tăng kích thước, giữ nguyên kích thước hoặc biến mất hoàn toàn, tùy thuộc vào tổn thương. Những tổn thương này bao gồm: u máu sơ sinh, bớt rượu vang và lymphangiomas. Tổn thương mạch máu mắc phải không xuất hiện từ khi sinh và có thể được gây ra bởi các nguyên nhân như tình trạng sức khoẻ, môi trường tiếp xúc hoặc quá trình lão hóa. Những tổn thương này bao gồm: giãn mao mạch, hemangiomas anh đào, giãn tĩnh mạch, u hạt sinh mủ, hồ tĩnh mạch, poikiloderma, Kaposi sarcoma.

U MÁU BẨM SINH (INFANTILE HEMANGIOMAS)

Là những u mạch máu bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em. Thông thường những tổn thương này sẽ tự khỏi sau thời gian phát triển nhanh ban đầu. Tuy nhiên, những tổn thương này nên được điều trị nếu chúng đe dọa đến tính mạng, dẫn đến suy giảm chức năng, bị loét hoặc chảy máu. Chúng cũng cần được loại bỏ nếu ảnh hưởng về thẩm mỹ. Laser không phải là phương pháp điều trị được chỉ định đầu tiên đối với bệnh u máu bẩm sinh, nhưng chúng có thể là một giải pháp thay thế cho trẻ em không đáp ứng với các phương pháp điều trị ban đầu. Loại laser tốt nhất để sử dụng cho u máu bẩm sinh là laser nhuộm xung (PDL) là loại laser xung dài để giảm thiểu nguy cơ để lại sẹo (xem Hình 1).

BỚT RƯỢU VANG

Bớt rượu vang là tổn thương bẩm sinh xuất hiện dưới dạng các mảng màu đỏ hoặc hồng. Những tổn thương này có thể phát triển thành hình dạng mảng có nhiều cục lổn nhổn và có thể bị chảy máu. Phương pháp điều trị bằng laser phổ biến nhất cho những tổn thương này là laser PDL (xem Hình 2). Những tổn thương này rất khó điều trị và cần nhiều lần để có kết quả. Trong một nghiên cứu lớn liên quan đến việc xử lý các bớt rượu vang bằng nhiều lần laser PDL, bệnh nhân đã cải thiện tình trạng bớt trung bình khoảng 79% [1]. Kết quả điều trị tốt khó đạt được hơn khi tuổi tăng lên hoặc da sẫm màu. Những tổn thương này cũng khó điều trị nếu chúng ở giữa mặt, trên thân hoặc ở tứ chi.

Có thể có vết bầm tím sẽ xuất hiện ngay sau khi điều trị nhưng sẽ hết trong vòng 2 tuần. Bên cạnh đó, thường xuất hiện phù và đỏ sau thủ thuật.

U MẠCH BẠCH HUYẾT (LYMPHANGIOMAS

Hệ thống bạch huyết dẫn chất lỏng dư thừa trong các mô. U mạch bạch huyết là dị dạng bạch huyết thường xuất hiện dưới dạng tổn thương phát triển chậm. Hầu hết là bẩm sinh, nhưng chúng cũng có thể phát sinh sau chấn thương, nhiễm trùng và sưng tấy mô.

Khoảng 15% các tổn thương này tự thoái lui. Thông thường điều trị u mạch bạch huyết là phẫu thuật, nhưng liệu pháp laser có thể là một giải pháp thay thế cho các tổn thương khó điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân nên được thông báo về những nguy cơ sẹo, tái phát và khả năng cần nhiều đợt điều trị.

GIÃN MAO MẠCH (TELANGIECTASIAS)

Telangiectasias là tình trạng giãn những mạch máu nhỏ gần bề mặt da. Chúng xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm phơi nắng kéo dài, bôi steroid tại chỗ, uống rượu hoặc uống estrogen bổ sung. Hơn nữa, chúng có thể xảy ra trong một số bệnh như trứng cá đỏ. Laser nhuộm xung (PDL) là một trong những phương pháp điều trị tốt nhất cho telangeictasias, đặc biệt là những trường hợp xảy ra trên mặt, vì nằm nông nhất trên bề mặt da (xem Hình 3). Nguy cơ chính với phương pháp điều trị này là bầm tím sau thủ thuật, có thể giảm bớt bằng cách sử dụng laser PDL có xung dài.

CHERRY HEMANGIOMAS

Đây là những tổn thương mạch máu phổ biến nhất ở người lớn. Chúng là sự tăng sinh lành tính của các mạch máu giãn nở xuất hiện dưới dạng tổn thương hình vòm màu đỏ trên da. Vì các tổn thương ở bề mặt da, chúng có thể được điều trị dễ dàng bằng một số phương pháp điều trị như laser nhuộm xung và áp lạnh. Laser nhuộm xung là phương pháp điều trị ít xâm lấn, cho kết quả nhanh với hiệu quả thẩm mỹ tốt.

GIÃN TĨNH MẠCH

Giãn tĩnh mạch là các tĩnh mạch nông bị sưng to thường thấy ở chân. Chúng có thể xảy ra sau thời gian đứng kéo dài. Theo thời gian, áp lực từ trạng thái đứng khiến các van ngừng hoạt động và các tĩnh mạch trở nên không thể đưa máu về tim. Giãn tĩnh mạch có thể không hấp dẫn về mặt thẩm mỹ và đôi khi có thể gây đau. Chúng có thể được điều trị bằng liệu pháp laser nội soi tĩnh mạch (xem Hình 4). Phương pháp này liên quan đến việc đặt tia laser vào trong tĩnh mạch. Tia laser làm nóng máu, gây ra sự phá hủy của thành tĩnh mạch. Khi so sánh với phương pháp điều trị phẫu thuật, phương pháp này chữa lành nhanh hơn với ít đau hơn. Nguy cơ đáng chú ý nhất của liệu pháp laser nội soi là chảy máu sau thủ thuật [2].

U HẠT SINH MỦ (PYOGENIC GRANULOMAS)

Đây là những sự phát triển quá mức của các mạch máu ra khỏi da. Chúng thường được tìm thấy ở tay và mặt, đặc biệt là xung quanh miệng. Chúng có thể được gây ra bởi chấn thương trên da, nhưng cũng có thể xảy ra trong thai kỳ. Bệnh u hạt có thể có xu hướng chảy máu với tác động nhẹ ở khu vực này. Laser PDL và Laser Nd: YAG đều là những lựa chọn thích hợp để điều trị. Bởi vì ít nguy cơ sẹo khi điều trị bằng laser PDL, nên đây là loại laser được lựa chọn cho trẻ em có u hạt nhỏ. Đối với các tổn thương ở niêm mạc miệng, Laser Er: YAG với độ hấp thụ nước cao và độ cắt chính xác là một lựa chọn phù hợp hơn so với laser Nd: YAG [3], là lựa chọn tốt hơn để giảm nguy cơ tổn thương cho răng và nướu. So với phẫu thuật, điều trị bằng laser cho kết quả ít chảy máu, đau và sẹo.

HỒ TĨNH MẠCH (VENOUS LAKES)

Hồ tĩnh mạch là những vùng màu xanh tròn trên bề mặt da thường được gây ra bởi sự giãn nở tĩnh mạch bề mặt. Chúng bằng phẳng hoặc nhô cao trên bề mặt da gặp phổ biến nhất trên vùng mặt. Chúng có thể được hình thành từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mạnh làm tổn thương thành tĩnh mạch. Nó thường không có triệu chứng liên quan ngoại trừ chảy máu thường xuyên. Laser PDL là loại laser được sử dụng phổ biến nhất cho các hồ tĩnh mạch vì điều trị nhanh và ít xâm lấn, thường không đau với chảy máu ít ngay sau khi làm thủ thuật. Laser nhuộm xung cho kết quả thẩm mỹ với ít sẹo nhất. Laser Nd: YAG cũng được sử dụng điều trị các hồ tĩnh mạch với tỷ lệ thành công cao.

POIKILODERMA

Đây là một tình trạng da mỏng và tăng sắc tố thường gặp ở phụ nữ. Da có thể chuyển sang màu đỏ hoặc xanh và phần lớn ảnh hưởng đến cổ. Poikiloderma cũng thường liên quan với giãn mao mạch. Laser tốt nhất cho poikiloderma là laser PDL (xem Hình 5) vì những thay đổi của da ở bề mặt nông và phân tán. Laser PDL cho hiệu quả điều trị với ít bị sẹo và kết quả tốt về mặt thẩm mỹ.

Kaposi Sarcoma thường biểu hiện dưới dạng nhiều tổn thương da nổi, màu tím. Đây là một khối u ác tính gây ra bởi Human Herpesvirus 8.

Laser có thể được sử dụng trong các trường hợp cụ thể của Kaposi sarcoma, vì chúng chỉ điều trị tổn thương da và không tác động cơ quan ngoài da. Loại laser được lựa chọn là PDL, được nghiên cứu rộng rãi nhất để sử dụng trong Kaposi sarcoma [4]. PDL đặc biệt hữu ích cho các tổn thương đơn độc. Mặc dù không được sử dụng phổ biến, kết quả thành công cũng đã được báo cáo với laser Nd: YAG.

THỰC HIỆN THỦ THUẬT

Điều trị laser nhiều lần sẽ ít gặp các vấn đề như đau, chảy máu và sẹo, thời gian phục hồi nhanh. Thời gian thực hiện thủ thuật khác nhau từ vài phút đến một vài giờ, tùy thuộc vào thủ thuật cụ thể. Bệnh nhân có thể tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện, có thể không cần gây tê để giảm đau. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu đeo kính bảo vệ mắt. Chảy máu có thể xảy ra trong hoặc sau khi làm thủ thuật, và bạn có thể bị đau hoặc khó chịu. Như các thủ thuật khác, luôn có nguy cơ nhiễm trùng. Dù laser ít xâm lấn hơn phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể có một số vết sẹo tùy thuộc vào mức độ tổn thương và loại laser được sử dụng. Nhiều thủ thuật có kết quả ngay lập tức, nhưng một số có thể mất vài tuần để lành hoàn toàn.

KẾT LUẬN

Laser có thể điều trị nhiều loại các tổn thương mạch máu ở da bằng cách nhắm mục tiêu là các mạch máu bên dưới da. Điều chỉnh các thông số dựa trên loại da và loại tổn thương sẽ cho phép có kết quả tốt nhất. Có thể mất nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn tổn thương và một số trường hợp chỉ có thể cải thiện một phần.

KHUYẾN NGHỊ

Chủ động điều trị. Tổn thương mạch máu của da có kết quả lâu dài tốt hơn nếu được điều trị sớm và hiệu quả, đặc biệt là nếu là tổn thương bẩm sinh.

Cùng theo dõi với bác sĩ. Trẻ sơ sinh bị tổn thương mạch máu gần mắt, môi, mũi và đáy chậu có nguy cơ cao bị các biến chứng tiềm ẩn như bệnh tăng nhãn áp và nên tìm cách điều trị sớm.

Dùng kem chống nắng hàng ngày, đặc biệt là các khu vực bị ảnh hưởng trước khi làm thủ thuật.

Sau thủ thuật, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều và tránh bơi cho đến khi vết thương hoàn toàn lành.

Cùng theo dõi với bác sĩ để đánh giá sự thành công của điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Alster T. S., Wilson F. Treatment of port-wine stains with the flashlamp- pumped pulsed dye laser: extended clinical experience in children and adults. Ann. Plast. Surg., 1994; 32(5):478-484.

Yu D. Y., Chen H. C., Chang S. Y., Hsiao Y. C., Chang C. J. Comparing the Effectiveness of 1064 vs. 810 nm Wavelength Endovascular Laser for Chronic Venous Insufficiency (Varicose Veins). Laser Ther., 2013; 22(4):247-253. 

Fekrazad R., Nokhbatolfoghahaei H., Khoei F., Kalhori K. A. Pyogenic Granuloma: Surgical Treatment with Er:YAG Laser. J. Lasers Med. Sci., 2014; 5(4):199-205.

Bassi A., Bonan P., Cannarozzo G., et al. New successful treatment of genital AIDS-related Kaposi's sarcoma resistant to systemic therapy with 595-nm pulsed dye laser. G. Ital. Dermatol. Venereol., 2011; 146(6): 507-508.