Đặc điểm của lớp học đảo ngược là gì

Khi nhắc đến một lớp học điển hình thuộc bất kì môn nào, trong đầu chúng ta hiện ngay lên hình ảnh cả lớp đầy học sinh chăm chú lắng nghe những điều giáo viên đang giảng giải say mê mỗi giờ lên lớp.

Những cảnh này đều đã quá quen thuộc trong các trường học ngày nay, vì mô hình học tập truyền thống chủ yếu xoay quanh lớp học lấy giáo viên làm trung tâm, nơi người hướng dẫn tập trung vào việc truyền đạt thông tin, giao bài và để học sinh nắm vững kiến thức. Mặc dù hiệu quả đối với một số người, kiểu giảng dạy này vẫn có một hạn chế đó là buộc học sinh chỉ đơn thuần là người tiếp nhận thông tin, chứ không phải là người chủ động quản lí quá trình học tập của chính mình.

May mắn thay, khi công nghệ ngày càng phát triển và thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống, một mô hình học tập mới đã xuất hiện vào khoảng năm 2007, chuyển môi trường giáo dục truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm thành một môi trường học tập mang tính “tương tác” hơn, lấy học sinh làm trung tâm, đó là “Flipped classroom”.

Lớp học đảo ngược- Flipped Clasroom là gì?

Mục tiêu chính của lớp học này là nâng cao khả năng học tập và hiệu quả học bằng cách đảo ngược mô hình truyền thống của một lớp học, tập trung thời gian trên lớp vào sự hiểu biết của học sinh hơn là vào bài giảng.

Để thực hiện được điều này, giáo viên đăng các bài giảng video ngắn lên mạng để học sinh xem ở nhà trước khi đến buổi học tiếp theo. Điều này cho phép thời gian thực hành và vận dụng kiến thức trên lớp được mở rộng, thông qua các bài tập, dự án và hoạt động nhóm. Bài tập về nhà, ngược lại, được thực hiện ngay tại lớp học, trong khi các bài giảng thì lại được xem trước ở nhà.

Lợi ích của Flipped Classroom là gì?

1. Học sinh có quyền kiểm soát nhiều hơn

Trong một Flipped Classroom, học sinh có thể tăng cường việc tiếp nhận kiến thức vào và kiểm soát tốt hơn việc học. Bằng cách cung cấp các bài giảng ngắn ở nhà, học sinh được tự do học theo tốc độ của riêng mình. Học sinh có thể tạm dừng hoặc tua lại các bài giảng, viết ra các câu hỏi mà họ có thể có và thảo luận với giáo viên và các bạn khi lên lớp.

Điều này cũng cho phép những sinh viên cần thêm thời gian để hiểu các khái niệm nhất định có thể dành thời gian xem lại tài liệu mà không bị tụt hậu, đồng thời nhận được sự trợ giúp ngay lập tức từ giáo viên và bạn cùng lớp. Kết quả là, điều này không chỉ có thể cải thiện thành tích của học sinh mà còn cải thiện hành vi của học sinh trong lớp.

2. Phương pháp học lấy học sinh làm trung tâm và tính cộng tác giữa các cá nhân người học

Flipped classroom cho phép sử dụng thời gian trên lớp để nắm vững các kỹ năng thông qua các dự án học tập và các bài thảo luận. Điều này khuyến khích học sinh học hỏi lẫn nhau với sự hướng dẫn sát sao của giáo viên. Bằng cách cho phép học sinh nắm quyền chủ động việc học, họ có thể nhớ lâu hơn kiến ​​thức mình học được, từ đó xây dựng sự tự tin khi trình bày kiến thức đó cho người khác.

Hơn nữa, giáo viên có nhiều thời gian hơn để quan sát, xác định lỗi trong tư duy hoặc thực hành của học viên trên lớp, vì vậy dễ dàng đưa ra phản hồi nhanh chóng và kịp thời hơn.

3. Các bài học và nội dung dễ tiếp cận hơn (với điều kiện công nghệ được hỗ trợ)

Bằng cách cung cấp các bài giảng video trên nền tảng online, những sinh viên buộc phải nghỉ học do ốm đau, chơi thể thao, nghỉ phép hoặc thuộc trường hợp khẩn cấp, đều có thể bắt kịp nhanh chóng kiến thức cần học. Điều này cũng giúp giáo viên linh hoạt hơn khi bản thân họ bị ốm và cũng không cần đến việc dạy và học bù.

4. Bố mẹ dễ dàng nắm bắt quá trình học của con

Không giống như các mô hình lớp học truyền thống, Flipped classroom cho phép phụ huynh truy cập 24/7 vào các bài giảng video của học sinh. Điều này cho phép phụ huynh dễ dàng hỗ trợ người học, và cung cấp cho họ cái nhìn sâu sắc về chất lượng giảng dạy mà con cái của họ đang nhận được.

5. Nó có thể hiệu quả hơn nhiều hình thức dạy truyền thống

Nếu được thực hiện đúng cách, trong một Flipped classroom, trẻ em có thể có nhiều thời gian hơn để làm “trẻ em”, nghĩa là được thực hành và tự do khám phá kiến thức hơn.

Như hầu hết chúng ta có thể nhớ lại từ kinh nghiệm của chính mình, chúng ta dành một lượng thời gian đáng kể để làm bài tập về nhà mỗi khi rời khỏi lớp học. Một nghiên cứu được thực hiện khi quan sát các học sinh lớp 9-12 cho thấy học sinh dành trung bình 38 giờ một tuần để làm bài tập về nhà. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ không chỉ đối với học sinh mà còn đối với cả giáo viên, những người phải liên tục ra và chấm bài. Trong khí đó, ở Flipped classroom, bài giảng video thường dài dưới 10 phút, điều này giúp sinh viên và giáo viên có nhiều thời gian hơn bên ngoài lớp học để tập trung vào các mối quan tâm khác như bạn bè, gia đình và sở thích cá nhân.

Tuy nhiên, mô hình dạy và học mới và táo bạo này cũng có những hạn chế rất dễ thấy như dưới đây.

Nhược điểm của Flipped classroom là gì?

Nhược điểm của Flipped classroom là gì?

1. Nó có thể tạo ra rào cản về sử dụng công nghệ

Một trong những vấn đề lớn nhất là sinh viên phải có máy tính và Internet để xem các bài giảng. Điều này đặc biệt khó khăn đối với học viên không có đủ thiết bị công nghệ, gây nên sự chán nản và thêm nhiều rào cản để học viên tiếp cận kiến thức trên lớp.

2. Flipped classroom hoạt động dựa trên sự tin tưởng, hoặc rất nhiều sự đốc thúc của giáo viên

Flipped classroom phụ thuộc vào sự tham gia chủ động của học sinh trong việc thiếp nhận kiến thức, nên giáo viên cần phải nhắc nhở cũng như hy vọng vào sự tự giác của học viên ở nhà. Thật không may, vẫn còn nhiều trở ngại trong việc quản lí và giám sát quá trình học tại nhà của học viên, đặc biệt là với học viên nhỏ tuổi.

3. Khối lượng công việc có thể còn nặng hơn cho giáo viên

Flipped classroom đôi khi sẽ gây thêm gánh nặng cho giáo viên vì nó đòi hỏi một sự chuẩn bị kĩ lưỡng ở trong và bên ngoài lớp học. Những điều này bao gồm việc ghi âm và tải lên các bài giảng ngắn gọn và cô đọng, đòi hỏi về kinh nghiệm và kỹ năng quản lí thời gian, thiết kế các hoạt động trong lớp học để thúc đẩy học sinh trao đổi và thực hành áp dụng kiến thức đã được học tại nhà. Mặc dù giáo viên có thể dần dần quen với việc vận hành một Flipped classroom, nhưng nó vẫn sẽ đòi hỏi giáo viên rất nhiều thời gian và nỗ lực bên ngoài lớp học để thích nghi.

4. Không phải là một hình thức học thích hợp cho mục đích test-prep (chuẩn bị ôn thi)

Một điều quan trọng cần lưu ý là nhìn chung, Flipped classroom không phải là mô hình dạy học giúp cải thiện điểm số của một kì thi. Tuy nhiên, giáo viên và học viên vẫn cần dành thời gian để ôn luyện cho các kì thi (như giữa và cuối kì), và điều này sẽ làm lộn xộn quá trình thực hiện các lớp học Đảo ngược.

5. Thời gian ngồi trước màn hình – thay vì giao tiếp với người thật – được tăng lên

Có một số người cho rằng nếu tất cả giáo viên đều áp dụng Flipped classroom, học sinh sẽ dành hàng giờ trước máy tính để… học qua video. Điều này có khả năng gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với quá trình học tập của học sinh, vì không phải ai cũng có thể học qua máy tính một cách hiệu quả.

6. Một số học sinh đặc biệt có thể cần hỗ trợ thêm tại nhà

Một số học viên với các vấn đề về năng lực hay tâm lí sẽ không có ai để hỗ trợ trong quá trình học, khiến cho việc “tự học” trở nên vô ích.

Phần kết luận

Cho dù là có những điểm yếu, Lớp học Đảo ngược vẫn có thể là một phương pháp dạy thiên về thực hành rất hiệu quả để cải thiện thành tích của học sinh và giúp các em nắm quyền chủ động cho việc học của chính mình ở cả trong và ngoài lớp.

“Nào, cô kiểm tra xem kết quả bài tập ở nhà của các con nhé!”.Bắt đầu tiết Hóa 9, tôi mở máy tính, vào trang //www.surveymonkey.com để xem thống kê kết quả làm bài tập của học sinh. Trên màn hình hiện ra kết quả có bao nhiêu phần trăm học sinh làm đúng từng phần rất cụ thể.

Các em bắt đầu xôn xao cười nói. Có em phấn khích: “Con giỏi quá cô ơi, con được 100% luôn!”, em khác thì bực bội: "Tức quá, tớ lộn mất một câu!”. Cũng có tiếng lao xao “nhóm mình bá đạo thiệt, cả 6 đứa đạt 100%!". Và các em đồng loạt "Cô thưởng đi cô ơi". Nhìn các em thoải mái như vậy tôi cảm thấy như mọi vất vả của mình được thưởng xứng đáng.

Cô giáo Tô ThuýDiễm Quyên.

Từ đầu năm học này, tôi bắt đầu thử nghiệm giảng dạy cho học sinh bằng phương pháp Flipped classroom - Lớp học đảo ngược. Tôi thiết kế các bài giảng E Learning bằng các công cụ như //mix.office.com/ (một công cụ miễn phí của Microsoft office) rồi gửi lên trang Facebook tôi lập ra cho mục đích giảng dạy trực tuyến miễn phí để các em vào tự tìm hiểu bài.

Sau đó các em sẽ làm một số bài tập để kiểm tra khả năng tiếp thu. Nhờ học sinh đã nắm vững lý thuyết ở nhà nên khi vào lớp tôi chỉ tổ chức những hoạt động mang tính tương tác nhằm rèn cho học sinh kỹ năng cần thiết. Trong đó làm việc nhóm là kỹ năng tôi chú trọng nhất bởi đây là kỹ năng người Việt Nam yếu hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Khi được hỏi “các con có thích học như thế này không?" thì 100% học sinh của tôi đều hét lớn “thích lắm cô”.

Thực ra phương pháp lớp học đảo ngược này có tính khả thi cao đối với học sinh có khả năng tự học, có kỷ luật và ý chí. Hiệu quả của phương pháp đã được kiểm chứng từ lâu ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển mạnh mẽ như Australia, Mỹ và các nước châu Âu…Ở Việt Nam, phương pháp lớp học đảo ngược đã được sử dụng từ khá lâu ở bậc đại học. Tuy nhiên, áp dụng cho bậc phổ thông thì chưa phổ biến do chưa có bất kỳ một cuộc tập huấn nào triển khai về phương pháp này dành cho giáo viên phổ thông.

Tại quận 1 TP HCM, phương pháp lớp học đảo ngược đã được thử nghiệm ở môn Hóa 9, nhận được một số thành công nhất định qua kết quả học tập và qua phản hồi tích cực từ phía học sinh. Vậy phương pháp này có những ưu điểm gì? Để thấy được điều này, chúng ta sẽ có một cuộc so sánh giữa hai hình thức lớp học cổ điển và đảo ngược.

Ở lớp học cổ điển, học sinh đến trường ngồi nghe giảng bài thụ động và hình thức này được giới chuyên môn gọi là Low thinking. Sau đó các em về nhà làm bài tập và quá trình làm bài tập sẽ khó khăn nếu học sinh không hiểu bài. Lúc này cha mẹ các em sẽ phải đóng vai người thầy bất đắc dĩ để giúp con mình làm bài và hầu hết đều không thành công trong vai trò này, hoặc rất vất vả vì phụ huynh không có chuyên môn.

Như vậy, nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mới thuộc người thầy, và theo thang tư duy Bloom thì nhiệm vụ này chỉ ở những bậc thấp (tức là “Biết" và “Hiểu”). Còn nhiệm vụ của học sinh là làm bài tập vận dụng và nhiệm vụ này thuộc bậc cao của thang tư duy (bao gồm “Ứng dụng”, “Phân tích”, “Tổng hợp” và “Đánh giá"). Điều trở ngại ở đây đó là nhiệm vụ bậc cao lại do học sinh và phụ huynh là những người không có chuyên môn đảm nhận.

Với lớp học đảo ngược, việc tìm hiểu kiến thức được định hướng bởi người thầy (thông qua những giáo trình E-Learning đã được giáo viên chuẩn bị trước cùng thông tin do học sinh tự tìm kiếm), nhiệm vụ của học sinh là tự học kiến thức mới này và làm bài tập mức thấp ở nhà. Sau đó vào lớp các em được giáo viên tổ chức các hoạt động để tương tác và chia sẻ lẫn nhau. Các bài tập bậc cao cũng được thực hiện tại lớp dưới sự hỗ trợ của giáo viên và các bạn cùng nhóm.

Cách học này đòi hỏi học sinh phải dùng nhiều đến hoạt động trí não nên được gọi là “High thinking". Như vậy những nhiệm vụ bậc cao trong thang tư duy được thực hiện bởi cả thầy và trò.

Phương pháp này không cho phép học sinh ngồi nghe thụ động nên giảm được sự nhàm chán. Mặc dù vậy, muốn quá trình đảo ngược thành công thì những giáo trình E-Learning phải rất bài bản và hấp dẫn để lôi cuốn được học sinh không xao lãng mà tập trung vào việc học. Vì lý do đó, phương pháp này phải gắn chặt với phương pháp E-Learning. Giáo viên phải quản lý và đánh giá được việc tiếp thu kiến thức thông qua các bài tập nhỏ đi kèm với giáo trình.

Một ưu điểm khác là học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi và với mọi thiết bị chỉ cần thiết bị đó có thể online được như smartphone, máy tính bảng, Ipod, máy tivi hoặc tính bàn có kết nối Internet...

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm khi vận dụng vào quá trình dạy học ở phổ thông do đặc thù của giáo dục mỗi nước cũng như tính cách và kỹ năng của học sinh.Trước hết nó làm mất nhiều thời gian và công sức cho việc soạn giảng của giáo viên. Với khối lượng kiến thức khổng lồ và số môn học trong một năm quá nhiều thì việc học tập theo phương pháp này là khó khả thi. Cộng với việc kiểm tra đánh giá vẫn chưa rõ ràng theo tiêu chí đánh giá toàn diện chứ không chỉ chú trọng đánh giá về mặt nội dung thì giáo viên vẫn còn vất vả chạy theo kiểu “thi gì dạy nấy".

Ngoài ra, muốn thực hiện các bài giảng E-Learning và sử dụng các công cụ khác để tổ chức hoạt động học tập trong lớp thì đòi hỏi giáo viên phải giỏi về công nghệ và vững về phương pháp. Mặc dù vậy, không phải học sinh nào cũng hứng thú hợp tác hoặc do đường truyền Internet kém sẽ gây gián đoạn việc học tập ở nhà. Cuối cùng giáo viên, tổ bộ môn phải có một kế hoạch đồng bộ và xuyên suốt năm học vì không phải bài học nào cũng phù hợp với phương pháp này.

Nếu khắc phục được những nhược điểm trên thì phương pháp lớp học đảo ngược - Flipped classroom - sẽ là rất tuyệt vời cho việc rèn kỹ năng thế kỷ 21.

Tô Thụy Diễm Quyên
Giảng viên chương trình Ứng dụng CNTT vào dạy học của Bộ GD&ĐT.

Video liên quan

Chủ đề