Con tàu nào là tàu đầu tiên phải hủy tại địa phận tỉnh Quảng Ngãi để giữ bí mật

Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sốngLuật Biên phòng Việt Nam

Thứ sáu, 19/12/2014 09:59 GMT+7

Biên phòng - Để chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ, cùng với quyết định thành lập Đoàn 559 đảm trách vận chuyển trên bộ xuyên Trường Sơn, ngày 23-10-1961, Đoàn 759 (được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân từ tháng 1-1964) chuyên trách vận chuyển trên biển ra đời. Từ đây, những con "Tàu không số" bắt đầu nối tiếp nhau chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam cung cấp cho các chiến trường.

Ngay những năm đầu mở đường Hồ Chí Minh trên biển (1962-1965), ta đã thực hiện 88 chuyến vượt biển thắng lợi, đưa 4.791 tấn vũ khí tăng thêm sức mạnh cho quân dân miền Nam đánh bại hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của địch. Tuy nhiên, đến ngày 16-2-1965, tàu C143 đưa hàng vào Vũng Rô (Phú Yên) bị địch phát hiện, tuyến vận chuyển chiến lược trên biển đã bị lộ. Ngày 3-3-1965, tướng W.Oét-mo-len, Tư lệnh quân chiến đấu Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đã phê chuẩn chiến dịch "Chống thâm nhập", nhanh chóng tăng cường lực lượng kiểm soát, phong tỏa mặt biển, trên không và bờ biển miền Nam Việt Nam. Cũng từ đây, việc thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện miền Nam của Đoàn 125, thật sự đầy khó khăn. Để ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược trên biển của ta, Mỹ đã huy động lực lượng hùng hậu với đủ mọi phương tiện. Trong đó, đáng chú ý là 3 lực lượng đặc nhiệm 115, 116, 117 gồm 7 tàu hộ vệ, 120 tàu chiến, 20 tàu đổ bộ, 1 tàu đốc nổi, 1 tàu đổ bộ chiến xa, 8 máy bay lên thẳng UH1A, 5 máy bay trinh sát chiến thuật SP2H và các giang đoàn với các tàu cỡ nhỏ. Từ tháng 7-1965, Mỹ đưa hai tàu khu trục Higbec D806 và Alaele D666 vào vùng biển miền Nam Việt Nam, tăng số tàu tuần tiễu lên 54 chiếc, bố trí ở Quy Nhơn, Cam Ranh và Vũng Tàu. Mỹ còn thiết lập 5 trung tâm giám sát ven biển đặt tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu và đảo Phú Quốc. Tại đây, ra-đa của Mỹ hoạt động 24/24 giờ, bao quát toàn bộ vùng biển miền Nam Việt Nam, vượt ra ngoài Vĩ tuyến 17 và hải phận quốc tế. Song hành với các hoạt động trên, Mỹ gấp rút xây dựng cho quân đội Sài Gòn một lực lượng hải quân "mạnh vào hàng thứ ba thế giới". Đến giữa năm 1965, hải quân Việt Nam cộng hòa có trên 10.000 sĩ quan, binh sĩ, hơn 1.000 tàu chiến các loại, có đủ các thành phần cơ động trên sông, trên biển, lính thủy đánh bộ, tuần thám... Các căn cứ không quân ở vịnh Cam Ranh và Vũng Tàu, chịu trách nhiệm thực hiện các chuyến bay giám sát tất cả các cửa sông, thuộc Nam bộ và Nam Trung bộ. Đặc biệt, chúng còn rải chất độc hóa học, phát quang những cánh rừng nghi là bến bãi của ta. Riêng trong hai năm 1965 và 1966, máy bay Mỹ đã rải 22 đợt với hơn 15 triệu lít chất độc hóa học xuống rừng tràm Cà Mau, chiếm 1/5 số chất độc hóa học mà Mỹ sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn ngoài khơi, Mỹ còn điều chuyển 40% lực lượng của hạm đội 7 tập trung vào khu vực Đông Nam Á, làm nhiệm vụ "ngăn chặn sự thâm nhập đường biển" của miền Bắc vào miền Nam, tạo thành một phòng tuyến gần như khép kín từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan. Tàu, máy bay địch rình rập khắp nơi, sẵn sàng bao vây, áp sát và nhả đạn vào bất cứ tàu, thuyền nào nghi là tàu từ miền Bắc xâm nhập. Trước hoàn cảnh đó, Đoàn 125 phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các tàu đi theo hướng hàng hải quốc tế và bí mật bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Các con “Tàu không số" được cải dạng giống như những con tàu đánh cá, hoặc tàu buôn nước ngoài, được lắp máy công suất lớn, tốc độ cao, đồng thời phải dự trữ nhiều xăng dầu, lương thực, thực phẩm, bảo đảm đủ cho hải trình dài hàng ngàn hải lý. Để tránh theo dõi của địch, tàu của ta phải đi ngược lên phía Bắc đến gần Ma Cao (Trung Quốc), rồi đi ra vùng biển quốc tế sát Phi-líp-pin, xuống In-đô-nê-xi-a, có khi vòng tới đảo Pa-la-oan, xuống gần Xin-ga-po, qua eo biển Ma-lắc-ca rồi về vịnh Thái Lan... chọn thời cơ thuận lợi mới đưa tàu chạy nhanh vào bến. Bằng phương thức trên, năm 1965, Đoàn 125 đã tổ chức thành công 3 chuyến chở 187,8 tấn vũ khí vào miền Tây Nam bộ, kịp trang bị cho những đơn vị chủ lực mới được thành lập, góp phần vào chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Nam bộ, với những thắng lợi nổi bật như các trận Bầu Bàng, Đất Cuốc, Dầu Tiếng... Bước sang năm 1966, Đoàn 125 tổ chức 6 chuyến hàng vào Nam bộ, nhưng chỉ có 3 chuyến cập bến Cà Mau thành công, 2 chuyến gặp địch phải quay về, 2 chuyến buộc phải nổ súng chiến đấu. Cuối năm 1966, tàu C41 và C43 chuyển hàng cho chiến trường Khu 5. Tuy vậy, chỉ có tàu C41 cập bến Đức Phổ (Quảng Ngãi), nhưng không thể trở ra, buộc phải phá hủy tàu. Sang năm 1967, Đoàn 125 tiếp tục tổ chức 5 chuyến vào Khu 5, nhưng bị địch phát hiện, ngăn chặn, 3 tàu phải quay về, tàu C143 và C198 vào được bến, nhưng phải trực tiếp chiến đấu với địch, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh và phải hủy tàu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển được một khối lượng hàng lớn tới các địa điểm giới tuyến. Để phân tán sự đối phó của địch, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định sử dụng tàu cùng xuất phát ở các địa điểm khác nhau và đi theo nhiều hướng khác nhau, vào các bến khác nhau. Tàu nào không vào được bến thì làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu khác tiếp cận bến. Đêm 25-2-1968, tàu C165 gồm 18 cán bộ, chiến sĩ chở 64 tấn vũ khí, khởi hành thực hiện hải trình vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Đến ngày 29-2, tàu chuyển hướng vào bờ thì bị 8 tàu chiến địch bao vây. Chúng tập trung hỏa lực và gọi máy bay đến hỗ trợ, bắn xối xả xuống tàu. Tập thể tàu C165 đã chọn phương án cuối cùng, điểm hỏa khối bộc phá để phá hủy tàu và hy sinh anh dũng. Sáng 27-2-1968, tàu C43 gồm 17 cán bộ, chiến sĩ, do Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy, rời căn cứ, chở 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Đêm 29-2, khi cách bờ chừng 12 hải lý, tàu C43 bị 6 tàu địch bao vây, trên trời, máy bay trực thăng không ngừng quần đảo, săm soi. Tàu C43 chuyển trạng thái, vừa chiến đấu, vừa cơ động vào gần bờ. Hỏa lực của cán bộ, chiến sĩ tàu C43 đã bắn rơi một trực thăng, bắn cháy một tàu chiến địch. Lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang, tàu C43 phá vòng vây, hướng vào gần bờ. Thuyền trưởng phân công Chính trị viên đưa thương binh, liệt sĩ lên bờ, rồi cùng hai thuyền phó ở lại hủy tài liệu, thực hiện phương án cuối cùng. Khối bộc phá phát nổ, tàu C43 cùng các đồng chí Phan Văn Rai, Vũ Xuân Ruệ và Võ Tòng Nho bùng lên như quả cầu lửa, trước sự kinh hoàng của kẻ thù. Các đồng chí còn lại được sự giúp đỡ của nhân dân Ba Làng An đưa về căn cứ, sau hơn ba tháng trở ra miền Bắc.
Cũng trong đêm 27-2-1968, tàu C235 với thủy thủ đoàn gồm 20 người, do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Chính trị viên Nguyễn Tương chỉ huy, nhổ neo rời bến mang hơn 16 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa). 23 giờ, ngày 29-2, tàu C235 cách Hòn Hèo 6 hải lý thì bị địch phát hiện. 3 tàu chiến của vùng 2 duyên hải quân ngụy Sài Gòn và 4 tàu khác thuộc duyên đoàn 25 ngụy lập tức được điều đến vùng biển phía Bắc Nha Trang, hòng bắt sống tàu C235. Trước tình thế nguy cấp, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn quyết định vào bến để chuyển toàn bộ số vũ khí xuống các điểm tập kết. 2 giờ, ngày 1-3, các tàu địch đồng loạt nổ súng. Trong tình thế cực kỳ khó khăn, phía trước là núi, phía sau tàu địch không ngớt nhả đạn, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy đồng đội vừa chiến đấu, vừa điều khiển tàu chạy sát bờ thả hàng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, 5 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 hy sinh, 7 người bị thương. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định sử dụng phương án phá vòng vây, vượt ra khơi. Nhưng khi tàu chưa kịp quay mũi thì khoang máy bị trúng đạn, máy hỏng, tàu không cơ động được nữa. Không thể chần chừ, Thuyền trưởng lệnh cho anh em bị thương rời tàu, kích nổ, phá hủy tàu. 2 giờ 30 phút, khối bộc phá trên tàu C235 phát nổ, sức công phá dữ dội chấn động đến thành phố Nha Trang. Trong cuộc chiến đấu này, 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235, trong đó có Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, đã anh dũng hy sinh, những người còn lại bắt liên lạc được với bến, sau đó theo đường Trường Sơn trở ra miền Bắc.

Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30-4-1975), Đoàn tàu Không số đã dệt nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Trong các chuyến đi, Đoàn tàu Không số đã phải khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi; chống chọi với nhiều cơn bão; đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây; chiến đấu với hơn 1.200 lần máy bay địch tập kích; bắn rơi 5 chiếc máy bay và bắn cháy nhiều tàu, thuyền của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Your browser does not support the video tag.

Video liên quan

Chủ đề