Có những dạng đề nghị luận về bài thơ, đoạn thơ như thế nào

Cách làm dạng đề nghị luận về bài thơ, đoạn thơ

Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

  • I. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là gì
  • II. Đặc điểm của văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
  • III. Yêu cầu cơ bản khi làm bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ
  • IV. Phương pháp, kỹ năng làm văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ.
  • V. Dàn ý chung bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

I. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là gì

Nghị luận về bài thơ, đoạn thơ là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.

Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua ngôn từ hình ảnh, giọng điệu. Bài nghị luận cần phân tích những yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá cụ thể xác đáng.

II. Đặc điểm của văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Đề bài của bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ thường có những đặc điểm sau:

- Dạng bài phân tích toàn bộ bài thơ:

Người ra đề thường lựa chọn những vấn đề hoặc khía cạnh nổi bật của bài thơ.

Ví dụ: Phân tích hình ảnh người lính trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

- Dạng bài phân tích một đoạn thơ:

Người ra đề thường chọn đoạn thơ đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật nổi bật của bài thơ.

Ví dụ: Em hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của mình về khổ thơ cuối cùng trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” để làm rõ tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước.

– Dạng bài phân tích một hình ảnh trong đoạn thơ, bài thơ:

Hình ảnh được lựa chọn phải giàu ý nghĩa biểu tượng và giá trị nội dung.

Ví dụ: Ba câu kết trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu với hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng đẹp đẽ về cuộc đời người chiến sĩ. Em hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 12 câu phân tích hình ảnh đặc sắc đó.

– Dạng bài so sánh giữa hai đoạn thơ, bài thơ.

Hai ngữ liệu được lựa chọn sẽ có nét tương đồng, gần gũi.

Ví dụ: Trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải có viết:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập trong hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”

Có những điểm gặp gỡ trong tư tưởng với nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Một khúc ca xuân”:

"Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào có vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Em hãy so sánh hai khổ thơ trên để thấy được những điểm gặp gỡ của hai nhà thơ.

III. Yêu cầu cơ bản khi làm bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ

Muốn làm tốt bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ cần có năng lực cảm thụ văn chương, đồng thời phải nắm vững, thành thục phương pháp làm một bài văn nghị luận. Bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ cần gắn với sự cảm thụ, bình giảng, chỉ ra những nhận xét, đánh giá cái hay, cái đẹp cụ thể của tác phẩm (về nội dung cảm xúc, về ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…)

Tìm hiểu phân tích thơ là một việc khó, đánh giá về thơ lại càng khó và phức tạp hơn bởi lẽ thơ là sản phẩm của cảm xúc, trí tưởng tượng mang dấu ấn cá nhân. Quá trình tiếp nhận thơ ca cũng đồng thời là một quá trình tiếp nhận mang tính chủ quan sâu sắc. Vì vậy, bài nghị luận cần có sự kết hợp giữa việc trình bày hiểu biết về những “dấu ấn cá nhân” của tác giả, đồng thời phải nói nên được những cảm nhận, đánh giá chủ quan của người viết.

Kiến thức thể hiện trong một bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ là kiến thức tổng hợp, kết hợp của nhiều hiểu biết trong đó có hiểu biết về đặc trưng thể loại, về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác… Vấn đề bám sát vào đặc trưng thể loại thơ (đặc trưng về từ ngữ, hình ảnh, cách ngắt nhịp, cấu tứ…) để phân tích nghị luận là rất quan trọng.

Khi giới thiệu bài thơ nên để ở phần mở bài với tên bài thơ. Để tìm hiểu giá trị bài thơ (bao gồm giá trị nội dung và nghệ thuật). Học sinh có thể chọn cách phân tích cắt ngang (tức là theo bố cục- các đoạn thơ), hoặc bổ dọc (tức là theo các ý trong bài thơ). Với cách phân tích thứ nhất, cần nắm chắc bố cục của bài thơ, từ đó phân tích từng đoạn cho đến hết bài thơ. Còn cách thứ 2 trước hết cần bao quát được hệ thống ý (cũng có thể đó là những biểu hiện diễn biến cảm xúc của nhân vật trữ tình), sau đó tập hợp phân tích những câu thơ có cùng nôi dung cảm xúc ấy.

Quá trình phân tích, cảm nhận phải theo một trình tự từ nghệ thuật đến nội dung. Đây là quá trình đi ngược lại với quá trình sáng tác của nhà thơ, là quá trình trong việc góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Người đọc tự giải mã những tín hiệu ngôn ngữ để tìm đến tư tưởng, nội dung cảm xúc mà nhà thơ gửi gắm. Đồng thời cần đánh giá được vị trí vai trò của đoạn thơ. Bài văn nghị luận cần có hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, những luận cứ đúng đắn, sinh động và lập luận thuyết phục. Lời văn bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ cần chuẩn xác trong sáng, thể hiện rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết.

Năng lực nghị luận thơ tuỳ thuộc rất lớn vào trình độ hiểu biết văn chương, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ diễn đạt cũng như các thao tác, phương pháp, kiến thức lí luận...Viết bài văn nghị luận đúng, trúng và hay bao giờ cũng dành cho người nắm được kĩ năng. Nghị luận thơ mà không có phương pháp thì khó bề đặt chân đến bờ chân - thiện - mĩ của thi phẩm. Muốn vậy, Giáo viên cần hiểu biết vững sâu về thơ, có nhiệm vụ cung cấp vốn kiến thức lí luận về thơ cho học sinh.

a. Ngôn ngữ Thơ

Ngôn ngữ trong thơ thường cô đọng, hàm súc lời ít ý nhiều mang dấu ấn riêng của mỗi người nghệ sĩ. Ngôn ngữ thơ phải chính xác, giàu hình tượng và biểu cảm tạo nên tính họa, tính nhạc trong thơ. Đây là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất của hình thức chất liệu ngôn từ. Bởi vì mọi nội dung cần thể hiện của tác phẩm văn học không có cách nào khác là nhờ vào hệ thống này. “Văn học là nghệ thuật ngôn từ” do tầm quan trọng ấy mà người ta xem nhà văn nhà thơ là người lao động chữ nghĩa. Không cần lý giải dài dòng vẫn thấy vai trò quan trọng của từ ngữ thơ. Đó là những từ “sáng”, từ “đắt”, những “ nhãn tự” làm nên giá trị nội dung thơ .

Giáo viên cần chỉ ra cho hoc sinh chú ý không thoát li từ ngữ, phát hiện và phân tích từ ngữ thơ bằng cách đặt ra các câu hỏi:

- Tại sao tác giả không dùng từ này mà lại là từ khác ?

Ví dụ :

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió xe”

(Sang Thu - Hữu Thỉnh)

- “Phả”: động từ có nghĩa là tỏa vào trộn lẫn. Người ta có thể dùng các từ: lan, tan, bay, tỏa…thay cho từ “phả” nhưng cả bấy nhiêu từ không có cái nghĩa đột ngột bất ngờ...Từ “phả“cho thấy mùi hương ổi ở độ đậm đặc nhất, thơm nồng quyến rũ hòa trong gió heo may lan tỏa khắp không gian tạo nên mùi hương ngọt mát của những trái ổi chín vàng rộ, gợi ta liên tưởng đến những khu vườn xum xuê trái ngọt ở nông thôn Bắc Bộ.

Hay câu thơ :

“Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật )

“chông chênh” là từ láy giàu giá trị gợi tả, gợi cảm. Từ “chông chênh” gợi tư thế không bằng phẳng, không chắc chắn, gợi sự nguy hiểm của người lính trên đường lái xe ra tuyền tuyến. Đây là nét vẽ hiện thực được Phạm Tiến Duật tái hiện lại cuộc đời gian khổ của người lính lái xe Trường Sơn. Trong hoàn cảnh chiến đấu cam go họ phải ăn - những bữa ăn vội vàng, xoàng xĩnh, phải ngủ - những giấc ngủ tranh thủ, ngắn ngủi trên xe hay dọc đường đi giữa làn mưa bom bão đạn quân thù…Song từ: “chông chênh”còn gợi tả phong thái ung dung của người lính. Bom đạn của quân thù không thể hủy diệt sự sống ngược lại sự sống không chỉ tồn tại mà còn tồn tại bất diệt trong một tư thế kiêu hãnh, hiên ngang, tư thế của người chiến thắng của chính nghĩa… Như vậy, từ ngữ thơ mang thần thái của thi phẩm và tài năng thơ của người sáng tác.

b. Hình ảnh thơ :

Hình ảnh thơ không phải là tổng số của nhiều hình ảnh mà chính sự chọn lọc những hình ảnh có giá trị biểu cảm, giàu sức gợi có tính hàm xúc, thể hiện tư tưởng, tinh thần, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

Khi giảng văn, giáo viên gợi cho học sinh nhận ra đâu là hình ảnh cần phân tích, cảm nhận .

Ví dụ : Viết về mùa xuân, Nguyễn Du đã miêu tả hình ảnh nào?

Cảm nhận của em về bức tranh mùa xuân qua các hình ảnh ấy?

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”

(Truyện Kiều - Nguyễn Du )

Viết về Mùa xuân chỉ bằng hai câu thơ tuyệt bút, Nguyễn Du đã phác họa bức tranh xuân tươi tắn, tràn ngập ánh sáng, màu sắc. Hình ảnh đặc trưng của mùa xuân: thảm cỏ non xanh vô tận chân trời là gam nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy, điểm xuyết vài bông hoa lê trắng, màu sắc hài hòa tới mức tuyệt đối: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời), nhẹ nhàng, tinh khiết (vài bông hoa trắng ). Chữ “ điểm”làm cho cảnh vật trở nên sinh động chứ không tĩnh tại.

c. Giọng điệu:

“Giọng điệu trong thơ là một phương diện biểu hiện quá trình chủ thể sáng tạo. Giọng điệu thể hiện thái độ lập trường, cách nhìn của chủ thể phát ngôn về đối tượng được nói đến”(Thuật ngữ văn học )

Giáo viên hướng dẫn học sinh nhận ra giọng điệu của từng nhà thơ qua đọc hiểu văn bản để thấy được phong cách sáng tác, cái khác biệt của người nghệ sĩ. Từ đó nhận ra đặc điểm âm hưởng thơ của một thời đại văn học, một giai đoạn lịch sử dân tộc, cốt cách tâm hồn một lớp thế hệ, một địa phương. Giọng điệu được thể hiện qua nhịp thơ, ngôn ngữ thơ và nội dung thơ...

Ví dụ : Phạm Tiến Duật có giọng thơ mang tính khẩu ngữ, đậm chất lính tráng, khoẻ khoắn, dạt dào sức sống, tinh nghịch vui tươi, giàu suy tưởng.

“Không có kính, ừ thì có bụi.
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc.
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.

( Bài thơ về Tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật)

Giọng điệu thơ Thanh Hải tha thiết, trìu mến, trữ tình như hồn phách con người cố đô:

“Ơi con chim chiền chiện.
Hót chi mà vang trời.
Từng giọt long lanh rơi.
Tôi đưa tay tôi hứng.”

(Mùa Xuân nho nhỏ - Thanh Hải)

Thơ Viễn Phương chân thành, nhẹ nhàng, giọng điệu trang trọng và thiết tha tinh tế, giàu cảm xúc. Thơ Y Phương đẹp như một bức tranh thổ cẩm nhiều màu sắc, mang cái hồn cái vía của con người vùng cao. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà thường khai thác những kỉ niệm và mơ ước của tuổi trẻ nên rất gần gũi với người đọc.... Nắm được đặc điểm giọng điệu của từng nhà thơ, làm rõ đặc điểm đó qua văn bản đôi khi chỉ cần một khổ thơ cũng đủ minh chứng cho phong cách thơ tác giả ấy.

d. Biện pháp tu từ:

Muốn làm bài văn phân tích thơ đúng, hay và sâu, học sinh phải có kiến thức vững về tiếng việt, nhận biết và cảm được vai trò của biện pháp tu từ trong việc diễn đạt nội dung thơ. Các biện pháp tu từ chính là những phương tiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ trang điểm cho ngôn từ văn học. Phân tích biện pháp tu từ chính là chỉ ra 6 tính hiệu quả của cách viết, cách nói ấy chứ không đơn thuần là gọi được tên, liệt kê các biện pháp mà nhà thơ sử dụng.

Giáo viên cung cấp kiến thức khái niệm lí luận về các biện pháp tu từ trên kết hợp với dẫn chúng cụ thể, giao bài tập thực hành kiểm tra đánh giá kết quả (kiến thức về biện pháp tu từ các em đã học từ lớp 6,7,8 vì vậy thông qua các tiết giảng văn giáo viên lồng ghép để khắc sâu kiến thức thêm.)

* Ví dụ về biện pháp tu từ so sánh:

Biện pháp nghệ thuật này khá phổ biến trong thơ. Thế mạnh của biện pháp so sánh góp phần gợi ra trí tưởng tượng của người đọc những hình ảnh cụ thể, những liên tưởng thú vị, chính xác về đối tượng được nói đến.

Ví dụ: Nguyễn Du sử dụng biện pháp nghệ thuật gì để miêu tả không khí tết Thanh minh?

Câu thơ:

“Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”
(Truyện Kiều -Nguyễn Du)

- “Ngựa xe như nước’, Nguyễn Du mượn dòng nước để tả dòng ngựa xe tấp nập trong tết thanh minh. “Quần áo” là hình ảnh hoán dụ chỉ con người. Câu thơ đã diễn tả không khí nhộn nhịp của tết thanh minh. Người đông đúc, san sát với nhau, còn ngựa xe thì tấp nập trên mọi ngả đường. Cái vui chung hướng ngoại ấy làm nền cho cái buồn riêng của Kiều (khi Kiều gặp mộ Đạm Tiên và được Đạm Tiên báo mộng).

Ví dụ: Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ: “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận. Cảnh mặt trời lặn được miêu tả thật độc đáo và ấn tượng. Nghệ thuật so sánh, nhân hóa cho thấy cảnh biển hoàng hôn vô cùng tráng lệ, hùng vĩ. Mặt trời được ví như một hòn lửa khổng lồ đang từ từ lặn xuống. Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ, những lượn sóng là then cài cửa. Bóng tối dần bao trùm nhưng biển cả không kì bí mà đẹp đẽ, thân thiện, là người bạn lớn của con người.

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi.
Câu hát căng buồn cùng gió khơi”.

Đoàn thuyền chứ không phải chỉ một con thuyền ra khơi đã tạo ra sự tấp nập trên biển. Chữ “lại”vừa khẳng định nhịp điệu lao động của người dân chài thường xuyên, thói quen thành nề nếp, vừa thể hiện sự đối lập đất trời đi vào trạng thái nghỉ ngơi cũng là lúc bắt đầu công việc của người ngư dân. Tác giả đã vẽ nên một hình ảnh khỏe, gắn kết ba sự vật: Câu hát, cánh buồm và gió khơi. Người ngư dân căng buồm và cất câu hát lên, nhà thơ có cảm giác như chính câu hát đó đã làm căng cánh buồm. Câu hát mang theo niềm vui, sự phấn chấn của người lao động được làm chủ biển trời quê hương đất nước trở thành sức mạnh cùng với gió biển làm căng cánh buồm để con thuyền lướt sóng ra khơi.

IV. Phương pháp, kỹ năng làm văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ.

1. Tìm hiểu đề, tìm ý:

a. Tìm hiểu đề: Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng nhưng từ xưa đến nay nhiều khi học sinh thường bỏ qua dẫn đến tình trạng làm lệch hướng, lạc thể loại của đề bài yêu cầu (lạc đề). Vậy, chúng ta phải làm thế nào?

- Xác định thể loại, kiểu bài nghị luận? (chú ý từ: suy nghĩ, phân tích, cảm nhận để thực hiện đúng phương pháp làm bài)

- Tìm nội dung bàn luận? (Nội dung và nghệ thuật bài thơ, đoạn thơ? Hoặc nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ...hay một khía cạnh nào đó của bài thơ, đoạn thơ)

- Tìm phạm vi kiến thức để phục vụ cho vấn đề bàn luận mà đề yêu cầu? (tác phẩm nào? Của ai? Hoặc kiến thức thuộc lĩnh vực nào?...

Ví dụ:

Đề bài: Phân tích cái hay, cái đẹp của đoạn thơ sau:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
………………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

(“Viếng lăng Bác”-Viễn Phương)

* Đề bài trên thuộc thể loại nghị luận gì?

- Nghị luận về một đoạn thơ.

* Nội dung nghị luận là vấn đề gì?

- Phân tích nội dung của đoạn thơ thông qua các từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tư từ.

* Phạm vi kiến thức nằm ở tác phẩm nào?

- Trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.

b. Tìm ý: Tức là tìm những ý chính cần triển khai trong bài văn

- Nghị luận về đoạn thơ, bài thơ phải tìm hiểu nhà thơ, cuộc đời sự nghiệp, phong cách sáng tác, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, đặc biệt phải bám sát bố cục của bài để tìm luận điểm.

- Một bài nghị luận tác phẩm văn học nói chung và nghị luận về đoạn thơ, bài thơ nói riêng cần phải xác định rõ ràng các ý có bản của đề bài qua đó giúp người viết trình bày theo từng ý sao cho hợp lý nhất. Sau khi đọc kĩ bài thơ, đoạn thơ, khám phá ra được cái hay, cái đẹp, cái đăc sắc trong từng yếu tố nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ, HS tự đặt ra và trả lời những câu hỏi để có những ý lớn, ý nhỏ…. của bài văn .

Dưới đây là các dạng câu hỏi gợi ý, giúp HS tìm ý :

- Bước 1: Tìm hiểu về tác giả:

Nêu vài nét về tác giả? (Tên, quê quán, sự nghiệp sáng tác…)

- Bước 2: Hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xác định vị trí đoạn trích, nêu khái quát nội dung:

Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh nào?

Đoạn trích nằm ở vị trí nào của tác phẩm?

Nêu khái quát nội dung bài thơ, đoạn thơ?

- Bước 3: Tìm hiểu về nội dung những từ ngữ, hình ảnh :

Xác định nội dung chính của đoạn thơ, bài thơ là gì?

Trong đoạn thơ, bài thơ có những từ ngữ, hình ảnh nào đặc sắc?

Hình ảnh, từ ngữ nào toát nên vẻ đẹp của đoạn thơ, bài thơ?

- Bước 4: Tìm hiểu về nghệ thuật:

Em có nhận xét gì về nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ?

- Bước 5: Khẳng định sự thành công của đoạn thơ, bài thơ:

Tác phẩm đem lại cho chúng ta điều gì?

Dưới đây là các dạng câu hỏi gợi ý, giúp HS tìm ý một đề cụ thể:

b.1. Những câu hỏi về tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác?

* Tác giả của đoạn thơ, bài thơ sẽ nghị luận là ai? Có những nét gì nổi bật trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác? Sống trong thời kì nào? Có nét riêng, nét độc đáo gì về phong cách cá nhân? (Chuyên sáng tác về mảng đề tài nào? Sự nghiệp sáng tác ra sao?)

VD: Viễn Phương quê ở An Giang là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thơ viễn Phương mang giọng điệu thiết tha, giàu tình cảm….

* Bài thơ, đoạn trên được trích từ đâu? Được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Tác phẩm được đánh giá như thế nào? Có phải là tác phẩm tiêu biểu cho sự sáng tác văn chương của tác giả không? …

VD: Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác năm 1976, khi đất nước vừa được thống nhất và lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Hai khổ thơ trên nằm ở vị trí đầu bài thơ diễn tả cảm xúc chân thành thiết tha nhất khi tác giả đứng trước không gian và cảnh vật bên ngoài lăng Bác

b.2. Câu hỏi tìm giá trị nội dung:

* Ý nghĩa cụ thể, ý nghĩa khái quát của từng đoạn thơ là gì? Những ý nào tập trung biểu hiện chủ đề, tư tưởng của bài thơ, đoạn thơ? Nội dung đó được thể hiện được những hình ảnh và ngôn ngữ tiêu biểu nào? Có giá trị nhân văn như thế nào?

VD:

- Cảm xúc và sự tôn kính trang nghiêm của tác giả khi đứng trước lăng Bác:

+ Hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: “ mặt trời” => để ca ngợi sự vĩ đại của Bác Hồ (như mặt trời) vừa thể hiện sự tôn kính của nhà thơ và nhân dân với Bác.

+ Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ với bao xúc động bồi hồi trong lòng tiếc thương kính cẩn và nặng trĩu nỗi nhớ thương…..

+ “Dâng bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng…..

- Diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào trong lăng Bác:

+ Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả bằng hình ảnh thơ giản dị: “ Bác nằm trong…trăng sáng dịu hiền”. => Câu thơ diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo…. Bác đang ngủ giấc ngủ bình yên thanh thản giữa vầng trăng sáng dịu hiền. => Đó là giấc ngủ vĩnh hằng của con người cống hiến …

=> Gam màu khổ thơ ba không rực rỡ chói lọi như khổ hai mà trở nên dịu dàng, mềm mại… gợi nên hình ảnh Người gắn bó với thiên nhiên, với vầng trăng…. gợi tả tâm hồn cao đẹp sáng trong của Người…

+ Cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi đau xót không thể kìm nén: “Vẫn biết trời……. trong tim”

=> Trời xanh, mặt trời, vầng trăng là hình ảnh vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng…ẩn dụ gợi suy ngẫm về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt và trường tồn của Bác…. Người đã hoá thân vào thiên nhiên đất nước, dân tộc Việt Nam.

=> Dù tin như vậy, trái tim nhà thơ vẫn nhói đau. Đó là nỗi đau vô hạn, rất thật, nỗi đau tinh thần được cụ thể hoá thành nỗi đâu vật chất….

b.3. Câu hỏi tìm giá trị nghệ thuật:

* Bài thơ, đoạn thơ được viết theo thể loại nào? Nhịp điệu, ngôn ngữ, giọng điệu ra sao? Hình ảnh, biện pháp tu từ gì?

- Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ, nhịp điệu 2/2/2/2 chậm rãi kết hợp với hình ảnh ẩn dụ đã thể hiện sự trang nghiêm thành kính phù hợp với tình cảm, cảm xúc vừa sâu lắng vừa tự hào thể hiện đúng tâm trạng xúc động của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác.

b.4. Câu hỏi gợi mở:

* Có thể so sánh, đối chiếu với những tác giả, tác phẩm nào để phân tích tác phẩm được sâu rộng, toàn diện hơn?

- Liên hệ với các tác phẩm khác …

Với những câu hỏi đó, không thể nào GV giảng giải một cách cặn kẽ, tỉ mỉ trong quá trình phân tích một đề bài trên lớp. Do đó, đòi hỏi người GV phải biết chọn lựa nhưng câu hỏi tìm ý cho phù hợp, có tác dụng khơi nguồn cảm xúc cho các em HS, giúp cho các em HS biết cách khám phá, tiếp cận tác phẩm. Với những câu hỏi tìm ý gợi mở trên, HS có thể tự tìm và trả lời các câu hỏi tìm ý cho bất kì đề bài văn nghị luận nào.

Sau khi đã có được ý, bước kế tiếp GV phải hướng dẫn cho các em biết cách sắp xếp các ý (luận điểm, luận cứ, luận chứng …..) theo một trình tự hợp lí. Việc làm này gọi là lập dàn ý.

2. Lập dàn bài.

Lập dàn ý là khâu rất quan trọng để sắp xếp các ý đã tìm được ở bước tìm ý theo một trình tự thích hợp lí và xác định mức độ trình bày mỗi ý theo tỉ lệ thoả đáng giữa các ý.

Bố cục của bài văn nghị luận gồm 3 phần rõ ràng:

* Mở bài: Giới thiệu được đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nhận xét, đánh giá của mình.( Nếu phân tích đoạn thơ nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó)

* Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

* Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ.

Điểm lưu ý trong cách làm bài văn nghị luận là trong bài văn không phải bao giờ các ý cũng được trình bày dàn đều nhau mà nên có chỗ nhấn, lướt có trọng tâm tránh lan man. Cho nên, ngay ở khâu lập dàn ý, sau khi sắp xếp ý, ta nên cân nhắc, định trước tỉ lệ dành cho mỗi ý trong bài để chủ động xây dựng một bài văn cân đối, có chiều sâu, tạo được điểm nhấn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Thông thường ý được nói kĩ là trọng tâm. Ví như với đề bài:

Ví dụ:

Đề bài: Phân tích cái hay của đoạn thơ sau:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
………………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

(“Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)

GV có thể hướng dẫn HS lập dàn bài như sau:

A. Mở bài:

* Em hãy giới thiệu vài nét về tác giả và sự nghiệp sáng tác Viễn Phương?

- Viễn Phương quê ở An Giang là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thơ viễn Phương mang giọng điệu nhỏ nhẹ, giầu tình cảm ….

* Nêu hoàn cảnh ra đời và nội dung tác phẩm và vị trí đoạn trích? (Hoặc là nhận định về nội dung bài thơ?)

Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác năm 1976, khi đất nước vừa được thống nhất và lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Bài thơ thể hiện tấm lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người với Bác. Hai khổ thơ trên nằm ở giữa bài thơ diễn tả cảm xúc chân thành thiết tha nhất khi tác giả đứng trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng Bác đồng thời diễn tả cảm xúc và suy nghĩ khi vào trong lăng Bác

B. Thân bài:

- Lần lượt phân tích trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.

- Dựa vào bố cục bài thơ để tìm hệ thống luận điểm, luận cứ.

Với đề bài này, chúng ta phải triển khai những luận điểm và tương ứng với những luận cứ dưới dạng những câu hỏi sau sau:

* Trong hai đoạn thơ trên được trình bày những luận điểm nổi bật nào? Những luận điểm đó được trình bày bằng những luận cứ nào?

- Luận điểm 1: Cảm xúc của tác giả trước dòng người vào lăng viếng Bác (khổ thơ 2)

+ Hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: “mặt trời” -> để ca ngợi sự vĩ đại của Bác Hồ (như mặt trời) vừa thể hiện sự tôn kính của nhà thơ và nhân dân với Bác.

+ Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” với bao xúc động bồi hồi trong lòng tiếc thương kính cẩn và nặng trĩu nỗi nhớ thương…Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác kết thành tràng hoa vô tận là hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo của nhà thơ…

+ “Dâng bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trương…..

- Luận điểm 2: Diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào trong lăng Bác:

+ Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả bằng hình ảnh thơ giản dị: “Bác nằm trong…trăng sáng dịu hiền” => Câu thơ diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo….Bác đang ngủ giấc ngủ bình yên thanh thản giữa vầng trăng sáng dịu hiền => Đó là giấc ngủ vĩnh hằng của con người cống hiến …

=> Gam màu khổ thơ ba không rực rỡ chói lọi như khổ 2 mà trở nên dịu dàng, mềm mại…..gợi nên hình ảnh Người gắn bó với thiên nhiên, với vầng trăng…. gợi tả tâm hồn cao đẹp sáng trong của Người…

+ Cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi đau xót không thể kìm nén: “Vẫn biết trời…trong tim”

=> Trời xanh, mặt trời, vầng trăng là hình ảnh vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng…ẩn dụ gợi suy ngẫm về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt và trường tồn của Bác…..Người đã hoá thân vào thiên nhiên đất nước, dân tộcVN

=> Dù tin như vậy, trái tim nhà thơ vẫn nhói đau. Đó là nỗi đau vô hạn, rất thật, nỗi đau tinh thần được cụ thể hoá thành nỗi đâu vật chất…

* Em có nhận xét gì nghệ thuật và nội dung của tác phẩm?

- Luận điểm 3: Đánh giá:

+ Nghệ thuật: Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ, nhịp điệu 2/2/2/2, nhịp thơ chậm rãi, giọng thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa thiết tha, đau xót, tự hào kết hợp cả hình ảnh thực và ẩn dụ, hoán dụ có ý nghĩa khái quát cao đã diễn tả tình cảm, cảm xúc vừa sâu lắng vừa tự hào thể hiện đúng tâm trạng xúc động của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác.

+ Nội dung: Hai khổ thơ với hình ảnh đẹp, ngôn ngữ trong sáng đã diễn tả được cảm xúc đau xót, chân thành thiết tha và sâu lắng của nhà thơ khi vào thăm lăng Bác.

C. Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

Người viết dựa vào việc phân tích giá trị, nét đặc sắc của bài thơ, đoạn thơ để đánh giá tổng quát về nội dung bình luận, phân tích. Và đưa ra ý kiến của riêng mình về giá trị bài thơ.

3. Viết bài.

- Khi thực hiện bước này, nhất thiết người viết phải bám sát vào dàn bài đã lập để triển khai hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng.

- Về hình thức bài văn: Bố cục của bài viết, các đoạn trong bài phải được trình bày theo trình tự lô gíc, có sự liên kết chặt chẽ cả nội dung lẫn hình thức, các câu trong đoạn phải thống nhất với nội dung của đoạn. Các đoạn trong bài được trình bày theo các cách lập luận (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành…)

- Về nội dung của bài văn: tùy từng yêu cầu của đề bài và phần dàn ý đã lập mà chúng ta triển khai các luận điểm rõ ràng. Tránh tình trạng diễn nôm bài thơ. Từ dàn ý đã có sẵn, các em có thể viết thành đoạn, thành bài. Các em được GV hướng dẫn viết từng đoạn tiêu biểu: đoạn mở bài, đoạn thân bài, đoạn kết bài

* Đoạn mở bài: là đoạn văn khởi đầu của bất cứ bài văn nào. Nó là đoạn giới thiệu vấn đề được nghị luận trong bài văn, đồng thời khơi gợi, lôi cuốn người đọc sự chú ý đối với vấn đề đó.

+ Nguyên tắc mở bài:

- Cần nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài

- Chỉ được phép nêu những ý khái quát (HS không được lấn sang phần thân bài: giảng giải, minh hoạ hay nhận xét, đánh giá ý kiến nêu trong đề bài.

Có rất nhiều cách mở bài. Tuỳ dụng ý của người làm mà có thể vận dụng một trong những cách sau đây:

- Mở bài trực tiếp: Giới thiệu ngay vấn đề cần nghị luận (còn gọi là trực khởi)

- Mở bài gián tiếp: Nêu ra những ý kiến có liên quan đến vấn đề cần nghị luận (từ khái quát đến cụ thể, so sánh đối chiếu, tương đồng, tương phản….)

=> Sau đây là mấy cách mở bài tham khảo cho đề bài:

Đề bài: Phân tích cái hay, cái đẹp của đoạn thơ sau:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
…………………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

(“Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)

=> Cách trực tiếp:

* Mở bài: Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già đáng kính của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế, sự ra đi của Bác là một sự mất mát to lớn của toàn thể dân tộc. Đã có rất nhiều vần thơ thể hiện lòng nhớ thương của những người con Việt Nam đối với Bác. Tuy là một bài thơ ra đời khá muộn, nhưng "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương vẫn để lại trong lòng người đọc những cảm xúc sâu lắng, bởi đó là tình cảm của một người con miền Nam lần đầu được gặp Bác. Bài thơ là một lời tâm sự thiết tha, là nỗi lòng thành kính và tha thiết của một người con Miền Nam đối với Bác Hồ. Hai khổ thơ đầu bài thơ là cảm xúc chân thành, thiết tha của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác .

=> Cách gián tiếp:

* Mở bài: Viễn Phương quê ở tỉnh An Giang là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Thơ ông với giọng điệu nhỏ nhẹ giàu tình cảm cảm xúc và chất thơ mộng ngay trong hoàn cảnh ác liệt của chiến trường. “Viếng lăng Bác”(1976), với giọng điệu trang trọng và thiết tha nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, bài thơ đã thể hiện lòng thành kính trang nghiêm và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với người cha vô cùng kính yêu đã đi xa. Hai khổ thơ nằm ở phần đầu của bài thơ đã diễn tả cảm xúc chân thành của tác giả khi đứng trước lăng Bác.

Sau khi đã hướng dẫn cụ thể cho HS các cách mở bài trên, GV tiến hành cho HS rèn viết đoạn mở bài và tin chắc rằng HS sẽ viết tốt.

Bước kế tiếp, GVsẽ hướng dẫn HS viết phần thân bài (gồm nhiều đoạn, GV có thể chọn cho HS viết một đoạn tiêu biểu )

* Đoạn thân bài:

Trước hết, GV nên xác định vai trò của phần thân bài cho HS nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nó trong một bài văn. Phần thân bài sẽ lần lượt trình bày, nhận xét, đánh giá về những từ ngữ, hình ảnh tín hiệu ngôn từ ở từng câu thơ, hình ảnh… các luận điểm của vấn đề được đặt ra trong đề bài ( thực hiện vừa đủ, không thiếu, không thừa các nhiệm vụ đã đề ra ỏ phần mở bài ).

Ở từng luận điểm, cần phân tích những từ ngữ, hình ảnh cụ thể, biện pháp tu từ chính xác bằng những dẫn chứng sinh động trong đoạn thơ. Phần thân bài là tập hợp của các đoạn văn. Mỗi đoạn văn chứa một luận điểm hoặc nhiều đoạn văn trình bày một luận điểm. Cách viết các đoạn văn bao gồm những cách sau: Quy nạp, diễn dịch, móc xích và song hành…

Giữa các luận điểm, đoạn văn cần có sự liên kết, chuyển tiếp một cách linh hoạt, uyển chuyển, tránh gò bó, máy móc, công thức.

Dưới đây là một trong những đoạn thân bài của đề bài

Đề bài: Phân tích cái hay của đoạn thơ sau:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
……………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

(“Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)

* Thân bài: Cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác:

- Khổ 2: Sự tôn kính của tác giả khi đứng trước lăng Bác: Sương tan Mặt trời dần lên cao và hình ảnh mặt trời gợi trong lòng tác giả những liên tưởng mới mẻ:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Hai câu thơ sóng nhau, hô ứng nhau với hai hình ảnh “mặt trời”. Một “mặt trời” thiên nhiên rực rỡ vĩnh hằng và một “mặt trời” trong lăng rất đỏ - hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. “Mặt trời” của thiên nhiên thì đem lại ánh sáng ban ngày và sự sống cho trái đất. Còn “mặt trời” trong lăng rất đỏ, một “mặt trời” vẫn toả sáng mạnh mẽ rực rỡ là hình ảnh ẩn dụ nói được một cách sâu sắc vẻ đẹp, sức sống và ý nghĩa của cuộc đời Bác đối với dân tộc, với thế giới. Người là ánh sáng soi đường đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Màu sắc rất đỏ đã làm câu thơ có hình ảnh đẹp và ấn tượng sâu xa hơn nó gợi lên trái tim đầy nhiệt huyết vì lí tưởng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác: “Bác ơi Tim Bác mênh mông thế - ôm mọi giang sơn ôm mọi kiếp người”(Tố Hữu) Nhiều người đã ví Bác như mặt trời (Người rực rỡ như mặt trời cách mạng) đặt Bác sánh ngang với mặt trời thiên nhiên là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo của Viễn Phương. Cách nói đó vừa ca ngợi sự vĩ đại, bất tử của Bác vừa thể hiện sự tôn kính ngưỡng mộ và biết ơn đối với Bác.

Hình ảnh dòng người xếp hàng vào lăng viếng Bác cũng gợi bao xúc động trong lòng nhà thơ:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng mười chín mùa xuân”.

Hai câu thơ với nhịp thơ chậm rãi, giọng điệu thành kính trang nghiêm. Điệp ngữ “ngày ngày”(hai lần) gây cảm giác một thời gian vô tận vĩnh viễn như tấm lòng nhân dân không nguôi nhớ Bác. Cũng trong cái vĩnh viễn của thời gian ấy còn là lòng thương nhớ vô tận của con người Việt Nam và nhân loại. Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ là hình ảnh thực: Những dòng người từ khắp nơi trên đất nước và thế giới về đây chiêm ngưỡng, tưởng niệm Bác mà đi trong bao xúc động bồi hồi, lòng tiếc thương, kính cẩn và nặng trĩu nỗi nhớ thương. Từng đoàn người di chuyển từ phía sau lăng, vòng ra trước, quay vào chính diện lăng tạo thành một vòng tròn khiến nhà thơ liên tưởng đến “tràng hoa”. Điều đáng lưu ý là vòng hoa dùng để viếng người đã khuất còn ở đây “tràng hoa” để “dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Từ “dâng” gói gém bao tình cảm tri ân nghĩa tình. Nhà thơ không nói 79 tuổi mà nói “bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng nói về cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân, một cuộc đời tươi đẹp mang đến cho đời bao hạnh phúc ngọt ngào. Và “tràng hoa” trong thơ Viễn Phương có ý nghĩa thật đặc biệt nó được kết bằng lòng ngưỡng mộ, nhớ thương Bác một cách chân thành và sâu sắc.

Bên trên chỉ là một đoạn tiêu biểu của phần thân bài (gồm nhiều đoạn), GV có thể hướng dẫn HS viết các đoạn khác nhau của các đề khác. Dù là đoạn văn nào thì GV cũng phải phân tích cho HS thấy rõ các tín hiệu nghệ thuật được phản ánh trong bài thơ hay đoạn thơ cách trình bày nội dung một đoạn văn.

* Kết bài:

Đoạn kết bài phải thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở phần thân bài. Chỉ nêu những ý nhận xét, đánh giá khái quát, không trình bày lan man hay lặp lại ý diễn giải, minh hoạ, cụ thể, chi tiết. Cũng không nên lặp lại nguyên văn lời lẽ của phần mở bài . Khác với mở bài, phần kết bài thiên về đánh giá, tổng kết vấn đề.

Có nhiều cách kết bài khác nhau, tuỳ theo dụng ý của người viết. Có khi kết bài là tóm tắt, khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Có khi kết bài là tổng hợp những cảm nhận sâu sắc về tác giả, tác phẩm . Có khi kết bài lại là liên tưởng đến các vấn đề khác có liên quan.

Thế nên, để hướng dẫn HS viết được những kết bài sâu sắc, người GV cần phải giúp HS nhận thức được tầm quan trọng của đoạn kết bài (không chỉ khép lại, hoàn chỉnh bài văn mà còn làm cho bài văn thêm khái quát, nâng cao về mọi mặt: tư tưởng, tình cảm, chủ đề, quan niệm sống tốt đẹp …

Dưới đây là một trong những đoạn kết bài của đề bài

Đề bài: Phân tích cái hay của đoạn thơ sau:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
………………………………...
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

(“Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)

GV có thể giới thiệu cho HS tham khảo.

=> Cách 1:

“Viếng lăng Bác” là một trong những bài thơ viết muộn màng, rất lâu, sau ngày chủ tịch HCM qua đời, sau hàng nghìn bài thơ viết về nỗi đau mất Bác. Thế nhưng, bài thơ vẫn tìm cho mình một tiếng nói riêng. Cái mới ấy xuất phát từ tấm lòng chân thành của nhà thơ, nguyên nhân chủ yếu tạo nên thành công của bài thơ chính là điều đó.

=> Cách 2:

Bài thơ "Viếng lăng Bác" đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm xúc sâu lắng và tha thiết. Với những hình ảnh ẩn dụ độc đáo và những biện pháp tu từ đặc sắc, Viễn Phương đã thể hiện một hồn thơ rất riêng. Qua bài thơ, Viễn Phương đã thay nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung dâng lên Bác niềm cảm xúc chân thành, lòng tôn kính thiêng liêng. Bài thơ sẽ tiếp tục sống trong lòng người đọc, gợi nhắc cho những thế hệ kế tục thành quả rực rỡ của cách mạng cách sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của một con người vĩ đại mà giản dị- Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sống trọn một đời cho đất nước.

"Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa”

4. Đọc và sửa lỗi.

Đây là bước cuối cùng khi hoàn thiện bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ. Người viết phải có thói quen rà soát lại bài làm của mình để sửa lỗi về nội dung lẫn hình thức.

Về nội dung, người viết phải soát lại hệ thống luận điểm, luận cứ.

Về hình thức, người viết phải soát lại bố cục, các đoạn văn, các câu văn diễn đạt, lỗi chính tả thường mắc phải.

Có thể nói, hướng dẫn học sinh cách làm bài văn Nghị luận về đoạn thơ, bài thơ tức là đi tìm và khám phá ra cái hay, cái đẹp trong văn chương nghệ thuật. Từ khâu tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn và liên kết đoạn là cả một quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo. Giúp các em hiểu ra chân lí ấy sẽ là con đường ngắn nhất hướng các em yêu thích văn chương và có hứng thú khi làm bài tập làm văn kiểu bài nghị luận về tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm thơ nói riêng.

Với tâm huyết giảng dạy thật tốt kiểu bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ và qua tích luỹ một vài kinh nghiệm hướng dẫn học sinh phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn và liên kết đoạn, tôi đã giúp học sinh của các lớp do chính tôi trực tiếp giảng dạy đạt được kết quả tốt trong các kì kiểm tra học kì II và thi Tuyển vào lớp 10 luôn đảm bảo chỉ tiêu chất lượng từ 75% trở lên và chất lượng năm sau cao hơn năm trước.

Đa số bài làm của các em đều đáp ứng được yêu cầu của đề; khai thác được ý hay, ý sâu sắc; phân tích tinh tế, có cảm xúc, biết tìm tòi và sáng tạo mang phong cách riêng, không còn gượng ép, máy móc hay khuôn sáo. Rất ít bài làm sơ lược, ý nghèo nàn hoặc không tìm được ý. Chính hiệu quả đạt được trên, đã động viên, thôi thúc tôi hoàn thành kinh nghiệm giảng dạy này.

V. Dàn ý chung bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

I. Mở bài:

II. Thân bài:

– Khái quát về vị trí trích đoạn hoặc bố cục, mạch cảm xúc chủ đạo của khổ thơ, bài thơ

– Phân tích bài thơ/đoạn thơ: trích thơ rồi lần lượt phân tích những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, v.v. trong từng câu thơ, giải mã đúng từ ngữ, hình ảnh đó để giúp người đọc cảm thấy được những cái hay, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật cảu bài thơ. Lưu ý: nên phân tích từ nghệ thuật đến nội dung, khi phân tích phải dựa vào từ ngữ có trong bài thơ, hoàn cảnh ra đời, phong cách sáng tác của tác giả để tránh suy diễn miên man, không chính xác, cụ thể:

– Phân tích khổ thơ thứ nhất:

– Phân tích khổ thơ thứ hai:

(Lưu ý: đôi khi có thể phân tích hai khổ thơ cùng một lúc nếu hai khổ thơ cùng một ý nghĩa)

– Nhận xét đánh giá bài thơ:

III. Kết bài:

Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ bài thơ đạt điểm tối đa

THPT Sóc Trăng Send an email
0 7 phút

Bài viết dưới đây làm rõ những vấn đề liên quan đến dạng đề nghị luận về một đoạn thơ bài thơ

Với mong muốn giúp các em hiểu rõ, sâu rộng hơn những kiến thức cơ bản trước khilàm bài, THPT Sóc Trăng sẽ cùng các em đi vào tìm hiểu khái niệm, phân tích đầy đủ các bước cần thiếtđể có thể viết được một bài văn nghị luận đạt điểm cao nhé

Bạn đang xem: Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ bài thơ đạt điểm tối đa

Cùng bắt đầu..

Bài viết gần đây
  • Soạn bài Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

  • Phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

  • Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

  • Dàn ý phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng

Nội dung

  • 1 I Khái niệm cơ bản của nghị luận về một đoạn thơ bài thơ
    • 1.1 1. Nghị luận về một đoạn thơ bài thơ là gì?
    • 1.2 2. Đặc điểm cơ bản
    • 1.3 3. Các dạng đề của nghị luận về một đoạn thơ bài thơ
  • 2 IICách làm bài văn nghị luận về môt đoạn thơ bài thơ
    • 2.1 1. Kỹ năng phân tích đề
    • 2.2 2. Các bước triển khai bài nghị luận về một đoạn thơ bài thơ
      • 2.2.1 Nghị luận về một đoạn thơ bài thơ.
      • 2.2.2 Nghị luận so sánh hai đoạn thơ, bài thơ
      • 2.2.3 Nghị luận ý kiến bàn về bài thơ, đoạn thơ

Các dạng đề nghị luận văn học thường gặp

  • doc
  • 38 trang
CÁC DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC THƯỜNG GẶP
Thống kê các dạng đề nghị luận văn học, dàn ý của từng kiểu bài.
1. Dạng đề Nghị luận về bài thơ, đoạn thơ
2. Dạng đề phân tích cảm nhận về đoạn trích văn xuôi
3. Dạng đề nghị luận về tình huống truyện
4. Dạng đề phân tích/ cảm nhận nhân vật trong tác phẩm…
5. Dạng đề so sánh, đối chiếu: hai nhân vật, hai chi tiết, hai tư tưởng, hai đoạn thơ, hai
hay nhiều bài thơ…
6. Dạng đề bình luận một ý kiến bàn về văn học.
7. Dạng đề nghị luận hai ý kiến bàn về văn học.
8. Dạng đề tích hợp nghị luận xã hội : Phân tích, cảm nhận về tác phẩm, sau đó liên hệ
thực thế. Đây là kiểu bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học
Dàn ý của từng kiểu bài :

1. Cách làm dạng đề nghị luận về bài thơ, đoạn thơ
Có các kiểu ra đề như :
1/ Phân tích toàn bộ bài thơ.
2/Phân tích một đoạn thơ.
3/ Phân tích một khía cạnh trong đoạn thơ, bài thơ.
4/ Phân tích một hình ảnh, chi tiết trong bài thơ.
5/So sánh giữa hai bài thơ, hai đoạn thơ.
6/Nghị luận ý kiến bàn về bài thơ, đoạn thơ
Dàn ý chung cho dạng đề nghị luận về bài thơ, đoạn thơ.
Mở bài :

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

+ Giới thiệu tác giả và bài thơ, đoạn thơ cần phân tích ( chép nguyên văn đoạn thơ trong
đề bài, nếu là đoạn thơ dài thì chỉ cần chép hai câu đầu, chấm chấm, rồi chép câu cuối).
+ Giới thiệu ý kiến bàn về bài thơ ( nếu đề bài yêu cầu nghị luận về ý kiến )
+ Giới thiệu vấn đề nghị luận.
+ Nếu là dạng đề so sánh hai bài thơ, hai đoạn thơ thì mở bài phải giới thiệu cả hai tác giả
và hai bài thơ.
Phần mở bài chỉ cần nêu ngắn gọn nét chính về tác giả tác phẩm ( vài dòng )
Thân bài :
+ Khái quát về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính, … của bài thơ
+ Nêu vị trí đoạn thơ, thể thơ, chú ý âm điệu, giọng điệu
+ Phân tích cụ thể :
Có thể bổ ngang : phân tích từng khổ, từng dòng, nếu là thơ Đường luật thì phân tích theo
từng cặp Đề – Thực- Luận -Kết .Riêng đối với thơ tứ tuyệt (ví dụ một số bài thơ của Hồ
Chí Minh trong Nhật kí trong tù), cách thức thông thường là chia theo cấu trúc: khai,
thừa, chuyển, hợp; hoặc chia thành hai câu đầu và hai câu cuối (tuỳ từng bài cụ thể).
Có thể bổ dọc bài thơ : Phân tích theo hình tượng, theo nội dung xuyên suốt bài thơ.Đưa
các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn, nếu đề yêu cầu cảm
nhận đoạn thơ, câu thơ, thì các em chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến
chúng thành các luận điểm lớn để đi sâu cảm nhận.
Chú ý những hình ảnh biểu tượng, những lối nói ví von so sánh, những biện pháp nghệ
thuật tiêu biểu . Khi phân tích thì thao tác giảng giải, cắt nghĩa là quan trọng nhất, nhằm
giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của các hình ảnh biểu tượng, ý nghĩa của từ ngữ,
câu thơ, đoạn thơ.
Trong quá trình phân tích, luôn luôn hướng đến sự tổng hợp, khái quát ở từng cấp độ sao
cho thích hợp để rồi tiến tới những khái quát lớn của toàn bài. Phân tích phải đi kèm với
đánh giá và bình luận, tránh diễn nôm bài thơ.Mỗi đoạn văn các em nên viết theo cách
diễn dịch hoặc quy nạp, nhớ trình bày rõ câu chốt, câu diễn giải, câu dẫn chứng, câu khái
quát nội dung đoạn, câu chuyển đoạn linh hoạt.
Kết bài : Đánh giá khái quát về bài thơ, đóng góp riêng của tác giả

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

Những đoạn thơ trọng tâm trong chương trình thi THPT Quốc Gia
– Tây Tiến – Quang Dũng :Đoạn 1-2-3
– Việt Bắc – Tố Hữu:


8 câu đầu bài thơ Việt Bắc



Đoạn: Nhớ gì như nhớ người yêu…



Chày đêm nện cối đều đều suối xa



Đoạn Bức tranh tứ bình : Ta về mình có nhớ ta…. Thuỷ chung


Đoạn Việt Bắc trong kháng chiến : Những đường Việt Bắc của ta…Đèo De núi
Hồng
– Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm (Trích trường ca Mặt đường khát vọng)
Bài này dài, các em cần chú ý những đoạn tiêu biểu sau :


Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi….Đất nước có từ ngày đó



Đất là nơi anh đến trường…Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ



Trong anh và em hôm nay…làm nên đất nước muôn đời



Em ơi em hãy nhìn rất xa….đất nước của ca dao thần thoại

– Sóng – Xuân Quỳnh : Bài này khổ nào cũng quan trọng, có thể phân tích từng khổ,
hoặc phân tích cả bài để chứng minh nhận định.
– Đàn ghi ta của Lor-Ca – Thanh Thảo: Cả bài, chú ý hình tượng nhân vật Lor- ca
Ví dụ minh họa : Phân tích bức tranh tứ bình- Việt Bắc
Ta về, mình có nhớ ta ?
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng,

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình,
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Các ý chính cần đạt : – Hai dòng thơ đầu là lời khẳng định vể nỗi nhớ thương da diết và
tình cảm thủy chung của người ra đi dành cho quê hương Việt Bắc. Nỗi nhớ đã làm sống
dậy trong tâm tưởng hình ảnh thiên nhiên, con người nơi chiến khu cách mạng.
– Thiên nhiên Việt Bắc đẹp trong sự đan cài với vẻ đẹp của con người “hoa” cùng
“người”: Đoạn thơ có bốn cặp câu lục bát: câu 6 miêu tả thiên nhiên, câu 8 miêu tả con
người.
– Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên trong vẻ đẹp bốn mùa:
+ Mùa đông trên nền xanh bạt ngàn cây lá bỗng bất ngờ hiện lên sắc màu đỏ tươi của hoa
chuối. Màu đỏ ấy làm ấm cả không gian
+ Mùa xuân với sắc trắng của hoa mơ- loài hoa đặc trưng của Việt Bắc, 1 màu trắng miên
man, tinh khiết, đẹp đến nao lòng.
+ Mùa hè, với tiếng ve kêu vang ngân và sắc vàng của rừng phách.
+ Mùa thu với ánh trăng chan hòa trên mặt đất, đem lại không khí bình yên.
– Hình ảnh con người đã trở thành tâm điểm của bức tranh tứ bình, tạo nên sức sống của
thiên nhiên cảnh vật. Những con người Việt Bắc hiện về trong nỗi nhớ thật thân quen,
bình dị, thầm lặng trong những công việc của đời thường:
+ Mùa đông trở nên ấm áp với “ánh nắng dao giài thắt lưng”.
+ Bức tranh mùa xuân hòa cùng với dáng vẻ cần mẫn chút chăm của “người đan nón”
+ Bức tranh màu hè hoá dịu dàng với hình ảnh cô em gái hái măng một mình
+ Mùa thu là tiếng hát nghĩa tình thủy chung của con người cất lên giữa đêm trăng.
– Đoạn thơ mang nét đẹp cổ điển mà hiện đại

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

+ Vẻ đẹp cổ điển: Bức tranh tứ bình hiện lên qua những nét gợi tả
+ Vẻ đẹp hiện đại: Hình ảnh con người đã trở thành tâm điểm, tạo nên vẻ đẹp, sức sống
của bức tranh.
Bài làm :
“Việt Bắc” là một trong những tập thơ hay nhất của Tố Hữu. Tập thơ này chủ yếu viết về
thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó “Việt Bắc” được xem là đỉnh cao của thơ Tố
Hữu. Bài thơ là một bức tranh trữ tình mà hoành tráng, bao quát cả một diện lớn vé thời
gian suốt 15 năm “Nhớ khi kháng Nhật thuở còn Việt Minh”, trên một không gian là toàn
bộ Việt Bắc, kéo tràn sang Tây Bắc. Bút cảa Tố Hữu ở bài thơ này tỏ ra rất dồi dào. “Việt
Bắc” là một bài thơ dài, không phải đoạn nào viết cũng đểu tay. Nhưng có những đoạn
quả thật là đặc sắc mà ở đó người đọc thấy được vẻ đẹp của ngòi bút Tố Hữu:
Ta về, mình có nhớ ta ?
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng,
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình,
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Tố Hữu được xem là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng. Nói đến Tố Hữu là nói đến một
tiếng thơ trữ tình – chính trị. Suốt cả đời mình, Tố Hữu đã viết về lý tưởng lớn, lẽ sống
lớn, niềm vui lớn, tình cảm lớn của người cách mạng. Người ta vẫn nói ở Tố Hữu có sự
kết hợp hài hoà giữa yếu tố cổ điển, dân gian và yếu tố cách mạng hiện đại. Có lẽ vì thế
mà thơ Tố Hữu có khả năng thấm sâu vào tâm hồn quần chúng nhân dân. Cho đến nay,
Tố Hữu đã cho xuất bản 6 tập thơ: “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, “Máu
và hoa’, và gần đây nhất là “Một tiếng đờn’. Những tập thơ ấy đều gắn liền, tương ứng

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

với những chặng đường lớn của cách mạng Việt Nam. Có lẽ vì thế mà có người đã gọi
thơ Tố Hữu là cuốn “biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam”. Nghĩa là là cho
đến nay, Tố Hữu đã hoàn chỉnh một phong cách thơ của mình, một cuộc đời thơ của
mình.
Đoạn thơ trên là một trong những đoạn tiêu biểu của bài VB. Tất cả chỉ có 10 câu,
tập trung nói đến một chủ đề nhưng nó đã đạt đến sự toàn bích. Đoạn thơ này cđ thể
chia làm hai phần: phần đầu gồm hai câu. Nó như lời mở đầu đưa đẩy trong các cuộc hát
giao duyên. Trong đó người con trai (người về xuôi) vừa ướm hỏi lòng người ở lại, vừa
khẳng định những tình cảm trong lòng mình. Phần sau gồm 8 câu chia thành 4 cặp lục
bát. ở mỗi cặp, cứ câu lục tả hoa thì câu bát tả người. Nó là một bức tranh tứ bình diễn tả
hoa và người Việt Bắc trong bốn mùa bằng những nét đặc trưng nhất của miền đất này.
Có thể nói, cảnh sắc thiên nhiên Việt Bắc tuy được mô tả rải rác trong cả bài thơ nhưng
dường như nó được kết tinh vào đoạn này một cách hàm súc, cô đúc nhất.
Chúng ta biết bài thơ được viết theo hình thức hát đối đáp của dân gian. Hai câu thơ đầu,
về chức năng đối đáp, là hai
câu đưa đẩy để nối liền các mảng đề tài trong một cuộc hát. Đó là người con trai ướm hỏi
người con gái:
Ta về mình có nhó ta
Lời hỏi vẫn có cái giọng tình tứ, với cách xưng hô ta mình – mình ta. Nhưng quan trọng
hơn vẫn là ở sự cao nhã trong tình cảm. Ta về chẳng biết mình có nhớ ta không, nhưng
ngay cả khi mình không nhớ ta thì ta vẫn cứ nhớ mình. Mà nỗi nhớ mới duyên dáng và tế
nhị làm sao:
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Như vậy là người ra đi khẳng định tình cảm của mình bằng nỗi nhớ mà là nhớ về những
gì đẹp nhất của Việt Bắc. Đó là hoa và người. Trong nỗi nhớ của người đi hai hình ảnh
này là đồng hiện, soi chiếu vào nhau. Hoa là thứ đẹp nhất của thiên nhiên, còn người ta
lại là “hoa của đất”. ‘Vi vậy, hễ nhớ đến người thì hiện bóng hoa, hễ nhớ về hoa thì hiển
hiện hình người. Hoa và người không thể tách rời. Mà nói với một người con gái, lại nói
“hoa cùng người” thì đó chẳng phải là một lời đánh giá kín đáo hay sao?
Và như thế, chủ đề của đoạn thơ đã được giới thiệu. Đó là hoa cùng người Việt Bắc.

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

Tranh tứ bình là một trong những loại hình rất phổ biến trong nghệ thuật trung đại. Nó
thường là một bộ tranh gồm bốn bức mô tả bốn mặt của một đối tượng nào đấy. Vỉ vậy,
tự nó đã cố tính hoàn chỉnh riêng. Thậm chí tự nó là một cách khái quát riêng, một thế
giới riêng. Ta đã từng gặp những bộ tứ bình như: tùng – trúc – cúc – mai, xuân – hạ – thu
– đông (tứ quý), ngư – tiều – canh – mục, long – li – quy – phượng, cầm – kỳ – thi –
hoạ… Trong thơ ca chúng ta cũng từng gặp rất nhiều, đó là cảnh “Trông bốn bể” trong
“Chinh phụ ngâm”, đoạn “buồn trông” khi Kiều ở lầu Ngưng Bích, đoạn thơ mô tả bốn
cảnh thuộc thời oanh liệt của con hổ trong “Nhớ rừng” của Thế Lữ… Những bức tranh tứ
bình này giúp cho nhà thơ mô tả được một cách toàn diện và thâu tóm những gì là đặc
trưng nhất. Tố Hữu đã sử dụng lối vẽ tranh tứ bình khá nhuần nhuyễn trong nhiều bài,
đoạn thơ này có thể xem là bộ tranh tứ bình tứ quý về “hoa và người” của 4 mùa Việt
Bắc.
Mở đầu là một hình ảnh có tính khái quát, trong đó Việt Bắc hiện lên như một miền quê
thật lặng lẽ:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Gam màu cơ bản của bức tranh này là màu xanh. Đó là một màu xanh mênh mông và
trầm tĩnh của rừng già. Nó gợi ra hình ảnh một xứ sở êm đềm, lặng lẽ, tĩnh. Nhưng trên
cái nền xanh ấy, chúng ta nhìn thấy hình ảnh hoa chuối rừng bập bùng cháy như những
bó đuốc. Ai đã biết hoa chuối nở, sẽ thấy rằng tuy tác giả chỉ viết hai chữ ” đỏ tươi”
nhưng cũng đủ gợi cho chúng ta biết hoa chuối đã làm sáng lên cả một góc rừng. Thế là
hoa chuối làm cho cảnh rừng trở nên sống động hơn. Đồng thời hình ảnh hoa chuối lại
được tô điểm thêm những tia nắng ở câu thứ hai càng làm cho không khí vốn trầm mặc ở
nơi này trở nên tươi sáng và linh động. Trên nền cảnh ấy, hình ảnh con người xuất hiện:
“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Người đứng trên đỉnh đèo cao, ánh nắng chiếu vào
lưỡi dao trên thắt lưng, loé sáng. Nó gợi được một tư thế vững chãi, tự tin của người làm
chủ núi rừng. Tố Hữu thường mô tả con người trong tư thế ấy. Trong bài “Lên Tây Bắc”
tác giả có viết:
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo.

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

Cũng là một hình ảnh ấy nhưng ở đoạn thơ trên, Tố Hữu phải viết bằng 4 câu thơ 28 chữ.
Còn ở bài Việt Bâc này dường như nhà thơ đâ cô đúc vào 8 chữ. Nhà thơ không vẽ kỹ mà
chỉ chấm phá vài nét song cũng đủ cho ta hình dung khá rõ vê hình tượng. Vậy là, tương
ứng với một cảnh hoa là một dáng điệu người, mỗi dáng điệu toát lên một phẩm chất của
người Việt Bắc.
Bức tranh thứ hai:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Đến đây nên xanh trầm tĩnh đã nhường chỗ cho nền trắng tinh khiết của hoa mơ rừng.
Hai chữ “trắng rừng” khiến cảnh rừng như bừng sáng. Phải nói rằng đây là một hình ảnh
có sức ám ảnh lớn đối với hồn thơ Tố Hữu. Việt Bắc trong nỗi nhớ của Tố Hữu dường
như không thể thiếu được sắc hoa này. Về sau, trong bài “Theo chân Bác”, Tố Hữu sẽ
viết:
Ôi sáng xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giói nở hoa mơ
Bác về. Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ.
Trên nễn cảnh ấy hiện ra hình ảnh người Việt Bắc trong một công việc thầm lặng: “Nhớ
người đan nón chuốt từng sợi gịang”. Hai chữ “chuốt từng” gợi ra được dáng điệu cần
mẫn, cẩn trọng và tài hoa. Không biết người đan nón kia gửi vào từng sợi giang nỗi niềm
gì, ước mơ gì?
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Trong những bức tranh trên, chúng ta mới chỉ thấy màu sác, đường nét và ánh sáng. Đến
đây chúng ta còn nghe thấy được âm thanh của rừng, đó là tiếng nhạc ve. Nhạc ve làm
cho không khí trở nên xao động. Phải nói rằng trong các bức tranh ở đây thi Việt Bắc
mùa hè là đặc sắc hơn cả. Trong câu thơ, chúng ta thấy dường như có một phản ứng dây
chuyền chạy từ đầu đến cuối câu thơ. Ve kêu gọi hè đến, hè đến làm cho những rừng
phách ngả sang màu vàng. Ai đã lên Việt Bắc, dễ thấy hình ảnh kỳ lạ của những cánh
rừng phách. Trong những ngày cuối cùng của mùa xuân, những cây phách vẫn là màu

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

xanh, nụ hoa vẫn náu kín trong những kẽ lá «, Nhưng khi những tiếng ve đầu tiên của
mùa hè cất lên thì chúng nhất loạt trổ hoa vàng. Chi cổ vài ba ngày mà những rừng phách
đã lênh láng sắc vàng. Chữ “đổ” là một chữ tinh tế. Nó nhấn mạnh vào khía cạnh mau lẹ
trong việc biến đổi màu sắc, đồng thời diễn tả những trận mưa hoa vàng rừng phách mỗi
khi có một luổng gió ào qua. Bõ ràng, gam màu đến đây đã thay đổi hằn, sấc trắng đã
nhường chỗ hẳn cho sác vàng. Dường như âm thanh đã làm đổi thay màu sắc. Trên nền
cảnh ấy xuất hiện một hình ảnh lao động đấy kiên nhẫn của một cô gái Việt Bắc: “Nhớ cô
em gái hái măng một mình”. Hình ảnh này làm toát lên dáng điệu chịu thương, chịu khó,
hay lam hay làm, giàu đức hy sinh. Bao bọc lên hình ảnh này dường như chúng ta thấy sự
cảm thương kín đáo của người viết.
Bộ tranh này kết thúc bằng bức tranh thu. Ba bức tranh trên là cảnh ngày, riêng bức này
là cảnh đêm. Bức tranh vẽ ra những ánh trăng rọi qua vòm lá tạo thành một khung cảnh
huyển ảo: “Rừng thu trăng rọi hoà bình”. Nó xui khiến ta nhớ đến một câu thơ cũng viết
vể đêm rừng Việt Bắc của Hồ Chí Minh: “Trăng lồng cồ thụ bóng lồng hoa”. Đây đúng là
khung cảnh trữ tình dành cho những cuộc hát giao duyên. Cho nên nó là cảnh cuối cùng:
“Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”. Chữ “ai” là cách nói bóng gió, ám chỉ người đang
hát cùng với mình, làm cho lời lẽ trở nên tình tứ hơn. Và qua tiếng hát chúng ta thấy được
phẩm chất ân tình, chung thuỷ của người Việt Bắc.
Tóm lại, bốn bức tranh, bốn cảnh sắc, bốn dáng điệu. Tố Hữu đã thâu tóm được những gì
là đặc trưng nhất của quê hương cách mạng. Điều thú vị là tất cả đều hiện lên trong điệp
khúc nhớ thương. Những chữ “nhớ” đứng ở đầu câu tạo nên âm hưởng rất mặn mà, da
diết của nỗi nhớ. Trong nỗi nhớ tất cả đều hiện lên lung linh hơn, huyền ảo hơn.

2. Cách làm bài nghị luận về đoạn trích văn xuôi
Đối tượng của kiểu bài này rất đa dạng: Có thể là giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn
trích nói chung, có thể chỉ là một phương diện, thậm chí một khía cạnh nội dung hay
nghệ thuật của đoạn trích đó.
Yêu cầu của bài văn nghị luận về một đoạn trích văn xuôi
Ngoài yêu cầu chung của một bài văn nghị luận : bố cục bài viết rõ ràng; trình bày ý khoa
học; hành văn có cảm xúc, linh hoạt; dẫn chứng phải chính xác…Bài văn nghị luận về
một đoạn trích văn xuôi cũng có những yêu cầu riêng :

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

– Phải phân biệt được nghị luận về một đoạn trích và nghị luận về một tác phẩm. Nghĩa
là tránh việc đề cập tới tất cả các nội dung của tác phẩm còn nội dung của đoạn trích lại
sơ lược.
– Tập trung vào đoạn trích nhưng phải biết vận dụng kiến thức của toàn tác phẩm như nội
dung tư tưởng, cách kể chuyện, cách sử dụng chi tiết, cách xây dựng nhân vật, các biện
pháp tu từ. Nhất thiết phải đặt đoạn văn trong chỉnh thể của tác phẩm mới có cách đánh
giá chính xác.
Các bước làm bài :
Bước 1: Phân tích đề – xác định các yêu cầu của đề :
– Xác định dạng đề;
– Yêu cầu nội dung (đối tượng);
– Yêu cầu vê phương pháp;
– Yêu cầu phạm vi tư liệu, dẫn chứng.
Học sinh cần đọc kĩ đoạn trích; xác định được yêu cầu của đề; triển khai luận điểm, luận
cứ phù hợp; biết vận dụng các thao tác nghị luận để viết bài văn.
b) Bước 2: Lập dàn ý – tìm ý, sắp xếp ý: Theo bố cục ba phần
– Mở bài:


Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích văn xuôi cần nghị luận.



Giới thiệu vấn đề nghị luận

– Thân bài: Phân tích những giá trị nội dung, nghệ thuật tác phẩm, đoạn trích để làm rõ
vấn đề cần nghị luận hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của đoạn trích.
– Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.
c) Bước 3: Viết bài.
Dựa theo dàn bài đã xây dựng, viết thành bài văn hoàn chỉnh.
Chú ý viết đoạn văn phải thể hiện được nổi bật luận điểm và chứng minh bằng những
luận cứ rõ ràng. Các đoạn phải có liên kết, chuyển tiếp nhau.

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

d) Bước 4: Kiểm tra, chỉnh sửa.
Ví dụ minh hoạ:
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, khi Mị bị A Sử trói vào cột, Tô Hoài viết :
“ Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng
nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “ Em
không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”. Mị vùng bước đi.
Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng
chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình
không bằng con ngựa”.
( Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)
Từ đoạn văn trên, anh/ chị hãy làm rõ hình ảnh nhân vật Mị và nghệ thuật miêu tả tâm lí
nhân vật của nhà văn.
Đề bài đặt ra hai yêu cầu : hình ảnh nhân vật Mị và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của
nhà văn.
Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: có thể chọn lọc cá ý sau đây để đưa vào mở bài :
Năm 1952 Tô Hoài đi cùng với bộ đội vào giải phóng Tây Bắc . Trong chuyến đi này nhà
văn đã có dịp sống găn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số ( Thái , Mường, Mông ,
Dao ..)nên đã để lại nhiều kỉ niệm, hiểu biết về cuộc sống con người miền núi
Thôi
thúc Tô Hoài viết ” Truyện Tây Bắc” trong đó có ” Vợ chồng A Phủ”
” Vợ chồng A Phủ” (1952) in trong tập truyện “Tây Bắc”. Truyện được giải nhất Truyện
và kí VN năm 1954- 1955. Tác phẩm gồm hai phần , đoạn trích trong sách giáo khoa là
phần một.
– Giới thiệu đọan trích cần nghị luận( Không cần chép hết đoạn trích vào bài thi nhé )
-Vấn đề nghị luận : hình ảnh nhân vật Mị và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà
văn.
Thân bài
Luận điểm 1 : Khái quát về tác phẩm và vị trí đoạn trích ( ngắn gọn )

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

Luận điểm 2 : Phân tích đoạn trích để làm nổi bật vấn đề
Học sinh phải tách tách thành hai ý theo yêu cầu của đề bài. Trong mỗi ý lớn, học sinh
phải xác định được các ý nhỏ.
1.

Hình ảnh nhân vật Mị

– Mị có khát vọng sống mãnh liệt (Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết
mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những
cuộc chơi, những đám chơi. “ Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt
pao nào…”).
+ Mị vốn là một cô gái yêu đời, có khát vọng sống mãnh liệt. Dù bị trà đạp nghiệt ngã
nhưng khát vọng ấy đã trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân.
+ Nếu ban đầu, tiếng sáo còn là yếu tố ngoại cảnh, giờ đây tiếng sáo đã nhập hẳn vào tâm
hồn Mị. Mị đang sống trọn với nó. Tiếng sáo là tiếng gọi của tình yêu, tình đời; tiếng sáo
vẫn tha thiết, giục giã ; tiếng sáo đã đánh thức khát vọng sống nơi Mị.
– Số phận của Mị (Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không
nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi
chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa).
+ Mị bừng tỉnh, dây trói của A Sử làm Mị nhận ra hiện thực nghiệt ngã. Khát vọng sống
của Mị đã bị chặn đứng.
+ Mị nghĩ mình không bằng con ngựa và thực tế cuộc đời Mị không bằng con ngựa (Mị
là con dâu gạt nợ, là thân phận nô lệ, bị giam hãm…)
-> Tấm lòng của nhà văn.
2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn
– Nhà văn như đã nhập thân vào nhân vật Mị và miêu tả diễn biến tâm lí theo một trình tự
hợp lí :
+ Để đánh thức sức sống đang tiềm tàng trong Mị, nhà văn trả lại cho Mị kí ức đẹp.
+ Đang sống trong quá khứ mà quên cả hiện tại đang bị trói nên Mị vùng bước đi.
+ Khi nỗi đau thể xác ập đến, thế giới mông tưởng bị dập tắt, Mị không nghe tiếng sáo
nữa mà nghe tiếng chân ngựa.

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

– Sử dụng yếu tố ngoại cảnh có hiệu quả : hơi rượu, tiếng sáo, bài hát quen thuộc.
-> Tài năng của nhà văn
Kết bài : đánh giá chung

Những đoạn trích văn xuôi cần lưu ý trong kì thi THPT quốc gia
Tuyên ngôn độc lập- Hồ Chí Minh
Đoạn mở đầu : “Hỡi đồng bào cả nước….Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”
Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài
– Cảm nhận đoạn trích: “Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi [….]Mị trẻ
lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
– Cảm nhận đoạn trích: “Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ[…]
không biết sáng tự bao giờ”.
– Cảm nhận đoạn trích: “Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn[…]Hai người đỡ
nhau lao xuống dốc núi”.
– Cảm nhận đoạn trích: “Lần lần mấy năm qua, mấy năm sau[…]Đến bao giờ chết thì
thôi”.
Vợ nhặt – Kim Lân
– Cảm nhận đoạn trích: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào[…]Thị có vẻ rón rén, e
thẹn”.
– Cảm nhận đoạn trích: “Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà […] ấy thế mà thành vợ
thành chồng”.
– Cảm nhận tâm trạng bà cụ Tứ qua đoạn trích: “Ngoài ngõ có tiếng người húng hắng
ho[…]nước mắt chảy xuống ròng ròng”.
– Cảm nhận đoạn trích: “Sáng hôm sau mặt trời lên bằng con sào […] tu sửa lại căn nhà”.
– Cảm nhận đoạn trích: “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại […] lá cờ đỏ bay phấp
phới”.
– Cảm nhận đoạn trích: Bà lão cúi đầu nín lặng…. chúng mày về sau

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành.
– Cảm nhận đoạn trích: “Làng ở trong tầm đại bác […] đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”.
– Cảm nhận đoạn trích: “Tnú không cứu sống được Mai […] chúng nó đã cầm súng mình
phải cầm giáo”.
– Cảm nhận đoạn trích: “Một ngón tay Tnú bốc cháy […] mang từ đỉnh núi Ngọc Linh
về”.
– Giải thích và bình luận câu nói của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng mình phải cầm
giáo”.
– Giải thích và bình luận câu nói của cụ Mết: “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất
ta. Cây mẹ ngã cây con mọc lên. Đố chúng nó giết hết được cả rừng xà nu này”.
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ – Nguyễn Tuân

-Cảm nhận đoạn văn: “Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá…gậy đánh phèn”
-Cảm nhận đoạn văn : “Thạch trận dàn bày vừa xong…Thế là hết thác”. (Đoạn này chủ
yếu phân tích cảnh vượt thác của người lái đò.
-Cảm nhận đoạn: “Con sông Đà tuôn dài…nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. (Chủ yếu là vẻ đẹp
trữ tình)
6.So sánh cảnh vượt thác và cảnh cho chữ.
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG – Hoàng Phủ Ngọc Tường
-.Cảm nhận đoạn “Trong các dòng sông đẹp ở các nước…bát ngát tiếng gà”.
-.Cảm nhận đoạn: “Từ đây như tìm thấy đường về…mãi chung tình với quê hương xứ sở

3. Cách làm dạng đề phân tích tình huống truyện trong tác phẩm văn
học
Cách làm dạng đề phân tích tình huống truyện trong tác phẩm văn học
1) khái niệm tình huống truyện

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

– tình huống truyện có thể hiểu là hoàn cảnh, bối cảnh tạo nên câu chuyện
– là mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác; giữa hoàn cảnh và môi
trường sống với nhân vật. Qua đó nhân vật bộc lộ tình cảm, tính cách hay thân phận góp
phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác giả.
2) phân loại tình huống
– tình huống tâm trạng
– tình huống hành động
– tình huống nhận thức
3,Các bước phân tích tình huống truyện trong tác phẩm văn học :
A/Xác định tình huống : trả lời câu hỏi : chuyện kể về ai? ở đâu? khi nào? xảy ra như thế
nào? mối quan hệ giữa các nhân vật? mối quan hệ giữa nhân vật với môi trường, hoàn
cảnh có gì đặc biệt
B/. Phân tích tình huống truyện : phân tích cụ thể câu chuyện
C/Ý nghĩa tư tưởng của tình huống truyện :
– Thể hiện chủ đề tác phẩm
-Khắc họa tính cách, phẩm chất nhân vật
– Lôi cuốn, hấp dẫn cho câu chuyện
Ví dụ minh họa
1)Tác phẩm Vợ nhặtcủa Kim Lân
A/Xác định tình huống
Sau khi lướt qua các tình tiết chính của truyện này, ta dễ dàng thấy rằng hạt nhân của
truyện ngắn Vợ nhặt là một cuộc hôn nhân oái ăm, kì lạ. Và đó chính là cái “tình thế nảy
ra truyện”, cái tình huống của câu chuyện: Tràng – anh nông dân nghèo thô kệch, dân ngụ
cư bỗng “nhặt” được vợ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.
B/. Phân tích tình huống truyện
-Việc Tràng “nhặt vợ” tạo ra sự lạ lùng, ngạc nhiên đối với tất cả mọi người:

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

+Khi Tràng dẫn vợ về thì cả xóm ngụ cư ngạc nhiên. Trước hết là lũ trẻ. “Lũ ranh” ấy
bỗng nhiên mất hẳn đi một bạn chơi, khi có đứa chợt nhận ra quan hệ của họ là “chồng
vợ hài”. Còn đám người lớn thì ngớ ra “không tin được dù đó là sự thật”. Khi đã rõ, họ tò
mò thì ít mà ái ngại nhiều hơn: “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về”.
+Tiếp đến là bà cụ Tứ cũng quá đỗi ngạc nhiên: hoàn toàn không tin nổi – không tin vào
mắt mình (ngỡ mình trông gà hoá cuốc), không tin vào tai mình (quái, sao lại chào mình
bằng “u”).
+Ngay cả Tràng vẫn không hết ngạc nhiên vì mình được vợ: chẳng những cứ đứng “tây
ngây” giữa nhà tối hôm trước mà đến tận hôm sau, qua một đêm có vợ rồi nhưng “hắn cứ
lơ lửng như người đi ra từ trong một giấc mơ”.
-Tình huống “nhặt vợ” là tình huống oái ăm, kì lạ:
+ Tràng – một gã trai nghèo khổ, thô kệch, lại là dân ngụ cư, lâu nay ế vợ, bỗng dưng
“nhặt” được vợ, mà lại là vợ theo không.
+ Tràng lấy vợ vào lúc không ai lại đi lấy vợ – giữa những ngày nạn đói đang lăm le cướp
đi mạng sống của mỗi người.
+ Một đám cưới thiếu tất cả mà lại như đủ cả (thiếu tất cả những lễ nghi tối thiểu nhất của
một đám cưới, nhưng nó lại có cái quan trọng nhất, cốt lõi nhất: sự thương yêu gắn bó
thực lòng).
-Tâm trạng của những nhân vật trước tình huống này chứa đầy những cảm xúc ngổn
ngang, mâu thuẫn và các nhân vật có sự thay đổi về tính cách:
+Bà cụ Tứ vui vì cuối cùng con mình cũng có vợ nhưng lại tủi vì sự trớ trêu của số phận:
có phải thời “tao đoạn” như thế, người ta mới chịu lấy con mình? Bà mẹ nghèo nặng trĩu
những lo âu cho tương lai con “liệu chúng nó có nuôi nhau nổi sống qua được cơn đói
khát này không?”. Câu hỏi từ đáy lòng của bà mẹ chất chứa nỗi hoang mang, ám ảnh của
kiếp nghèo không lối thoát. Trong lời nghẹn nghào tâm sự có cả sự xót xa, một chút ân
hận vì đã không làm được đầy đủ bổn phận của người mẹ đối với con.
+Tâm trạng của Tràng cũng biến đổi liên tục. Lúc đầu Tràng tỏ ra lo lắng trước cảnh
nghèo “… thóc gạo này mà còn đèo bòng”. Sau đó, Tràng chấp nhận đưa vợ về ra mắt
với tâm trạng lâng lâng hạnh phúc, ngượng ngịu, bối rối. Sau một ngày có vợ, Tràng cảm
thấy vui sướng, hạnh phúc và “nên người”. Tràng nhận ra được trách nhiệm của bản thân

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

đối với gia đình, với mẹ, với vợ và những đứa con sau này. Tràng tin tưởng sự đổi đời ở
tương lai.
+Người vợ nhặt: Trước khi làm vợ Tràng, chị liều lĩnh, chao chát. Khi về làm vợ, chị tỏ
ra lễ phép, đảm dang, hiền hậu, biết thu vén gia đình và có hiểu biết về thời sự.
C/Ý nghĩa tư tưởng của tình huống truyện
-Tố cáo được tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, kẻ đã gây ra nạn đói khủng
khiếp, không chỉ cướp đi sinh mệnh của mấy triệu người Việt Nam, mà còn hạ thấp giá trị
con người.
-Phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của con người: ngay trên
bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu
đùm bọc lẫn nhau.
2) Tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
A/. Xác định tình huống
Đây là câu chuyện về gia đình của anh Giải phóng quân tên Việt. Nhân vật này rơi vào
tình huống đặc biệt: trong một trận đánh, Việt bị thương phài nằm lại giữa chiến trường.
Anh nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại, tỉnh lại rồi ngất đi. Trong những lúc tỉnh lại ngất đi đó,
bao nhiêu kí ức về gia đình, về đồng đội, về bản thân cứ mồn một hiện về lung linh sống
động trong tâm trí Việt.
B/ Phân tích tình huống
-Nhờ tình huống truyện, tác phẩm có một lối tự sự riêng. Lối tự sự, kể chuyện không
hoàn toàn theo trật tự thời gian mà chủ yếu theo dòng hồi tưởng miên man đứt nối của
Việt lúc bị thương nằm lại giữa chiến trường mênh mông bóng tối – bóng tối của màn
đêm, bóng tối do đôi mắt bị thương không thể nhìn thấy gì bên ngoài. Chính nhờ cách
trần thuật này mà mạch truyện đi về thoải mái giữa quá khứ và hiện tại; giữa cái đang ở
trước mặt với cái đã thành kỉ niệm xa xưa.
-Dòng ý thức của Việt chập chờn giữa những lần tỉnh, ngất ấy đã lần lượt tái hiện những
gì đã qua, đang có trong đời anh. Dòng nội tâm anh đứt nối, nối đứt đã tái hiện bao nét
sinh động cụ thể về chú Năm, má , chị Chiến:
+Má:
* Có cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn, khổ đau.

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

* Rất mực yêu thương chồng con và căm thù giặc sâu sắc: đi đòi đầu chồng; thương con
hết mực nhưng rất nghiêm khắc (trong hồi ức chập chờn của Việt, má hiện lên đầu tiên:
ghé lại, xoa đầu, đánh thức, lấy cơm cho Việt ăn…); luôn luôn nhắc nhở con về truyền
thống gia đình và mối thù dân tộc; hun đúc, nuôi dưỡng ở con ý chí chiến đấu không mệt
mỏi.
+ Chú Năm:
* Có giọng hò: tiếng hò vừa nhắc nhớ về truyền thống, thắp lên niềm tự hào về quê
hương khó nghèo nhưng bất khuất, vừa như lời hiệu triệu, một tiếng trống quân thúc giục
động viên thanh niên ra trận.
* Giữ cuốn sổ gia đình, ghi từng ngày thay cho Việt và Chiến -> giữ lửa yêu nước truyền
cho các thế hệ.
* Yêu nước, gắn bó với quê hương tha thiết, căm thù giặc sâu sắc.
+ Chị Chiến:
* Yêu thương và luôn nhường nhịn Việt, trừ việc giành đi bộ đội với Việt.
* Mang những phẩm chất của má: đảm đang, tháo vát, sắp xếp chu đáo mọi việc trước
khi lên đường nhập ngũ; bộc trực, quyết liệt, gan góc, quyết không đội trời chung với kẻ
thù.
-Qua dòng hồi ức của nhân vật Việt, người đọc thấy hiện lên hình ảnh của một chàng trai
mới lớn rất hồn nhiên, vô tư mà dũng cảm, gắn bó với những người thân và giàu tinh thần
trách nhiệm với truyền thống của gia đình, quê hương:
+ Tính cách trẻ con, hồn nhiên, vô tư: tranh đi bộ đội, tranh bắt ếch với chị; trong khi chị
Chiến lo toan thu xếp việc gia đình thì Việt “lăn kềnh ra ván cười”, vừa nghe vừa “chụp
một con đom đóm úp trong lòng tay” rồi ngủ quên lúc nào không biết; đi đánh giặc vẫn
đeo ná thun; không sợ giặc nhưng lại sợ ma; mỗi lúc tỉnh lại ngoài chiến trường, Việt nhớ
về gia đình, thèm được má cưng chiều…
+ Tình cảm gắn bó và ý thức trách nhiệm với truyền thống gia đình:
* Gắn bó, yêu thương những người thân: tình cảm gia đình được thể hiện qua dòng hồi ức
của Việt về ba má, chú Năm, chị Chiến…

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

* Có ý thức trách nhiệm thiêng liêng của một đứa con với truyền thống gia đình: lòng
căm thù giặc, khát vọng cầm súng chiến đấu trả thù cho ba má, bảo vệ gia đình, quê
hương…
* Chiến đấu gan góc, quả cảm: diệt được xe bọc thép của giặc; bị thương nặng, lạc đồng
đội, trong hồi ức đứt nối nhưng luôn thường trực nung nấu: tìm về với anh em, để tiếp tục
đấu tranh; một mình ở lại giữa chiến trường nhưng vẫn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu…
-Cách trần thuật này rất hữu hiệu trong việc thể hiện nội dung tư tưởng chủ đạo: gia đình
là cội nguồn sâu thẳm nhất của con người, và truyền thống gia đình là thực sự thiêng
liêng, vì nó đã hiện lên trong một thời khắc thiêng liêng.
-Cách kể chuyện này có hai tác dụng về nghệ thuật: câu chuyện vừa được kể, cũng là lúc
tính cách nhân vật được khắc họa; câu chuyện trở nên mới mẻ, hấp dẫn vì được kể qua
con mắt, tấm lòng và bằng ngôn ngữ, giọng điệu riêng của nhân vật.
C/ Ý nghĩa tư tưởng của tình huống truyện
Nhà văn dựng tình huống tâm trạng nên trần thuật theo dòng ý thức của nhân vật. Qua đó
thể hiện:
-Phẩm chất anh hùng của người nông dân Nam Bộ với ý tưởng nghệ thuật: người anh
hùng là sản phẩm của một thời đại, đồng thời là sản phẩm của một truyền thống gia đình.
-Ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu
nước.
-Sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình cảm yêu nước, giữa truyền thống gia đình
và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam
trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
3) Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
A/. Xác định tình huống
Truyện ngắn xoay quanh một tình huống chủ chốt: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng tìm vào
vùng quê miền biển mong chụp được bức ảnh nghệ thuật về làm lịch và tưởng đã thành
công khi thu vào ống kính khung cảnh chiếc thuyền ngoài xa đẹp như một giấc mơ.
Nhưng ngay sau đó, anh đã phải chứng kiến một nghịch cảnh trớ trêu: cảnh bạo hành
trong một gia đình hàng chài vừa bước xuống từ con thuyền ấy. Những ngày sau, cảnh

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

bạo hành đó vẫn tiếp diễn. Chánh án Đẩu đã mời người đàn bà làng chài đến tòa án để
giải quyết chuyện gia đình của chị.
B/. Phân tích tình huống
– Tình huống truyện được tạo nên bởi nghịch cảnh giữa vẻ đẹp chiếc thuyền ngoài xa với
cái thật gần là sự ngang trái trong gia đình thuyền chài. Sau nhiều ngày “phục kích”,
Phùng mới được “một cảnh “đắt” trời cho”. Nó giống như “một bức tranh mực tàu của
một danh họa thời cổ”. Toàn bộ khung cảnh “từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và
đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Nhưng oái oăm thay, cảnh đẹp nhất, có hồn
nhất lại là cảnh ẩn chứa những điều tệ hại nhất, xót xa nhất: bước ra từ thuyền là một
người đàn bà xấu xí, mệt mỏi; một người đàn ông to lớn dữ dằn; một cảnh tượng tàn
nhẫn: gã chồng đánh đập vợ một cách thô bạo; đứa con thương mẹ, đánh lại cha.
-Cuộc gặp gỡ của Đẩu, Phùng và người đàn bà hàng chài ở tòa án đã đẩy tình huống
truyện lên tầm cao của giá trị nhận thức. Chánh án Đẩu đứng về phía người vợ để khuyên
chị ly hôn nhưng thật bất ngờ, bằng những lý lẽ rất chân tình, người vợ từ chối, thậm chí
van xin tòa án cho chị không bỏ chồng. Theo chị, gã chồng là chỗ dựa quan trọng của
người phụ nữ làng chài, nhất là khi biển động phong ba. Hơn nữa, chị còn có những đứa
con, chị phải sống vì con, sống cho con chứ không thể sống vì bản thân. Và trên thuyền
cũng có những lúc vợ chồng con cái sống vui vẻ.
Qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án, chúng ta hiểu thêm về nguyên nhân bi kịch và
tính cách của các nhân vật:
+Gánh nặng mưu sinh đã làm cho người chồng thay đổi tính cách từ hiền lành sang thô
bạo. Người chồng vừa là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo vừa là thủ phạm gây ra nỗi
đau cho vợ và con.
+Người vợ là một phụ nữ nhẫn nhịn, cam chịu, giàu lòng vị tha, bao dung, giàu lòng
thương con. Chị thấu hiểu sâu sắc lẽ đời.
+Đẩu hiểu được nguyên do người đàn bà không thể bỏ chồng là vì những đứa con. Anh
vỡ lẽ ra nhiều điều trong cách nhìn nhận cuộc sống. Anh hiểu rằng, con người và cuộc
sống phong phú, phức tạp chứ không dễ dàng lý giải và can thiệp như anh tưởng lúc ban
đầu.
+Phùng như thấy chiếc thuyền nghệ thuật ở ngoài xa, còn sự thật cuộc đời lại ở rất gần.
Cái đẹp ngoại cảnh anh ngỡ là hoàn hảo, toàn bích có thể che khuất cái bề bộn, ngổn
ngang của đời sống. Bề ngoài nhếch nhác, lam lũ, cơ cực lại có thể chứa đựng những vẻ

Tài liệu được biên soạn bởi cô Thu Trang
Trường THPT Tạ Uyên, Yên Mô, Ninh Bình

Tải về bản full

Mẹo làm bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ bằng sơ đồ tư duy

06:51 08/06/2021 Kinh nghiệm sống
(VTC News) -

Video liên quan

Chủ đề