Chứng thống kinh là gì

Chườm ấm vùng bụng dưới để hạn chế thống kinh. Ảnh: medicalnewstoday.com

Thống kinh là cơn đau bụng rất thường gặp ở nhiều phụ nữ khi đến ngày hành kinh. Tuy nhiên, một cơn đau quá dữ dội hay có thêm các dấu hiệu lo ngại lại là vấn đề cần quan tâm. Những hiểu biết về thống kinh giúp bạn vượt qua cơn đau này một cách nhẹ nhàng cũng như phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn.

Thống kinh là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới. Theo đó, khi trứng rụng và không được thụ tinh, niêm mạc tử cung bị bong tróc và tống xuất ra ngoài, xuất hiện máu kinh. Dưới sự điều khiển của các loại hormone sinh dục nữ, quá trình này ảnh hưởng lên nhiều cơ quan như tử cung, buồng trứng, âm đạo, vú và hệ thống thần kinh nội tạng.

Do đó, khi đến ngày hành kinh, người phụ nữ cảm nhận một cơn đau xuất hiện từ vùng bụng dưới, có thể lan lên ngực, cương vú, làm khó thở hay lan xuống đùi, vùng kín. Có khi cơn đau lan tỏa khắp bụng, đôi lúc kèm theo rối loạn tiêu hóa, đau lưng, đau đầu, sốt nhẹ, bủn rủn tay chân, thay đổi cảm xúc... Tập hợp những cảm giác khó chịu này gọi là thống kinh.

Phân loại thống kinh

Thống kinh được chia làm hai loại là thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát.

Thống kinh nguyên phát

Thống kinh nguyên phát hay còn gọi là thống kinh vô căn. Đây là tình trạng đau bụng khi hành kinh của một chu kỳ kinh nguyệt có rụng trứng nhưng thăm khám không tìm thấy một nguyên nhân thực thể nào.

Cơn đau bụng trong thống kinh vô căn được mô tả là cảm giác đau trằn bụng dưới hoặc đau dữ dội từng cơn, kiểu đau co rút, đau lan ra sau lưng hay mặt trong đùi. Đau thường xuất hiện trước khi có kinh vài giờ hoặc ngay khi bắt đầu thấy kinh, kéo dài một vài ngày và có thể kèm theo buồn nôn, ngất xỉu, tiêu chảy, đau đầu và sốt.

Nguyên nhân của thống kinh nguyên phát được cho là do các lớp cơ thành tử cung co thắt để tống máu ra khỏi buồng tử cung. Khi sự co thắt quá mức, các cơ bị thiếu oxy và dưỡng chất, sản phẩm của chuyển hóa yếm khí gây ra cơn đau. Tuy nhiên, nhiều giả thiết lại đồng thuận là do những độc tố thần kinh bài tiết ra khi cơ thể căng thẳng tột độ vì thấy máu kinh nguyệt mà chưa được trang bị kiến thức cần thiết. Một số đối tượng khác bị cho là chịu ảnh hưởng khi quan sát thấy hiện tượng đau bụng khi hành kinh từ những người nữ xung quanh.

Phần lớn phụ nữ đều bị thống kinh vô căn ít nhất một lần trong suốt thời gian có hoạt động sinh sản. Thống kinh dạng này thường xuất hiện sớm khi cơ thể đánh dấu cột mốc dậy thì. Thời điểm lần đầu xảy ra ngay sau những vòng kinh đầu tiên trong đời. Theo đó, khoảng tuổi gặp phải chứng này cao nhất là từ lúc dậy thì cho đến khi 30 tuổi. Mặc dù vậy, vẫn có không ít phụ nữ thường xuyên bị thống kinh lặp đi lặp lại mỗi chu kỳ cho đến tận lúc mãn kinh.

Thống kinh thứ phát

Thống kinh thứ phát là thống kinh khi tìm thấy có nguyên nhân hay bệnh lý gây ra tình trạng này.

Triệu chứng đau bụng trong thống kinh thứ phát có thể tương tự như thống kinh nguyên phát nhưng đau thường xuất hiện trước khi có kinh khoảng một tuần. Đôi khi, cơn đau còn kéo dài hơn cho đến khi sạch kinh hoặc cơn đau còn đột ngột xuất hiện vào các thời điểm khác trong tháng.

Thời điểm xuất hiện thống kinh thứ phát thường muộn hơn thống kinh nguyên phát. Lúc này, phần lớn các phụ nữ đã trải qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt, sau nhiều năm không hoặc ít bị thống kinh. Do đó, độ tuổi thường bị thống kinh thứ phát là từ 30 đến 40 tuổi.

Các bệnh lý thực thể gây ra thống kinh thứ phát thường gặp là lạc nội mạc tử cung, viêm tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, ung thư tử cung, đặt vòng tránh thai, chít hẹp lỗ tử cung, dính nội mạc tử cung, tử cung dị dạng, u nang buồng trứng hay lạc vòng tránh thai. Theo đó, cơ chế đau trong thống kinh thứ phát tùy theo từng bệnh lý khác nhau.

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra thống kinh thứ phát, bệnh nhân cần phải khám chuyên khoa phụ khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và đôi khi sẽ cần chỉ định thêm các xét nghiệm hình ảnh học để xác định chẩn đoán, định hướng điều trị.

Thống kinh thứ phát báo động các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn

Thống kinh nguyên phát (vô căn) là hiện tượng khó chịu lặp đi lặp lại mỗi chu kỳ. Ở phần lớn các phụ nữ, khi sạch kinh, các triệu chứng của nó cũng sẽ tự thuyên giảm mà không cần phải điều trị gì. Sau nhiều chu kỳ, họ sẽ biết cách "thích nghi" với những khó chịu đó. Tuy nhiên, ở một số ít, nhất là các đối tượng có cơ địa quá nhạy cảm, thống kinh ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Dù vậy, họ lại âm thầm chịu đựng nỗi đau này mà ít đi khám bệnh hoặc không dùng thuốc giảm đau. Về lâu dài, thống kinh gây tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe người bệnh, khiến những ngày có kinh trở thành "cực hình".

Đối với thống kinh thứ phát, đây có thể được xem là triệu chứng báo động cho các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn. Nếu cơn đau kéo dài hơn những ngày ra kinh hay xuất hiện sau khi đã có chu kỳ nhiều năm, không đáp ứng với thuốc giảm đau, kèm theo những bất thường về tính chất kinh nguyệt như đa kinh, vô kinh, rong kinh, cường kinh,... người bệnh không nên chủ quan. Cần đi khám sớm và xử trí trước khi bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản, làm vô sinh, sảy thai, sinh non liên tiếp,...

Hạn chế thống kinh

Thống kinh vô căn dễ dàng được chấp nhận nếu như đã được chuẩn bị kiến thức, tâm lý kỹ lưỡng. Đối với các cô gái mới có kinh lần đầu, cần được người lớn đã có kinh nghiệm chăm sóc, giải thích cặn kẽ về sinh lý và vệ sinh kinh nguyệt. Từ đó, cần biết rằng kinh nguyệt không phải là bệnh mà chỉ là một hiện tượng bình thường của người phụ nữ.

Các biện pháp không dùng thuốc để hạn chế thống kinh là chườm ấm vùng bụng dưới, xoa bóp, thư giãn, uống đủ nước, tăng cường các loại thực phẩm giàu magie, kẽm, acid béo omega-3, vitamin nhóm B, vitamin E. Ngoài ra, việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, lối sống năng động, tích cực cũng đã được chứng minh hiệu quả phòng ngừa cơn thống kinh khi những ngày chu kỳ sắp đến. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá hay tiếp xúc khói thuốc, chất gây nghiện, chất kích thích,... vì sẽ làm cơn đau kéo dài hơn.

Riêng những trường hợp thống kinh thứ phát, để giải quyết triệu chứng đau, cần phải điều trị triệt để bệnh lý thực thể. Khi đó, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa sớm để lập phương án điều trị thích hợp./.

Nguồn: Hệ thống Y tế Vinmec

Thống kinh (TK) là hiện tượng đau khi hành kinh, đau từ hạ vị lan lên ức, lan xuống đùi và có khi đau khắp bụng, đôi lúc bị đau đầu, cương vú… TK ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Phần lớn phụ nữ chịu đựng nỗi đau này mà ít đi khám bệnh hoặc không dùng thuốc giảm đau.

Nhận dạng “nỗi đau thầm”

Người ta chia TK làm 2 loại: nguyên phát và thứ phát.

TK nguyên phát hay còn gọi là TK vô căn, là đau bụng khi hành kinh của một chu kì kinh có phóng noãn, nhưng khám không tìm thấy một nguyên nhân thực thể nào. TK thường xuất hiện sớm vào lúc dậy thì, ngay sau nhưng lần có kinh đầu tiên trong đời, đó là do căng thẳng thần kinh khi thấy kinh mà chưa hiểu biết, hoặc đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng đau bụng khi hành kinh của những người xung quanh, trong những năm sau TK có thể nặng lên. Phần lớn phụ nữ đều bị TK vô căn. Độ tuổi có tỉ lệ mắc chứng này cao nhất là thanh thiếu niên kế đến là những người dưới 30 tuổi, tuy nhiên có nhiều người bị TK thường xuyên cho đến lúc mãn kinh.

 Ảnh minh họa.

Đau bụng trong TK vô căn là đau trằn bụng dưới, đau dữ dội từng cơn, kiểu đau co rút, đau lan ra sau lưng hay mặt trong đùi. Đau thường xuất hiện trước khi có kinh vài giờ hoặc ngay khi bắt đầu thấy kinh, kéo dài một vài ngày và có thể kèm theo buồn nôn, ngất xỉu, tiêu chảy, đau đầu và sốt.

Cơ chế đau được giải thích như sau: các tế bào nội mạc tử cung tiết ra prostaglandin và các chất chống viêm khác. Vào cuối chu kì kinh, do thay đổi nồng độ hormone sinh dục nên prostaglandin được tiết ra nhiều hơn. Người ta thấy rằng, những phụ nữ TK, nồng độ prostaglandin cao hơn bình thường. Prostaglandin làm tử cung co thắt. Tử cung co thắt gây siết chặt mạch máu tử cung làm cho các tổ chức thiếu oxy vì không đủ máu nuôi, lớp nội mạc hoại tử và tróc ra. Đau trong TK chính là do co thắt tử cung và do thiếu oxy. Ngoài đau bụng, prostaglandin còn gây triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, và tiêu chảy.

Trong TK nguyên phát, khám phụ khoa không phát hiện một dấu hiệu đặc biệt nào.

TK thứ phát là TK có nguyên nhân hay bệnh lý cụ thể nào đó. Triệu chứng đau bụng trong TK thứ phát giống như TK nguyên phát nhưng đau thường xuất hiện trước khi có kinh cả tuần, đau kéo dài hơn đến khi không còn thấy kinh và có thể đau vào các thời điểm khác trong tháng. TK thứ phát thường xuất hiện muộn sau nhiều chu kì, nhiều năm không TK, độ tuổi thường bị là 30 - 40.

Các nguyên nhân thực thể trong TK thứ phát thường là lạc nội mạc tử cung, viêm tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, ung thư tử cung, đặt vòng tránh thai, chít hẹp lỗ tử cung, dính nội mạc tử cung, tử cung dị dạng, u hoặc u nang buồng trứng, vòng tránh thai.

Cơ chế đau trong TK thứ phát tùy theo bệnh lý mà khác nhau. Một phần trong cơ chế đau cũng tương tự như TK nguyên phát là do prostaglandin.

Để chẩn đoán xác định bệnh lý gây TK thứ phát, người bệnh cần phải khám phụ khoa, siêu âm, soi ổ bụng, soi buồng tử cung, chụp cộng hưởng từ MRI…

Có điều trị được không?

Đối với các cô gái mới có kinh lần đầu, cần được người lớn như: bà, mẹ, chị gái, cô, dì, cô giáo, bạn gái… đã có kinh nghiệm chăm sóc, giải thích cặn kẽ về sinh lý và vệ sinh kinh nguyệt, cần phải biết rằng kinh nguyệt không phải là bệnh mà chỉ là một hiện tượng sinh lí bình thường của người phụ nữ.

Điều trị chung cho cả hai loại TK là điều trị triệu chứng đau bằng các loại thuốc giảm đau chống viêm không có steroid như: naproxen, ibuprofen, ketoprofen… Thuốc có tác dụng làm ức chế tổng hợp prostaglandin, làm giảm co thắt tử cung, giảm lượng máu kinh. Các thuốc này nên uống trước hoặc ngay khi bắt đầu thấy kinh, uống trong 2 - 3 ngày. Những phụ nữ bị đau dạ dày tá tràng có thể dùng loại kháng viêm không có steroid ức chế COX-2 như meloxicam 7,5mg ngày uống 1 lần.

Đối với trường hợp đau dạ dày tá tràng và thống kinh mức độ nhẹ có thể dùng thuốc giảm đau thông thường, không có tác dụng ức chế prostaglandin như paracetamol (viên 500mg). Có thể dùng hormone sinh dục như thuốc tránh thai để giảm đau, tuy nhiên, việc dùng thuốc này cần phải khám phụ khoa và phải có sự theo dõi của bác sĩ sản khoa. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế sự rụng trứng và giảm nồng độ prostaglandin, làm giảm co thắt tử cung, làm giảm đau khi có kinh.

 Ích mẫu.

Nhiều thảo dược có tác dụng giảm đau khi TK. Trong các loại thảo dược chế sẵn để bán trên thị trường, viên ích mẫu tác dụng giảm đau rất tốt (không nên dùng loại pha với rượu như “Cao ích mẫu”). Đây là thuốc sản xuất trong nước, giá rẻ, tiện lợi, không phải nấu hoặc sắc, khi cần sử dụng có ngay. Viên ích mẫu gồm có thành phần chính là 3 loại thảo dược: ích mẫu, hương phụ (hay còn gọi là củ gấu) và ngải cứu. Ngoài 3 thành phần chính, thuốc có thể có thêm các thành phần khác tùy theo nhà sản xuất. Thuốc tác dụng tốt trong rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, khí hư bạch đới, giúp phục hồi tử cung sau khi sinh, giúp lưu thông khí huyết, da dẻ mịn màng, tươi mát. Mỗi lần uống 1 - 2 viên, ngày uống 3 lần. Uống trước khi hành kinh 2 - 3 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Đối với TK thứ phát, điều trị triệt để triệu chứng đau phải tùy theo nguyên nhân thực thể, mức độ bệnh tật mà có phương pháp điều trị thích hợp.

Có các biện pháp nào hỗ trợ giảm đau khi TK?

Tắm rửa hàng ngày bằng nước nóng vì nước nóng làm tử cung giảm co thắt nên giảm đau. Tương tự, chườm nóng vùng bụng dưới giúp giảm đau.

Xoa bóp vùng bụng dưới hoặc lưng, châm cứu, ấn huyệt, kích thích thần kinh bằng điện cực qua da, kéo nắn cột sống… đều có tác dụng giảm đau.

Thể dục đều đặn hàng ngày làm giảm nồng độ estrogen (một hormone sinh dục nữ). Người ta thấy rằng những phụ nữ tập thể dục thường xuyên ít đau bụng kinh hơn những phụ nữ khác. Các bài tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, đạp xe có thể giảm đau. Việc tập thể dục như vậy giúp ức chế prostaglandin hay là tăng phóng thích morphin nội sinh giúp giảm đau. Trong những ngày hành kinh, nếu thấy mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi hợp lí.

Ăn uống đầy đủ, ít thịt và chất béo, đặc biệt bổ sung các chất như ma-nhê, kẽm, acid béo omega-3, vitamin B1 (100mg/ngày), vitamin B6 (200mg/ngày), vitamin E (400UI/ngày). Vitamin E uống 2 ngày trước và 3 ngày sau khi có kinh, cần chú ý là vitamin E có thể gây ra hành kinh kéo dài.

Không uống cà phê, không uống rượu vì rượu làm đau kéo dài, không hút thuốc lá và tránh môi trường có khói thuốc lá.

BS. LÊ DŨNG SỸ


Video liên quan

Chủ đề