Hiến pháp Việt Nam năm 2013 xác định phát triển khoa học và công nghệ là

(HNM) - Một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp 2013 là khẳng định vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong giai đoạn mới nhằm mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Điều đó thể hiện rõ tại nội dung của Điều 62 trong Hiến pháp 2013 với nhiều điểm quan trọng đã được bổ sung và thay thế cho Ðiều 37 của Hiến pháp năm 1992.

Khó làm giàu nếu thiếu KH&CN Tại lễ công bố Ngày KH&CN Việt Nam 18-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước: "Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia, suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KH&CN". Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động KH&CN của Việt Nam thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH; việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng đúng mức; việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN tuy đã có nhiều đổi mới nhưng còn không ít bất cập; cơ chế quản lý hoạt động KH&CN chậm được hoàn thiện… Cũng vì những nguyên nhân nêu trên mà chúng ta chịu khá nhiều thiệt thòi, một số lợi thế của quốc gia chưa mang lại những giá trị đích thực, nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Lấy ví dụ, tại hội thảo mới diễn ra do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, có ý kiến lo ngại tới năm 2020 chúng ta khó đạt tới mục tiêu phát triển công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vì thực trạng nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta hiện còn cách rất xa so với yêu cầu này. Lý do đưa ra là hiện tỷ lệ lao động trong nông nghiệp tới gần 50% nhưng tỷ lệ nông nghiệp đóng góp trong GDP của Việt Nam mới đạt xấp xỉ 20%. Điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế thu được của lao động nông nghiệp còn rất thấp, thu nhập và đời sống nông dân chưa được cải thiện. Đi sâu phân tích, tỷ lệ các hộ nông dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp chỉ được khoảng 50% ở ba lĩnh vực là giống cây trồng, kỹ thuật làm đất và kỹ thuật thu hoạch. Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề khác như kỹ thuật chăn nuôi, sơ chế và bảo quản sản phẩm, quản lý tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường, biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu... thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 15%. Trong nông nghiệp, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nằm trong tốp dẫn đầu thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều... nhưng về lợi nhuận thu được thì chúng ta luôn chịu cảnh thua thiệt bởi những nhược điểm cố hữu chậm được khắc phục như DN và lao động nông nghiệp thiếu tính chuyên nghiệp; việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất hầu như tự phát và theo kinh nghiệm; thiếu quy hoạch, chiến lược tổng thể... Trong sản xuất công nghiệp, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Phần nhiều chúng ta mới thực hiện công việc lắp ráp và gia công những sản phẩm đơn giản trong chuỗi dây chuyền sản xuất hiện đại; những sản phẩm "made in Vietnam" thì công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu dẫn đến chi phí cao, chất lượng chưa thể cạnh tranh mạnh với sản phẩm của các nước trên thị trường. Do đó, chúng ta mới chỉ thực hiện "bán sức lao động", lấy công làm lãi. Như vậy có thể thấy, KH&CN chưa được áp dụng rộng rãi, chưa đi sâu vào cuộc sống; nhiều nghiên cứu có giá trị trong "phòng thí nghiệm" - chỉ 1/3 số đó được chuyển giao ứng dụng hoặc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện; số DN dám "mạo hiểm" đầu tư cho các công trình khoa học chỉ đếm trên đầu ngón tay; việc đặt hàng sản phẩm của các trung tâm nghiên cứu cũng không có nhiều DN mặn mà...

Những vấn đề cần tập trung tháo gỡ

Hiến pháp 2013 xác định "Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước". Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Đảng ta cũng đã ra Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu KH&CN trong đó nêu rõ, KH&CN phải thật sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Như vậy, tại Hiến pháp 2013, một lần nữa khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu. Thời điểm này cũng hết sức thuận lợi khi chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý hậu thuẫn cho việc phát triển KH&CN. Cụ thể, để Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KH&CN nhanh chóng triển khai trong đời sống xã hội, Luật KH&CN (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2013 với nhiều nội dung mang tính đột phá, cụ thể hóa tinh thần tập trung cho phát triển KH&CN, mang lại động lực mới cho giới trí thức, giới nghiên cứu và quản lý khoa học của cả nước. Điều 62, Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ: "Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN; bảo đảm quyền nghiên cứu KH&CN; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động KH&CN".

Để có những đột phá trong việc nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN - nói cách khác là để Nghị quyết của Đảng và nội dung của Hiến pháp 2013 nhanh chóng được triển khai trong cuộc sống - có hàng loạt vấn đề cần được khẩn trương tháo gỡ. Đó là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; xác định nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đối với phát triển KH&CN; xây dựng kế hoạch trung và dài hạn trong việc đặt hàng các phòng thí nghiệm cho các tổ chức KH&CN, tránh tình trạng "ăn đong", thiếu các nghiên cứu chuyên sâu; nâng cao trình độ KH&CN của nhiều lĩnh vực sản xuất hiện còn ở mức thấp (sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy, hải sản...); mở rộng quy mô, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ nhằm tăng hàm lượng KH&CN trong giá trị sản phẩm, góp phần tăng khả năng cạnh tranh...

Khoa học và công nghệ là lĩnh vực luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Vai trò khoa học và công nghệ đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 1992. Nội dung có liên quan về khoa học và công nghệ trong Hiến pháp năm 1992 được quy định tại Điều 37, Điều 38 (Chương III). Các nội dung liên quan đến khoa học và công nghệ đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện và nâng cao vị thế, vai trò, mục tiêu phát triển cũng như các chế định về chính sách khoa học và công nghệ, trách nhiệm của nhà nước trong phát triển khoa học và công nghệ; Quyền con người trong nghiên cứu khoa học, công nghệ; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, MTTQ Việt Nam.

Cùng với xác định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài (Điều 61), tại Điều 62, Chương III, Hiến pháp 2013 khẳng định: Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.

Hiến pháp 2013 đã đưa vai trò của khoa học và công nghệ từ vị thế giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước (Hiến pháp 1992) lên vị trí Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vai trò “quốc sách hàng đầu” về phát triển khoa học và công nghệ được nâng lên đặt ngang tầm với giáo dục và đào tạo, phù hợp với định hướng cơ bản và những giải pháp chủ yếu nêu trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng: “ Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”.

Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đã và đang phát triển với những bước tiến nhảy vọt trong thế kỷ 21 đã đưa thế giới từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin, phát triển kinh tế tri thức, tác động tới tất cả các lĩnh vực, làm biến đổi nhanh chóng và sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, sự phát triển năng động của các nền kinh tế đang làm cho việc rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước trở nên hiện thực và nhanh hơn. Khoa học và công nghệ trở thành động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế-xã hội.

Kiên định học thuyết Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta đã đề ra đường lối công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Phát huy mọi lợi thế, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu về khoa học và công nghệ. Trên cơ sở đó, vai trò quốc sách hàng đầu, quan điểm về khuyến khích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ đối với đội ngũ cán bộ KHKT, các tổ chức, cá nhân; chính sách khoa học và công nghệ, quyền nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ, quyền được đảm bảo, được thụ hưởng từ các hoạt động khoa học và công nghệ… được phát triển phù hợp với Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong ưu tiên đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển khoa học và công nghệ, định hướng thể chế hóa thông qua các cơ chế chính sách, pháp luật đảm bảo phát triển khoa học và công nghệ là “quốc sách hàng đầu” và giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là những chế định góp phần đảm bảo cho quá trình thực thi chính sách phát triển khoa học và công nghệ thời kỳ CNH-HĐH đất nước hiện nay, đồng thời, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Với vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại Điều 9 Hiến Pháp 2013: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, góp phần phát triển khoa học và công nghệ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể phát triển các tổ chức thành viên, trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã khẳng định “Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên…

Bên cạnh đó, những giải pháp về nâng cao nhận thức, quan tâm đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ; xây dựng và phát triển đội ngũ những nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành, thực hiện dân chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, sự lãnh đạo của Đảng đối với khoa học và công nghệ góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2010-2020 và những năm tiếp theo.

Đặng Quang Giới