Công tác thu gom vẩn chuyển xử lý

Chúng ta đang sống trong xã hội phát triển, hằng ngày sử dụng, tiêu dùng rất nhiều sản phẩm từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Vì vậy đã thải ra môi trường lượng lớn rác sinh hoạt với đa dạng chủng loại. Rác không chỉ là phần dư thừa của thực phẩm mà còn là đủ thứ đồ cũ hỏng bằng giấy, gỗ, nhựa, cao su, kim loại, thủy tinh, thạch cao, gốm sứ, phế liệu xây dựng... Vì vậy, nơi càng đông người sinh sống thì lượng rác thải ra càng lớn. Ngày nay, rác thải sinh hoạt đang là một thách thức đối với sự phát triển bền vững trước hết là tại đô thị, nơi dân cư sinh sống tập trung có nhà ở bám mặt đường.

Nhận rõ vấn đề này, ngày 24/3/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 43 chỉ đạo về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn. Và ngày 27/2/2020 tiếp tục ban hành Chỉ thị số 17 về việc Huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường. Sau khi kiểm điểm 01 năm thực hiện Chỉ thị 17, ngày 18/5 vừa qua. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kết luận số 99 về tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 17. Đối với UBND tỉnh, ngay trong năm 2017 đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Kết luận số 43, đáng chú ý là dành 03 tháng cao điểm; từ tháng 6 đến tháng 9 tập trung thu gom, xử lý rác tồn lưu để làm sạch môi trường. Cũng trong năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định: Quyết định số 111 (ngày 01/3/2017) công bố đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải làm căn cứ thanh toán và thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện xử lý rác. Quyết định số 43 (ngày 27/12/2017) quy định về thu tiền dịch vụ thu gom, xử lý rác. Với HĐND, ngày 09/7/2020 đã ban hành Nghị quyết số 06 có 4 nội dung hỗ trợ: GPMB xây dựng khu xử lý rác; hỗ trợ đầu tư xây dựng lò đốt rác; hỗ trợ phương tiện, dụng cụ thu gom, vận chuyển rác và hỗ trợ kinh phí thu gom, xử lý rác. Vừa qua UBND tỉnh đã ban hành 2 kế hoạch (Kế hoạch số 100 ngày 06/4/2021 và KH số 278 ngày 18/6/2021) để chỉ đạo giải quyết vấn đề rác. Như vậy có thể nói, cấp ủy và chính quyền tỉnh rất quan tâm chỉ đạo, ưu tiên dành nguồn lực để tập trung giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, làm sạch môi trường sống.

Sau hơn 01 năm thực hiện Chỉ thị 17 thấy rằng: nhận thức, ý thức và sự tham gia của cán bộ, nhân dân trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được nâng lên; mạng lưới thu gom, vận chuyển rác hoạt động có chuyển biến; nhiều địa phương đã dành ngân sách xây dựng điểm thu gom, khu xử lý, lò đốt rác. Các huyện Yên Dũng, Việt Yên và thành phố Bắc Giang làm khá tốt vấn đề thu gom, xử lý rác.

Tuy nhiên, vấn đề rác ngoài thực tế, nhìn rộng cả tỉnh thấy chưa có nhiều chuyển biến. Theo Báo cáo của UBND thì rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày có khối lượng lớn (820 tấn/ngày); tỷ lệ thu gom mới đạt 88,8% (còn 11% rác trôi nổi, dồn tụ ngoài môi trường - ước khoảng 90 tấn/ngày). Và rác thu gom đều chưa được phân loại nên rất khó xử lý. Số rác thải đã thu gom được xử lý đạt 91,3% (trong số đó xử lý hợp vệ sinh mới đạt 62,2%; xử lý không hợp vệ sinh là chôn lấp thủ công và để lộ thiên còn tới 37,8%); như vậy còn gần 9% đã thu gom nhưng chưa xử lý được. Hiện nay trên địa bàn lại tái xuất hiện nhiều điểm đen về rác: rác tụ thành đống ven đường, rác trên các dòng kênh, rác dồn nơi cửa cống; rác tụ ở ngoài đồng, bìa rừng hoặc ngay tại khu đất trống bên đường phố… Vì vậy, giải bài toán về rác đang là một thách thức, khó khăn rất lớn, cần có sự vào cuộc của tất cả chúng ta.

1. Về thu gom rác, theo Sở TNMT toàn tỉnh có 648 công ty, HTX, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thực hiện; còn 36 xã chưa có đơn vị chuyên mà do tổ tự quản trong khu dân cư đảm nhiệm. Qua khảo sát thực tế, Ban Kinh tế và Ngân sách nhận thấy, nơi nào có công ty, HTX chuyên làm VSMT thì việc thu gom rác cơ bản tốt. Nhưng còn nhiều HTX, Tổ VSMT hoạt động cầm chừng, không thường xuyên; địa bàn hoạt động của các công ty, HTX này còn hẹp so với phạm vi địa phương đơn vị đứng chân (mang danh là HTX VSMT của thị trấn A nhưng chỉ hoạt động ở một phần của thị trấn đó). Và các đơn vị này chủ yếu mới hoạt động ở đô thị, nơi dân cư sống tập trung. Ngay trong địa bàn thị trấn, thì khu vực xa trung tâm, nơi không bám trục đường chính cũng ít nơi có HTX nhận làm dịch vụ. Trên diện rộng, chủ yếu là các tổ nhóm liên gia trong các khu dân cư, các hộ gia đình tự thu gom, xử lý. Phải chăng tình trạng rác trôi nổi trên kênh, tụ thành đống ven đường, ngoài đồng, bìa rừng là từ các khu vực này phát sinh ra? Đây là vấn đề cần quan tâm giải quyết; nhất là giải pháp về nhân lực thu gom rác; đầu mối đảm nhiệm việc thu gom rác; địa bàn hoạt động thu gom rác của từng cá nhân, tập thể. (Nên có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ thành lập Công ty, HTX chuyên làm VSMT hoạt động trên địa bàn liên vùng, gắn trách nhiệm của người chuyên thu gom rác phụ trách từng khu vực với bảo đảm việc làm, thu nhập cho họ. Còn với từng cụm dân cư, từng đoạn đường, nơi ít dân thì có thể để tổ liên gia, nhóm hộ đảm nhiệm gom rác về điểm tập kết để cho doanh nghiệp vận chuyển đưa đi xử lý).

2. Về phân loại rác: hiện nay trên toàn địa bàn đang thực hiện thu gom rác hỗn hợp không phân loại nên vừa tốn công vận chuyển; vừa gây khó khăn và tốn chi phí xử lý rác, cũng như tốn quỹ đất để làm bãi chôn lấp. Đây là vấn đề cần có giải pháp tích cực để giải quyết. (Cần có quy chế, quy định để thực hiện phân loại rác. Và phải quyết tâm chỉ đạo thực hiện cho được việc này).

3. Về địa điểm xử lý, hiện toàn tỉnh có 7 khu của huyện, 93 khu của xã thị trấn. Trong tỉnh còn 35 xã không có bãi, phải sử dụng khu xử lý của thôn. Một số địa phương thiếu điểm tập kết, khu xử lý rác; một số nơi khu xử lý đã đầy, quá tải nên hạn chế tiếp nhận rác, dẫn đến rác tồn đọng ngoài môi trường. Nhiều nơi đầu tư tiền tỷ để lắp đặt lò đốt rác nhưng cũng chỉ được vài năm thì hỏng; vì lượng rác quá lớn và không phân loại nên đốt không được.

Hiện có một số lúng túng, khó khăn như: khu xử lý rác do ngân sách nhà nước đầu tư, chính quyền cấp xã là chủ sở hữu. Nên thực hiện giao cho doanh nghiệp, HTX quản lý, sử dụng bãi, khu xử lý đó thế nào để vừa gắn trách nhiệm, vừa phát huy hiệu quả? Việc lắp đặt lò đốt rác với công suất ra sao, công nghệ thế nào để vừa hiệu quả, vừa không gây ô nhiễm? hỗ trợ hoặc trang cấp phương tiện vận chuyển, xử lý rác cho tổ chức, cá nhân chuyên làm vệ sinh môi trường nên thế nào... Đây là vấn đề cần được hướng dẫn, tháo gỡ và chỉ đạo (nên xây dựng các khu xử lý rác liên xã; có quyết định giao tài sản và quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của bên nhận quản lý sử dụng; có quy chế hoạt động...).

4.Về thực hiện quy định thu tiền vệ sinh môi trường (theo QĐ số 43). Theo báo cáo của Sở TNMT thì việc tổ chức thu tiền VSMT trên địa bàn tỉnh đạt 75% về số đơn vị. Thành phố Bắc Giang, huyện Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang có 100% các xã đã tổ chức thu tiền dịch vụ. Còn về số tiền thu được trong năm 2020 thì cả tỉnh thu được 61,18 tỷ; so với số cần thu theo phương án giá cao nhất đã phê duyệt thì đạt 17,8%. Cụ thể: Thành phố BG (nhất tỉnh) được 20,24 tỷ bằng 43,2%. Việt Yên 10,87 tỷ = 23,9%; Hiệp Hòa 11,15 tỷ = 20,89%; Lục Nam 4,74 tỷ = 18,39%; Lạng Giang 7,59 tỷ = 15,63%; Sơn Động 1,73 tỷ = 15,68%; Tân Yên 2,2 tỷ = 4,96%; Yên Dũng 1,23 tỷ = 4,14%; Lục Ngạn 819 triệu = 3,46%; Yên Thế 604 triệu = 3,8%. Số tiền thu từ các hộ để thực hiện thu gom, xử lý mới chiếm 42,8% số đã chi trực tiếp cho hoạt động này. Nếu tính cả chi phí phương tiện, dụng cụ, chi phí lò đốt, nhiên liệu vật tư khác thì số tiền thu được chỉ chiếm dưới 25%. Như vậy, số thu từ các đối tượng xả rác đạt thấp vì sao? phải chăng do không có hoạt động dịch vụ thu gom rác nên không thu được tiền từ các đối tượng? Hay do mức thu còn chưa sát với các đối tượng? Cần làm rõ nguyên nhân của việc thực hiện QĐ số 43 của UBND tỉnh đạt thấp? Cần xem lại việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện thực hiện QĐ số 43? (có thể do quy định có điểm chưa sát thực tế, hoặc là việc tổ chức thực hiện chưa tốt; thậm trí là cả hai?Ban chúng tôi bước đầu đi khảo sát bằng phiếu về nội dung này thấy nhiều nơi kiến nghị cần sửa QĐ 43 và tới đây cần sốc lại việc thu tiền VSMT cũng như cách thực hiện thu gom, xử lý rác).

5. Về thu hút nhà đầu tư vào cuộc tham gia xử lý rác: Ngày 01/3/2017 UBND tỉnh ban hành QĐ số 111 của về Công bố đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải (để làm căn cứ thanh toán, thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện xử lý rác). Chúng tôi được biết từ khi ban hành đến nay, chúng ta chưa thu hút được nhà đầu tư nào vào cuộc cùng chính quyền xử lý rác? Và tại Nghị quyết số 06 năm 2020 của HĐND tỉnh có mục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp xử lý rác tại khu xử lý do doanh nghiệp đầu tư. Nhưng vừa qua chưa chi được tiền vì chưa có khu xử lý rác do DN đầu tư. Hiện nay, việc xây dựng các khu xử lý rác đang là nhu cầu rất bức thiết và nóng bỏng của cơ sở. Nhưng tỉnh ta chưa thu hút được doanh nghiệp và người dân đầu tư vào nội dung này. Chính quyền cơ sở vẫn đang phải trực tiếp đứng ra đầu tư, quản lý khu xử lý rác, nhiều nơi phải trực tiếp tổ chức việc thu gom, vận chuyển rác. Như vậy là chưa thực hiện được chủ trương nhà nước tạo cơ chế và đặt hàng để doanh nghiệp thực hiện. Nên đến nay, rác thải vẫn đang là vấn đề nhức nhối của chính quyền cơ sở và là sự bức xúc của người dân. Giải pháp ?

6. Về công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện thu gom, xử lý rác. Như đã nêu trên, tỉnh ta rất quan tâm dành nguồn lực và chỉ đạo việc này. Nhưng sau giai đoạn cao điểm thì lại quay trở lại như cũ. Vậy chúng ta có khả năng xử lý ổn thỏa, lâu dài vấn đề này không ? Tôi nghĩ là làm được. Việc khó như chống giặc Covid vừa qua tỉnh ta còn chiến thắng thì việc này nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng thì cũng sẽ giải quyết được. Vậy trước hết chúng ta cần xem lại việc thực hiện thời gian qua có gì bất cập, chưa hiệu quả; công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện thế nào? cần có đột phá nào để việc thu gom, xử lý rác của tỉnh ta không còn bức xúc..? Đây là nội dung cần được Sở chuyên quản và UBND các cấp xem xét có giải pháp xử lý thỏa đáng trong thời gian tới./.

                                                                                                                                                                           Nguyễn Thế Toản - Trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh