Nghệ thuật thần tốc, táo bạo, bất ngờ được vận dụng trong chiến dịch nào

QĐND - Đầu tháng 4-1975, sau gần một tháng Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giải phóng 16 tỉnh và 5 thành phố: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, cùng nhiều quận lỵ, chi khu, yếu khu quân sự thuộc miền Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng giải phóng được mở rộng, âm mưu co cụm chiến lược của địch ở các tỉnh duyên hải miền Trung bị phá sản.

Trước thời cơ hết sức thuận lợi, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt. Lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và thế chiến lược của ta đã áp đảo mạnh quân địch. Quân đội Sài Gòn đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Mỹ đã bất lực, dù có can thiệp cũng không thể cứu vãn nổi đội quân tay sai. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”.

Quân Giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4-1975. Ảnh tư liệu.

Đó là một phương châm chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta khi thời cơ đến trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xét toàn bộ cuộc chiến tranh, trên cơ sở đánh lâu dài, đánh địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, Đảng ta đã sáng tạo và nắm vững thời cơ, tranh thủ thời gian giành thắng lợi càng sớm càng tốt. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đảng ta, các tướng lĩnh chỉ huy chiến dịch luôn theo sát tình hình, giải quyết tài tình vấn đề chỉ đạo chiến lược, chọn đúng phương hướng tiến công, xác định đúng hình thức tác chiến và cách đánh linh hoạt, phát hiện thời cơ sau mỗi chiến dịch, để đôn đốc thực hiện việc tổ chức chiến đấu, giành thắng lợi nhanh chóng và triệt để. Khi thời cơ xuất hiện thì yêu cầu thần tốc trở thành một nội dung quan trọng mang tính cấp thiết trong phương châm chỉ đạo chiến lược, cũng như trong hành động quân sự của các lực lượng vũ trang.

Thần tốc và táo bạo luôn gây cho địch những bất ngờ lớn, đồng thời đánh bất ngờ thường đem lại thắng lợi mau lẹ. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, dân tộc ta thường phải chiến đấu với những kẻ thù xâm lược mạnh hơn, đông quân và tàn bạo thì việc vận dụng lối đánh bất ngờ là hết sức cần thiết.

Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, điều kiện tương quan lực lượng đã khác trước. Thế và lực quân ta vượt hẳn quân địch. Tập đoàn phòng ngự lớn bảo vệ Sài Gòn - Gia Định cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long của địch, tuy số lượng còn đông, nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã sút kém hẳn, đặc biệt tinh thần thất bại lan rộng ra cả binh lính và sĩ quan. Bộ chỉ huy đầu sỏ của địch dao động đến cực độ, mất lòng tin vào khả năng chống giữ của binh sĩ và thất vọng vì bị Mỹ “bỏ rơi”. Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào, thuận lợi đến đâu, thì bất ngờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi trong chiến tranh. Đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột là một bất ngờ lớn đối với địch dẫn tới sự tan rã dây chuyền nhanh chóng của chúng. Đòn thần tốc đánh chiếm căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng góp phần làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta để ta đẩy mạnh cuộc Tổng tiến công chiến lược, tập trung lực lượng áp đảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là một bất ngờ nữa mà địch tuy đã lường định, nhưng vẫn không phán đoán được. Chúng không thể ngờ rằng, ta đã sử dụng 5 quân đoàn và các đơn vị binh chủng kỹ thuật tiến theo 5 hướng khác nhau, trong đó có những mũi thọc sâu bằng các binh đoàn cơ giới. Chúng không ngờ ta đã huy động hơn 400 xe tăng, xe bọc thép làm lực lượng đột kích, cùng gần 500 khẩu pháo lớn và hơn nửa triệu tấn vật chất kỹ thuật tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Phương châm tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng không chỉ là bài học sâu sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định, mà còn chứng tỏ tài năng quân sự độc đáo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, của các Bộ tư lệnh chiến dịch và sự nỗ lực phi thường của quân và dân ta trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tá Trần Tiến Hoạt

Với tinh thần chỉ đạo của Đảng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò tham mưu xây dựng các lực lượng, tạo lực, tạo thế và thời cơ góp phần quan trọng cùng toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề hiện nay, Bộ Tổng Tham mưu cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 để hoàn thành tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta; đồng thời kết thúc vẻ vang sự nghiệp đấu tranh trường kỳ chống kẻ thù xâm lược kéo dài suốt 30 năm (1945 - 1975), giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện lịch sử đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(1).

Từ giữa năm 1973, khi Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang diễn ra, Bộ Tổng Tham mưu đã tập trung toàn lực chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi có “Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21”(2), “Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục chỉ đạo Tổ Trung tâm”(3) tiếp thu nội dung Nghị quyết để bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Theo đó, Kế hoạch được nghiên cứu rất công phu, có sự tham gia của đội ngũ cán bộ chủ chốt lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường và được bổ sung nhiều lần trước khi trình lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị. Từ thực tiễn trên các mặt trận và những ý kiến tham gia bổ sung của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương, hướng dẫn của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổ Trung tâm bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch và tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng vào cuối năm 1974, đầu năm 1975(4), Kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 đã được thông qua.

Đồng thời, với sự chỉ đạo các hoạt động tác chiến trên các mặt trận, những tháng cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng tổ chức thành lập thêm những binh đoàn, binh chủng hợp thành và một số đơn vị mới; tập trung xây dựng lực lượng chủ lực cơ động dự bị của Bộ; các quân khu phía Nam (từ Trị - Thiên đến Quân khu 9) kiện toàn về tổ chức, tăng cường trang bị kỹ thuật, vũ khí, đạn dược, khí tài công binh, thông tin...; các quân khu phía Bắc tập trung xây dựng, huấn luyện lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Đã tiến hành huấn luyện các binh đoàn chiến lược, các sư đoàn ở chiến trường; tổ chức một số cuộc diễn tập cấp sư đoàn, quân đoàn hiệp đồng binh chủng để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các chiến trường tăng cường các hoạt động tạo thế, lực và thời cơ, sẵn sàng dốc sức để giành thắng lợi.

Ngày 09/01/1975, sau khi đánh giá kỹ lưỡng tình hình mọi mặt, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công vào Nam Tây Nguyên, với mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột: “Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra với ba trận then chốt gần như đồng thời và liên tục”(5). Bộ Chính trị cử đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng cùng một số cán bộ Bộ Tổng Tham mưu và các tổng cục vào giúp Bộ Tư lệnh Tây Nguyên (B3) điều hành chiến dịch. Quá trình chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu đã theo dõi sát diễn biến tình hình, lực lượng và thế trận của địch, tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chính xác, kịp thời chuyển sang Tổng tiến công chiến lược, tạo và thúc đẩy thời cơ để giành thắng lợi, nhanh chóng và liên tiếp mở các chiến dịch tiếp theo.

Sau chiến thắng Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị quyết tâm chuyển “Kế hoạch cuộc tiến công chiến lược 1975” thành cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975”. Ngay trong khi Chiến dịch Tây Nguyên đang diễn ra, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các địa phương ở Trị - Thiên và Quân khu 5 thực hiện những chiến dịch địa phương và các đợt hoạt động mạnh, coi đây là hướng phối hợp chiến lược quan trọng. Tiếp đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thống nhất mở Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Trước yêu cầu rất gấp, phải hoàn thành trong một tuần (từ ngày 20 đến ngày 27/3/1975), Bộ Tổng Tham mưu đã phối hợp các tổng cục và Đoàn 559 chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị bảo đảm 26 nghìn tấn hàng hóa các loại cho hai chiến dịch này.

Với việc giành thắng lợi rất nhanh trên các chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ huy Chiến dịch giải phóng Trị  Thiên-Huế. Sau đó, tiếp tục mở Chiến dịch Đà Nẵng và đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy chiến dịch. Lúc đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch chưa có điều kiện trực tiếp tổ chức chỉ huy chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu đã giúp Bộ Tư lệnh chiến dịch nắm tình hình, chỉ đạo chuẩn bị và thực hành chiến dịch với nhiệm vụ tiến công tiêu diệt Sư đoàn Bộ binh số 1 của địch ở Trị  Thiên - Huế, cắt đứt quốc lộ 1, phát triển tiến công xuống Đà Nẵng tiêu diệt, làm tan rã Quân đoàn 1 và sư đoàn thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa.

Sau 25 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng cụm Quân đoàn 1, Quân khu 1 của địch, giải phóng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ; đến ngày 03/4/1975, quân ta đã quét sạch quân địch, giải phóng toàn bộ đồng bằng và ven biển miền Trung, tạo nên một bước ngoặt chiến lược lớn.

Ngày 25/3/1975, báo cáo tại Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu nhận định: “So sánh lực lượng trên chiến trường đã thay đổi hẳn, ta đã có ưu thế áp đảo địch, khả năng chiến đấu của quân đội ta đã lớn mạnh hơn bao giờ hết”(6). Bộ Chính trị quyết định: “Giải phóng miền Nam trước mùa mưa”(7). Để tranh thủ thời cơ, Bộ Tổng Tham mưu dồn sức tập trung mọi nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng Sài Gòn và tổ chức, cơ động lực lượng.

Để phát huy những thắng lợi của các đòn tiến công mạnh mẽ, áp đảo, dồn dập của ta, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”(8). Thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngày 04/4/1975, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục chỉ đạo các hướng, mũi tiến công quân địch trên khắp các mặt trận; đồng thời chỉ thị cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa...

Ngày 09/4/1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế, phối hợp trong, ngoài. Khối chủ lực Miền mở cuộc tiến công lớn kết hợp với nổi dậy, bao vây, chia cắt thành phố Sài Gòn theo hai hướng: tiến công đánh chiếm Xuân Lộc ở phía Đông Bắc và tiến công địch ở Thủ Thừa, Bến Lức ở phía Tây Nam, cắt đường số 4, mở các hành lang xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tình hình đó đã tạo ra một thời cơ chiến lược hết sức thuận lợi để bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 23 nhận định: “Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch, còn địch thì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế sụp đổ đến nơi của quân ngụy”(9). Bộ Chính trị khẳng định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm”(10).

Vào hồi 17 giờ ngày 26/4/1975, trận Tổng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định bắt đầu, với năm hướng tiến công: Đông, Đông Nam, Bắc, Tây và Tây Nam; riêng hướng Đông và Đông Nam tiến hành trước 01 ngày (ngày 25/4/1975). Sau 5 ngày, trên các hướng, lực lượng của ta đã tiêu diệt những sư đoàn phòng ngự vòng ngoài của địch, không cho chúng kịp rút về vùng ven đô. Cả năm hướng quân ta đều đánh thẳng vào nội đô Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Quân giải phóng được cắm lên nóc Dinh Độc Lập, toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn bị bắt sống, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các hướng tiến công khác cũng lần lượt chiếm các mục tiêu cuối cùng: Bộ Tổng Tham mưu, Đài phát thanh, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, căn cứ Hải quân cảng Bạch Đằng..., làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 3, Quân khu 3 của quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Nắm vững thời cơ địch đầu hàng, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các lực lượng Khu 8, Khu 9 nhanh chóng cùng nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp nổi dậy và tiến công tiêu diệt một bộ phận; bắt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 4, Quân khu 4 của địch, giải phóng hoàn toàn đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 30/4 và 01/5/1975. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Khu 5 giải phóng Trường Sa, giải phóng Côn Đảo. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào kỷ nguyên mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường... Các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nhằm thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tình hình đó đang đặt ra cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vì vậy Bộ Tổng Tham mưu cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học kinh nghiệm qúy báu từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tổng Tham mưu cần tập trung thực hiện một số định hướng sau:

Một là, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tổ chức biên chế tinh gọn, cơ động, có sức chiến đấu cao; điều chỉnh thế bố trí chiến lược phù hợp; nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng các tuyến phòng thủ và khu vực phòng thủ trên các địa bàn chiến lược, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Hai là, thực hiện tốt Nghị định số 77/2010/ NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; cơ quan chức năng thường xuyên nắm chắc tình hình, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tham mưu xử lý kịp thời, chính xác ngay từ cơ sở, không mắc mưu tạo cớ, không để bị động, bất ngờ, nhất là bất ngờ về chiến lược.

Ba là, duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị các phương án tác chiến phù hợp, xử lý linh hoạt các tình huống chiến lược, chiến dịch. Chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh tổng hợp cho các đơn vị trong toàn quân.

Bốn là, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu vững mạnh toàn diện, tổ chức biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; có đủ khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dự báo và xử lý tốt các tình huống, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, chiến tranh công nghệ cao.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan tham mưu chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ, mưu lược, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc, với Nhân dân và Quân đội. Đồng thời, phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, nắm vững khoa học quân sự, hiểu biết thực tiễn, tư duy chiến lược sắc sảo, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao./.

--------------------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb CTQG-ST, tr.471.

(2) Nghị quyết mang tên: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”.

(3) Tổ Trung tâm thành lập tháng 4/1973, gồm một số cán bộ chỉ huy Cục Tác chiến, do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách.

(4) Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng mở rộng diễn ra từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975, ngoài các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, có các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, các đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường. Bộ Chính trị thông qua “Kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976”.

(5) Từ ngày 10 đến ngày 11/3/1975, tiến công Buôn Ma Thuột - trận then chốt thứ nhất. Từ ngày 12 đến ngày 13/3, địch dùng 81 lượt chiếc máy bay ném bom, 144 lượt chiếc máy bay lên thẳng đổ quân (E45) xuống khu vực điểm cao 588 và từ ngày 14 đến ngày 18/3 - trận then chốt thứ hai đánh địch phản kích (diệt Sư đoàn bộ binh 23 và Liên đoàn biệt động 21). Từ ngày 17 đến ngày 24/3/1975, đánh địch rút chạy - trận then chốt thứ ba.

(6),(7) Tổng kết Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, H.1997, tr.182.
8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb CTQG-ST, H.2006, tr.95-96.

(9) Nghị quyết số 240-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 23, ngày 25/12/1974.

(10) Hội nghị Bộ Chính trị quyết định phương án giải phóng miền Nam (từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975).


Thượng tướng, TS Phan Văn Giang - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam  

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ đề