Khoán chui nghĩa là gì

Ký ức những ngày đói

Theo chỉ dẫn của các cán bộ huyện Kiến Thụy, chúng tôi tìm về xã Đoàn Xá gặp ông Phạm Hồng Thưởng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Xá, người cùng các cán bộ xã đưa “khoán chui” thành một phong trào. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng khi nhắc tới “khoán”, ký ức như ùa về với câu chuyện một thời khó khăn nhưng hào hùng vẫn còn nóng bỏng trong vị chủ nhiệm hợp tác xã ngày đó.

Sinh năm 1947 tại vùng quê thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của huyện, lớn lên khi đất nước đang chiến tranh, ông Thưởng cũng như bao thanh niên trai tráng thời đó đăng ký lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Trước khi chào tạm biệt, ông Thưởng tâm sự với chúng tôi những băn khoăn của mình khi chứng kiến thực trạng người nông dân không còn thiết tha với nông nghiệp, với đồng ruộng như trước: “Ông cha ta đã dạy “phi nông bất ổn”, trước thực trạng người nông dân bỏ ruộng như hiện nay. Rất mong Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách ưu tiên, phù hợp giúp đỡ để người dân gắn bó với ruộng đồng, quê hương và làm giàu từ chính mảnh đất mà mình làm chủ”.

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, ông Thưởng xuất ngũ về địa phương. Năm 1976, ông được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Cũng đúng năm ấy, vụ chiêm xuân 1977 Hợp tác xã Đoàn Xá mất mùa nghiêm trọng, toàn xã có 480ha ruộng canh tác thì bỏ hoang tới một nửa. Với cách làm của thời bao cấp lúc đó là sáng gõ kẻng đi làm, chờ tới giờ kẻng lại lững thững đi về thì việc mất mùa, mỗi người chỉ được nhận 3kg thóc/tháng là điều dễ hiểu. Nhiều người bỏ quê hương đi nơi khác kiếm việc làm và có tới 60 hộ gia đình ở xã có người đi ăn xin. Ý tưởng khoán ruộng đã nhen nhóm trong những người cán bộ nơi đây.

Với bản lĩnh được rèn luyện trong quân ngũ của anh Bộ đội Cụ Hồ, ông Thưởng trăn trở “sống với dân không thể để dân đói”. Ngày 10/6/1977, khi đang là Phó bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã, ông Thưởng cùng 4 cán bộ, đảng viên chủ chốt trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã họp bàn khắc phục. “Nếu để tình trạng cấy chung hợp tác xã như vậy, vụ tới sẽ tiếp tục mất mùa, phải tìm ra cách giải quyết. Trên cơ sở đề nghị của dân, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã quyết định giao ruộng và khoán sản lượng cho nông dân”, ông Thưởng nói về chủ trương mang tính quyết định này.

Đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân lúc đó nên việc khoán rất được lòng dân, ai nấy đều phấn khởi, hăng hái làm việc. Do lúc đó, Đảng và Nhà nước cấm việc khoán ruộng, chỉ cho khoán việc, khoán công điểm và sợ cấp trên biết nên việc khoán của Hợp tác xã Đoàn Xá là “bí mật”, lấy danh nghĩa là “khoán tăng sản”. Hồi đó, hợp tác xã khoán mỗi sào 70kg thóc, gia đình nào vượt bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Như được mở lòng, tất cả mọi người hăng say lao động, sản xuất. Có hộ còn đốt đèn nhổ mạ ban đêm để cấy cho kịp thời vụ, một việc mà trước đây chưa từng xuất hiện. Do đó, vụ mùa năm 1977, người dân cấy kịp thời vụ và kín diện tích được giao. Đoàn Xá từ một xã nghèo, khó khăn đã vươn lên là một trong những xã đi đầu trong lao động, sản xuất của huyện.

Đánh đổi rủi ro chính trị

Việc “khoán chui” tuy được lòng dân nhưng cán bộ, đảng viên trong xã lo ngay ngáy vì nếu “lộ” chắc chắn sẽ bị đưa ra xử lý, kỷ luật.

“Tháng 8/1978, tôi được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã và đến 1979 thì được bầu huyện ủy viên khi lúc đó còn rất trẻ, mới 31 tuổi. Trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ xã, tôi phải lựa chọn đánh cuộc giữa sinh mệnh chính trị của mình với đời sống người nông dân trong việc “giữ khoán”, ông Thưởng tâm sự.

Giữ “bí mật” được hơn 3 năm (1977-1980), nhưng sau đó Huyện ủy cũng phát hiện, xuống kiểm tra và đề nghị Đoàn Xá phải sửa ngay việc “khoán chui”. “Khi thấy Đoàn Xá luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của huyện do những đổi thay từ lợi ích của việc “khoán chui” mang lại nên sau đó một số xã bên cạnh cũng đã làm theo. Tuy là lá cờ đầu của huyện về các mặt nhưng Đoàn Xá luôn phải chịu tiếng là “khoán sai” chính sách. Trong những năm đó, phong trào Đảng bộ xã Đoàn Xá rất mạnh, tất cả các chỉ tiêu đều đứng đầu nên được trên xét phát thẻ đảng viên đợt đầu (3/2/1980). Nhưng vì khoán cho dân sai chính sách nên Huyện ủy đã đình chỉ không phát thẻ đảng cho Đoàn Xá và chuẩn bị kiểm điểm, kỷ luật đình chỉ sinh hoạt đảng Bí thư cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Lúc đó, tôi đã nói: Thà không có thẻ Đảng thì thôi, nhưng miễn dân tôi no là được”, ông Thưởng kể với giọng cương quyết.

Sau đó, có người báo cáo lên trên là một đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã nói như thế. Và tí nữa thì ông Thưởng bị kỷ luật, nhưng sau Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành (sau này là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) tại một hội nghị gồm các cán bộ, đảng viên đứng đầu các xã trong toàn thành phố đã dẫn lại câu nói của ông Thưởng và cho rằng: So lại mục đích, nguyên tắc của đảng là làm cho dân được ấm no, nếu dân không no thì cần thẻ đảng để làm gì?

Từ khoán chui tới khoán 10

Khi việc “khoán chui” bị phát hiện, có rất nhiều các đoàn về kiểm tra, thanh tra. Sự việc đang trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” sau khi các đoàn đi kiểm tra về báo cáo và quyết định sẽ xử lý kỷ luật việc “khoán chui” của xã, thì Đoàn Xá được sáp nhập vào huyện Đồ Sơn. Lúc đó, ông Nguyễn Đình Nhiên - một người có tư tưởng cởi mở được điều động về giữ chức Bí thư Huyện ủy.

Khi nghe đến “vụ việc” ở Đoàn Xá, ông Nhiên đã bỏ các cuộc họp về tận nơi nghe dân nói, nhìn dân làm. Ấn tượng về chuyến xuống thăm cơ sở, sau khi về Bí thư Nhiên đã báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy và lên gặp ông Đoàn Duy Thành để xin Thành ủy Hải Phòng cho phép Đồ Sơn được làm điểm như ở Đoàn Xá.

Sau khi báo cáo Thành ủy, ông Nhiên đã dẫn lãnh đạo thành phố về Đoàn Xá và tất cả các lãnh đạo trong đoàn đều nhất trí ủng hộ việc “khoán chui” của địa phương. Chỉ một năm sau, Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 “khoán 100% diện tích trong toàn thành phố - điều mà nông dân các xã trong huyện háo hức, chờ đợi đã lâu. Lúc này phong trào khoán ở Hải Phòng như một cao trào cách mạng trong nông nghiệp, đi đâu cũng thấy bàn về khoán, mọi người đều hăng hái lao động, sản xuất.

Sau Nghị quyết 24 của Thành ủy Hải Phòng, các đoàn của cơ quan Trung ương về Hải Phòng, cụ thể là xuống Đoàn Xá để kiểm tra, xem xét tình hình “khoán” ra sao.

GS Lê Nhật Quang lúc đó là Phó Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư cử về kiểm tra. GS Quang đã dành thời gian một tháng ở Đoàn Xá để nghiên cứu. Trước khi về, vị Phó Ban Kinh tế Trung ương họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã và nói: “Bây giờ nói đúng hay sai tôi chưa dám nói. Nhưng các cậu to gan thật, chính sách của Đảng, Nhà nước như thế mà làm trái, đi ngược lại được. Tôi sẽ ủng hộ và về báo cáo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Nếu Trưởng Ban chấp nhận được thì các cậu thắng. Nếu báo cáo không thuyết phục được cấp trên thì các cậu chỉ có nước đi tù”.

Chuyến kiểm tra sau, ông Nguyễn Quang Huy - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã về nghe báo cáo, thăm ruộng khoán và đánh giá việc khoán của địa phương cũng có nhiều cái được, cái có lợi. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu cũng về Đoàn Xá dự Đại hội xã viên và nêu quan điểm ủng hộ việc khoán.Trong 2 năm 1980 và 1981, có rất nhiều đoàn từ các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt có đoàn đến từ Lào, Campuchia, Liên Xô về địa phương để xem xét, nghiên cứu.

Ngày 13/1/1981, sau chuyến nghiên cứu của đồng chí Võ Chí Công lúc đó là Thường trực Ban Bí thư Trung ương, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100, công nhận khoán sản phẩm và áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước. Chế độ khoán này thường được gọi tắt là “khoán sản phẩm” hay  “khoán 100”.

Sau Chỉ thị 100 (khoán 100), ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp. Khoán 10 ra đời, từ đây thừa nhận “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ”, thực hiện giao ruộng khoán cho hộ lâu dài. Khoán 10 ra đời “cởi trói” cho người nông dân, mở ra thời kỳ đổi mới của đất nước.

Giữ vững địa phương đi đầu

Xã Đoàn Xá tới nay trở về địa giới hành chính thuộc huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) vẫn giữ vững các thành tích của cái nôi khởi đầu cho phong trào khoán của cả nước.Từ những thay đổi, lợi ích mà “khoán chui” mang lại, tất cả các mặt của xã đều được nâng lên. Đảng bộ xã liên tục được nhận danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Vinh dự lớn nhất là năm 1982, xã Đoàn Xá được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Đây là phần thưởng cao quý, xứng đáng cho một địa phương dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm đi ngược lại chính sách, chủ trương.

“Đến nay, sau gần 40 năm từ “khoán chui”, tuy là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kiến Thụy nhưng Đoàn Xá tự hào là xã đầu tiên của Hải Phòng được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Phạm Hồng Cương, Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết.

Năm 2013, để biểu dương nhưng thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2013, Đoàn Xá đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen và tặng công trình Nhà truyền thống cho xã trị giá 1 tỷ đồng. Năm 2015, tại Đại hội Thi đua yêu nước xã Đoàn Xá cũng vinh dự được tuyên dương là 1 trong 27 xã tiêu biểu của toàn quốc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, với truyền thống đáng tự hào của địa phương, với những thành tích đã đạt được trong quá khứ và hiện tại. Tất cả, người dân Đoàn Xá đang quyết tâm xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp và luôn là xã tiêu biểu, đi đầu các phong trào của thành phố cũng như cả nước.

Khi chúng tôi hỏi một anh xe ôm còn khá trẻ đường vào nhà ông Kim Ngọc anh ta sẵn sàng đưa đi. Hoá ra ở thị xã này, hầu như ai cũng biết gia đình ông Kim Ngọc. Ông nổi tiếng không phải vì đã từng có chức quyền mà nổi tiếng vì dám nghĩ dám làm, dám đột phá để đưa cụm từ “khoán hộ” vào trong chủ trương của Đảng bộ Vĩnh Phú lúc đó. Trong khi khoán hộ bị coi là đi ngược lại Chủ nghĩa xã hội... Một cuộc đấu tranh cam go giữa cái mới và cái cũ suốt hơn 20 năm.

Kỳ 1: Con đường “khoán hộ”

Từ đường Kim Ngọc vào đến nhà của ông khoảng gần một cây số. Khá vòng vèo. Một vài đoạn chúng tôi đi qua những thửa ruộng. Lúa lên xanh tốt. Một hàng cây xanh chạy thẳng vào cửa nhà ông Kim Ngọc. Một ngôi nhà chỉ có vườn là rộng còn căn nhà nom vẫn rất tuềnh toàng. Thật may, người mở cửa cho chúng tôi là bà Lê Thị Liên, vợ của ông Kim Ngọc. Vẫn là thứ nước vối quen thuộc mà thủa sinh thời, ông Ngọc vẫn thích dùng, được đưa ra mời chúng tôi. Bà Liên năm nay đã 87 tuổi nhưng còn rất khoẻ mạnh. Ông Kim Ngọc sinh năm 1917 hơn bà 4 tuổi...

Tôi đã từng hỏi ông Trần Đức Lương về khoán hộ

Bà Liên gần như nhớ không sót một chi tiết nào về những kỷ niệm bao năm gắn bó giữa bà với ông Kim Ngọc (câu chuyện này chúng tôi sẽ kể lại vào những số báo sau). Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về ông, tìm hiểu về “khoán chui”, bà liền kể: Chuyện dài lắm. Cũng có nhiều báo về đây tìm hiểu, nhưng các báo đăng thì không nhiều.

Năm ngoái có ông nhà báo ở một tờ báo lớn trên Hà Nội về tìm hiểu mấy ngày liền, gặp được nhiều người còn sống và đã từng cùng làm “khoán chui” với ông Ngọc để viết bài.  Nhưng sau đó mấy tháng ông ấy lại trở lên đây cười buồn rồi nói: “Tôi đã viết, gửi cho toà soạn nhưng đọc xong họ nói tế nhị lắm chưa thể đăng được”.

Cách đây 3 năm, vào dịp Tết (năm 2003), Chủ tịch nước Trần Đức Lương có về Vĩnh Yên, đến thăm gia đình tôi. Ông ấy đến tặng cả quà, ngồi ngay trên cái ghế này này. Tôi hỏi ông ấy: “Khoán hộ của Vĩnh Phú khác với khoán 10 như thế nào?” Ông ấy cười rồi không trả lời. Tôi cũng hiểu ông ấy rất khó trả lời vì còn nhiều cái tế nhị quá. Hồi đó người ủng hộ khoán hộ cũng có nhiều, nhưng người chống khoán hộ cũng lắm. Mặc dù có nghị quyết của đảng bộ hẳn hoi nhưng có dám làm công khai đâu chính vì vậy người ta mới gọi là khoán chui.

Câu chuyện mà đến cả trước khi mất, ông Kim Ngọc vẫn luôn đau đáu: Đó là khoán hộ mà ông thực hiện về sau này có được công nhận không và sự ảnh hưởng của khoán hộ đến sự hưng vong của đất nước như thế nào?

Cái giá của 20 năm

Xin tạm ngắt đoạn giữa cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Liên, vợ của ông Kim Ngọc để quay lại với một người mà với tôi luôn đặc biệt kính trọng và ngưỡng mộ: Nhà báo Thái Duy. Ông nguyên là phóng viên báo Đại Đoàn Kết, năm nay đã 82 tuổi, nhưng vẫn đau đáu với  nỗi niềm: Cần phải phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông Kim Ngọc.

Từ năm 93, khi đổi mới đã khẳng định bằng những thành tựu của đất nước, ông đã bắt đầu loạt bài đăng trên một số báo về ông Kim Ngọc. Hồi đó dù “khoán chui” của ông Kim Ngọc đã được công nhận và  thể chế hoá bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (sau gọi là  khoán 10) nhưng những bài viết của nhà báo Thái Duy về ông Kim Ngọc vẫn gây chú ý của dư luận.

Tôi xin trích một đoạn được đăng trên báo Đại Đoàn Kết (số ra ngày 19/11/1993) dưới đầu đề “Ông Kim Ngọc và khoán hộ”: “Đầu năm 1991, nhân thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân VN kỷ niệm 61 năm thành lập đã tổ chức trao huân chương cho một số  cán bộ hoạt động lâu năm trên mặt trận nông nghiệp, hầu hết đã về hưu. Xem danh sách không thấy ông Kim Ngọc, người đã chấp nhận mọi thiệt thòi để bảo vệ đến cùng một cơ chế quản lý ngày nay đang mang lại cơm no, áo ấm cho toàn dân, nhiều người rất ngạc nhiên. Đông đảo nông dân và và cán bộ trong cả nước biết rõ công lao của ông Kim Ngọc, tên tuổi ông từng gắn liền với khoán hộ, khoán 10 với những kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp mấy năm qua...”.

Trước khi đi Vĩnh Yên, chúng tôi tìm gặp nhà báo Thái Duy. Ông chính là người đã viết tác phẩm “Sống như Anh” kể về cuộc đời của Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi với cái tên Trần Đình Vân. Năm nay đã 82 tuổi nhưng ông vẫn còn rất khoẻ, viết khoẻ, giọng nói sang sảng. Khi chúng tôi hỏi ông câu hỏi: Vì sao suốt bao năm qua ông vẫn đau đáu với nỗi niềm của ông Kim Ngọc, nhà báo Thái Duy trả lời ngay: Công lao của ông Ngọc lớn lắm. Không có ông ấy dám làm hồi ấy thì đất nước có khi “tiêu” rồi.

Sau giải phóng 1975, đất nước tiến hành triệt để con đường Xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc thì thành lập hơn 600 hợp tác xã (mà chúng ta quen gọi là hơn 600 pháo đài nông nghiệp). Miền Nam thì tiến hành xoá bỏ tư bản, tư doanh, để cải tạo thành xã hội chủ nghĩa. Của cải, tài sản là của chung. Và chính sự “chung” này (mục tiêu mà chủ nghĩa xã hội theo đuổi) mà chúng ta sai lầm.


Bà Lê Thị Liên - vợ ông Kim Ngọc.

Những sai lầm phải trả giá rất đắt, mà tại Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra. Những năm 80, đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Một quốc gia rừng vàng biển bạc, với 2 vựa lúa phì nhiêu là châu thổ sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long mà hơn 60 triệu dân lúc đó rơi vào nạn đói. Với nông nghiệp, trên cả nước lúc đó chỉ áp dụng mỗi một mô hình là khoán việc. Đơn vị sản xuất là tổ đội sản xuất. Khoán việc không quy trách nhiệm cho ai, xã viên không hề thấy quyền lợi mà mình sẽ được hưởng trên cánh đồng chung. Cứ có tiếng kẻng thì xã viên đủng đỉnh ra đồng, làm cho qua chuyện, rồi có kẻng lại về.

Công điểm là cái cùm trên lưng xã viên. Mọi công sức của xã viên, từ cấy hái, chăm bón đến họp hành đều tính thành công điểm mà người ghi điểm là cán bộ thôn, xã. Cuối mỗi vụ đều dựa vào công điểm để chia hoa lợi. Đây chính là điểm sơ hở đẻ ra rất nhiều sâu mọt, quan tham ngay từ cơ sở. Kẻ ghi công điểm thì không phải lao động và có quyền ban phát công điểm cho nông dân. Còn nông dân thì một nắng hai sương nhưng chẳng được bù đắp gì vì mọi thứ đều là của chung và rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Chính vì vậy mà nông nghiệp lụn bại.

Năm 1986, vụ giáp hạt tháng 3, hàng chục tỉnh ở miền Bắc và miền Trung lâm vào nạn đói trầm trọng. Nhìn ra tình hình thế giới lúc đó thì chính các nước xã hội chủ nghĩa cũng đang rơi vào khủng hoảng. Tình hình trở nên cực kỳ nghiêm trọng và nhiều người lúc đó nhận định: Đất nước đang đứng trước những thách thức chưa từng thấy và số phận như ngàn cân treo sợi tóc. Ông Thái Duy nhớ lại: Lúc đó vẫn còn rất một số người bảo thủ cố giữ quan điểm cũ cho rằng “khoán hộ là mất lập trường. Thà đói chứ không thể làm khoán hộ”.

Nếu lúc đó Đảng không tự tìm ra cho mình một con đường đi thì chắc chắn tình hình đất nước sẽ đi vào ngõ cụt. Từ sự bức bách đó mới có đổi mới và khoán chui lúc đó mới được công nhận bằng Nghị quyết 10. Đó là vào giữa năm 1988. Nếu tính từ khi ông Kim Ngọc áp dụng khoán hộ ở Vĩnh Phú, thời gian trôi qua đã 20 năm. Nếu ngay từ lúc ông Kim Ngọc áp dụng mô hình khoán hộ vào năm 1968 và được áp dụng trên toàn quốc thì tình hình đất nước đã khác đi rất nhiều rồi. 

Biết chúng tôi đi Vĩnh Yên, ông Thái Duy có thêm chỉ dẫn, hiện còn nhiều người đã từng làm khoán hộ với ông Kim Ngọc, họ còn sống cả, nếu muốn tìm hiểu thêm thì nên tìm đến họ.

Bà Lê Thị Liên, trong câu chuyện với chúng tôi cũng cho biết như thế. Như ông Nguyễn Thành Tô, nhiều năm liền là thư ký cho các Bí thư tỉnh uỷ, ông Hoàng Quy (lúc ông Kim Ngọc là Bí thư thì ông Hoàng Quy là Phó Bí thư), ông Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT), khi đó ông Ngọ là Bí thư một huyện áp dụng khoán chui.

Bà đưa chúng tôi ra vườn, nơi còn đọng lại rất nhiều kỷ niệm về  ông Kim Ngọc. Những cây mít, cây nhãn ông Ngọc tự tay trồng bây giờ đã lên xanh tốt, trở thành những cây cổ thụ. Ngay cả bộ bàn ghế gụ nâu bóng vẫn còn nguyên ở vị trí mà lúc còn sống ông Ngọc vẫn ngồi. Ông Kim Ngọc mất ngày 26/5/1979 cách đây 27 năm. Ông nghỉ hưu rời bỏ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ vào năm 1978 và mất chỉ một năm sau đó. Bà Liên cho biết: Ngay cả sau khi nghỉ và trước khi mất, trong ông vẫn đau đáu một nỗi niềm: Khoán hộ của ông là một cách làm đúng, thật sự cách mạng.

Khoán hộ là gì?

Vậy cái khoán hộ mà ông Kim Ngọc áp dụng rồi phải làm chui trong suốt 20 năm là gì mà gây nhiều tranh cãi đến thế? Tại Hội nghị TW lần thứ 6 (Đaị hội IV) họp tháng 9.1979 có đưa ra nghị quyết 6, điều chỉnh lại một số chủ trương và giải pháp mà trước năm 1979 vẫn còn là những điều cấm kỵ, trong đó có khoán chui.

Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất, gay go nhất vẫn là: ủng hộ hay phủ nhận khoán chui?

Con đường “khoán chui”, mà cũng là con đường để đất nước thoát khỏi khủng hoảng đói nghèo, thật may lại được một trong những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ lúc đó ủng hộ hết mình. Đó là ông Võ Chí Công, lúc đó trên cương vị là Uỷ viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp (sau này ông Võ Chí Công là Chủ tịch nước). Trong hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng” của ông Võ Chí Công có đoạn: “Tôi  viết thưcho đồng chí Hoàng Quy (Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú, người lên thay ông Kim Ngọc đã  thôi chức), đề nghị làm thí điểm đến người lao động ở xã Thô Thuỵ, Vĩnh Lạc, huyện Vĩnh Tường. Đồng chí Quy đồng ý. Đến giữa vụ đông xuân thấy kết quả ruộng khoán xanh tốt hơn nhiều, khác hẳn hợp tác xã chưa khoán. Anh em nói đây là làm “chui”, tôi trả lời lĩnh vực này là trách nhiệm của tôi, tôi không làm trái đường lối, chủ trương của Đảng, hơn nữa đây mới là thí điểm”.      

Khoán hộ là cách làm khoán trực tiếp đến mỗi người lao động. Giao ruộng cho người lao động. Hợp tác xã chỉ cung cấp giống, kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu và đến vụ thu hoạch thì người lao động chia lại một phần lúa cho hợp tác xã từ năng suất lúa mà họ thu hoạch được. Hạt lúa đã gắn với công sức và quyền lợi của người nông dân. Nếu họ chăm chỉ thì lúa sẽ tốt và hứa hẹn vụ mùa đó họ sẽ thu hoạch được nhiều cho mình  hơn.  Một chân lý đơn giản như vậy nhưng đã phải trải qua biết bao sóng gió...

(còn tiếp)

Đức Trung

Video liên quan

Chủ đề