Hà Nội nghìn năm văn hiến là gì

Thăng Long: Nghìn năm văn hiến

Nguyên Khánh (thực hiện)

09:00 21/01/2020

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến là dòng chảy văn hóa không ngừng, có thể có lúc nhìn thấy hoặc có vẻ không nhìn thấy, nhưng đó là dòng chảy đều đặn đúng quy luật, nó là dòng chảy của lịch sử, của sự phát triển bền vững. Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết nhân dịp Xuân mới 2020.

Ông Nguyễn Viết Chức.

PV: Năm 2019 Hà Nội long trọng kỷ niệm 20 năm được UNESCO công nhận là TP vì hòa bình, vì sao Hà Nội lại được vinh danh chứ không phải là TP nào khác thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Chức: Vì sao UNESCO công nhận Hà Nội là TP vì hòa bình ư? Tất nhiên là khi công nhận họ phải căn cứ vào hiện tại, nhưng cái quan trọng là căn cứ vào cả bề dày lịch sử nữa. Tôi nhớ, thời điểm lúc bấy giờ có rất nhiều hồ sơ của các TP khác tham gia, nhưng Hà Nội là TP duy nhất của châu Á, cũng là thủ đô đầu tiên của châu Á được vinh danh. Sự công nhận này có thể nói là sự vinh danh rất chuẩn xác.

Tại sao tôi lại nói đây là sự vinh danh rất chuẩn xác là bởi, chưa bao giờ Hà Nội lại làm việc không vì hòa bình. Chẳng hạn, câu chuyện về thần Kim Quy trao gươm thần giúp nhân dân ta đánh kẻ thù xâm lược chính là một thông điệp hòa bình. Rõ ràng nhân dân Thủ đô, nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, thế nên sau khi được thần giúp sức trao gươm báu để đánh thắng giặc thì họ sẵn sàng hoàn trả lại gươm để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc, một nền hòa bình thực sự.

Tất nhiên chuyện về hồ Hoàn Kiếm chỉ là truyền thuyết nhưng có những minh chứng rõ ràng về sự yêu chuộng hòa bình của người dân Thủ đô chính là lịch sử đánh đuổi giặc Minh của Lê Lợi. Sự thật là tướng giặc Vương Thông đã bị quân ta vây kín, ta có thể tiêu diệt kẻ thù xâm lược, nhưng mục tiêu cuối cùng là vì hòa bình giữa 2 dân tộc nên chúng ta đã cấp lương thực, phương tiện cho giặc rút quân về nước cốt để có nền hòa bình.

Có thế nói, khát vọng hòa bình không chỉ với người dân Thủ đô Hà Nội, của kinh thành Thăng Long là ý chí của dân tộc Đại Việt.

Trong thời hiện đại cũng thế, Bác Hồ nói, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, và khi Mỹ rút quân thì thời gian ngắn sau chúng ta bình thường hóa quan hệ, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Đấy là tư tưởng vì hòa bình, hòa bình là trên hết chứ không phải là thắng, thua. Việc thế giới thừa nhận Hà Nội là TP vì hòa bình cũng là một thông điệp. Đó là đất nước có truyền thống lịch sử yêu hòa bình, họ xây dựng cuộc sống vì hòa bình của họ thì hà cớ gì lại xâm lược họ?

Tiếp nối những thành tích trong quá khứ, mới đây Hà Nội một lần nữa được UNESCO vinh danh là TP sáng tạo, điều này có ý nghĩa thế nào với Thủ đô 1010 tuổi thưa ông?

-Năm vừa qua Thủ đô của chúng ta có rất nhiều thông tin thú vị, đó là Hà Nội trở thành địa phương thu hút rất nhiều đầu tư nước ngoài nhất nước. Điều này thể hiện sự tin tưởng của thế giới với Hà Nội. Đặc biệt mới đây UNESCO công nhận Hà Nội là TP sáng tạo, điều này rất tuyệt vời trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi sự sáng tạo là điều vô cùng cần thiết, là tiêu chí cho sự phát triển. Vì hòa bình phải đi cùng phát triển. Hòa bình, độc lập mà nhân dân cứ đói khổ, không phát triển thì hòa bình, độc lập để làm gì?

Sáng tạo, điều ấy có đồng nghĩa với việc Hà Nội của chúng ta dần xa rời những giá trị truyền thống và nghiêng nhiều về giá trị hiện đại hay không thưa ông?

Hồ Gươm.

-Tôi không nghĩ vậy, truyền thống, quá khứ, hiện tại, tương lai nó được kết nối với nhau bởi những giá trị của văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Nếu được công nhận sáng tạo rồi quên quá khứ thì không còn Thăng Long -Hà Nội nữa. Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến là dòng chảy văn hóa không ngừng, có thể lúc nhìn thấy lúc không hoặc có lúc nào có vẻ không nhìn thấy nhưng là dòng chảy đều đặn đúng quy luật theo thời gian. Nó là dòng chảy của lịch sử, của sự phát triển bền vững, không đứt đoạn. Có thể do chiến tranh hoặc chuyện này, chuyện khác, người ta cảm thấy có đoạn đứt gãy nào đó trong dòng chảy này, nhưng thực ra dòng chảy này là mãi mãi trong lòng dân tộc. Tôi tin rằng, lãnh đạo Hà Nội không bao giờ lại vì sự phát triển hiện tại mà làm mất đi truyền thống tốt đẹp của TP hơn 1.000 năm tuổi.

Vì sao tôi lại nói vậy là bởi, với sự phát triển hiện đại, bạn bè quốc tế cảm thấy ngỡ ngàng khi đến Hà Nội, vì TP thay da đổi thịt hàng ngày. Trước đây làm sao hình dung ra được đường sá, nhà cao tầng, điện sáng thế này được. Nhưng người ta vẫn thấy dáng dấp những mái cong trên bầu trời Hà Nội, thấy Văn Miếu Quốc Tử Giám, Thăng Long tứ trấn, chùa Một Cột, Nhà hát Lớn… Thậm chí, những công trình hiện đại bây giờ biết đâu cũng sẽ trở thành điểm nhấn đánh dấu thời gian của Thăng Long - Hà Nội.

Tôi nghĩ rằng sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội như một bức tranh đẹp, tổng thể, hài hòa. Đây đó, có chỗ nào chưa được hài hòa, chắc chắn sẽ được khắc phục, bởi đó là nhu cầu bức thiết của hiện thực khách quan. Tôi tin chính quyền Hà Nội không thể không nhìn ra. Họ đang thể hiện điều đó. Như, chương trình cứu các con sông dù chưa có kết quả nhưng họ nghĩ về nó, tìm giải pháp cho nó. Chương trình 1 triệu cây xanh, phát triển đô thị có sự tham gia của các tổ chức có uy tín vào thiết kế cho thấy chính quyền trăn trở vì tương lai của Hà Nội.

Làm sao để Hà Nội phát triển mà vẫn giữ được hồn cốt, thưa ông?

-Phải tôn trọng luật pháp. Chúng ta có Luật Văn hóa, Luật Di sản, Luật Thủ đô... Làm gì trước tiên phải trên cơ sở pháp luật. Ngoài ra phải lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy dân chủ, phải lắng nghe, giám sát phản biện, đặc biệt người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cá nhân chứ không phải trách nhiệm tập thể. Chịu trách nhiệm trước nhân dân, lịch sử để giải quyết vấn đề mới giải quyết được bài toán phát triển và bảo tồn, vì suy cho cùng không ai có thể hiểu hơn người đứng đầu đương thời được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chủ đề: Hà Nội Thăng Long Ông Nguyễn Viết Chức. Nghìn năm văn hiến Thủ đô 1010 tuổi

Tự hào Thăng Long - Hà Nội ngàn năm Văn hiến và Anh hùng

(ĐCSVN) - Sáng 1/10, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã khai mạc trọng thể tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội). Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội,đãđọc Diễn văn, long trọngtuyên bốkhai mạc 10 ngày Đại lễ. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phát biểu này.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tuyên bố khai mạc 10 ngày Đại lễ
Ảnh: Chinhphu.vn


...Hôm nay, dưới trời thu Hà Nội, bên Tượng đài Ðức vua Lý Thái Tổ uy nghiêm và Hồ Gươm huyền thoại, trong niềm tự hào và hạnh phúc lớn lao, chúng ta long trọng khai mạc 10 ngày Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội vừa đi qua những cột mốc thời gian đáng nhớ: 1000 ngày, 500 ngày, 100 ngày, và hôm nay bước vào 10 ngày Ðại lễ. Trong giờ phút trang trọng này, những công dân của Thủ đô Hà Nội, của Tổ quốc Việt Nam XHCN và kiều bào ta ở nước ngoài, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn công lao trời biển của các bậc tiền nhân đã hiến dâng trí tuệ, sức lực và máu xương trong cuộc trường chinh vĩ đại dựng nước và giữ nước, cùng chung tay góp sức xây dựng Thăng Long - Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.

...Ðúng 1000 năm trước, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Ðức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô. Từ buổi bình minh dựng nghiệp lớn, từ ánh hào quang của Rồng vàng bay lên trên sóng nước sông Hồng, Ðức vua đã nhìn thấy vầng dương của vận nước: "Thành Ðại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng chầu, hổ phục, đã đúng ngôi Nam - Bắc - Ðông - Tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; đúng là nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời".

Cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư núi non trùng điệp về trung tâm châu thổ sông Hồng là bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt Nam, khẳng định ý chí xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Ðại Việt. Lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không ngừng được bồi đắp bằng những kỳ tích oai hùng. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, nước Ðại Việt không ngừng lớn mạnh.

Chúng ta mãi mãi tự hào về khí phách của ông cha qua những vần thơ hùng tráng của Ðức vua Trần Nhân Tông:

"Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng".

Dù phải vượt qua biết bao thử thách, truyền thống hào hùng của Thăng Long - Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công vô cùng hiển hách: Bạch Ðằng, Ðông Bộ Ðầu, Chương Dương Ðộ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Ðống Ða, Ðiện Biên Phủ trên không... Tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm quyết thắng ngoại xâm luôn hòa quyện với sức mạnh vô biên của lòng nhân ái, tinh thần hòa hiếu và khát vọng hòa bình, như Nguyễn Trãi đã từng đúc kết:

"Ðem đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo".

Khát vọng vươn lên của Thăng Long - Hà Nội còn được thể hiện trong ý chí nuôi dưỡng hiền tài để dựng xây đất nước, coi "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Cũng bởi thế, Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị mãi mãi là truyền thống tốt đẹp, là những giá trị vô cùng cao quý của Thăng Long - Hà Nội, của dân tộc Việt Nam!

Chúng ta tự hào về những con người kiệt xuất đại diện cho những giá trị truyền thống ấy. Ðó là những danh tướng, những anh hùng dân tộc lưu danh cùng sông núi: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Ðế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... cùng những danh nhân văn hóa làm rạng danh Thăng Long và đất nước, như: Chu Văn An, Ngô Sĩ Liên, Thân Nhân Trung, Ðặng Trần Côn, Lê Quý Ðôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, bà Huyện Thanh Quan,... và biết bao anh hùng, danh nhân khác.

Thăng Long - Hà Nội cũng là nơi hội tụ, đua tài, góp sức của biết bao khối óc, con tim, của những con người tài hoa, sáng tạo, những bàn tay vàng của những người lao động ở khắp mọi miền đất nước đã về đây chung tay góp sức xây dựng Thủ đô.

Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, chung đúc và lắng đọng các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam kết hợp với tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại.

Lịch sử Thăng Long - Hà Nội luôn khắc ghi hình ảnh, tên tuổi biết bao người con của đất nước, đã chiến đấu quả cảm và hy sinh vô cùng oanh liệt trên mảnh đất thiêng liêng này, tiêu biểu là tấm gương kiên trung, lẫm liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, của những chiến sĩ can trường, ôm bom ba càng lao vào phá xe tăng địch, của biết bao quần chúng nhân dân Thủ đô xuống đường dựng chiến lũy với tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" đời đời bất diệt!

Dân tộc ta, non sông đất nước ta tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người được toàn thể nhân dân tôn kính gọi là Bác Hồ; được nhân loại tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã nêu cao chân lý của dân tộc, đồng thời cũng là chân lý lớn của thời đại: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!".

Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội; tự hào với những áng văn bất hủ mang hùng khí non sông, như: "Chiếu dời đô", "Nam Quốc sơn hà", "Hịch tướng sĩ", "Ðại cáo Bình Ngô", "Tuyên ngôn Ðộc lập"...

Hôm nay, Thủ đô Hà Nội rất vui mừng đón nhận bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới. Tiếp sau sự kiện 82 Bia Tiến sĩ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản ký ức nhân loại, sự kiện này thêm một lần khẳng định giá trị đặc biệt của Thăng Long - Hà Nội hơn một thiên niên kỷ qua luôn là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm văn hóa, kinh tế, giao lưu quốc tế quan trọng nhất của đất nước; là minh chứng hùng hồn cho lời khẳng định: "nơi đây là thắng địa", "nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời".

...1000 năm trước, theo Ðại Việt Sử lược, Thành Ðại La có chu vi gần 2.000 trượng (khoảng 6.000 m), với hơn 5.000 mái nhà. Hà Nội hôm nay gồm 29 quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường, với diện tích 3.344 km2, dân số hơn 6,5 triệu người, mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn. Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Thành phố đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn về mọi mặt, xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam XHCN. Bên dòng sông Hồng lịch sử và nên thơ, những khu đô thị mới, những cây cầu mới ngày đêm soi bóng. Quanh Hồ Gươm huyền thoại, cùng với vẻ đẹp lung linh của 36 phố phường vẫn được nâng niu, lưu giữ, là những công trình, những dự án mới đã và đang được hối hả dựng xây. Thủ đô Hà Nội ngày càng khởi sắc, lớn lên từng ngày.

Hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ðại hội lần thứ 15 Ðảng bộ Thành phố và Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, Thành phố Hà Nội tỏ rõ quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, các công trình, dự án phục vụ nhu cầu dân sinh; thực hiện tốt chính sách đối với những người có công, những gia đình chính sách; đẩy mạnh các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

...Thế hệ chúng ta có hạnh phúc lớn được sống vào thời điểm lịch sử vô cùng trọng đại, Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã cùng nhân dân cả nước tiến hành nhiều hoạt động thiết thực và cảm động hướng về Ðại lễ với niềm tự hào, lòng biết ơn và trách nhiệm lớn lao.

Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; các cơ quan trung ương, các địa phương; các tập thể, cá nhân trong nước, bà con Việt kiều; các Thủ đô, thành phố, các tổ chức và bạn bè quốc tế đã dành cho Hà Nội tình cảm đặc biệt, sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình, quý báu.

Trong giờ phút thiêng liêng và trọng đại này, chúng ta như đang nghe tiếng của hồn thiêng sông núi. Với tư thế của Rồng vàng bay lên năm xưa, các thế hệ con Lạc cháu Hồng thời đại Hồ Chí Minh, chủ nhân của một giang sơn hùng vĩ, một đất nước được sống trong độc lập, tự do, đang ra sức tiến hành công cuộc đổi mới, vững tin bước tới tương lai, xây dựng Thủ đô và đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

Với tất cả lòng tự hào, niềm hạnh phúc và trách nhiệm lớn lao, tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc 10 ngày Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội! Tự hào thay Thăng Long - Hà Nội ngàn năm Văn hiến, Anh hùng! Tổ quốc Việt Nam vinh quang muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Video liên quan

Chủ đề