Hình thức vận tải là gì

Mục lục bài viết

  • 1. Giao nhận có vai trò như thế nào?
  • 2. Các phương thức vận tải hiện nay có đặc điểm gì, ưu điểm, nhược điểm ?
  • 3. Vận tải đa phương thức là gì?
  • 4. Vận tải xuyên biên giới có ý nghĩa như thế nào?
  • 5. Container có vai trò thế nào trong logistics?
  • 6. Các container có thể chuyên chở bằng đường hàng không được không?
  • 7. TEU và DWT là gì?

1. Giao nhận có vai trò như thế nào?

Giao nhận (freight forwarding) là hoạt động thay mặt chủ hàng thực hiện mọi thủ tục, công đoạn cần thiết để đưa hàng đến đích. Đơn vị làm việc này là công ty dịch vụ giao nhận. Nói cách khác, công ty dịch vụ giao nhận là đơn vị trung gian giữa chủ hàng với các hãng vận tải và các cơ quan, tổ chức khác. Ví dụ, một xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Định có khách hàng ở Thụy Điển. Sau khi sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng, xưởng này liên hệ với một công ty giao nhận để đưa lô hàng này đến cho khách hàng với chi phí thấp nhất, thời gian nhanh nhất. Công ty giao nhận sẽ phải tính toán để đóng số hàng này vào container, nếu chưa đủ một container thì phải tìm số hàng của doanh nghiệp khác để ghép vào cho đầy một container, chở số hàng này bằng đường bộ vào cảng Cát Lái, tìm hãng tàu vận chuyển số hàng này từ Cát Lái sang Hamburg, rồi từ Hamburg chuyển đến Stockholm. Nếu được xưởng gỗ ủy quyền, công ty dịch vụ giao nhận cũng sẽ làm thủ tục hải quan để xuất khẩu lô hàng, đi xin Giấy chứng nhận xuất xứ cho lô hàng, làm việc với hãng bảo hiểm để mua bảo hiểm, làm việc với công ty giám định để xác định số lượng, phẩm cấp của lô hàng, nộp các loại thuế, phí theo quy định. Vai trò của công ty dịch vụ giao nhận là không thể thiếu vì một số lý do sau đây:

• Công ty dịch vụ giao nhận là đơn vị hoạt động chuyên nghiệp, nắm được nhiều đầu mối quan hệ, thông tin với các hãng tàu, công ty bảo hiểm, giám định, quen thuộc với các thủ tục hải quan nên có thể tìm được cước phí tốt, làm thủ tục nhanh.

• Công ty dịch vụ giao nhận là đơn vị quen thuộc với các thủ tục hành chính, hải quan, quen với các loại chứng từ nên có thể làm thủ tục nhanh, chính xác, không mất thời gian chờ đợi hoặc làm đi làm lại.

• Công ty dịch vụ giao nhận có nhiều khách hàng là chủ hàng khác nhau, do vậy có thể gom hàng từ nhiều chủ hàng, đóng chung trong một container hay một chuyến hàng, do vậy giảm chi phí cho từng chủ hàng.

• Trong một số trường hợp, công ty dịch vụ giao nhận có thể làm thay một số việc khác của chủ hàng, như quản lý hàng tồn kho, làm việc với các đại lý, người cung cấp nguyên liệu... hoặc đóng vai trò tư vấn cho chủ hàng. Việc thuê công ty dịch vụ giao nhận sẽ giúp chủ hàng tiết kiệm nhân lực cho công tác giao nhận, tạo điều kiện để chủ hàng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình là sản xuất hoặc tìm kiếm khách hàng. Giao nhận là một hoạt động khá đặc thù nên có đôi lúc người ta nhìn nhận logistics đồng nghĩa với giao nhận. Thực tế, giao nhận chỉ là một trong các loại hình dịch vụ tạo nên một loại hình dịch vụ tổng thể là logistics.

2. Các phương thức vận tải hiện nay có đặc điểm gì, ưu điểm, nhược điểm ?

Mỗi phương thức vận tải hàng hóa có những ưu, nhược điểm cũng như phạm vi sử dụng khác nhau. Vận tải đường bộ có ưu điểm là tính cơ động cao, có thể vận chuyển từ cửa đến cửa. Tuy nhiên giá thành cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Vận tải đường bộ phù hợp với khoảng cách vận chuyển ngắn như ở trong đô thị hoặc giữa các địa phương, khu công nghiệp có bán kính 300 km trở xuống. Vận tải đường thủy nội địa và đường biển thích hợp vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, chi phí vận tải thấp. Tuy nhiên phải phụ thuộc vào luồng tuyến, thời gian vận chuyển không nhanh. Do phương tiện có kích thước lớn nên thường phải gom đủ lượng hàng nhất định thì vận chuyển mới đảm bảo bù đắp chi phí, do vậy ở những khu vực ít hàng hóa thì phương thức này vẫn khó phát huy. Vận tải đường sắt có giá thành thấp, phù hợp vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, khoảng cách xa, có thể đi vào đến các khu công nghiệp hay đô thị. Tuy nhiên do phụ thuộc vào hạ tầng đường sắt nên tính cơ động không cao. Vận tải hàng không có ưu điểm tốc độ nhanh, vận chuyển được khoảng cách xa, phù hợp với vận chuyển hàng hóa có giá trị cao; tuy nhiên không thể vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận chuyển cao, phải đầu tư hạ tầng có giá trị lớn.

3. Vận tải đa phương thức là gì?

Trên cơ sở một chứng từ vận tải đa phương thức: Vận tải đa phương thức là hình thức vận tải sử dụng hai hay nhiều phương thức vận tải trên cơ sở một chứng từ vận tải đa phương thức, ví dụ một kiện hàng có thể vận chuyển bằng đường bộ ra đến cảng, đưa lên tàu thủy để chuyển đến cảng nhận, sau đó lại được xếp lên toa tàu đường sắt để về nhà kho. Với sự phát triển của các hình thái sản xuất và thương mại quốc tế, một sản phẩm sẽ được lưu thông qua nhiều công đoạn, nhiều địa phương, quốc gia trước khi đến đích. Do vậy vận tải đa phương thức trở nên rất phổ biến trong thời đại ngày nay. Đặc điểm của vận tải đa phương thức khác với từng công đoạn vận tải riêng lẻ là do một đơn vị đứng ra quản lý, điều phối cả quá trình vận tải và khớp nối các công đoạn để hàng hóa vận chuyển không bị gián đoạn, nằm chờ tại các điểm trung chuyển. Thông thường quá trình này cũng sử dụng một vận đơn chở suốt thay cho mỗi công đoạn một vận đơn khác nhau. Phát triển vận tải đa phương thức đặc biệt được quan tâm đối với một đất nước có địa hình đa dạng, biên giới đất liền và bờ biển dài như Việt Nam.

4. Vận tải xuyên biên giới có ý nghĩa như thế nào?

Vận tải xuyên biên giới (cross-border transport) là hình thức vận tải không giới hạn trong phạm vi một nước, mà điểm đầu nằm ở một nước và điểm cuối nằm ở một nước khác. Mặc dù vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển hay đường hàng không cũng là từ một nước này sang một nước khác, thuật ngữ vận tải xuyên biên giới thường dùng để chỉ vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy giữa những nước giáp nhau. Vận tải xuyên biên giới có thể bao gồm vận chuyển hàng hóa của chính nước đó sang nước bên cạnh, hoặc vận chuyển hàng hóa của một nước thứ ba (trường hợp quá cảnh). Việt Nam có biên giới chung với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia, đồng thời lại có bờ biển rất dài với nhiều cảng, do đó việc phát triển vận tải xuyên biên giới để đưa hàng hóa của Việt Nam sang 3 nước này cũng như đưa hàng hóa của các nước khác quá cảnh qua Việt Nam sang 3 nước này là một trong những nội dung ưu tiên trong phát triển logistics giai đoạn tới.

5. Container có vai trò thế nào trong logistics?

Container là một cấu kiện rỗng bằng kim loại, bên trong có thể chứa nhiều loại hàng hóa khác nhau và sử dụng được nhiều lần. Được Malcolm McLean phát minh từ đầu thế kỷ XX, container là một sáng tạo lớn của ngành vận tải, giúp tiêu chuẩn hóa hoạt động vận tải bằng việc đặt ra một kích cỡ chuẩn để vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa. Hàng hóa được tập kết, đóng vào container ở những địa điểm khác nhau và chuyển đến cảng. Do có cùng một kích thước nên việc xếp container lên tàu biển nhanh hơn, các container có thể xếp chồng lên nhau nhiều tầng nên tàu biển có thể vận chuyển được nhiều hàng hơn. Khi dỡ xuống, container có thể chuyển sang các phương tiện đường sắt, đường bộ, đặt lên toa tàu hỏa hoặc rơ-mooc để tiếp tục vận chuyển đến điểm đích. Do tính ưu việt của container, ngành đóng tàu đã cho ra đời các con tàu chuyên để chở container, và cũng hình thành những bến cảng chuyên bốc dỡ loại hàng này. Một container tiêu chuẩn có chiều dài 20 feet (6,1 mét) và chiều rộng 8 feet (2,44 mét). Ngoài ra, để vận chuyển được nhiều hàng hóa hơn, có loại container có chiều dài gấp đôi là 40 feet (12,2 mét). Chiều cao của các container là 2,59 mét. Ngoài ra, có loại container cao đến 2,9 mét, gọi là container High Cube. Ngoài các container phổ biến là 20 feet và 40 feet, trong thực tế vận chuyển còn có các loại container 48 feet, 53 feet và 60 feet để vận chuyển các loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng. Ngược lại, cũng có những loại container chỉ có kích thước bằng 1/2, 1/3 hoặc 1/4 container 20 feet thông thường. Thông thường container có cửa ở một cạnh bên, nhưng cũng có loại container không có cửa mà để hở mái (open-top), dùng để chở các loại hàng bốc dỡ bằng cần cẩu thay vì xe nâng (ví dụ máy móc thiết bị, gỗ tròn, thép cây). Ngày nay, container nói chung và container 40 feet nói riêng ngày càng phổ biến. 90% lượng hàng hóa vận tải bằng đường biển sử dụng container, trong đó 70% là container 40 feet.

6. Các container có thể chuyên chở bằng đường hàng không được không?

Các container thông thường chỉ có thể vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ hoặc đường sắt. Trong ngành hàng không, do đặc điểm của máy bay có tiết diện hình tròn và một phần được sử dụng để bố trí ghế ngồi hành khách, người ta sử dụng thiết bị riêng, gọi tắt là ULD (unit load device). ULD là một pallet hoặc container để chứa các loại hàng hóa, hành lý chuyên chở bằng đường hàng không. Pallet là một mâm hàng, để đặt các món hàng có kích thước tương đối lớn, có móc khóa để cố định hàng hóa vào pallet cũng như cố định pallet vào thân máy bay Container hàng không thường bị vát một góc để phù hợp với hình dạng tiết diện máy bay. Vỏ container làm bằng vật liệu nhẹ như nhôm hoặc bạt để giảm khối lượng. Người ta phân loại các container này theo thể tích và kích thước, trong đó phổ biến là loại container LD3 và LD3-45. Mỗi ULD được định danh bởi một dãy ký tự, trong đó 3 ký tự đầu tiên là chữ cái thể hiện loại ULD, 5 ký tự tiếp theo là chữ số thể hiện số thứ tự, và 2 ký tự cuối cùng là mã hiệu của hãng hàng không. Ví dụ AKH 24618 VN là một container loại LD3-45 không có lỗ để dùng xe nâng vận chuyển được, số thứ tự 24618 của hãng hàng không Vietnam Airlines. Tương tự RKN 00530 là container loại LD3 có thiết bị đông lạnh, số thứ tự 00530 của hãng hàng không MetroJet (Nga).

7. TEU và DWT là gì?

Do container có các kích thước đa dạng, khác nhau nên người ta cần một đơn vị chung để đo lường khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng container. TEU là từ viết tắt của twenty-foot equivalent unit, có nghĩa là đơn vị tương đương với một container 20 feet. Như vậy, một container 20 feet là 1 TEU, một container 40 feet là 2 TEU. Tương tự như TEU, có một đơn vị đo nữa là FEU (forty-foot equivalent unit), 1 FEU bằng một container 40 feet hay hai container 20 feet. DWT là từ viết tắt của deadweight tonnage, là trọng tải của tàu, hay toàn bộ khối lượng hàng hóa, nhiên liệu, lương thực, thủy thủ, hành khách mà con tàu có thể chuyên chở được. Đơn vị tính trọng tải là tấn, nhưng một tấn DWT nhỉnh hơn một tấn thông thường khoảng 16 kg.

TEU và DWT là những đơn vị thường dùng khi nói đến khả năng vận chuyển của một con tàu. Ngoài việc tính khả năng hàng hóa một con tàu có thể chuyên chở, TEU cũng thường được dùng để đo hàng hóa đi qua một cảng nào đó. Trong khi đó, DWT thường được dùng để chỉ độ lớn của một con tàu, và cũng dùng để xác định khả năng một bến cảng có thể tiếp nhận được tàu lớn đến cỡ nào.

Luật Minh Khuê ( sưu tầm và biên tập)

Video liên quan

Chủ đề