Học sinh sinh viên cần làm gì để chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nhà nước

Giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên: Thực trạng và giải pháp

01/03/2009

ThS. PHAN HỒNG DƯƠNG

Học viện Quản lý giáo dục

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Hiện nay, nhân loại đang đứng trước những vấn đề phức tạp cần phải giải quyết như: xung đột sắc tộc, tôn giáo, vấn đề vũ khí hạt nhân, vấn đề hiểm họa thiên tai do sự tàn phá môi trường, nạn suy thoái đạo đức, vấn đề bùng nổ dân số và những vấn đề khác trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để giải quyết các vấn đề đó, cộng đồng quốc tế phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ và sử dụng nhiều công cụ, phương tiện khác nhau. Một trong số những công cụ đó chính là pháp luật. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức pháp luật cho thế hệ trẻ là một trong những điều kiện cơ bản nhất để bảo đảm cho nước ta không chỉ phát triển bền vững mà còn thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa: nguồn internet

1. Thực trạng vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên

Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, đã đưa đất nước vượt qua được thời kỳ khủng hoảng kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề cấp bách về kinh tế – xã hội. Nhưng một thực tế đáng buồn là cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội, đời sống ngày càng được nâng cao, thì tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trong đó, một số lượng không nhỏ các vụ vi phạm pháp luật do học sinh, sinh viên gây ra. Qua số liệu được trình bày tại Hội thảo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong trường học được tổ chức ngày 14/12/2007 tại thành phố Đà Lạt, thì mới chỉ có trong 7 tháng đầu năm 2007, đã có 33.284 trường hợp thanh thiếu niên bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, có nguy cơ vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội; xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người; gây rối an ninh trật tự, an ninh xã hội; ma tuý, mại dâm...

Nhiều vụ án nổi cộm được dư luận chú ý trong thời gian gần đây cho thấy, một số bạn trẻ đã vi phạm pháp luật bằng chính kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo. Ví dụ như vụ phát tán chuyện riêng tư của nữ diễn viên Hoàng Thuỳ Linh lên mạng Internet. Trong số 14 người liên quan đến vụ việc này có tới 11 người là sinh viên, trong số đó có sinh viên biết tới 4 ngoại ngữ, có người rất thành thạo việc ứng dụng công nghệ thông tin. Hay nhiều vụ đánh cắp tài khoản của người nước ngoài nhằm thực hiện các giao dịch thương mại trái phép qua mạng Internet, hoặc “bẻ khoá” hệ thống bảo mật thẻ tín dụng cá nhân để trộm cắp tiền qua máy rút tiền tự động, sau đó chuyển vào tài khoản cá nhân của mình. Tổng số tiền và hàng hoá bị đánh cắp lên tới hàng tỷ đồng mà thủ phạm chủ yếu là sinh viên có học lực khá, giỏi như Nguyễn Tiến Cường, Trương Đức Lượng (Bắc Giang), Nguyễn Anh Tuấn, Đào Khánh Hiệp, Trịnh Hồ Nam, Nguyễn Minh Công (Hà Nội), Vũ Ngọc Hà (Hải Phòng)...

Liên quan đến hành vi phạm pháp của học sinh, sinh viên không thể không kể tới đường dây thi thuê đại học do Nguyễn Hồng Hải trú tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cầm đầu đã bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Đường dây này đã tuyển 30 sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 có học lực khá, giỏi. Số sinh viên này chia làm 3 nhóm: nhóm nộp hồ sơ như thí sinh để được vào phòng thi đọc đề thi ra ngoài, nhóm giải đề thi và nhóm đọc lời giải vào phòng thi. Bằng thủ đoạn đội tóc giả và cài điện thoại di động, trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2006 đã có 16 sinh viên thi thuê hoặc có người nhắc bài dự thi trót lọt, trong đó 11 người đã trúng tuyển.

Về tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2007, cảnh sát giao thông đã xử lý 1.054 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng mô tô, xe máy tới trường khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm. Nhiều trường hợp đã gây ra tai nạn nghiêm trọng làm chết người hoặc bị thương nặng, phương tiện giao thông bị hư hỏng hoàn toàn.

Thực tế trên đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng, đang xuất hiện tỷ lệ nghịch giữa kiến thức và ý thức pháp luật trong một bộ phận học sinh, sinh viên?

2. Giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên: yêu cầu cấp thiết

Thực trạng trên đây dù được lý giải như thế nào đi nữa, chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh rằng, đã có một thời gian dài, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa được chú trọng đúng mức, thậm chí nhiều nơi, nhiều lúc buông lỏng. Sự coi nhẹ và thiếu năng động trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật và kỷ cương ngày càng tăng. Điều đó đã đặt ra cho chúng ta thấy sự cần thiết phải nhận thức được ý nghĩa quan trọng mang tầm chiến lược của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong công tác giảng dạy ở các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Trong một thời gian khá dài, chúng ta mới chỉ chú trọng bồi dưỡng truyền thụ cho thế hệ trẻ những kiến thức khoa học, mà chưa chú ý đúng mức đến kiến thức pháp luật và kỹ năng sống. Sự thiếu đồng bộ trong công tác giáo dục đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ý thức pháp luật của quần chúng - trước hết là lớp người trẻ tuổi - chưa cao, dẫn đến tình trạng phạm tội ở lớp người này xảy ra nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người phạm pháp và đang có xu thế ngày càng tăng, trong số đó có nhiều trường hợp do kém hiểu biết pháp luật mà dẫn đến phạm tội.

Vì vậy, trong tình hình hiện nay, giáo dục pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên các trường được đặt ra như là một tất yếu khách quan, là một bộ phận cấu thành trong chương trình giáo dục của chúng ta. Học sinh, sinh viên nhìn chung là tầng lớp xã hội tiến bộ, được trang bị hệ thống kiến thức tương đối toàn diện, họ là những người rất năng động, có khả năng sáng tạo, tích cực, nhạy bén trong học tập nghiên cứu cũng như trong các quan hệ xã hội. Tuy vậy, học sinh, sinh viên còn có những hạn chế, nhược điểm là nhân cách chưa hoàn chỉnh, nông nổi, bồng bột, dễ bị kích động, khó kiềm chế, đôi khi tự cao, tự mãn, thích tự do phóng khoáng, hay đua đòi và đặc biệt là hiểu biết về pháp luật chưa toàn diện và sâu sắc.

Tuy nhiên, việc hiểu biết kiến thức pháp luật cơ bản một cách mơ hồ không hoàn toàn thuộc về lỗi của học sinh, sinh viên. Theo kết quả một đợt khảo sát mới đây của Trường đại học Lao động - Xã hội thì có hơn 80% số sinh viên của trường không nắm được kiến thức cơ bản về pháp luật, 40% trong số này thường xuyên có hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, trừ các trường, khoa đào tạo chuyên ngành luật, các cơ sở đào tạo bậc đại học khác phân bổ chương trình và chọn phương pháp giảng dạy các môn học về pháp luật chưa hợp lý. Ví dụ như chương trình đào tạo của Khoa Báo chí, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ đưa vào chương trình đào tạo 2 môn học là “ Nhà nước và pháp luật” và “Luật Báo chí xuất bản - các văn bản dưới luật” với 4 đơn vị học trình (60 tiết) trên tổng số 188 đơn vị học trình của toàn khoá, thì quả là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, học sinh, sinh viên dễ chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp của môi trường và của những người xung quanh. Trước hết, có thể nói, ý thức pháp luật của họ phụ thuộc rất lớn vào trình độ nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của bố mẹ và những người thân trong gia đình cũng như dư luận xã hội. Mặt khác, do khả năng bản thân và sự phát triển quan hệ xã hội của học sinh, sinh viên ngày càng lớn, phù hợp với việc học tập và sinh hoạt của họ, nên đối tượng này còn chịu ảnh hưởng tác động của xã hội, nhà trường...Do vậy, vấn đề quan trọng là hệ thống giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên phải dựa trên sự liên hệ chặt chẽ với hoạt động thực tiễn của đời sống xã hội, đáp ứng những yêu cầu bức thiết của đời sống xã hội, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, thì giáo dục pháp luật mới toàn diện và có hiệu quả. Điều đó có nghĩa là toàn bộ các yếu tố giáo dục có ảnh hưởng một cách trực tiếp và tích cực lên trình độ nhận thức pháp luật của đối tượng được giáo dục.

Học sinh, sinh viên là tầng lớp xã hội trẻ tuổi đang trong quá trình học tập và rèn luyện, họ chưa có điều kiện và khả năng để có những tư tưởng, quan niệm, quan điểm về các hiện tượng pháp luật trong đời sống, cũng như kỹ năng vận dụng pháp luật vào cuộc sống. Hiểu và vận dụng pháp luật vào đời sống thực tế là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản, chính vì thế, trong khi học tập pháp luật, các em cần phải được tập dượt, tiếp cận với thực tế, được tạo điều kiện để các em vừa nâng cao kiến thức lý luận, vừa có năng lực vận dụng pháp luật vào cuộc sống. Với ý nghĩa đó, ngoài việc học lý luận, nghiên cứu các quy phạm pháp luật, các em cần phải được nghiên cứu, tham gia các bài thực hành vận dụng pháp luật, giải quyết các tình huống pháp luật. Bằng cách đó, tăng sự hấp dẫn, thu hút các em trong quá trình học tập.

4. Công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên

Giáo dục pháp luật là việc sử dụng những hình thức khác nhau tác động có hệ thống và thường xuyên tới ý thức của con người nhằm trang bị cho họ những kiến thức pháp lý nhất định, để từ đó, họ có những nhận thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật.

Mục tiêu cơ bản của giáo dục pháp luật trước hết là nhằm hình thành ý thức pháp luật ở mỗi thành viên xã hội. ý thức pháp luật là một trong những hình thái ý thức xã hội được hình thành và phát triển trong mối quan hệ với kết quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật. Hình thái ý thức này tồn tại ở bất cứ hình thái xã hội nào khi pháp luật xuất hiện với tư cách là một vũ khí để bảo vệ quyền lợi của giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội. Nếu ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội nói chung thì ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, tình cảm của con người thể hiện thái độ, sự đánh giá về tính công bằng hay không công bằng, đúng đắn hay không đúng đắn của pháp luật hiện hành, pháp luật trong quá khứ và pháp luật cần phải có, về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong cách xử sự của con người, trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Vấn đề đầu tiên được đặt ra trong nội dung giáo dục pháp luật là việc hình thành và bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội; bảo đảm cho mọi công dân đạt được một trình độ hiểu biết nhất định về pháp luật. Thông qua đó, họ tự điều chỉnh hành vi và phép xử thế của mình trong mọi quan hệ xã hội.

Quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân là quá trình tiếp nhận và xử lý các mối quan hệ xã hội thông qua sự tác động từ nhiều phía và từ nhiều cấp độ khác nhau. Để xử lý các mối quan hệ đó, con người đã sử dụng nhiều loại quy phạm, trong đó quy phạm pháp luật đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong quá trình điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội có giai cấp, vì nó gắn liền với nhà nước và quyền lực nhà nước. Tuy nhiên pháp luật chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu như nó đi vào cuộc sống, hay nói cách khác là nó được mọi thành viên trong xã hội hiểu biết và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật.

Nhận thức pháp luật bao hàm nhiều vấn đề hợp thành, đó là kiến thức cơ bản về pháp luật, về những vấn đề nảy sinh trong mối liên hệ với pháp luật hiện hành, những yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật đối với các thành viên của xã hội, về việc giải quyết những vấn đề nảy sinh giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội, về trách nhiệm hành vi của mỗi thành viên trong xã hội...Những vấn đề này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tạo nên nội dung cơ bản của công tác giáo dục pháp luật.

Đối với giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên, cần thiết phải nhấn mạnh về mối quan hệ giữa giáo dục và nâng cao trình độ văn hoá pháp lý cho thế hệ trẻ trong xu thế hội nhập hiện nay, giúp họ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trong bối cảnh quốc tế mới. Giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên phải nhằm làm cho họ hiểu biết một cách đầy đủ, sâu sắc về cuộc sống thực tế, về ý thức xã hội, về những hoạt động có tính mục đích và mang ý nghĩa xã hội rõ rệt. Vấn đề then chốt của giáo dục pháp luật cho thế hệ công dân tương lai là nhằm trang bị cho họ những kiến thức tổng quát nhất, giúp họ hiểu một cách đầy đủ, chính xác và khoa học về pháp luật. Sự hiểu biết đó là tiền đề cả về chiều sâu và bề rộng của ý thức pháp luật. Giáo dục pháp luật trong nhà trường phải bảo đảm chương trình tương ứng với trình độ văn hoá, phù hợp với nhận thức của các em. Điều đó có nghĩa là giáo dục pháp luật trong các trường phải đảm bảo cho chương trình nâng dần từ thấp đến cao. Mặt khác, trong khi tổ chức giáo dục pháp luật cho các em đang theo học trong các nhà trường, chúng ta cần phải xây dựng chương trình với sự định hướng trước dựa theo quy luật phát triển nhận thức và khả năng tiếp nhận của các em, dung lượng thông tin pháp luật cần bảo đảm và đáp ứng với nhu cầu hiểu biết của các em. Với sự định hướng đó, giáo dục pháp luật phải bảo đảm sau khi học hết chương trình phổ thông cơ sở, các em phải hiểu biết và thực hiện đúng luật giao thông đường bộ, hiểu và chấp hành đúng những quy định về giữ gìn trật tự , vệ sinh nơi công cộng...Đối với học sinh phổ thông trung học, các em đã bắt đầu thực hiện một số nghĩa vụ công dân, do vậy, việc nghiên cứu, học tập Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình... đã trở nên rất cần thiết đối với các em. Đối với sinh viên các trường cao đẳng, đại học các ngành không chuyên về luật thì các em phải nắm được các kiến thức pháp luật về các ngành luật như Luật Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hành chính... Thông qua học tập các ngành luật đó, các em sẽ có được những nhận thức cơ bản về quyền về nghĩa vụ của mình đối với xã hội và hiểu biết toàn diện về pháp luật thuộc lĩnh vực sau này mình sẽ làm việc. Điều đó cũng có ý nghĩa giúp cho các em thấy trước hậu quả pháp lý phải gánh chịu để cân nhắc, lựa chọn trước khi hành động, tránh cho các em sự vi phạm pháp luật một cách không tự giác. Giáo dục pháp luật cho thế hệ công dân tương lai chính là góp phần tạo ra tiền đề giúp các em phát triển một cách toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên phải được xem là một vấn đề khoa học và cần được quan tâm, đầu tư đúng mức, nhằm đảm bảo sự giáo dục toàn diện để học sinh, sinh viên không chỉ trở thành những người lao động “kiểu mới” có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao, vươn đến nền kinh tế tri thức, mà còn là lớp người có kiến thức pháp luật để có thể làm chủ bản thân và xã hội, cũng như để hội nhập quốc tế trong môi trường toàn cầu hoá mà không đánh mất đi bản chất giai cấp, truyền thống và văn hoá của dân tộc./.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 6(143), tháng 3/2009)

Video liên quan

Chủ đề