Nếu và phân tích chức năng xã hội của nhà nước CHXHCN Việt Nam

Phân tích chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

Nếu và phân tích chức năng xã hội của nhà nước CHXHCN Việt Nam

1 Tầm quan trọng của chức năng xã hội của Nhà nước CHXHCN Việt Nam

Đây là một trong những chức năng cơ bản, chủ yếu, thể hiện rõ nét bản chất của Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Mục đích của việc thực hiện chức năng là mang lại lợi ích cho đại bộ phận nhân dân lao động, làm hình thành nền văn hóa mới, con người mới, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

2 Nội dung chức năng của Nhà nước CHXHCN Việt Nam

Chức năng xã hội khá phong phú, thể hiện ở một số lĩnh vực sau:

Về văn hóa:

Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp, do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là xây dựng nền văn hóa mới, con người mới nhằm phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Nhà nước thực hiện các hoạt động sau:

+ Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể;

+ Bảo vệ, tôn tạo các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, phát triển các lễ hội để góp phần nâng cao sự hiểu biết cho nhân dân, làm cho nhân dân ý thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng;

+ Quan tâm đặc biệt đến việc làm hình thành con người mới xã hội chủ nghĩa;

+ Thường xuyên chăm lo đến đời sống tinh thần của người dân nhằm hình thành nhân cách tốt cho thế hệ trẻ, có tấm lòng bao dung, sẵn sàng sẻ chia để từ đó có lối sống lành mạnh, góp phần giảm thiểu những tiêu cực trong xã hội.

Về giáo dục, đào tạo:

Giáo dục, đào tạo có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước nên Nhà nước hết sức coi trọng công tác giáo dục, đào tạo, coi đó là quốc sách hàng đầu.

Yới phương châm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước cần:

+ Dành phần ngân sách đầu tư thoả đáng cho giáo dục, đào tạo;

+ Mở rộng và hoàn thiện hệ thống giáo dục phổ thông; thực hiện giáo dục toàn diện, trước hết là giáo dục nhân cách, đạo đức;

+ Không ngừng hiện đại hoá nội dung, chương trình; gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội, coi trọng đào tạo nghề;

+ Mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo; tôn vinh nghề dạy học, chú trọng chất lượng nhà giáo…

Mặc dù Nhà nước đã có rất nhiều cố gắng trong việc tổ chức và quản lý nền giáo dục quốc dân, tuy nhiên thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn còn một số bất cập:

+ Chương trình học của cấp tiểu học cũng như các cấp phổ thông đang quá tải đối với học sinh;

+ Hoạt động giáo dục nặng về trang bị kiến thức lý thuyết mà chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện thể lực, kỹ năng sống, cũng như thực hành;

+ Giáo dục đại học cũng còn hạn chế, có nhiều cơ sở đào tạo và tình trạng chồng chéo ngành nghề dẫn đến sự lãng phí trong xã hội;

+ Việc đổi mới phương pháp giáo dục chậm thực hiện và chưa xứng tầm với thời đại…

Hiện nay, để nâng cao hiệu quả tổ chức và quản lý giáo dục, Nhà nước cần:

+ Tổ chức và quản lý giáo dục một cách toàn diện, từ nội dung, chương trình học, đến thời gian học cũng như phương pháp dạy và học;

+ Chú trọng việc đào tạo và chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ giáo viên; tạo ra những người thầy có phẩm chất, năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn vững vàng để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển;

+ Tiếp tục thực hiện chính sách phổ cập giáo dục phổ thông; thực hiện xã hội hóa trong giáo dục; có chính sách học phí, học bổng thỏa đáng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục…

Về khoa học, công nghệ:

Khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, bởi vì khoa học, công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội.

Đối với nước ta, khoa học, công nghệ còn là động lực đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do đó, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm và có chính sách đúng đắn, đảm bảo phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Cụ thể, Nhà nước cần:

+ Xây dựng và phát triển chính sách khoa học, công nghệ quốc gia; đầu tư thoả đáng về cơ sở vật chất, kĩ thuật cho khoa học, công nghệ phát triển;

+ Khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo cũng như ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ;

+ Phát triển đồng bộ các ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật, công nghệ, xã hội, nhân văn;

+ Chú trọng đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, có chính sách ưu đãi trọng dụng nhân tài; gắn khoa học, công nghệ với giáo dục, đào tạo, gắn nghiên cứu khoa học với ứng dụng trong thực tiễn;

+ Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, thị trường chất xám, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

+ Phát hiện tài năng trẻ để đào tạo, đồng thời thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với những người tài, khuyến khích họ tận tâm nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước, tránh tình trạng lãng phí, chảy máu chất xám đã từng xảy ra;

+ Thực hiện tốt việc hợp tác với các nước khác để tiếp thu những tiến bộ của khoa học, công nghệ tiên tiến của nước ngoài, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào việc phát triển đất nước.

Về giai cấp, dân tộc, tôn giáo:

Từng bước khắc phục sự khác nhau về lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, giảm dần sự khác biệt giữa công nhân với nông dân, giữa lao động trí óc với lao động chân tay, giữa thành thị với nông thôn.

Có chính sách tôn giáo, dân tộc hợp lý, đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm sự kỳ thị dân tộc, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Có chính sách đảm bảo sự phát triển hài hòa của mọi vùng miền trong cả nước, ưu tiên phát triển ở những vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiếu số.

Về y tế, môi trường, phòng chống thiên tai:

Nhà nước cần mở rộng mạng lưới y tế, chú trọng đào tạo đội ngũ thầy thuốc; hiện đại hoá các cơ sở khám, chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền; bảo vệ môi trường sống, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm; phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu, hỗ trợ khi xảy ra những thiệt hại cho nhân dân trong nông, lâm, ngư nghiệp…

Về dân số, lao động, việc làm, thu nhập:

Nhà nước cần có chính sách dân số phù hợp với khả năng của đất nước; bảo đảm việc làm đầy đủ, phù hợp, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; giải quyết đúng đắn vấn đề tiền lương và thu nhập của người lao động; điều tiết thu nhập nhằm làm giảm sự chênh lệch về mức sống, thu nhập và tài sản giữa các tầng lóp dân cư, góp phần ổn định xã hội…

Ngoài ra, nhà nước còn tổ chức và quản lí nhiều mặt khác của đời sống xã hội như thể thao, du lịch, vấn đề xoá đói, giảm nghèo, chăm lo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, việc phòng và chống các tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi xã hội, chính sách đền ơn, đáp nghĩa…

Nguồn: Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/

Nếu và phân tích chức năng xã hội của nhà nước CHXHCN Việt Nam
Ảnh minh họa: internet

1. Vai trò của chức năng xã hội

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, nhà nước tiếp cận dưới góc độ triết học có hai chức năng là chức năng giai cấp và chức năng xã hội. Chức năng giai cấp là chức năng bảo vệ lợi ích và địa vị thống trị của giai cấp cầm quyền. Chức năng xã hội là chức năng đảm bảo cho xã hội ổn định và phát triển. Là những nhà duy vật biện chứng nên trong khi nhấn mạnh chức năng giai cấp của nhà nước, Mác và Ăngghen không hề coi nhẹ chức năng xã hội của nhà nước.

Theo các ông, xét từ cội nguồn quyền lực, nhà nước là một công quyền “nảy sinh từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp”(1), “có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng “trật tự”(2); là một bộ máy quản lý xã hội, có chức năng bảo đảm lợi ích chung của cả cộng đồng, xã hội(3). Những nhiệm vụ đó của nhà nước thuộc phạm vi chức năng xã hội - chức năng yêu cầu nhà nước phải thực hiện những nhiệm vụ vì sự tồn tại của cả xã hội.

Chức năng xã hội của nhà nước là tất yếu, khách quan, mức độ thực hiện chức năng này phụ thuộc vào tính tiến bộ hay phản động của giai cấp cầm quyền. “Các giai cấp thống trị ở thời điểm phát triển đi lên của mình, đã thực hiện chức năng xã hội hoàn toàn xác định và chính nhờ điều đó họ mới trở thành giai cấp thống trị”(4). Ngược lại, các giai cấp cầm quyền khi trở nên lỗi thời, phản động thì thường quá coi trọng chức năng giai cấp, coi nhẹ chức năng xã hội, không quan tâm đến đời sống của người dân, đẩy người dân đến cảnh khốn cùng, đó là thời điểm báo hiệu địa vị thống trị bị lung lay và sắp sụp đổ, bởi “Sự thống trị giai cấp chỉ có thể tồn tại với điều kiện là nó đảm bảo cho được những người bị áp bức không bị nghèo túng đến cùng cực”(5). Khi “những người bị áp bức nghèo túng đến cùng cực” thì họ sẽ nổi dậy đấu tranh nhằm lật đổ nhà nước hiện tồn, thiết lập một nhà nước mới, có thể thực hiện chức năng xã hội tốt hơn.

Từ đó có thể thấy, thực hiện tốt chức năng xã hội có vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố địa vị thống trị của giai cấp cầm quyền, của lực lượng cầm quyền. Chính chức năng xã hội là cơ sở, điều kiện và phương thức thực hiện chức năng giai cấp như C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó”(6).

Chức năng xã hội của nhà nước thể hiện ở hai nhóm nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là, nhà nước phải chăm lo những công việc chung của toàn xã hội, tất cả các giai cấp trong xã hội đều được hưởng lợi khi nhà nước thực hiện những công việc đó, thí dụ như: nhà nước bảo đảm trật tự an toàn xã hội; chống ô nhiễm môi trường, sinh thái; phòng chống lây lan dịch bệnh; xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng...

Hai là, nhà nước phải thỏa mãn ở mức độ nào đó nhu cầu của các giai tầng khác trong xã hội, tức là phải thực hiện những chính sách đem lại lợi ích cho các giai tầng bị trị ở mức độ nhất định, dù cho những chính sách đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích trước mắt của giai cấp cầm quyền. Thí dụ như nhà nước phong kiến giảm tô, giảm thuế, mở kho lương cứu đói cho nông dân; nhà nước tư sản thực hiện chính sách “tăng lương giảm giờ làm” đối với giai cấp công nhân… Như vậy, chức năng xã hội là đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của tất cả các thành phần trong xã hội ở một mức độ nhất định nào đó.

Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác về chức năng xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo Nhà nước ta đặc biệt coi trọng việc thực hiện chức năng xã hội. Người nêu rõ: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”(7) và “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(8). Khái niệm “dân” ở đây là tất cả mọi người dân sống trong đất nước Việt Nam, là toàn thể nhân dân Việt Nam.

2. Yêu cầu thực hiện chức năng xã hội trong hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, nước nào đứng ngoài xu thế này sẽ khó có thể phát triển được. Đối với những nước đang phát triển, nghèo nàn, lạc hậu thì hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là một cơ hội tốt để thu hút nguồn vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ tiên tiến, học hỏi trình độ quản lý hiện đại,… nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta chủ trương chủ động tham gia vào quá trình này.

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay là hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mà kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế tất yếu dẫn tới nhiều thành phần xã hội, tức cơ cấu giai tầng trong kinh tế thị trường sẽ đa dạng và phong phú hơn. Đa dạng về thành phần xã hội tất sẽ đa dạng về lợi ích và nhu cầu. Đáp ứng những nhu cầu, lợi ích chính đáng và đa dạng của các thành phần trong xã hội thuộc về chức năng xã hội của nhà nước.

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, bên cạnh những mặt tích cực cũng đã nảy sinh những vấn đề xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải cấp bách giải quyết như: nạn thất nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho người sản xuất kinh doanh chân chính; các tệ nạn xã hội, tội phạm mang tính quốc tế gia tăng, ảnh hưởng môi trường xã hội; do điều kiện địa lý, các vùng sâu, vùng xa có nguy cơ tụt hậu vì không thu hút được đầu tư; do lợi nhuận chi phối nên những nhóm ngành nghề rất cần cho xã hội nhưng lợi nhuận thấp dễ bị bỏ rơi,v.v.. Những vấn đề đó đang đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng xã hội.

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sẽ làm gia tăng việc hợp tác quốc tế, đầu tư sản xuất, kinh doanh, thương mại, học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm,v.v.. Có nghĩa là, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi giai tầng của các nước trên thế giới sẽ đến nước ta nhiều hơn. Bởi vậy, chức năng xã hội của Nhà nước trong hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa không chỉ là đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của các cá nhân, tổ chức mang quốc tịch Việt Nam, mà còn phải đáp ứng những lợi ích và nhu cầu hợp pháp của cả những tổ chức, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài ở Việt Nam. Các cá nhân và tổ chức nước ngoài thuộc nhiều giai tầng khác nhau, đến từ nhiều nước khác nhau, do đó họ có lợi ích và nhu cầu rất đa dạng. Để đáp ứng những nhu cầu, lợi ích đa dạng của các tổ chức cá nhân nước ngoài, thu hút họ đến Việt Nam hợp tác đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao năng lực thực hiện chức năng xã hội của mình; cũng là đáp ứng ở mức độ nhất định nào đó nhu cầu chính đáng của tất cả các giai tầng, thành phần trong xã hội.

Trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ra nước ngoài hợp tác, đầu tư, học tập, nghiên cứu, tham quan du lịch,... Do đó, chức năng xã hội của Nhà nước không chỉ đáp ứng những nhu cầu chính đáng của những giai tầng trong nước mà còn phải mở rộng đến việc đáp ứng nhu cầu, lợi ích của các tổ chức, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam nhưng ở nước ngoài.

3. Thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước ta hiện nay

Trước đổi mới, Nhà nước ta quan tâm thực hiện cả chức năng giai cấp và chức năng xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đấu tranh giành, giữ chính quyền của giai cấp công nhân nên cũng có lúc chúng ta nhấn mạnh về chức năng giai cấp, từ đó chức năng xã hội có phần bị coi nhẹ. Biểu hiện trong lĩnh vực kinh tế là Nhà nước chỉ xác lập lợi ích của giai cấp cầm quyền thông qua hai thành phần kinh tế là quốc doanh và tập thể, còn lợi ích của các giai tầng trong thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nước ngoài bị coi nhẹ và không được thừa nhận, nên Nhà nước chưa phát huy hết vai trò, năng lực của toàn xã hội cho phát triển kinh tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nền kinh tế trì trệ và khủng hoảng.

Nhận thức sâu sắc thực tế đó, thực hiện đổi mới, Nhà nước đã có những điều chỉnh trong thực hiện chức năng của mình.

Về kinh tế, Nhà nước thực hiện kinh tế nhiều thành phần trên cơ sở đa hình thức sở hữu. Với kinh tế nhiều thành phần, Nhà nước đã thừa nhận lợi ích, nhu cầu chính đáng về sản xuất - kinh doanh của mọi cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế, đồng thời hướng tới tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện lợi ích, nhu cầu của mình một cách thuận tiện, dễ dàng hơn. Nhờ đó đã phát huy được mọi nguồn lực của xã hội vào sản xuất - kinh doanh, góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Từ việc quan tâm thực hiện chức năng xã hội trên lĩnh vực kinh tế, Nhà nước đã quan tâm thực hiện chức năng xã hội trên các lĩnh vực khác và đều thu được những thành tựu quan trọng.

Tuy vậy, khi đổi mới và hội nhập quốc tế càng sâu rộng thì việc thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra và còn bộc lộ những hạn chế như: Nhà nước chưa phản ứng kịp thời trước những hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường ổn định của xã hội; Do chưa có một cơ chế hữu hiệu nhằm nắm bắt nhu cầu, lợi ích của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội, nên Nhà nước chưa thật sự đáp ứng kịp thời lợi ích, nhu cầu chính đáng của xã hội; Phương thức thực hiện chức năng xã hội, sản phẩm dịch vụ công chưa đa dạng, chưa chuẩn hóa nên chưa thật sự thỏa mãn được nhu cầu, lợi ích đa dạng của mọi cá nhân, tổ chức; Hợp tác quốc tế để thực hiện chức năng xã hội chưa thật chặt chẽ và hiệu quả...

Trước yêu cầu thực tế hiện nay, việc xác định phương hướng, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước trong điều kiện toàn cầu hóa là cần thiết.

Thứ nhất, giữ vững chức năng giai cấp trong khi nâng cao năng lực thực hiện chức năng xã hội

Hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay là hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa mà trong đócác nước tư bản chủ nghĩa làmchủ đạo, chứ không phải do các nước xã hộichủ nghĩa làmchủ đạo, tức là hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa mà “luật chơi” của nó do chủ nghĩa tư bản đặt ra. Đối với một nước định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, khi tham gia vào “cuộc chơi” này nếu không thực hiện chức năng giai cấp sẽ đối mặt với nguy cơ bị “hòa tan”, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, đồng thời với việc nâng cao năng lực thực hiện chức năng xã hội nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng cho các thành phần xã hội, Nhà nước phải giữ vững chức năng giai cấp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng đấu tranh có hiệu quả những hành vi lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa để chống phá Đảng, Nhà nước, làm chệnh định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, xây dựng cơ chế nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu xã hội

Trong điều kiện hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, những nhu cầu trong xã hội hết sức đa dạng và phong phú, các nhu cầu đó không phải là “nhất thành bất biến”, mà luôn trong trạng thái vận động biến đổi theo sự vận động biến đổi của kinh tế - xã hội, sẽ có những nhu cầu mất đi, nhưng đồng thời nảy sinh những nhu cầu mới. Để thực hiện tốt chức năng xã hội trong điều kiện như vậy, đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng được cơ chế nắm bắt nhanh nhạy các nhu cầu xã hội, trên cơ sở đó có phản ứng kịp thời với những biến đổi của nhu cầu xã hội, đưa ra được những chính sách phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội đặt ra, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Thứ ba, đa dạng hóa phương thức thực hiện chức năng xã hội

Việc đa dạng hóa nhu cầu, lợi ích đòi hỏi đa dạng hóa phương thức thực hiện chức năng xã hội. Trong thời kỳ bao cấp trước đổi mới, nhu cầu xã hội không đa dạng như hiện nay, Nhà nước thực hiện chức năng xã hội chủ yếu thông qua các cơ quan của Nhà nước. Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu xã hội đa dạng hơn rất nhiều, Nhà nước khó có thể đáp ứng kịp thời những nhu cầu đa dạng của xã hội, do đó Nhà nước cần kết hợp với mọi lực lượng, mọi tổ chức phi nhà nước để thực hiện chức năng xã hội. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân tích cực tham gia cùng Nhà nước để thực hiện chức năng xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của xã hội. Đặc biệt là trong những vấn đề an sinh xã hội như: xóa đói giảm nghèo, giải quyết thất nghiệp, phòng chống bệnh dịch, vệ sinh môi trường, khắc phục thiên tai,v.v..

Thứ tư, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ xã hội

Phát triển kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế tất yếu sẽ dẫn tới phân hóa cơ cấu giai cấp. Nếu như trước đổi mới, trong xã hội chủ yếu là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, thì nay cơ cấu giai cấp - xã hội đa dạng hơn nhiều, ngoài những giai tầng kể trên có có tầng lớp doanh nhân, tiểu chủ,... Thậm chí, ngay trong một giai cấp cũng phân hóa thành nhiều tầng lớp giàu, nghèo, nghề nghiệp khác nhau với những nhu cầu và lợi ích khác nhau(9). Hơn nữa, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa còn thu hút các tổ chức, cá nhân thuộc mọi giai tầng của các nước đến nước ta hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết,... Các tổ chức, cá nhân nước ngoài xuất phát từ nhiều giai tầng khác nhau, từ nhiều nước khác nhau, năng lực, nhu cầu và lợi ích của họ cũng khác nhau. Tất cả những điều đó đòi hỏi Nhà nước phải đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ công cộng, dịch vụ xã hội.

Thứ năm, chuẩn hóadịch vụ xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa có nghĩa là sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân đến nước ta hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh, học tập nghiên cứu, tham quan du lịch,v.v.. Bên cạnh đa dạng hóa cần phải nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội nhằm đạt chuẩn quốc tế. Có như vậy mới thỏa mãn nhu cầu của các cá nhân, tổ chức quốc tế, thu hút được đông đảo các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến Việt Nam hợp tác làm ăn.

Thứ sáu, nâng cao hợp tác quốc tế trong việc thực hiện chức năng xã hội

Chức năng xã hội của Nhà nước tronghội nhập quốc tế,toàn cầu hóa còn phải bảo đảm lợi ích, nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân của Việt Nam ở nước ngoài. Để làm được điều đó, Nhà nước phải nâng cao hợp tác quốc tế trong việc thực hiện chức năng xã hội; phát huy vai trò cơ quan đại diện của Nhà nước ở nước ngoài như Đại sứ quán, Lãnh sự quán,... trong việc bảo đảm nhu cầu và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân hoạt động ở nước ngoài.

Mặt khác, toàn cầu hóa sẽ nảy sinh những vấn đề mang tính quốc tế mà một quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết, thí dụ như vấn đề tội phạm quốc tế, vấn đề lây lan bệnh dịch,ô nhiễm môi trường (nguồn nước, không khí...),v.v.. Để giải quyết những vấn đề đó, đòi hỏi các nhà nước trong khu vực và trên thế giới phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện chức năng xã hội.

Như vậy, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, Nhà nước cần phải coi trọng và thực hiện tốt hơn nữa chức năng xã hội. Việc thực hiện tốt chức năng xã hội sẽ thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa diễn ra thuận lợi hơn, cũng cố địa vị lãnh đạo của Đảng, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

TS. Võ Thị Hoa - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

TS. Đinh Văn Thụy - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-----------------------------

(1), (2), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.255, 253, 700.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.288.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.779.

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.253.

(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.572, 572.

(9) Nguyễn Đăng Thông: Nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giai cấp và chức năng xã hội của nhà nước trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sỹ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2000, tr.119.

Theo: lyluanchinhtri.vn