Ong đen là Ong gì

(HBĐT) - Hồi còn nhỏ, nỗi thèm thuồng lớn nhất của những đứa trẻ quê nghèo như chúng tôi là những cây kem, viên kẹo. Một trăm đồng mua được hẳn 10 viên kẹo cốm màu xanh thơm nức mà không có tiền mua. Mỗi buổi trưa, chiếc xe kem đi qua với tiếng mời gọi kêu vang khắp xóm trên, làng dưới như một sự quyến rũ không thể nào ngồi yên. Chị em tôi lục đục đi tìm dép rách, chai thủy tinh cũ không dùng để đổi. Có chai, dép rách đổi được 1 hoặc 2 que kem, may mắn sẽ được mỗi người 1 que còn nếu không 3 chị em tôi ăn chung một que và nếu không có gì đổi, chúng tôi đành nuốt nước miếng nhìn sự tươi mát ấy đi qua những rặng tre để cho cơn thèm thuồng nhỏ dần theo tiếng xe kem trong mỗi trưa nắng vàng.

Chúng tôi chỉ mong đến đầu hè, khi hoa mướp, hoa bí đã vàng rộ khắp giàn là lúc những con ong đen làm mật. Chúng là cỗ máy sản xuất những viên kẹo thần kỳ. Lúc còn nhỏ, chúng tôi vẫn thường nghĩ như vậy. Mật ong đen là một thứ quà của tự nhiên mà bọn trẻ quê chúng tôi mê tít. Nó ngon và ngọt hơn kẹo cốm mà lại không phải mất tiền mua, chỉ cần dãi nắng một chút (mà đứa trẻ quê nào chả dãi nắng suốt một thời tuổi thơ). Những “viên kẹo” đẫm mồ hôi tuổi thơ ấy thơm và ngọt đến lạ lùng.

Ong đen chỉ sinh sản và làm mật vào đầu hè trong các ống tre, nứa, cây gỗ mục... Chúng có thân hình lớn hơn các loại ong khác nhưng chẳng hung dữ chút nào. Mỗi khi bay, ong trông giống hệt một chiếc máy bay phản lực mini màu xanh đen biêng biếc kêu ù ù. Chúng là con vật thụ phấn chủ yếu cho những giàn bầu, bí, mướp. Người quê tôi thường gọi chúng là con mù. Chẳng biết sao lại gọi vậy, chắc là vì khi bay, khi bị đánh động vào tổ, chúng thường phát ra tiếng kêu ù ù hay bởi chúng sống trong ống tre, nứa tối mù, tối mịt…

Vào những trưa hè oi ả, khi người lớn đã ngủ, chúng tôi lại rủ nhau trốn đi tìm mật ong đen quanh hàng rào trong xóm. Đó như là một cuộc đi săn nho nhỏ, nhẹ nhàng nhưng rất thú vị. Chiến lợi phẩm lại có thể đưa lên miệng thưởng thức ngay được. Để tìm mật chỉ cần tinh mắt nhìn vào các ống nứa bắc ngang hàng rào, ống nào có ong làm mật sẽ có một lỗ nho nhỏ bằng đầu ngón tay. Khi đó chỉ cần lấy dao cẩn thận chẻ ống nứa ra, nếu có ong thì gõ nhẹ vào ống, ong bay đi (ong đen thường không hung dữ bảo vệ tổ như các loài ong khác). Đôi lúc, chúng tôi cũng tò mò bắt một con để xem cỗ máy sản xuất kẹo này có gì đặc biệt. Toàn thân chúng có màu đen tuyền phủ lớp lông mềm mịn, cánh có màu lam tím óng ánh, đặc biệt, chúng có những đôi chân to bè để đựng phấn hoa. Mỗi lần chẻ ống nứa như mở một kho báu vậy, có rất nhiều viên kẹo mật trong ống. Những viên kẹo màu vàng ươm, rất thơm, đưa vào miệng mới cảm nhận hết được vị thơm, ngọt và ngậy của mật. Mật ong đen thơm hơn mật ong rừng, thành từng viên, có thể lấy và ăn ngay. Không được ăn nhiều cùng một lúc nên chúng tôi thường gói mang về ăn đến mấy ngày hôm sau hoặc mang đổi lấy mẩu bút chì, viên phấn, cục tẩy nho nhỏ. Sau những trao đổi ấy là nụ cười tươi rói và chúng tôi lại cùng nhau thưởng thức vị ngọt thơm của mật ong. Những viên kẹo mật ấy giúp những đứa trẻ chúng tôi thân thiết với nhau và đỡ xuýt xoa, thèm thuồng mỗi khi xe kem qua. Thật tuyệt vời làm sao!

Còn nhớ có lần, bố tôi bảo đi bắt ong về cho bố ngâm rượu làm thuốc chữa bong gân. Đó là lần đầu tiên không phải trốn như mọi ngày, ấy vậy mà tôi bị ong đốt ngay đầu ngón tay, bàn tay sưng vù cả tuần mới khỏi. Những ngày đó, tôi làm mình, làm mẩy đòi kem mỗi khi có xe kem đi qua. Bố cũng chịu, đành ngậm ngùi nhìn từng chai thủy tinh còn đang sử dụng đi theo bác xe kem khuất sau những rặng tre già. Sau đó, bố lại nở nụ cười hiền từ nhìn 3 chị em tôi cùng ăn chung một que kem.

Một đợt có mấy người ở xa đến mua ong đen. Nghe nói là mua về ngâm thuốc chữa bệnh gì đó. Năn nỉ mãi bố mới cho mấy chị em tôi đi bắt ong, cũng vì buổi chiều nên không nắng lắm. Buổi chiều là lúc ong ở trong tổ, không đi lấy mật. Lũ trẻ trong xóm tôi lại hùa nhau đi tìm ong đen, vừa được ăn mật, vừa có ong để bán. Cứ 10 chú ong bán được 100 đồng. Chúng tôi lại ríu rít bên những hàng rào chi chít gai tre không chỉ để tìm mật mà còn bắt ong. Năm đó, những giàn mướp, bầu, bí xóm tôi hầu như không có quả vì không có ong đen thụ phấn. Nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt mẹ tôi. Bao nhiêu công chăm bón, đợi ngày ra hoa kết quả, những bông hoa cứ héo đi trong nắng mà không đậu quả, chỉ những chiếc lá cứ mơn mởn xanh. Không ngờ niềm vui nho nhỏ của bọn trẻ chúng tôi lại vô tình ảnh hưởng lớn đến vậy. Bẵng đi một thời gian, người ta không đến mua, chúng tôi cũng không còn đi kiếm mật ong ăn nữa. Những con ong từ đâu bay đầy giàn mướp, giàn bí, thụ phấn cho hoa, giàn lại lúc lỉu những quả.

Giờ đây, mỗi khi hè về, nhìn những giàn mướp hoa vàng thấp thoáng ong đen hút mật lại thấy nhớ tuổi thơ, nhớ những viên kẹo trưa nắng ngọt lịm nơi đầu lưỡi, tan ra như tiếng xe kem nhỏ dần sau những rặng tre già.

                                                                               B.Đ.T

                                                           (Báo Văn nghệ Hòa Bình)

Đặc điểm phân bố và cuộc sống của cư dân văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Văn hóa Hòa Bình (VHHB) là nền văn hóa thời đại đồ đá, được nhà khảo cổ học nữ người Pháp Madeleine Colani phát hiện và đặt tên từ những di tích hang động tìm thấy trong vùng núi đá vôi tỉnh Hòa Bình. Về phân bố, VHHB không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà phân bố rất rộng ở Đông Nam Á lục địa, kéo dài từ Nam Trung Quốc đến đảo Sumatra (Indonesia), Miến Điện và Philippines. Ở Việt Nam, VHHB phân bố phần lớn ở tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, chiếm trên 80% tổng số di tích của văn hóa này. Phần còn lại phân bố rải rác ở các tỉnh: Thái Nguyên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Cộng tác viên, thông tin viên - tâm huyết, trách nhiệm, bền bỉ đồng hành cùng báo Đảng bộ tỉnh

(HBĐT) - Sau thời kỳ tái lập tỉnh (tháng 10/1991), trụ sở Báo Hòa Bình tại làng chuyên gia Sông Đà, thực sự là "ngôi nhà báo chí” của các nhà báo và cộng tác viên (CTV), thông tin viên (TTV) tâm huyết tỉnh nhà. Thời điểm đó, ngoài 4 nhà báo từ Báo Hà Sơn Bình "ngược núi” trở về xây dựng Báo Hòa Bình (gồm nhà báo Bùi Ỉnh, Trần Sĩ Thập và các cố nhà báo Bùi Tiến Thịnh, Lê Thưởng), số phóng viên còn quá ít ỏi thì các tin, bài, ảnh của CTV, TTV từ các huyện, thị trong tỉnh và các sở, ban, ngành gửi cho Báo thực sự quý giá.

Huyện Lạc Sơn: Bảo đảm hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đúng pháp luật

(HBĐT) - Hiện nay, huyện Lạc Sơn có 9/24 xã, thị trấn có người theo tôn giáo, trong đó, đạo Công giáo có 19 xóm, phố với 700 hộ gia đình, 2.940 tín đồ; không có đạo lạ, đạo khác; dân tộc Mường chiếm 97,03%, còn lại là dân tộc Kinh, chủ yếu là đồng bào ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình lên khai hoang từ năm 1960.

Chuyên trang tiếng Mường Báo Hòa Bình điện tử - Bảo tồn và quảng bá văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Theo các nghiên cứu, dân tộc Mường là 1 trong 26 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa có chữ viết chính thức. Điều này khiến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường gặp không ít khó khăn, nhiều bản sắc riêng dần phai nhạt. Đầu năm 2017, khi Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được ban hành đã mở ra một giai đoạn mới cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Mường.

Chủ đề