Những chính sách mới năm 2023

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Thông tư số 47/2022/TT-BTC quy định, xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, các Luật có liên quan; các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.

Đồng thời, tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII). Ưu tiên nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở ở những nơi cần thiết, cấp bách; tăng cường thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, đổi mới việc thực hiên cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiết giảm chi phí.

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Thông tư số 47/2022/TT-BTC cũng hướng dẫn cụ thể về dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công.

Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ tiết kiệm chi thường xuyên và một phần thu sự nghiệp theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Các cơ quan, đơn vị hành chính ở trung ương đang áp dụng cơ chế đặc thù, dự kiến quỹ lương mới theo cơ chế được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu có) hoặc theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời báo cáo cụ thể các tác động tăng, giảm so với quỹ lương hiện hành và khả năng cân đối từ các nguồn được để lại.

Các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó, phải tự đảm bảo phần tiền lương tăng thêm phù hợp với mức tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên của đơn vị. Các địa phương tổng hợp, báo cáo dự toán chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 để thực hiện cải cách tiền lương.

Đối với kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công, các bộ, cơ quan căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được giao thực hiện lập dự toán chi theo chế độ nhà nước quy định.

Tăng lương tối thiểu vùng theo tháng

Ngày 12/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7.

Mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% tương ứng với mức lương 180.000 đồng - 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng theo tháng từ 01/7/2022 sẽ được áp dụng như sau vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, tăng 260.000 đồng từ mức hiện nay là 4.420.000 đồng/tháng. Vùng II ở mức 4.160.000 đồng/tháng, tăng 240.000 đồng so với mức 3.920.000 đồng/tháng hiện nay. Vùng III ở mức 3.640.000 đồng/tháng, tăng 210.000 đồng so với mức hiện tại là 3.430.000 đồng/tháng. Vùng IV ở mức 3.250.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng so với mức hiện nay là 3.070.000 đồng/tháng.

Nhà thầu xây dựng phải mua bảo hiểm cho bên thứ ba

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 119/2015 về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng là trách nhiệm mua bảo hiểm của nhà thầu xây dựng.

Theo đó, từ ngày 1/7, nhà thầu thi công xây dựng ngoài việc phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường như trước đây, còn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:

- Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỉ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

- Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỉ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỉ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử

Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7. Theo đó, hoá đơn giấy truyền thống chỉ được sử dụng đến hết ngày 30/6 và từ 1/7, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng ngừng sử dụng hóa đơn thì đăng ký sử dụng HĐĐT (bao gồm cả đăng ký HĐĐT bán tài sản công, HĐĐT bán hàng dự trữ quốc gia) thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT.

Trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ thì có thể đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua hai phương thức. Cụ thể, đăng ký qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc đăng ký qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT được Tổng cục Thuế ủy thác cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ.

Trường hợp doanh nghiệp là tổ chức kết nối chuyển dữ liệu HĐĐT theo hình thức gửi trực tiếp đến cơ quan thuế thì đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Điểm thi đại học càng cao được cộng điểm ưu tiên càng ít

Quy chế tuyển sinh đại học mới ban hành kèm 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 22/7. Thông tư này có nhiều thay đổi đáng chú ý về chế độ cộng điểm ưu tiên cho thí sinh.

Cụ thể, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ được được xác định điểm ưu tiên theo công thức:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. Như vậy, nếu tính điểm ưu tiên theo quy chế thi mới, thi sinh có tổng điểm càng cao thì càng được cộng ít điểm ưu tiên hơn. Ngoài việc giảm điểm ưu tiên cho các thí sinh có tổng điểm thi trên 22,5 điểm, quy chế thi mới còn giới hạn thời gian hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực từ năm 2023.

Theo đó, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và thêm 1 năm kế tiếp. Thí sinh thi lại sau 2 năm tốt nghiệp THPT không còn được cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học nữa.

Tăng mức phạt vi phạm về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Ngày 6/6, Chính phủ ban hành 37/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, có hiệu lực từ ngày 22/7.

Trong đó, Nghị định 37 sửa đổi Nghị định 120/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu với nhiều điểm mới về mức phạt khi vi phạm trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe NVQS của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện mà không có lý do chính đáng (hiện nay quy định mức phạt từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng).

Tăng mức phạt từ 2-4 triệu đồng lên mức từ 15 - 20 triệu đồng đối các hành vi nhằm trốn tránh NVQS dưới đây: Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh NVQS;  Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe NVQS nhằm trốn tránh NVQS (Hiện không quy định mức tiền dưới 2 triệu đồng).

Đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe NVQS của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật NVQS mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 12 – 15 triệu đồng./.