Nguyên nhân bán thuốc không cần đơn

Người dân muốn mua thuốc nhanh chóng, không muốn phiền hà, mất thời gian đi khám bệnh để được bác sĩ kê đơn, người bán thì vì lợi nhuận nên bỏ qua mọi quy định. Điều này dẫn đến việc mua bán thuốc không theo đơn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.

Thông tư số 07/2017/TT-BYT, ngày 30/5/2017 quy định rõ hai danh mục thuốc được bán tại các nhà thuốc đó là các loại thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sĩ vàc các loại thuốc bán không cần đơn thuốc. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách công khai, dễ dàng, không cần bất kỳ đơn thuốc nào. Đây là vấn đề nan giải trong cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng.

Điều mà bất kỳ ai cũng dễ nhận thấy nhất là thuốc được mua, bán chủ yếu dựa theo cảm quan và nhu cầu của người mua. Phần đông, người dân khi mắc bệnh lặt vặt hoặc có biểu hiện như ho, sổ mũi, cảm cúm, tiêu chảy… đều tự tìm đến các quầy thuốc tây để nhờ tư vấn và lấy thuốc trị bệnh chứ không đi khám bệnh để được chẩn đoán bệnh, kê đơn đúng loại thuốc và liều lượng cần thiết.

Tìm hiểu tại một số quầy bán thuốc tư nhân trên địa bàn thành phố Kon Tum, chúng tôi ghi nhận việc mua, bán thuốc diễn ra rất dễ dàng như thể trao đổi một món hàng thông thường. Hầu hết, người đến mua chỉ cần nói các chứng bệnh, các nhân viên bán thuốc sẽ hỏi “muốn uống trong mấy ngày”; nếu người bán nào có tâm lắm thì hỏi thêm “có bị đau dạ dày hay không”, sau đó thì lấy thuốc mà không cần bất cứ một loại giấy tờ nào liên quan đến chỉ định của bác sĩ. Ngay cả những loại thuốc kháng sinh như penicillin, cephalexin, amoxicillin… hay các loại thuốc giảm đau, biệt dược cũng được bán một cách thoải mái, tùy tiện.

Theo một người bán thuốc tiết lộ, thỉnh thoảng mới có một vài người mang theo đơn đi mua thuốc, còn chủ yếu là theo nhu cầu. Vẫn biết, có nhiều loại thuốc phải bán theo đơn nhưng nếu cứ yêu cầu người mua phải có đơn mới bán thì sẽ rất khó, người ta sẽ đi chỗ khác để mua. Muốn làm được điều này thì tất cả các nhà thuốc đều phải tuân thủ chứ cứ chỗ làm, chỗ không thì chắc chắn sẽ không thể thực hiện được.

Nguyên nhân bán thuốc không cần đơn
Một điểm bán thuốc Tây trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ảnh: TH

Ông Hoàng Văn Bích - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế) chia sẻ: “Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Hệ lụy từ việc dùng thuốc vô tội vạ, nhất là kháng sinh rất rõ, đó là không những không trị được bệnh mà tạo điều kiện cho các vi khuẩn có khả năng kháng thuốc (hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh) gây nguy hiểm cho người bệnh. Ngoài ra, sử dụng thuốc không đúng còn gây ra các tác dụng phụ, phản ứng phụ như gây suy gan, suy thận, các rối loạn khác trong cơ thể…”.

Nguy hiểm là vậy, nhưng dường như cả người bán lẫn người mua thuốc đều đang phớt lờ, bỏ qua mọi yêu cầu cần thiết. Nguyên nhân là nhiều người dân có tâm lý ngại đi khám bệnh, thiếu hiểu biết về việc dùng thuốc thế nào cho khoa học nên cứ ốm là tự tìm đến các quầy thuốc để nhờ tư vấn hoặc dựa theo thông tin quảng cáo, kinh nghiệm rồi mua thuốc uống. Người bán thì vì lợi nhuận mà thờ ơ, dửng dưng với sức khỏe người bệnh, cố tình “xé rào” để bán thuốc bất chấp các quy định. Mặt khác, chế tài xử lý đối với hành vi bán thuốc theo danh mục phải kê đơn mà không có đơn thuốc chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này tràn lan - ông Hoàng Văn Bích cho biết.

Toàn tỉnh hiện có 37 nhà thuốc và 257 quầy bán lẻ thuốc phủ kín từ thành phố đến các vùng nông thôn. Với mạng lưới cơ sở bán thuốc nhiều như thế này giúp đáp ứng tốt nhu cầu mua và sử dụng thuốc của người dân, thế nhưng, điều đó cũng dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, nhất là việc bán thuốc theo đơn.

Theo ngành Y tế, vi phạm quy định bán thuốc theo đơn của nhiều cửa hàng, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh thấy rõ. Tuy nhiên, để “bắt tận tay” hành vi sai phạm thì lại không hề dễ dàng. Bởi, các nhà thuốc có rất nhiều “mánh khoé” để qua mặt lực lượng chức năng như khi kiểm tra họ sẽ dừng ngay việc bán thuốc không theo đơn, nhưng sau đó thì mọi việc lại vẫn đâu hoàn đó.

Để chấn chỉnh việc bán thuốc không theo đơn thuốc, từ năm 2018, Sở Y tế đã triển khai thực hiện “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là bắt buộc các nhà thuốc thực hiện kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia nhằm góp phần giúp người dân tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng; đồng thời, nâng cao hơn hiệu quả quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý… Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định bán thuốc theo đơn thuốc của các chủ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như hiểu biết của người dân về việc sử dụng thuốc. Mặc dù những việc làm này đã tạo được chuyển biến bước đầu, nhưng vẫn chưa thực sự rõ nét và thực trạng bán thuốc không theo đơn vẫn đang diễn ra tràn lan.

Có thể thấy, việc mua và dùng một cách tùy tiện, nhất là các loại thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc để chấn chỉnh hoạt động bán thuốc của ngành chức năng thì mỗi người dân cần tự ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình, chỉ nên sử dụng thuốc khi có đơn chỉ định của thầy thuốc.   

Thiên Hương