Khuynh hướng hiện thực huyền ảo là gì

Trào lưu văn học quan trọng của văn học châu Mĩ La-tinh, xuất hiện vào những năm 60 của thế kỷ XX. Các nhà văn của trào lưu này thường mượn những truyền thuyết dân gian cổ xưa để tạo ra các huyền thoại mới về hiện thực xã hội châu Mĩ La-tinh. Các tác phẩm vừa có những cảnh tượng li kì, hư ảo, vừa có những chi tiết và hoàn cảnh hiện thực, gây cho người đọc cảm giác về các hiện tượng nghịch lí. Nguyên tắc sáng tác của nhà văn là “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực”. Để gây hiệu quả hoang đường, các tác giả thường sử dụng hình tượng biểu trưng, ngụ ý, liên tưởng, ám thị, phóng đại, khoa trương, người và hồn ma bất phân, trật tự thời gian bị xáo trộn, thực và ảo hòa quyện. Lăng kính huyền thoại đã giúp các nhà văn vạch trần hiện thực đen tối, tàn bạo của các chế độ độc tài, phê phán tình trạng khép kín văn hóa, đoạn tuyệt giao lưu. Trào lưu văn học này vừa kế thừa các truyền thống văn học cổ điển của người Anh-điêng, vừa dung hợp các phương pháp biểu hiện của huyền thoại và nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa phương Tây. Họ thường dùng hồn ma vạch mặt bọn chủ trang trại tàn bạo, mượn thần linh chỉ trích, chế giễu bọn độc tài bất lực, đần độn ; thậm chí mượn phù thuỷ trêu chọc các nhà thống trị. Dòng văn học này có ý nghĩa nhận thức và chiến đấu cao, có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Các tác giả tiêu biểu của trào lưu văn học này có thể kể G. Mác-két (Cô-lum-bi-a), Hoan Run-phơ và Các-lốt Phu-en-tex (Mê-hi-cô), Hô-xê Đô-nô-xô (Chi-lê).

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (kỳ ảo) là một khuynh hướng nghệ thuật, mà chủ yếu là tiểu thuyết xuất hiện ở khu vực Mỹ Latinh sau Đại chiến II và phát triển mạnh mẽ vào những năm 60 – 70, lấy việc kết hợp những yếu tố huyền thoại, kỳ ảo và yếu tố hiện thực trong việc tái hiện thực tại đời sống làm nguyên tắc mỹ học. Người mở đầu là nhà văn Cuba Carpentier (1904 – 1980) trong tiểu thuyết Vương quốc trần gian (1949) mở đầu cho “chùm tiểu thuyết Mỹ đầu tiên” đã nêu ra luận thuyết về cái thực tại huyền diệu Mỹ Latinh, rồi hàng loạt tiểu thuyết khác của ông như Những dấu chân đã mất (1953), Thế kỷ ánh sáng (1962), đã kéo theo dàn đồng ca trên sân khấu tiểu thuyết Mỹ với nhiều cung bậc khác nhau như: J. Amado (Brazil, 1912 – 2001), M. A. Astuarias (Gruatamela, 1899 – 1974), G. G. Marquez (Colombia, sinh 1928, giải thưởng Nobel 1982), và nhà văn xuôi lớn bậc nhất Paraguay A. A. R. Bastos (sinh 1917), thậm chí còn lan truyền sang cả nước Pháp với những sáng tác xuất sắc của M. Aymé (1902 – 1967),…

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo bao gồm những nhà tiểu thuyết có cùng cảm quan nghệ thuật về thực tại, không chỉ bao gồm những hoạt động thực tiễn của con người tác động vào tự nhiên, xã hội, mà còn có đời sống tinh thần, tâm linh, niềm tin tôn giáo, các huyền thoại và truyền thuyết. Trên thực tại đó, nhiều cư dân thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều chủng người, nhiều màu da khác nhau của nhân loại cùng chung sống, thuộc nhiều thể chế chính trị khác nhau. Tất yếu trong thực tại ấy, song song tồn tại các mặt đối lập nhau như văn minh – dã man, cao cả – thấp hèn, bi – hài, dân chủ – chuyên chế, độc lập – phụ thuộc, do đó cũng tất yếu ngày càng diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt vì lợi ích của con người, của các quốc gia, dân tộc.

Cảm hứng về việc vạch trần, tố cáo, phê phán chế độ độc tài quân sự, sự bóc lột của tư sản mại bản và đại điền chủ, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo rất gần gũi với chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, nhưng được coi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, là vì các tác giả thường “biến hiện thực thành hoang tưởng”, huyền thoại hóa nền chính trị xã hội hiện đại ở châu Mỹ Latinh. Về thủ pháp nghệ thuật, họ hay dùng những tỷ dụ, tượng trưng, ám thị, đảo lộn không gian, thời gian, độc thoại, đối thoại, nhất là khai thác tiềm thức của nhân vật. Thành công nổi bật về thi pháp tiểu thuyết là việc sử dụng thời gian đa tuyến bao gồm thời gian cốt truyện (thời gian trong đó cốt truyện được thực hiện, nó mang tính chất biên niên sử, diễn biến từ đầu đến cuối) và thời gian ngoài cốt truyện (thời gian tâm lý gắn với những hồi ức, ký ức của nhân vật hay của người kể chuyện). Thời gian ngoài cốt truyện thể hiện ở ba phương thức là thời gian ngược chiều với thời gian cốt truyện, thời gian tâm lý của nhân vật bị cách ly đời sống xã hội và thời gian liên tưởng, từ cái này nghĩ đến cái kia.

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh không chỉ được ghi nhận đối với tiểu thuyết mà còn tạo ra một trào lưu thơ ca của những tác giả da màu P. Neruda (Chile, 1904 – 1973), N. Guillén (Cuba, 1902 – 1989), C. Vallejo (Tây Ban Nha, 1892 – 1931),… thể hiện sự hòa trộn của một nền văn hóa có hơn một nghìn dân tộc, một nghìn tiếng nói khác nhau qua hơn bốn thế kỷ chung sống.

Chủ nghĩa hiện thực ảo mộng là tên gọi một khuynh hướng không trở thành một tư trào như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, cũng lấy các yếu tố kỳ ảo, huyền thoại kết hợp với hiện thực làm nguyên tắc mỹ học, nhưng về mặt thủ pháp nghệ thuật họ thường hay sử dụng các giấc mộng để tái hiện thực tại.