Đặng thiều quang là ai

NDĐT – Nhà văn bật mí, cuốn sách “Săn cá thần” anh mới hoàn thành dựa trên những cuộc săn một con cá lớn bí ẩn ở mạn Điện Biên, Lào Cai của anh và nhóm bạn câu cá. Cuốn sách mất ba năm mới hoàn thành, tác giả giải thích, do lối viết nhẩn nha và “lười” kết thúc nếu không bị giục giã.

Từ những nguyên mẫu ngoài đời Cuốn tiểu thuyết nho nhỏ “Săn cá thần” của nhà văn Đặng Thiều Quang mới ra mắt đầu tuần, được tiết lộ là”mượn” khá nhiều hình ảnh ngoài đời từ những người chung quanh anh, bạn bè, anh em, hoặc những “chiến hữu” trong CLB câu cá mà anh tham gia, và cả phần nào chính bản thân anh. “Săn cá thần” kể về một nhóm người trong cuộc đi tìm con cá khổng lồ kỳ lạ trên vùng cao phía bắc. Ban đầu chỉ là ham vui, vô thưởng vô phạt, rồi cuối cùng tất cả bị cuốn theo vòng xoay kỳ lạ chung quanh con cá. Những mặt trái trần trụi nhất của cuộc sống dần lộ ra trong cuộc săn. Những người đi săn cá ban đầu vô cùng tự tin với những gì mình có, từ tiền đến công nghệ, nhưng cuối cùng chỉ nhận về một nỗi khinh bỉ khôn cùng. Đặng Thiều Quang chia sẻ, câu chuyện được xây dựng trên chất liệu của những cuộc đi câu trong nhóm câu cá, trong đó có cả những chuyến đi tìm con cá khổng lồ trên mạn ngược. Anh bật mí: “Năm 2009, những người bạn tôi nói rằng ở khu vực Điện Biên, Sơn La có một con cá rất to, có thể lật cả thuyền, cho nên chúng tôi đã tổ chức đi săn con cá đó. Bối cảnh lúc đó là cửa khẩu Chiềng Khương, nơi sông Mã chảy vào Việt Nam. Con cá được bà con quanh vùng mô tả có thể cắn cả chó, đớp cả chân một con bê, và đã trở thành một câu chuyện huyền thoại trong vùng. Chúng tôi đến nơi, nhưng kết quả chuyến câu chỉ là gãy cần, đứt cước và chỉ được nhìn thấy vây lưng con cá đó”. Đặng Thiều Quang cho biết, những chi tiết trong cuốn sách, dù hư cấu nhưng đều xuất phát từ những thực tế trong cuộc sống.

Phát hành truyện trên mạng và… xe bus

Tác giả ký tặng sách cho bạn đọc.

Đặng Thiều Quang chia sẻ, cuốn sách khởi thảo từ năm 2009, ban đầu anh chỉ viết “Săn cá thần” cho vui, xoay quanh việc đi câu, chứ không đặt ra yêu cầu cụ thể gì về tính nghệ thuật, lớp lang. Cuốn sách được anh viết theo kiểu cuốn chiếu, viết đến đâu đưa lên mạng Internet đến đó, cho mọi người vào đọc và bình luận, góp ý. Ngày qua ngày, số lượng bạn đọc mỗi lúc một tăng, mỗi khi anh viết chậm, những lời giục giã từ phía bạn đọc lại đổ về liên tiếp. Đến mức, có một thời gian anh ngại viết, bỏ lửng câu chuyện đó, nhiều độc giả đã nhiệt tình “tự sáng tác” tiếp câu chuyện của anh. Đến khi biên tập viên Phạm Trung Tuyến của VOV đọc được, anh đã thuyết phục Đặng Thiều Quang hoàn chỉnh để đăng câu chuyện dài kỳ trên báo in của VOV. Báo VOV phát hành trên xe bus, và không ít hành khách đã trở thành bạn đọc quen thuộc của Đặng Thiều Quang, ngóng chờ kỳ tiếp theo, trong đó có cả một anh chàng phụ xe nhiệt tình góp ý cho câu chuyện. BTV Phạm Trung Tuyến nhận xét, “Săn cá thần” khéo léo kết hợp cả yếu tố kỳ ảo và hiện thực trong câu chuyện, và lựa chọn một cái kết hướng thiện”. Cuốn sách có tính hành động và kết cấu như một bộ phim kinh dị, các tình huống kịch tính và tiết tấu được đẩy nhanh, bất ngờ. Trong buổi ra mắt cuốn sách của Quang, những người bạn trong CLB cũng có mặt và chia sẻ với anh chung quanh cuốn sách. Anh Lương Xuân Minh, một trong những thành viên của CLB câu cá bật mí về những ngày đọc những trang đầu tiên của bản thảo: “Lần đầu tiên đọc bản thao trên trang cá nhân của Đặng Thiều Quang, tôi đã có ấn tượng bởi vì “Săn cá thần” hoàn toàn khác với những hình dung về giọng văn trước đây của Quang. Trước đây, khi đọc văn Quang, tôi thường phàn nàn rằng anh có thể viết kỹ hơn, trau chuốt hơn như thế nhiều mà không làm. Đến mức một thời gian dài Quang không đưa bản thảo cho tôi đọc nữa, vì biết thế nào tôi cũng can. Những trang đầu của bản thảo “Săn cá thần” dang dở làm tôi sốt ruột, liên tục giục anh. Nhưng đến khi cầm bản thảo sách đầy đủ kèm với minh họa do chính anh vẽ, tôi lại quyết định không đọc mà chờ cho đến khi ra sách”. Nhiều bạn văn của Quang, trong đó có những tên tuổi như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, các nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, nhà thơ Lê Anh Hoài… đã đến dự buổi ra mắt sách và động viên Đặng Thiều Quang. Đặng Thiều Quang thừa nhận, “Săn cá thần” là một sự khác biệt, so với những tác phẩm anh cho ra đời trước đây, như “Bóng giai nhân”, Hoen rỉ”, “Chờ tuyết rơi”… Anh nói, điều mình muốn gửi gắm qua cuốn sách này là những giá trị tốt đẹp của cuộc sống như niềm tin, tình yêu sẽ tồn tại vĩnh cửu.

T.L

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

Tôi là Đặng Thiều Quang. Đây là blog của tôi trên WordPress. Ngoài ra tôi cũng dùng facebook và YuMe. Hãy đọc blog của tôi để tìm hiểu thêm, chúc các bạn có những giây phút thú vị!

Về hành trình viết văn của tôi:

* Các truyện ngắn đăng trên báo Hoa Học Trò từ năm 1993-1996: Vâng, anh thơm! Bước ngắn bước dài, Người hùng biện, Thước kẻ bẻ đôi, Mùa xuân bất diệt, Đi theo màu da trời, Bỏ hoang…
Truyện vui, truyện cực ngắn… đây là giai đoạn tập viết văn, đúng nghĩa. Xuất phát điểm chỉ là những suy nghĩ rất trẻ con, rằng mình có thể viết hay hơn những tản văn hồng hồng tím tím đăng đầy báo HHT thuở ấy. Vì thích văn phong của Alecxandre Dumas, nên tôi lấy bút danh D’ Artagnan (Đac-ta-nhăng) – Tên một nhân vật trong Ba người lính ngự lâm. Tôi xác lập ngay cho mình một văn phong hài hước và bỡn cợt, khác biệt với tất cả những cây bút còn lại của báo HHT thuở ấy.

* Tôi & D’ Artagnan: Truyện dài 10 kỳ đăng trên báo Hoa Học Trò năm 1994 – Một cuộc tập dượt, thử sức, khi xây dựng một câu chuyện với các tuyến nhân vật, với nhiều tính cách riêng, thắt nút, mở nút, các yếu tố hồi hộp câu khách, gây tò mò, lời thoại, khai thác sự hồn nhiên nghịch ngợm của học trò, tình yêu tuổi học trò. Xác lập một tinh thần hài hước xuyên suốt, giữ giọng điệu và nhịp điệu câu chuyện. Đó là một truyện dài phù hợp với lứa tuổi mới lớn của học trò. Có thể nói, đó là một truyện dài kỳ khá thành công.

* Các truyện ngắn đăng báo Tiền phong dự thi Tác phẩm tuổi xanh: Người ta nghiêm túc ở tuổi hai mươi, Lọ lem phố nghèo, Phố vắng, Phố lạnh, Phố đêm, Đèn sáng trong nhà tôi, Trong căn phòng, Đêm thị trấn, Cốc nước lọc… Ngoài ra còn có các truyện ngắn đăng rải rác báo Văn nghệ trẻ, Mỹ thuật thời nay, Người Hà Nội, và một số tạp chí khác, đó là: Trên cây cầu không có lan can, Truyện vô đề (Nhật ký người dưng), Bỏ phố lên rừng, Bấy giờ là mùa xuân, Lạc đàn, Điệp khúc cuối, Bảy sắc cầu vồng…

Đây là nhiều truyện ngắn với nhiều văn phong khác nhau, giống như thử giọng, để tìm cho mình một thứ văn phong phù hợp nhất. Vừa là quá trình mày mò, khám phá, tự khẳng định, vừa tiếp tục tích lũy kinh nghiệm viết. Trong bài viết tham luận, anh Đặng Thân đã có những nhận xét khá chính xác về giai đoạn này, những truyện ngắn mang hơi hướng gần giống như những truyện ngắn Pautopxki, Chekhov, nhẹ nhàng, trong sáng. Một số truyện thì lại hơi lên gân, bồng bột, như chính cái tuổi đôi mươi hồi đó vậy.

* Hoen gỉ: Là cuốn tiểu thuyết đầu tay, viết trong vòng chưa đầy một tháng, tham dự cuộc thi Văn học tuổi hai mươi tổ chức lần thứ nhất năm 1994. Bắt đầu viết ngày mồng 5/12, kết thúc ngày 30/12, và đóng gói gửi bản thảo qua bưu điện vào ngày 31/12/1994 – Hạn chót cuộc thi. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, nó giống như một thử thách, sự nhập vai, và đắm chìm trong một thế giới tiểu thuyết. Khi đó tôi học năm thứ ba trường ĐH Kiến trúc HN. Hàng ngày tôi đến giảng đường, để điểm danh, sau đó gục đầu xuống bàn ngủ. Tối đến, với một bao thuốc lá và một phích nước nóng, tôi ngồi trên căn gác xép viết cho đến sáng. Khi đó trời rất lạnh, cứ chốc chốc tay phải lại cóng không thể viết được nữa, tôi rót nước nóng ra cốc, dùng hai tay tóm chặt cốc nước cho hết cóng, rồi viết tiếp. Khi đó, tôi biết một điều chắc chắn, rằng sau cuốn này, tôi sẽ còn viết nhiều cuốn tiểu thuyết nữa. Chỉ ở thể loại tiểu thuyết, tôi mới thoải mái viết hết những gì tôi muốn, tự do nhất, dông dài nhất. Tôi biết là tôi sẽ gắn bó một cách đặc biệt với địa hạt tiểu thuyết.

Nhưng tôi không ngờ rằng, phải đến hai năm sau, nghĩa là năm 1996, cuốn tiểu thuyết đầu tay này mới được in ra, ở NXB Hà Nội. Nó đã không giành được giải thưởng gì trong cuộc thi Văn học tuổi hai mươi.

Hoen gỉ đã từng để lại những ấn tượng nhất định trong lòng những độc giả của nó, nhưng cũng giống như nhiều cuốn sách khác, vì nhiều lý do, nó đã chìm vào quên lãng.

Tôi cũng không ngờ rằng mãi tám năm sau, năm 2002, tôi mới viết xong cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình, đó là cuốn Chờ tuyết rơi, và cho đến năm 2007 nó mới được in ra. 11 năm giữa hai cuốn sách, tôi đã làm gì? Đó là một câu chuyện dài, rất dài, đó là cuộc sống mưu sinh, là một con đường vòng.

* Chờ tuyết rơi: Thực ra cuốn tiểu thuyết này được khởi thảo vào đầu năm 1998, và bỏ dở mấy năm, để rồi kết thúc chóng vánh trong vòng một tháng, đâu đó giữa năm 2002. Rất nhiều độc giả đánh giá đây là cuốn sách nhiều chất văn chương nhất của tôi. Cũng có thể, bởi tôi viết nó trong những cảm xúc mãnh liệt, đôi khi là chán chường, là đau khổ, là hạnh phúc cuồng điên. Nó cũng là những bài học về ngôn từ, xem ngôn từ có khả năng đi xa tới đâu, sức biểu đạt tới đâu, có thể rắc rối đến đâu và đơn giản đến chừng nào? Hình ảnh tuyết, Các nhân vật trong Chờ tuyết rơi, toàn bộ câu chuyện, là những ẩn dụ, có thể nói là như thế, về chuyện những con người đi tìm về suối nguồn cội rễ, tìm về thiên đường đã mất, tìm về với những bản năng cơ bản, học lại cách nói năng, học lại cách viết, học lại cách yêu, ghét, cách giận dữ, vui buồn, ái ố hỉ nộ… Và học cách tin vào điều kỳ diệu, kỳ lạ (hiện tượng tuyết rơi vẫn có thể xảy ra, ở xứ nhiệt đới). Cách cảm nhận một tác phẩm luôn khác nhau, và người viết ra nó thì càng khác biệt. Các bạn có thể đọc tham luận của Nhã Thuyên về cuốn sách này để làm quen với một cách tiếp cận khác.

Cắt nghĩa hay giải thích một cuốn tiểu thuyết, luôn là một việc mạo hiểm, dại dột, cho dù là từ chính tác giả viết ra nó. Tôi chỉ có thể nói, tôi đã viết nó ra với một nỗ lực đầy khoái cảm, như say nắng, lên đồng. Tôi chui vào một cái gầm cầu thang ẩm thấp, tự nhốt mình trong đó, thắp đèn viết, cho đến khi kiệt sức, ngủ bất kể ngày đêm, viết bất kể ngày đêm. Tất cả những gì tôi có thể nói bây giờ, là hãy đọc nó, để cảm nhận nó một cách rõ nhất. Giờ này trên các giá sách đã hết nhẵn, may ra có thể tìm thấy nó trong các thư viện, hoặc các quầy sách hạ giá, v v… Cho đến khi tôi có thể tái bản nó, có lẽ là nhanh thôi, tôi đang tìm đối tác có hứng thú tái bản Chờ tuyết rơi.
Tôi nghĩ Chờ tuyết rơi hơi khó đọc và kén độc giả, nhưng nếu đủ kiên nhẫn vượt qua những trang đầu tiên, có lẽ nó sẽ cuốn hút người ta. Khi xuất hiện lần đầu trên mạng, nó đã được đông đảo các bạn trẻ yêu thích.

Chính từ sự hưởng ứng của những độc giả như thế trên mạng đối với Chờ tuyết rơi ngay khi nó còn là dạng bản thảo, đã khiến tôi có hứng thú bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết thứ ba của mình, đó là cuốn Đảo Cát Trắng.

* Đảo Cát Trắng: Một cuốn tiểu thuyết thử thách độc giả không kém gì Chờ tuyết rơi, thậm chí còn hơn nữa, bởi cấu trúc tiểu thuyết được xé thành những mảnh rời rạc, mà các tuyến nhân vật dường như chẳng liên quan đến nhau, nhưng lộ trình các nhân vật vẫn giao cắt nhau tại những điểm nào đó, trùng hợp. Người đọc có thể tự ghép các mảnh câu chuyện ấy theo những suy đoán, sự mập mờ là một phần của câu chuyện, cả những sự phi lý nữa. Mặc dù Đảo Cát Trắng được viết ra bởi những ý đồ nghệ thuật, nhưng quả thật với tôi viết tiểu thuyết luôn là thế, là không thể đoán trước, các nhân vật tiểu thuyết cũng vậy, chúng có những lý lẽ và logic riêng, mà ngay cả tác giả cũng không thể kiểm soát nổi. Có những lúc tôi viết, nhập vai đến nỗi nước mắt tự dưng cứ lăn trên gò má, tôi nghĩ rằng đó là lúc ép phê nhất, thăng hoa nhất. Đó có thể là đoạn tôi tả cảnh nhân vật bị tai nạn, hắn trở nên giống như một làn gió, như một linh hồn, bay về quanh quất bên những đứa con thơ dại của mình, ngắm nhìn vợ con, mà không sao chạm tới được. Đó là những đoạn mô tả tâm trạng một người sắp chết, nằm bất động trong cảnh u tối của bệnh viện, nhìn ra ngoài vườn cây xanh tươi, những con chim sẻ, và suy nghĩ về cái chết, về những gì đã mất. Tôi vẫn luôn tin rằng Đảo Cát Trắng là một cuốn sách đáng đọc. Tôi tự hào vì mình đã viết ra nó, bằng tất cả niềm đam mê, đắm đuối, sau một quãng thời gian dài không được viết.

* Bóng giai nhân: Sau cuốn Đảo Cát Trắng, tôi quyết định thay đổi một chút về cách viết. Có thể nhiều đoạn trong Chờ tuyết rơi và Đảo Cát Trắng được viết ra trong tình trạng lên đồng khiến tôi ép phê nhiều, đem lại nhiều cảm xúc. Nhưng như đã nói, nó kén độc giả. Thường đã đọc được, người ta rất thích. Còn nếu không, họ bỏ dở sau vài trang, và không bao giờ cầm đến cuốn sách đó nữa. Vì thế, tôi quyết định cuốn sách này sẽ phải hấp dẫn ngay từ trang đầu tiên.

Bóng giai nhân cũng giống như một bộ phim, cảnh mở đầu là một cái chết được báo trước. Nhân vật chính được mô tả nằm đó, tuyệt vọng, bị bao vây, bị đạn xuyên thủng bụng, hắn chỉ còn một viên cuối cùng trong ổ đạn, để dành cho mình.

Cảnh tiếp theo, là hồi ức của hắn về người tình, về những cuộc phiêu lưu, về muôn vàn lý do vừa có lý lại vừa phi lý, những cơn hoang tưởng điên rồ, đã dẫn đến cái kết cục bạo lực, cái tình thế tuyệt vọng của hắn. Theo cách đó, câu chuyện dần dần được kể lại. Những hình bóng giai nhân đi qua cuộc đời hắn, biến đời hắn trở thành một mớ bòng bong, thành một cơn ác mộng, thành con đường một chiều không thể quay ngược lại, chỉ có thể dấn bước, đến những quyết định cực đoan, phi lý.

Thế nhưng, quả thật như người ta vẫn nói: văn là người. Rất khó để có thể viết khác đi. Dù có cố gắng viết Bóng giai nhân sao cho dễ đọc với đa số, tôi vẫn tiếp tục thử thách lòng kiên trì của độc giả, bằng những cơn hoang tưởng và suy ngẫm độc thoại của nhân vật, bằng lối hành văn đôi khi ngúc ngoắc, uể oải. Tôi không cố ý, mà có lẽ nó là một sự sắp xếp của vô thức, cái nhạy cảm của riêng mỗi nhà văn, nó là tố chất, là sự lơi lỏng của ý thức và tư duy, khi người viết cứ viết mãi, viết mãi, và cuối cùng rơi vào tình trạng mất kiểm soát, anh ta chập chờn đi giữa mơ và tỉnh, mê sảng. Đó là lúc rất nguy hiểm, cuốn tiểu thuyết có nguy cơ phá sản. Hoặc cũng có thể ngược lại, người viết sẽ chạm vào mỏ vàng.

Càng lún sâu vào cái thế giới tiểu thuyết, nó càng trở nên sống động, phức tạp, ngày càng đặt ra nhiều chướng ngại vật, thử thách. Người viết phải vượt qua những điều đó, không phải bằng cách né tránh hay đi vòng, mà phải đối diện, giải quyết nó, lầm lũi và cô độc, lặn sâu vào chính mình. Đôi khi, và thường xuyên, sẽ mất phương hướng, lạc lối. Nhưng đó chính là quy luật, là sự thú vị của trò chơi, cho cả người viết lẫn người đọc. Bóng giai nhân giống như là một mê cung, bạn hãy thử lạc vào đó một lần xem sao!

Có thể bạn sẽ không tìm thấy lối ra nào, nhưng có thể bạn sẽ tìm thấy chính mình.

Nhà thơ Lê Anh Hoài có viết review về Bóng giai nhân, trong đó có những nhận xét khá thú vị. Các bạn có thể search tìm đọc bài viết đó để tìm hiểu thêm về Bóng giai nhân.

* Tập truyện ngắn Phải lòng: Khoảng một nửa là những truyện ngắn được viết trong 3 năm gần đây, nửa còn lại viết rải rác từ 1993 đến 1998. Truyện ngắn của tôi xuất phát từ những ý tưởng nho nhỏ, ngẫu hứng, được triển khai nhanh chóng. Thậm chí ban đầu có khi chỉ định kể lại một vài kỷ niệm, vài cảm xúc, rồi viết một hồi nhận ra nó đã gần là một truyện ngắn hoàn chỉnh. Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ là một ví dụ, ban đầu chỉ định viết về nhạc sến, thế rồi nó biến thành truyện ngắn lúc nào không hay.

Một số truyện ngắn lấy cảm hứng từ chính những tiểu thuyết cùng tên, từ không khí tiểu thuyết, và có lẽ cả sự tự trào nữa. Ví dụ, trong truyện ngắn Bóng giai nhân, Đảo Cát Trắng, Chờ Tuyết Rơi, các nhân vật trong truyện đều là fan hâm mộ của tác giả những cuốn tiểu thuyết cùng tên này. Những cuốn tiểu thuyết có vẻ rất tuyệt vời, thời thượng, bán chạy, được giới trẻ yêu thích… Tức là, theo cái cách như thế, tôi tự tạo ra một danh tiếng ảo, nói theo kiểu bây giờ là “như đúng rồi”. Nó giống như tôi trích dẫn một câu trong truyện của mình, và nói thêm rằng: nhà văn nổi tiếng Đặng Thiều Quang đã viết như thế! Chúng ta nên thành thật, hoặc ít nhất cũng nên biết tự trào, rằng với một người viết văn, danh tiếng luôn là một thứ được thèm muốn.

Đó là một số điều ngoài lề mà tôi có thể chia sẻ về tập sách mới này, những truyện ngắn của tôi hầu hết đều dễ đọc, nhẹ nhàng. Tôi nghĩ tập truyện ngắn Phải lòng sẽ được các bạn trẻ yêu thích.

Đ.T.Q
18/08/2009


free counter

Video liên quan

Chủ đề