Lợi nhuận ngân hàng 2023

NHNN cho biết, việc điều hành giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: ST

Áp lực chi phí vốn tăng cao

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê mới công bố, tính đến thời điểm 20/9/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54%, tương đương gấp 2,61 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Như vậy, sự lệch pha giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn ngày càng được mở rộng, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như giai đoạn trước. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái tăng lãi suất điều hành thêm 1%, kéo theo đó là hàng loạt ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Nhiều dự báo cho rằng, lãi suất huy động có thể tăng thêm 1-1,5 % trong cả năm 2022. Mặc dù ngành ngân hàng cho biết sẽ giữ ổn định mặt bằng lãi suất, nhưng cuộc “chạy đua” tăng lãi suất huy động trong bối cảnh hiện nay sẽ kéo theo đà tăng của lãi suất cho vay, nhằm đảm bảo biên lợi nhuận cho hoạt động ngân hàng.

Đối diện với việc tăng lãi suất, giám đốc một công ty hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Hà Nội bày tỏ lo lắng sẽ tác động vào giá thành sản phẩm khiến đầu ra sản phẩm phải tăng giá, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vị này cho hay, vừa qua, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu nên giá sản phẩm của doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng, khiến một số khách hàng quốc tế bày tỏ quan ngại, thậm chí hạn chế đơn đặt hàng hơn. Hiện nhu cầu thị trường không cao trước áp lực của lạm phát, người dân nhiều quốc gia thắt chặt hầu bao, nên sản phẩm càng tăng giá thì càng khó tiêu thụ. Nhưng nếu không tăng giá, doanh nghiệp phải chịu lỗ do chi phí sản xuất, vay vốn tăng lên.

Tương tự, ông Đặng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường cho hay, ngân hàng tăng lãi suất chắc chắn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ đến nguồn vốn đã, đang và sẽ vay mà còn đến giá trị, tỷ giá của đồng tiền Việt Nam. Theo ông Bình, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải nhập khẩu máy móc, thiết bị để sản xuất, tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng càng tăng, nhất là giai đoạn cuối năm thường là thời gian cao điểm cho các kế hoạch sản xuất, giải quyết các hợp đồng trong năm cũng như chuẩn bị nguồn lực cho năm tới.

Thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp đang vay vốn với mức lãi suất trung bình từ 7-10%, khá cao so với biên độ tăng trưởng lợi nhuận của không ít doanh nghiệp. Do đó, lãi suất tăng chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến giá thành sản phẩm và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo lợi nhuận có thể đi xuống.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Khảo sát của Vietnam Report mới đây chỉ ra rằng, áp lực tăng giá đầu vào của doanh nghiệp được dự báo kéo dài tới hết năm 2023. Chi phí đầu vào tăng sẽ bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Hơn nữa, lãi suất và tỷ giá giữa USD và VND nhích lên, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu giữa bối cảnh đồng USD vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thanh toán quốc tế.

Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, các doanh nghiệp cho rằng rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp đều cần vốn nên cần chính sách ưu đãi lãi suất phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Chẳng hạn gói cho vay lãi suất ưu đãi 2% đang được triển khai, một trong những điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận khoản vay ưu đãi này là phải nằm trong nhóm giảm doanh thu của năm trước đó nên khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện và khó tiếp cận.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao trên thế giới (tính đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) - là mức cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn. Vì thế, với mặt bằng lãi suất gia tăng như hiện nay, nhiều khả năng các khoản vay sẽ trở thành nợ xấu trước làn sóng phá sản của doanh nghiệp.

Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, NHNN cho biết, việc điều hành giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do: lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng tăng; các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh; cầu tín dụng gia tăng; tỷ giá chịu nhiều sức ép…

NHNN cũng lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay. Một là, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài khiến kết quả kinh doanh sụt giảm, số lượng doanh nghiệp bị dừng hoạt động lớn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống. Hai là, phương án kinh doanh mới để khôi phục sản xuất - kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố của thị trường, chính sách phát triển thị trường của các ngành, nhưng chưa bền vững. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng càng khó khăn hơn do các nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp; các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.

Chủ đề