Em hiệu thế nào là một nền nông nghiệp sạch và bền vững

Xây dựng một nền nông nghiệp sạch (NNS), nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường “sức khỏe” cho đất đai, cho vật nuôi, cây trồng và con người như một thể liên kết không tách rời, giữ gìn môi trường trong lành, giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là một giải pháp cho việc đối phó với biến đổi khí hậu và theo nguyên lý được quy định trong tiêu chuẩn của Liên đoàn quốc tế các phong trào canh tác NNHC (IFOAM).

Bài toán cân bằng cung - cầu hàng hóa nông sản và thực phẩm từ lượng sang chất, bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường xuất khẩu đặt ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần xác định lại động lực chính thúc đẩy phát triển là tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp, vượt qua những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị, chú trọng xây dựng thương hiệu với các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm NNS trên thế giới. Những mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên đòi hỏi nông nghiệp nước ta phải xây dựng và phát triển NNS, NNHC trên phạm vi toàn quốc, tránh sử dụng phân bón vô cơ và các loại hóa chất làm thoái hóa đất, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để thực hiện NNS và NNHC, khoa học và công nghệ giữ vai trò quyết định. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được thực hiện ở các nước phát triển trên thế giới thì ngành nông nghiệp Việt Nam cũng cần áp dụng nhanh chóng các công nghệ mới.

Trước hết, cần áp dụng các tiến bộ về công nghệ thông tin trong việc quản lý của toàn bộ quá trình sản xuất ở tất cả các khâu: tạo giống - nuôi trồng - thu hoạch - chế biến - vận chuyển - cung cấp cho thị trường. Trong việc tạo và chọn các loại giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu cần nhanh chóng áp dụng những tri thức công nghệ sinh học tiên tiến; thực hiện ứng dụng công nghệ vi sinh trong các lĩnh vực nông nghiệp, từ công tác cải tạo đất, vệ sinh môi trường đến thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ vi sinh... Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành vật tư, nguyên liệu cho các sản phẩm NNS như phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu vi sinh với giá bán tương đương và thấp hơn so với phân bón vô cơ hay thuốc trừ sâu hóa học, từ đó khuyến khích người nông dân sử dụng, thay đổi tập quán canh tác, thay phân vô cơ bằng phân bón hữu cơ vi sinh...

Từ các giải pháp nêu trên, cần lựa chọn các mô hình liên kết bền vững giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) và nông dân để tạo ra những thương hiệu Việt Nam mang tính toàn cầu. Xác định, lựa chọn các mô hình điển hình cho từng lĩnh vực trong nông nghiệp để áp dụng trên diện rộng và giao cho các hiệp hội nghề nghiệp của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cụ thể. Trong đó, mối liên hệ hữu cơ giữa nhà khoa học, người nông dân, DN phải dựa trên cơ sở tỷ lệ lợi ích trên sản phẩm cuối cùng; đồng thời tạo được mối liên kết về lợi ích để cùng nhau xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và giá trị của từng loại sản phẩm. Khâu tiếp theo là tạo thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm NNS, NNHC của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ sống còn cần sự vào cuộc bài bản, cụ thể của các bộ: Nông nghiệp, Công thương, Ngoại giao trong phối hợp thúc đẩy, định hướng phát triển thị trường đầu ra cho nông dân và DN. Việc xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn cầu phải làm thường xuyên và phải là công việc và trách nhiệm của các bộ, ngành chứ không chỉ là công việc của DN và người nông dân bởi sự hạn chế trong tài chính và nhân lực.

Để xây dựng một thị trường NNS bền vững còn cần sự vào cuộc, xây dựng cơ chế trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, trong đó, Chính phủ nên có cơ chế khuyến khích các công ty bảo hiểm để đưa ra gói sản phẩm bảo hiểm cho từng lĩnh vực nông nghiệp cần trú trọng phát triển. Chỉ khi có bảo hiểm thì ngân hàng, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực NNS giá trị cao vì đây là một lĩnh vực nhiều mạo hiểm, rủi ro...

Tiến sĩ PHẠM XUÂN ĐẠI Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh

Bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đi liền với đó là sự tác động khó lường từ biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, đi liền với thách thức, khó khăn vẫn có cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển nông nghiệp. Muốn vậy, cần tập trung vào một số vấn đề trọng yếu. Thứ nhất, cần kiên định với định hướng tập trung vào phát triển nông nghiệp Xanh, bền vững dù buộc phải chấp nhận cuộc đấu tranh về lợi ích giữa hai trường phái: một bên là phát triển nóng, sản xuất bẩn với một bên là sản xuất bền vững, xanh, sạch từ canh tác đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Thứ hai, phải tổ chức lại sản xuất, cơ chế hóa và hiện đại hóa đi theo nền sản xuất lớn, tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đưa ngay kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng và mô hình liên kết sản xuất. Cùng với đó ta phải tổ chức lại sản xuất, lực lượng sản xuất ở nông thôn. Việc xây dựng và phát triển các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới ở nông thôn theo mô hình của CHLB Đức, Đài Loan hay Đan Mạch,... là rất hữu ích cho nông dân. Thứ ba, xử lý các vấn đề về đất đai theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Có thể chấp nhận tích tụ ruộng đất mạnh hơn để hình thành những cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lớn tập trung. Nếu cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và cương quyết xử lý việc sử dụng đất không hợp lý của các tổ chức, cá nhân, nhất là vấn đề quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường không có hiệu quả mà Quốc hội đã tổ chức giám sát và ra nghị quyết về vấn đề này trong năm 2015. Thứ tư, trong quản trị nguồn nước, chúng ta phải giữ cho được tài nguyên nước, phải tích trữ, phân phối, điều hòa nước một cách hợp lý, kết nối liên thông được hệ thống từ sông ngòi, đến các công trình thủy lợi, hình thành mạng lưới tưới tiêu hoàn chỉnh. Dự án Luật Thủy lợi đang được Quốc hội xem xét, thảo luận phải thể hiện được quan điểm này. Muốn được như vậy, việc đầu tiên là chúng ta phải giữ được rừng đầu nguồn. Để giữ được rừng thì người dân phải sống được dưới tán rừng. Nguồn tài chính để giữ rừng phải chi trả một phần từ NSNN, một phần từ việc vận hành, khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện. Người sử dụng nước cho mục đích kinh tế phải trả tiền cho người tạo nước. Đây là nguyên tắc thị trường. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình tích nước, chúng ta phải sử dụng hợp lý các vùng trũng, kênh mương, ao hồ làm nơi tích nước. Ngành nông nghiệp phải được giao chủ trì việc quản lý, điều phối nguồn tài nguyên nước cho hợp lý nhất giữa sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của nhân dân, phát điện và các mục đích sử dụng khác. Thứ năm, ta phải xây dựng nền nông nghiệp có hệ thống các cơ sở sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. Chúng ta phải đi theo xu thế bón phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới, phải giảm mạnh phân vô cơ và vấn đề quản lý phân cần tập trung về một đầu mối. Hiện tại vai trò quản lý nhà nước về phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ thuộc trách nhiệm của hai bộ khác nhau. Vấn đề này cũng phải được cân nhắc và xu hướng đưa vấn đề quản lý phân bón về ngành nông nghiệp. Thứ sáu, phải bảo đảm về giống tốt, giống có năng suất cao, giống có chất lượng tốt và ra sản phẩm tốt nhưng ta phải giữ được giống gen nguyên thủy, giống gen quý. Chúng ta phải làm sao để những sản phẩm này có thương hiệu trên thế giới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ bảy, cần có cuộc cách mạng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, năng lực nhận thức, hấp thụ, chấp nhận chuyển giao công nghệ, nhất là đối với người nông dân sản xuất hàng hóa, khuyến khích ứng dụng khoa học, kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, thông qua việc tổ chức đào tạo có hệ thống, kể cả “cầm tay chỉ việc” cho người nông dân để bảo đảm yêu cầu cho công cuộc đổi mới căn bản trong nông nghiệp. Thứ tám, trong tổ chức sản xuất, trong quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, trong tiếp cận thị trường và trong đầu tư phải lấy hiệu quả làm chính và phải dùng cơ chế thị trường để giải quyết các mối quan hệ kinh tế, giảm dần sự bao cấp và Nhà nước chỉ có thể là “bà đỡ” trong một giai đoạn nhất định mà thôi. Ngay việc chuyển đổi hệ thống kênh mương nội đồng cho tổ chức, cá nhân cũng phải chú ý đến khía cạnh tài chính công, tài sản công để bảo đảm sự công bằng trong phân bổ các nguồn lực của Nhà nước và thụ hưởng của các hộ nông dân sử dụng nước trên từng địa bàn cụ thể. Cuối cùng, cần khẳng định, đất nước ta là quốc gia biển với hơn một triệu ki-lô-mét vuông biển với vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp hơn ba lần phần lục địa nên có thể khẳng định tương lai xán lạn của kinh tế biển nước ta. Do đó, việc hoạch định chiến lược biển của chúng ta trong giai đoạn tới với định hướng phát triển tổng hợp cả công nghiệp khai khoáng, năng lượng, khoa học biển, du lịch, cơ khí đóng và sửa chữa tàu biển, giàn khoan, vận tải biển, logistics bên cạnh phát triển nghề cá, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản… là rất quan trọng.

Việc thay đổi căn bản cách chúng ta vẫn thường nghĩ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn có thể đem lại các hướng đi mang tính đột phá cho giai đoạn phát triển tới đây của ngành nông nghiệp nước ta, thực hiện được mục tiêu mà Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ 12 đặt ra là tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trên nền tảng cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân trên 3,0%/năm trong 5 năm tới.

PHÙNG QUỐC HIỂN

Video liên quan

Chủ đề