Da dủ hương phùng hướng hóa quảng trị

Biên phòng - Đi trên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh qua trung tâm xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), nếu để ý sẽ thấy bên phía trái cổng Đồn Biên phòng Hướng Phùng có một bia tưởng niệm ghi tên 5 liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Khúc tráng ca về những người đã ngã xuống cho biên cương làm dịu lòng người trong cái nắng bỏng rát của tháng 7.

Da dủ hương phùng hướng hóa quảng trị
Đồn Biên phòng Hướng Phùng giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị về tấm gương của 5 liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc ngày 11/7/1978 tại xã Hướng Phùng. Ảnh: Trúc Hà

Ngày này 44 năm trước

Đã 44 năm, nhưng câu chuyện về 5 liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa phận xã Hướng Phùng xảy ra vào ngày 11/7/1978 cho đến nay vẫn luôn là bài học giáo dục truyền thống đối với mỗi người lính Biên phòng, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng. Đại tá Ngô Xuân Thường, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị chia sẻ rằng, ông có may mắn được tiếp xúc với nhiều cán bộ công tác những năm tiến hành phân giới, cắm mốc tuyến biên giới tỉnh Bình Trị Thiên, rồi nguồn tư liệu của các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh và đặc biệt, trong biên niên sử BĐBP Quảng Trị cũng đề cập tới câu chuyện này.

Khi ấy, công việc phân giới, cắm mốc trên vùng rừng núi Bình Trị Thiên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm bởi địa hình hiểm trở, đèo cao, vực thẳm. Vì sự nghiệp lớn lao - hoạch định biên giới và xây dựng biên giới hữu nghị Việt Nam - Lào, nên anh em động viên nhau nỗ lực khắc phục vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ. Để chuẩn bị trước một bước cho các đoàn phân giới, cắm mốc của ta và bạn tiến hành ở đoạn đầu tiên trên thực địa (từ cầu Xà Ợt theo suối Xà Ợt ra sông Sê Pôn) sẽ diễn ra vào ngày 28/7/1978, mở đầu cho việc phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tỉnh Bình Trị Thiên quyết định tiến hành khảo sát khu vực Bắc đường 14.

Các đồng chí gồm: Đại úy Võ Cán (cán bộ Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang), Đại úy Nguyễn Văn Tăng (Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lao Bảo), Thượng sĩ Hồ Văn Trường (Đồn Biên phòng Sen Bụt), Trung sĩ Nguyễn Văn Dung (nhân viên đồ bản, Bộ Chỉ huy Bình Trị Thiên) và ông Lê Doãn Tường (cán bộ Cục Đo đạc bản đồ Trung ương) nhận nhiệm vụ lên biên giới khảo sát. Ngày 11/7/1978, đoàn đi từ Sen Bụt về phía Nam động Tà Púc. Tuy nhiên, khi tới động Tà Púc thì trời tối và đó cũng là khoảng thời gian xảy ra mưa to, lũ lớn, một mảng núi sạt lở, ập xuống. Cả 5 người trong đoàn khảo sát đã bị nước lũ cuốn trôi và đất đá vùi lấp.

Nhận được tin, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Trị Thiên đã điều động một đại đội của Tiểu đoàn 2 đóng tại Khe Sanh cùng 20 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Bụt đến vị trí để làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. Qua một tuần nỗ lực đào đất đá, anh em đã tìm được thi hài đồng chí Lê Doãn Tường, Hồ Văn Trường và Nguyễn Văn Dung. Các đồng chí được mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa. Cuộc tìm kiếm tiếp tục kéo dài hơn một tháng, lực lượng tìm kiếm đã đào khoảng 600m3 đất đá nhưng vẫn không có kết quả. Cho đến tận bây giờ, Đại úy Võ Cán và Đại úy Nguyễn Văn Tăng vẫn chưa được tìm thấy.

Như khúc tráng ca còn vang mãi

5 đồng chí Võ Cán, Nguyễn Văn Tăng, Hồ Văn Trường, Nguyễn Văn Dung và Lê Doãn Tường hi sinh là mất mát vô cùng lớn, để lại niềm tiếc thương cho đồng bào nhân dân biên giới xã Hướng Phùng, đặc biệt là những người tham gia công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Sự hi sinh của các đồng chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời ghi nhớ. Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ đã công nhận liệt sĩ và truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 5 đồng chí.

Ngày 15/9/1978, hai đoàn phân giới, cắm mốc Việt Nam - Lào do đồng chí Huỳnh Thủ (Phó Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang) dẫn đầu đoàn Việt Nam và đồng chí Ma Khay Chăn Phi Thun dẫn đầu đoàn Lào đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa. Ngày 3/3/1994, nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã dựng bia tưởng niệm 5 liệt sĩ ở ngã 3 đường 14 Hướng Phùng - Cheng.

Theo Trung tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Phùng, việc trông coi, chăm sóc khuôn viên bia tưởng niệm do đơn vị phụ trách, nhưng các cơ quan và người dân trong xã cũng rất quan tâm. Từ lâu, như một việc mặc định, mỗi khi có đoàn khách tới thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng đều tới thắp hương tại bia tưởng niệm thể hiện sự tri ân và tưởng nhớ các liệt sĩ. Cứ đến ngày 22/12 hàng năm, các trường từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông trên địa bàn xã Hướng Phùng đều tổ chức cho học sinh đến bia tưởng niệm thắp hương tưởng niệm 5 liệt sĩ. Câu chuyện về những liệt sĩ đã hi sinh vì mảnh đất biên cương này trở thành bài học lịch sử về truyền thống đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Liệt sĩ Lê Doãn Tường, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa là người duy nhất không phải là bộ đội. Phần mộ của liệt sĩ đã được gia đình đưa về nghĩa trang quê nhà. Tuy nhiên, mỗi khi có dịp, gia đình vẫn tới Hướng Phùng để thắp hương. Trước khi hi sinh, liệt sĩ Lê Doãn Tường có một người con gái, nay đã trở thành phóng viên công tác tại một tòa soạn báo ở Hà Nội. Mỗi khi có điều kiện, chị lại đến Hướng Phùng thăm lại nơi cha mình đã ngã xuống vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều năm trôi qua, những người lính Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã trở thành người thân đối với chị và gia đình. Dù phần mộ của bố đã được đưa về Thanh Hóa, nhưng với gia đình chị thì đây trở thành chốn đi về thứ 2 vì mối duyên nợ của ông với mảnh đất biên cương này.