Hình ảnh nhà báo Nguyễn Đức Hiển

Sáng 17/11, trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhà báo Nguyễn Đức Hiển (SN 1973, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cơ quan ngôn luận thuộc Sở Tư pháp, nay thuộc UBND TP.HCM) cho biết đã gửi đơn yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) lên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.

"Nguồn cơn" của sự việc

Trong nội dung yêu cầu khởi tố, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết, ông và bà Nguyễn Phương Hằng hoàn toàn không có mối liên hệ, quan hệ nào; bất kể là trực tiếp gặp mặt hay qua điện thoại, hoặc bất kỳ mối quan hệ xã hội nào khác.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển -. Ảnh: NVCC

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu, kể từ khi ông Hiển trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), về các phát ngôn thiếu chuẩn mực của bà Nguyễn Phương Hằng trên các nền tảng mạng xã hội. Và, buổi phỏng vấn phát sóng chương trình thời sự chiều (18h00 ngày 11/6/2021) trên kênh sóng phát thanh của VOV (được đăng tải lại trên báo điện tử VOV ngày 12/06/2021) với tiêu đề: "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng".

Nhà báo Đức Hiển khẳng định: Nội dung chính của bài phỏng vấn là quan điểm, nhận định pháp lý của cá nhân ông Hiển, đối với các phát ngôn trong các buổi phát sóng trực tiếp của bà Hằng, mà ông Hiển đã trực tiếp theo dõi trước đó. Một số nhận định của ông, thực chất chỉ là những đánh giá đơn thuần về pháp lý của một người có chuyên môn về pháp luật, thể hiện quan điểm khoa học của ông Hiển đối với hành vi diễn ra trong cuộc sống có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, nội dung bài phỏng vấn này vẫn đang tồn tại trên VOV và nhà báo Nguyễn Đức Hiển giữ nguyên quan điểm đã thể hiện qua các luận điểm trong bài phỏng vấn.

Bà Nguyễn Phương Hằng liên tục gọi tên nhà báo Đức Hiển trong các buổi phát sóng trực tiếp. Ảnh chụp màn hình

"Tôi cho rằng, nội dung phát ngôn của tôi là đúng pháp luật, cũng như nhận định của tôi về hành vi từ bà Hằng là phù hợp với các quy phạm pháp luật, dựa trên góc độ nghiên cứu, trao đổi học thuật và quy định của pháp luật, báo chí" – nhà báo Đức Hiển viết.

Tuy nhiên, phía bà Phương Hằng lại cho rằng, bài phỏng vấn trên thể hiện sự công kích, gán ghép, quy buộc cho bà phải đi tù (?). Từ đó, bà Phương Hằng sử dụng các ngôn từ bịa đặt, vu khống, nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo Đức Hiển và vợ ông Hiển; thậm chí, xúc phạm cả cơ quan - nơi ông đang làm việc, cũng như cả giới báo chí và nhiều ngành nghề khác.

Liên tục bị gọi tên trên các buổi phát sóng để nhục mạ

Theo nhà báo Đức Hiển, từ ngày 19/6/2021 cho đến lúc ông gửi đơn yêu cầu khởi tố (17/11), bà Nguyễn Phương Hằng luôn có những lời lẽ lặp đi lặp lại sự bịa đặt, vu khống, nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông như: "Nhà báo hai mặt", "thằng Hỉn", "thằng nhà báo Đức Hiển" "một Phó tổng biên tập đàng hoàng đường hoàng chính chính mà đi đặt điều đặt chuyện", "một thằng Phó tổng Biên tập một tờ báo như vậy mà nói dối thì người ta nói nhà báo nói láo đâu có sai đâu", "nhà báo nói láo", "nó đồi bại nó đê hèn", "nó ngồi xổm trên pháp luật"…

Bà Nguyễn Phương Hằng cùng chồng là ông Huỳnh Uy Dũng trong buổi gặp gỡ khán giả tại KDL Đại Nam. Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, theo ông Hiển, bà Phương Hằng còn có hành vi phát ngôn, bịa đặt và loan truyền thông tin sai sự thật như: "Ông Hiển là đồng bọn của ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh, Thái Văn Đường và các tổ chức phản động vu khống bà Hằng đánh sập trang báo điện tử VOV; ông Hiển "ăn chặn" tiền từ thiện.

Ông Hiển nhận 20-30 tỷ đồng của ông Trần Quý Thanh (được bà Hằng gọi trên livestream là Dr. Thanh, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát) nhằm mục đích tìm mọi cách, mọi giá phải để bà Nguyễn Phương Hằng đi tù.

Nhận tiền của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát để đưa nhiều người đi tù trong vụ án "con ruồi trong chai nước ngọt NumberOne"; là thành viên của tổ chức phản động; bà Đoàn Thị Ngọc Linh (vợ nhà báo Đức Hiển) bị đuổi việc, bị sa thải tại Hội Luật gia quận 12, TP.HCM; ông Hiển cho rằng mình là người người có thể đưa bất cứ ai đi tù mà không cần đến cơ quan pháp luật"...

"Tôi xin khẳng định, những nội dung bà Hằng nói về tôi nêu trên hoàn toàn là bịa đặt, vu khống, không hề có một chút sự thật nào. Bà Hằng chỉ dựa vào cảm xúc quá khích cá nhân để bịa đặt các thông tin vu khống, xúc phạm tôi, xúc phạm Báo Pháp Luật TP.HCM cũng như giới nhà báo nói chung mà không có bất kỳ chứng cứ chứng minh nào.

Bà Hằng đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để loan truyền các thông tin bịa đặt tôi phạm tội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng vì sức mạnh lan truyền thông tin là rất khủng khiếp", ông Hiển cho biết.

Yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho rằng, việc bà Phương Hằng lợi dụng quyền tự do dân chủ, sử dụng mạng máy tính, công nghệ thông tin để tuyên truyền thông tin sai sự thật, bịa đặt, nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của ông và gia đình là xâm phạm nghiêm trọng quyền hiến định và luật định về danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông và gia đình.

Sau khi các phát ngôn của bà Phương Hằng được phát sóng trên các trang mạng xã hội, nhà báo Đức Hiển thường xuyên nhận được các lời chửi bới, đe dọa, khủng bố tinh thần từ những người xem bà Phương Hằng là thần tượng, khiến ông và gia đình rất mệt mỏi, tinh thần sa sút, luôn trong trạng thái căng thẳng, cuộc sống bị đảo lộn.

Chiều ngày 16/11, bà Nguyễn Phương Hằng đến trụ sở báo Sài Gòn Giải Phóng để gặp lãnh đạo báo nhưng không được đón tiếp. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ngoài ra, là một nhà báo, là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, là Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM; việc bị bà Phương Hằng xúc phạm, vu khống đã trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động bình thường và uy tín của các tổ chức mà ông Hiển là thành viên. Nhiều tin nhắn, bình luận (comment) của người đọc, người xem dưới các bài viết và đoạn phim của bà Hằng đã thể hiện sự công kích, tiêu cực khi xỉ vả ông Hiển, cơ quan báo chí và các nhà báo, chính quyền... trong thời gian dài.

Đồng thời, lợi dụng những thông tin bịa đặt vu khống do bà Phương Hằng cung cấp, nhiều kênh truyền thông mạng xã hội đã ăn theo, sản xuất hàng trăm đoạn phim (video clip) bôi nhọ, xúc phạm ông Hiển, Báo Pháp Luật TP.HCM và các cơ quan báo chí, kèm theo các bình luận xấu của người xem về nhà báo, nghệ sĩ và đặc biệt là chính quyền nhân dân.

"Do vậy, bằng đơn này, tôi yêu cầu quý cấp xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhằm điều tra hành vi bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để làm nhục, vu khống, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tôi, cụ thể các tội:

Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; và Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; và Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017" - Trích nguyên đơn nhà báo Đức Hiển.

Chưa hết, nhà báo Đức Hiển còn yêu cầu được bồi thường về tổn thất tinh thần theo quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015, buộc bà Nguyễn Phương Hằng phải xin lỗi, cải chính công khai đối với những nội dung bà Nguyễn Phương Hằng vu khống, làm nhục, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo nguồn tin của phóng viên Dân Việt, đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng của ca sĩ Thủy Tiên đã được Công an TP.HCM chuyển về Công an tỉnh Bình Dương.

Như vậy, hiện nay bà Nguyễn Phương Hằng đang đối diện ít nhất 8 đơn tố cáo hình sự. Trong đó, tại TP.HCM gồm 4 đơn của nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, luật sư Lê Thành Kính và nhà sản xuất phim Trương Việt Hà. Tại Công an tỉnh Bình Dương gồm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhà báo - luật sư Đặng Thị Hàn Ni (báo Sài Gòn Giải Phóng, thuộc Thành ủy TP.HCM), nhà báo Đức Hiển và ca sĩ Thủy Tiên.

Trong một diễn biến mới nhất, nhà báo Nguyễn Đức Hiển vừa gửi đơn lên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng, với các hành vi "làm nhục", "vu khống" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân ông Hiển.

CEO Nguyễn Phương Hằng liên tục gọi tên nhà báo Nguyễn Đức Hiển trong các buổi phát sóng trực tiếp. Ảnh chụp màn hình

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nhà báo Nguyễn Đức Hiển có được yêu cầu khởi tố CEO Nguyễn Phương Hằng?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết đối với bị hại.

Quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của người bị hại được quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Cụ thể, điều luật này nêu rõ chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Theo đó, có hai chủ thể được yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đó là: Người bị bị và người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại phần lớn là các tội phạm xâm phạm đến nhân thân của con người. Xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, pháp luật cho phép họ được lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Điều này cũng phù hợp với những nguyên tắc về tôn trọng quyền nhân thân của Bộ luật Dân sự, đó là nguyên tắc tự định đoạt.

Như vậy với 10 tội danh sau, người bị hại được quyền yêu cầu khởi tố: Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;  Điều 135 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Điều 136 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Điều 138 Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điều 139 Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Điều 141 Tội hiếp dâm; Điều 143 Tội cưỡng dâm; Điều 155 Tội làm nhục người khác; Điều 156 Tội vu khống; Điều 226 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Nhân đơn của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, cơ quan CSĐT có khởi tố?

Từ những phân tích trên, luật sư Hòe cho biết, trong vụ việc này nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho rằng mình là bị hại vì đã bị CEO Nguyễn Phương Hằng vu khống, làm nhục và lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nhà báo Nguyễn Đức Hiển hoàn toàn có quyền yêu cầu khởi tố CEO Nguyễn Phương Hằng.

Tuy nhiên, luật sư Hòe nhấn mạnh, đây là quyền công dân, nhưng không có nghĩa là khi tiếp nhận yêu cầu thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án ngay. Trong vòng 30 ngày kể từ khi tiếp nhận yêu cầu, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ.

Trong quá trình xác minh, nếu có dấu hiệu tội phạm mới khởi tố vụ án, ngược lại, nếu không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ có thông báo không khởi tố.

Trao đổi với PV  Dân Việt, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết, ông và bà Nguyễn Phương Hằng hoàn toàn không có mối liên hệ, quan hệ nào; bất kể là trực tiếp gặp mặt hay qua điện thoại, hoặc bất kỳ mối quan hệ xã hội nào khác.

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu, kể từ khi ông Hiển trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), về các phát ngôn thiếu chuẩn mực của bà Nguyễn Phương Hằng trên các nền tảng mạng xã hội. 

Và, buổi phỏng vấn phát sóng chương trình thời sự chiều (18h00 ngày 11/6/2021) trên kênh sóng phát thanh của VOV (được đăng tải lại trên báo điện tử VOV ngày 12/06/2021) với tiêu đề: "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng".

Nhà báo Đức Hiển khẳng định: Nội dung chính của bài phỏng vấn là quan điểm, nhận định pháp lý của cá nhân ông Hiển, đối với các phát ngôn trong các buổi phát sóng trực tiếp của bà Hằng, mà ông Hiển đã trực tiếp theo dõi trước đó. 

Một số nhận định của ông, thực chất chỉ là những đánh giá đơn thuần về pháp lý của một người có chuyên môn về pháp luật, thể hiện quan điểm khoa học của ông Hiển đối với hành vi diễn ra trong cuộc sống có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, nội dung bài phỏng vấn này vẫn đang tồn tại trên VOV và nhà báo Nguyễn Đức Hiển giữ nguyên quan điểm đã thể hiện qua các luận điểm trong bài phỏng vấn.

Tuy nhiên, phía bà Phương Hằng lại cho rằng, bài phỏng vấn trên thể hiện sự công kích, gán ghép, quy buộc cho bà phải đi tù (?). 

Từ đó, bà Phương Hằng sử dụng các ngôn từ bịa đặt, vu khống, nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo Đức Hiển và vợ ông Hiển; thậm chí, xúc phạm cả cơ quan - nơi ông đang làm việc, cũng như cả giới báo chí và nhiều ngành nghề khác.

Video liên quan

Chủ đề