Đào tạo theo đơn đặt hàng là gì

Tạp chí GTVT - Thời gian qua, cụm từ “đào tạo gắn kết với doanh nghiệp” được nhắc nhiều trong các diễn đàn tuyển sinh và phỏng vấn việc làm đối với giáo dục nghề nghiệp...

Sinh viên tham quan, học tập thực tế tại doanh nghiệp

Hoạt động gắn kết đào tạo với doanh nghiệp ngày càng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu. Giáo dục nghề nghiệp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đồng hành phát triển, từ đó doanh nghiệp ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, từ khâu phát triển chương trình, tham gia đào tạo; thi, kiểm tra đánh giá, tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp. Thống kê cho thấy, năm 2019, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nghề đạt tỷ lệ 100% sinh viên ra trường có việc làm với mức thu nhập cao. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã tạo dựng các cơ sở đào tạo cho riêng mình, chủ động nhân lực. Điều này cho thấy, doanh nghiệp ngày càng tích cực tham gia đào tạo để chủ động nguồn nhân lực lâu dài cho bản thân mình.

Công ty LG Display đã ký kết biên bản hợp tác với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Theo đó, phía Công ty LG Display sẽ cung cấp chương trình thực tập cho sinh viên có thành tích của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Số lượng sinh viên thực tập sẽ dựa trên nhu cầu của công ty hàng năm. Về phía Trường Đại học Hàng hải Việt Nam sẽ cung cấp các khóa đào tạo cho nhân viên của Công ty LG Display trong các lĩnh vực kỹ thuật có liên quan.

Tương tự, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Pegatron Hải Phòng Ngô Đông Du, thời gian tới, Công ty sẽ tuyển dụng từ 20.000 - 25.000 lao động thuộc các lĩnh vực hành chính, nhân sự, thiết bị, điện tử... Công ty sẽ hợp tác với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam để tham gia vào quy trình đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời sẽ tạo cơ hội để các sinh viên có năng lực trong các trường trên địa bàn Hải Phòng có cơ hội thực tập tại Công ty và Công ty tiếp nhận các em ngay sau khi ra trường.

Theo PGS. TS. Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, Nhà trường đã tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ cao, được đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, Trường cũng chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá theo chuẩn CDIO, kiên định áp dụng chuẩn đầu ra cho sinh viên như tiếng Anh quốc tế TOEIC/IELTS, chuẩn tin học văn phòng quốc tế MOS. Hàng năm, Nhà trường cung cấp hàng nghìn nhân lực chất lượng cao cho nhiều doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Tràng Duệ, VSIP, Deep C, Nomura... và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Còn theo ông Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ GTVT (UTT), những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm đến Nhà trường để “đặt hàng” đào tạo. Điển hình là việc ký hợp tác đào tạo giữa UTT với Công ty Cổ phần FECON. Theo đó, để có thể nhận kỹ sư ngay sau khi ra trường, Công ty sẽ đồng hành với Nhà trường trong việc cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của doanh nghiệp. FECON sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo như cử chuyên gia để tham gia giảng dạy một số nội dung chuyên môn, tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập, dạy kỹ năng mềm và văn hóa doanh nghiệp cho sinh viên. Sinh viên sẽ được học tập lý thuyết, thí nghiệm tại trường; học thực hành, thực tập tại các công trường của FECON với các thiết bị máy móc hiện đại. Sinh viên được FECON cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp nếu đáp ứng một số tiêu chí Công ty đưa ra, đồng thời được hoàn trả toàn bộ học phí trong suốt khóa học, được cấp học bổng khuyến khích học tập trong từng năm học...

Đánh giá về phương thức doanh nghiệp liên kết nhà trường đào tạo nguồn nhân lực, ông Trần Trọng Thắng - Tổng Giám đốc FECON cho biết, với một doanh nghiệp hướng đến phát triển hạ tầng như FECON, việc tìm kiếm một cơ sở đào tạo có thể cung cấp và đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo với Trường Đại học Công nghệ GTVT giúp FECON chủ động nguồn nhân lực có trình độ, tiết kiệm được chi phí và thời gian đào tạo, mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Không chỉ liên kết với FECON, UTT còn ký hợp tác đào tạo với Công ty CP Licogi 16. Hai bên sẽ hợp tác khai thác hệ thống thiết bị và dây chuyền sản xuất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Licogi 16 và công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Công nghệ GTVT. UTT hỗ trợ đào tạo cho các cán bộ, kỹ sư, nhân viên của Licogi 16 về các nội dung liên quan đến chuyên môn theo nhu cầu của Licogi 16 và khả năng của Nhà trường. Ngược lại, phía Licogi 16 hỗ trợ tiếp nhận giảng viên của UTT tham gia các dự án thực tế của Công ty; tiếp nhận sinh viên của UTT tham quan và thực tập tốt nghiệp tại công trường. Licogi 16 cũng là đơn vị tiếp nhận, tuyển dụng sinh viên do UTT đào tạo và hỗ trợ học bổng cho những sinh viên có thành tích xuất sắc, sinh viên nghèo vượt khó cho 2 ngành Xây dựng cầu đường và Máy xây dựng với mức hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Trước mắt, Licogi 16 đặt hàng UTT 2 lớp sinh viên ngành Xây dựng cầu đường và Máy xây dựng khóa 68 để chuẩn bị nhân lực trong thời gian tới của Công ty. Năm 2018, Licogi 16 sẽ tuyển dụng 50 vị trí việc làm ngành Máy xây dựng. Công ty sẽ hỗ trợ 100% học phí 5 năm học, trả lương thực tập, cấp học bổng, đào tạo vận hành máy thi công... cho sinh viên nếu được Công ty tuyển dụng.

Có thể khẳng định, phương thức doanh nghiệp đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực hay mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Mô hình này giúp nhà trường thu hút thêm sinh viên, tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật các công nghệ tiên tiến, hiện đại, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ áp dụng trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, sinh viên không phải lo lắng về tài chính, được học tập kiến thức sát thực tế của chính doanh nghiệp nơi họ sẽ gắn bó lâu dài, được đào tạo kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp và được đảm bảo chắc chắn có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.

Từ trước đến nay giáo dục đào tạo ở  bậc đại học hay các trường dạy nghề ở Việt Nam phần đông là do xã hội tự vận động. Điều này có nghĩa là đào tạo theo nguyện vọng của học sinh chứ chưa tính đến nhu cầu đầu ra là để cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp phục vụ nhu cầu  phát triển của các doanh nghiệp. Học sinh ra trường phần lớn rơi vào thế bị động, phải tự cạy cục nhờ vả và tìm mọi mối quan hệ để xin việc.  Vì lý do này mà xuyên suốt trong khi đó trong quá trình học tập sinh viên sinh ít khi nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp mà phải tự thân vận động theo cơ chế thị trường trừ một số trường hợp cá biệt.

( Hình ảnh sinh viên sôi động tại giảng đường đại học FPT)

Vấn đề đặt ra là hiện nay về nhu cầu nhân sự có tay nghề cao ở Việt Nam là rất lớn, chưa kể đến nhân lực cho một số ngành  đang trở nên rất nóng.  Ví dụ như nhân lực về CNTT, cơ khí, các chuyên gia kinh doanh tầm cỡ quốc tế. Các ngành nghề  như chế tạo  và lắp ráp ô tô, cơ khí chính xác đang đòi hỏi một ngành công nghiệp phụ trợ rất lớn. Chỉ riêng ngành công nghiệp ô tô đã hơn 20 xây dựng chiến lược phát triển ô tô nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa có được một ngành công nghiệp phụ trợ xứng tầm. Theo  Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì tỷ lệ sản xuất trong nước đối các loại xe thông dụng như: xe tải, xe khách, xe con phải đạt tỉ lệ nội địa hóa  là 40% vào năm 2005, tăng lên đến 60% vào năm 2010. Theo Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24-7-2014, tỷ lệ giá trị sản xuất đối với ô tô đến 9 chỗ ngồi là 30-40% năm 2020, 40-45% năm 2025; Ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên đạt 35-45% vào năm 2020, 50-60% vào năm 2025. Đối với ô tô tải, tỷ lệ này phải đạt 30-40% năm 2020 và 45-55% năm 2025. Kế hoạch là như vậy nhưng sau gần 20 năm phát triển ngành công nghiệp ô tô, đến nay, xe khách, xe tải cơ bản đáp ứng được mục tiêu nội địa hóa đề ra. Cụ thể, xe tải dưới 7 tấn đạt tỷ lệ nội địa hóa trung bình trên 20%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ 45-55%. Riêng đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa bình quân mới đạt 7-10% (trừ dòng xe Innova của Toyota đạt 37%). So sánh các kết quả trên cho thấy tỷ lệ nội địa hóa của xe ô tô sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Chưa kể, các sản phẩm  đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc- quy, sản phẩm nhựa…” trong khi đó  nếu so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô của Việt Nam hiện quá thấp. Tỷ lệ trung bình của các nước trong khu vực đã đạt 65-70%, riêng Thái Lan đạt tới 80%.Vì lý do đó mà ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức lắp ráp chứ chưa đạt tới tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự.

Xuất phát từ thực tế đó , mấy năm gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện mô hình mới  đào tạo theo chuyên ngành riêng của từng ngành như Học Viên BCVT, Học viện ngoại giao, Điện lực vv…tuy nhiên mô hình này vẫn chỉ là đào tạo theo tên ngành chứ chưa đào tạo trên cơ sở đặt hàng của doanh nghiệp. Mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp có thể số lượng học sinh, sinh viên sẽ không đạt được về mặt số lượng như kì vọng, nhưng nó lại có ưu việt là số lượng sinh viên đào tạo sẽ không bị dư thừa sau khi tốt nghiệp như tình hình hiện nay. Hiện nay hàng năm ở nước ta hàng triệu sinh viên ra trường nhưng không nhiều trong số đó không kiếm nổi việc làm. Trong khi đó các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên danh với nước ngoài  thì luôn trong tình trạng thiếu nhân lực do các ứng viên không đạt được trình độ như kì vọng. Điều đáng buồn là sinh viên ra trường sau khi tốt nghiệp ra trường khi về các doanh nghiệp phần lớn vẫn phải đào tạo lại. Hiện nay ở các trường đại học, các trường dạy nghngoài các việc giảng dạy về chuyên môn, các trường còn đào tạo thêm về ngoại ngữ và  kĩ năng sống. Tuy nhiên do không có yêu cầu cụ thể theo đơn đặt hàng nên phần đông các em học sinh sinh viên không có những ưu tiên đầu tư cho những môn học đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp như ngoại ngữ, tin học. Những môn này chắc chắn sẽ được các em ưu tiên đầu tư có đơn vị nào đó đặt hàng và đưa ra yêu cầu ngay khi các em đặt chân vào trường.

Việc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiêp là việc khó, rất khó chứ không hề dễ, bởi nó đòi hỏi giữa Bộ GD-ĐT và các ngành khác trong toàn quốc phải có sự phối hợp hết sức chặt chẽ  từ khâu  đặt hàng đào tạo đến chương trình đào tạo trong suốt những năm học tập, trong đó lưu ý đến những chương trình tập sự và cho sinh làm quen tiếp cận công việc tại doanh nghiệp. Với lại chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng không phải là ai cũng đồng ý vì đây là ý tưởng có thể động chạm đến quyền lợi của nhiều người, nhiều nhóm người.

Mấy năm gần đây trường Đại học FPT, Các Khoa toán tin của các trường đại học  là những nơi đào tạo CNTT rất tốt, cung cấp một lượng nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến các địa chỉ này xem xét và tài trợ cho các em và nuôi dưỡng nhân tài cho doanh nghiệp. Tuy nhiên những đơn đặt hàng này mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ chứ chưa thành một chủ trương chung trong chương trình nghị sự giữa Bộ GD-ĐT và các doanh nghiệp trong cả nước.

Vì vậy để phục vụ chiến lược xây dựng quốc gia hùng cường, để sớm đạt được những mục tiêu mà Đảng và nhà nước đã đề ra đòi hỏi các Bộ , Ngành phải luôn luôn có những ý tưởng mới trong mọi khía cạnh cuộc sống, trong đó ưu tiên đặc biệt tới giáo dục và phát triển nhân lực. Ở thời đại công nghệ số và thời đại 4.0 một quốc gia muốn phát triển thịnh vượng ngoài những tài nguyên khoáng sản sẵn có thì tài sản quý giá nhất phải kể đến đó là con người. Con người là tài sản đáng giá nhất và là nhân tố quyết định đến sự thành công và thịnh vượng của một quốc gia.

Để có những nhân lực tốt có chuyên môn và tay nghề cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng luôn đặt lợi ích quốc gia , dân tộc lên trên hết thì công việc đào tạo và sử dụng con người phải được coi là quốc sách của dân tộc. Con người Việt Nam cần cù, thông minh và ham học hỏi, vì vậy mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm để kích hoạt tinh thần đó nhằm sớm xây dựng Việt Nam thành một quốc gia phát triển và thịnh vượng sánh vai với các cường quốc năm châu

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Video liên quan

Chủ đề