Nguyên nhân dẫn đến béo phì ở trẻ

Trẻ béo phì thường có nguy cơ mắc cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa máu. Vì vậy mẹ cần nhận biết và điều trị sớm. Vậy nguyên nhân béo phì ở trẻ em là gì, dấu hiệu nhận biết ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau của Fitobimbi.

  • Trẻ bị béo phì phải làm sao? 9 cách giảm cân hiệu quả
  • 7 tác hại của béo phì ở trẻ em đối với sức khỏe

Trẻ em béo phì là gì?

Theo WHO, thừa cân béo phì ở trẻ hiện là vấn nạn toàn cầu với khoảng 110 triệu trẻ mắc. Số trẻ thừa cân ở Châu Á- Thái Bình Dương cũng tăng lên nhanh chóng trong những năm qua.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng gia tăng đặc biệt trong những năm gần đây, nhất là khu vực thành phố. Các chuyên gia gọi đây là tình trạng “báo động đỏ” cần có biện pháp can thiệp kịp thời. Vậy thừa cân béo phì ở trẻ là gì? Để giúp các mẹ hiểu hơn về khái niệm này, WHO đưa ra tiêu chí xác định như sau:

  • Người được gọi là thừa cân khi có chỉ số cân nặng vượt mức cho phép so với chiều cao
  • Người được gọi là béo phì khi có lượng mỡ tích tụ quá mức tại một số vùng trên cơ thể hoặc toàn thân, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe
Trẻ béo phì đang có xu hướng gia tăng

Riêng với trẻ em, WHO đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì dựa vào chỉ số BMI hoặc bảng chiều cao cân nặng của bé. Tuy nhiên, để đánh giá đúng tình trạng béo phì bố mẹ nên đưa các bé đi khám nếu có dấu hiệu như sau: tăng cân quá mức so với chiều cao, mỡ ở ngực, nách, bụng, đùi dày.

Vì sao trẻ em ngày nay hay bị béo phì? 5 nguyên nhân chính

Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ngày càng có sự gia tăng. Vậy tại sao trẻ em ngày nay hay bị béo phì? Hãy cùng điểm qua những nguyên nhân chính trong phần viết sau.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Nguyên nhân béo phì ở trẻ em phần lớn là do chế độ ăn uống. Theo thống kê, có đến 70% trẻ bị béo phì là do tiêu thụ đồ ăn có đường quá cao.

Thêm vào đó, các thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ cũng là nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì bởi chúng có lượng calo rất lớn. Khi lượng calo đi vào cơ thể vượt mức tiêu thụ bình thường, sẽ làm kho mỡ của bé tăng lên, dần dần tích tụ dẫn đến béo phì.

Một ví dụ đơn giản cho chế độ ăn sai cách dẫn đến béo phì đó là bữa trưa với gói mì tôm thêm 2 quả trứng và 1 quả dưa leo. Tính riêng calo của một gói mì đã là 600, chưa kể thực phẩm ăn kèm. Trong khi đó, năng lượng mà ta tiêu thụ 1 giờ cho chạy bộ là khoảng 655 calo. Vì vậy dù tập thể dục nhưng nếu cho bé ăn uống không có kiểm soát thì nguy cơ béo phì vẫn rất cao.

Chế độ ăn sai cách khiến bé béo phì

Thói quen lười vận động

Sự phát triển của truyền hình, internet và các thiết bị hiện đại đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của trẻ. Thay vì hoạt động ngoài trời, bé sẽ dành nhiều thời gian để xem tivi, điện thoại. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ xem truyền hình nhiều hơn 1 tiếng/ ngày sẽ có chỉ số BMI cao hơn bé khác.

Đây là nguyên nhân gây ra béo phì. Bởi nếu không có hoạt động thể chất, trẻ sẽ không thể tiêu thụ được nguồn năng lượng nạp vào mỗi ngày. Hơn nữa, các bé thường có cảm giác thèm ăn mạnh mẽ khi xem tivi. Thói quen vừa ăn vừa xem khiến con không kiểm soát nổi lượng thức ăn vào.

Yếu tố di truyền

Nguyên nhân béo phì ở trẻ em có thể là do yếu tố di truyền. Theo các nghiên cứu khoa học trẻ có bố hoặc mẹ béo phì nguy cơ thừa cân là khoảng 50%. Nếu cả bố mẹ thừa cân thì con cái họ có 80% nguy cơ béo phì. So sánh trên cặp song sinh cùng trứng, các nhà khoa học cũng thấy mối liên hệ tương đồng về tỉ lệ mỡ trên cơ thể dù 2 bé nuôi dưỡng trong những môi trường khác nhau.

Thiếu ngủ

Vì sao trẻ em ngày nay hay bị béo phì? Đáp án không thể bỏ qua đó là tình trạng thiếu ngủ. Nghiên cứu của đại học Brandeis- Mỹ cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa béo phì và thức khuya. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi thiếu ngủ khả năng đáp ứng insulin của cơ thể bị giảm xuống 16%, độ nhạy của tế bào mỡ ở dạ dày với insulin giảm 30%. Điều này nếu để kéo dài sẽ khiến lượng mỡ bên trong cơ thể tăng cao, gây ra béo phì.

Không chỉ thế, thức khuya còn là nguyên nhân thúc đẩy thói quen ăn đêm ở trẻ. Với các món ăn được chế biến sẵn như bánh quy, bánh ngọt, snack thì lượng calo tích tụ ngày càng tăng lên.

Trẻ thiếu ngủ, ăn đêm nhiều dễ tăng cân

Khả năng đào thải nước của cơ thể thấp

Nguyên nhân béo phì ở trẻ em có thể bắt nguồn từ chính yếu tố nội tại. Theo chuyên gia, một số bé có chức năng loại bỏ các chất độc hại cũng như lượng nước dư thừa rất kém. Điều này kéo dài sẽ gây ứ đọng, phù nề. Vì vậy nếu bé giảm cân, ngoài việc tập thể dục nhiều mẹ nên cho bé ăn nhiều thức ăn lợi tiểu, tiêu sưng chẳng hạn như mướp, cần tây.

Do yếu tố bệnh lý

Sử dụng thuốc hoặc mắc một số căn bệnh lý cũng là nguyên nhân béo phì ở trẻ em hiện nay. Cụ thể:

  • Béo phì do suy giáp: Suy giáp là bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi. Bệnh khiến bệnh nhân tăng cân dù ăn không nhiều, thậm chí nặng hơn có thể gây phù toàn thân do lớp sừng bị phát triển quá mức
  • Béo phì do suy tuyến thượng thận: Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả trẻ em và người trưởng thành do tuyến thượng thận không thể sản xuất cortisol đủ cho cơ thể. Từ đó, gây ra rối loạn chuyển hóa và là nguyên nhân béo phì, thừa cân
  • Béo phì do tổn thương não: Não bộ tổn thương vùng dưới đồi hoặc bị viêm não cũng gây béo phì. Tuy nhiên nếu bị béo phì do bệnh về não, trẻ thường thiểu năng trí tuệ hoặc gặp triệu chứng thần kinh khu trú

Ảnh hưởng từ gia đình

Bố mẹ chính là tấm gương để trẻ quan sát, học hỏi. Vì thế nếu bố mẹ ít hoạt động thể thao con cái cũng không yêu thích vận động. 

Bên cạnh đó, thói quen ăn uống của gia đình cũng sẽ ảnh hưởng một phần tới bé Trong khoảng 15 năm đầu, chế độ ăn của trẻ hầu hết do mẹ quyết định. Vì thế những sai lầm trong cách nuôi dưỡng sẽ góp phần hình thành thói quen ăn uống không kiểm soát ở trẻ. Lâu ngày gây ra hội chứng béo phì, thừa cân.

Biểu hiện của bệnh béo phì ở trẻ em

Ngoài việc thắc mắc tại sao trẻ em ngày nay hay bị béo phì, các bậc phụ huynh còn quan tâm đến dấu hiệu nhận biết. Theo chuyên gia các triệu chứng bệnh béo phì ở trẻ em gồm có:

Trẻ luôn thèm ăn và ăn liên tục

Dấu hiệu của bệnh béo phì ở trẻ đầu tiên mà mẹ có thể nhận thấy đó là tình trạng thèm ăn liên tục. Không thể phủ nhận rằng khi nuôi con, ai cũng mong muốn các bé ăn nhanh, ăn nhiều, đòi ăn. Tuy nhiên khi khẩu phần ăn mỗi ngày tăng lên mẹ phải cực kỳ lưu ý. Tình trạng này nếu đến nhanh chóng và có chiều hướng kéo dài liên tục thì cần thận trọng với bệnh béo phì.

Trẻ béo phì đòi ăn liên tục

Trẻ thích ăn đồ ngọt và chứa nhiều chất béo

Trẻ nhỏ vốn thích ăn vặt nhất là các loại bánh kẹo, đồ ngọt khác nhau. Nhưng nếu mẹ thấy con ăn vặt nhiều, đồ ăn toàn là những thứ chứa nhiều chất béo thì hãy cẩn trọng.

Mặc dù trẻ nhỏ cần nhiều chất béo để cho cơ thể cũng như não bộ phát triển. Nhưng khi dư thừa nó sẽ gây ra tác hại rất lớn với sức khỏe cũng như làm chậm tư duy so với bạn bè trang lứa

Trẻ lười và không thích ăn rau

Cũng là dấu hiệu của bệnh béo phì ở trẻ. Theo chuyên gia, những trẻ không ăn rau thường bị béo phì do khẩu phần ăn không được cân đối mà thường nghiêng về chất tạo năng lượng. Rau củ, trái cây là những thực phẩm không thể thiếu cho sự phát triển của bé. Thực phẩm này chứa nhiều chất xơ và ít calo. Vì thế bố mẹ nên khuyến khích bé ăn nhiều rau xanh thay vì đồ ngọt, chất béo, nhiều đường.

Trẻ hay thức khuya, ăn tối muộn

Mọi người vẫn lầm tưởng rằng khi trẻ ngủ nhiều mới dễ bị béo. Nhưng điều này lại không đúng lắm với trẻ thức khuya và ăn tối muộn. Theo chuyên gia, trẻ thức khuya thường có thói quen ăn đêm. Chính việc làm này đã khiến cho phần năng lượng không thể tiêu hoa, gây ra mỡ thừa.

Tăng cân nhanh

Là biểu hiện của bệnh béo phì ở trẻ em dễ nhận biết nhất. Khi số cân nặng của bé cao hơn 20% mức độ bình thường mẹ hãy nghĩ ngay đến việc thừa cân. Ngoài ra nếu quan sát kỹ mẹ sẽ nhận thấy trẻ thừa cân thường có nhiều mỡ ở vùng cằm, đùi, cánh tay, hai bên ngực. Không chỉ thế, việc đi lại cũng như hoạt động của bé diễn ra khó khăn hơn mức bình thường.

Tăng cân vượt chuẩn là dấu hiệu của béo phì

Cách phòng chống, hạn chế tình trạng béo phì ở bé

Tùy vào nguyên nhân, độ tuổi và độ béo phì mà mẹ có thể áp dụng biện pháp cải thiện dưới đây.

  • Xây dựng thói quen ăn uống khoa học: Chế độ dinh dưỡng hợp lý là biện pháp để giảm thiểu nguy cơ béo phì. Theo đó mẹ nên bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất sau như tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ưu tiên hoa quả, sữa chua không đường đồng thời khuyến khích các bé ăn nhiều rau xanh
  • Khuyến khích vận động: Vận động là cách giúp bé phát triển chiều cao, duy trì cân nặng phù hợp. Không chỉ thế các hoạt động thể chất còn giúp tiêu trừ calo, giảm thiểu béo phì. Do đó mỗi ngày mẹ nên dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng cho bé đá bóng, nhảy dây, bơi lội,…
  • Theo dõi phát triển của bé: Bố mẹ cần phải thường xuyên theo dõi chỉ số cân nặng chiều cao của bé để có biện pháp can thiệp kịp thời. Tránh việc thừa cân hoặc suy dinh dưỡng so với bạn bè trang lứa
  • Bỏ thói quen vừa ăn vừa đọc hoặc xem tivi: Bố mẹ cần phải hạn chế cho bé vừa ăn vừa xem tivi. Bởi vì điều này có thể dẫn đến việc mất kiểm soát thức ăn dung nạp vào người

Thừa cân, béo phì ở trẻ là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Việc xác định rõ nguyên nhân béo phì ở trẻ em cũng như dấu hiệu nhận biết sẽ giúp mẹ lên kế hoạch phòng ngừa hiệu quả.

Nên đọc thêm:

  1. Trẻ mấy thâng biết bò? Cách dạy bé tập bò hiệu quả
  2. Hướng dẫn sử dụng tủ đông trữ sữa mẹ đúng cách an toàn 
  3. Bé nóng đầu nhưng không sốt là hiện tượng gì? Xử lý ra sao?

Chủ đề