Chính sách năng lượng của Việt Nam

 Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. Ảnh:TTXVN

Nhận lời mời của Lãnh đạo và Chính phủ Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu ghi hình tại Diễn đàn lần thứ IV “Tuần lễ năng lượng Nga” được tổ chức tại Moskva từ ngày 13-15/10.

Trong bài phát biểu chào mừng diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên bang Nga đối với ngành năng lượng toàn cầu, giúp duy trì ổn định và cân bằng thị trường năng lượng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” góp phần tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia, nhất là hợp tác công-tư trong phát triển ngành năng lượng một cách hiệu quả, bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia và toàn nhân loại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu trong ASEAN, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.

Thông tin đến các đại biểu tham dự Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những định hướng cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam với 3 định hướng lớn.

Việt Nam thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời…

Đối với nguồn năng lượng hóa thạch, có lộ trình giảm dần và hầu như không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Dự kiến phát triển mạnh nhiệt điện khí, bao gồm cả nhiệt điện sử dụng khí nội địa và khí hóa lỏng (LNG).

Việt Nam cũng tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tích cực triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam luôn trân trọng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Liên bang Nga, trong đó hợp tác năng lượng rất hiệu quả giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua; nhấn mạnh nhiều công trình năng lượng lớn tại Việt Nam đều mang dấu ấn của tình hữu nghị và hợp tác Việt-Nga như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy nhiệt điện Uông Bí...

Thủ tướng khẳng định hợp tác dầu khí là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga, với nhiều liên doanh và dự án đang tiếp tục hoạt động hiệu quả tại cả Việt Nam và Nga.

Những thành công này là tiền đề để Việt Nam và Liên bang Nga mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xanh và sạch.

Trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên thiên nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh cần phải có cách tiếp cận toàn cầu một cách bao trùm, tổng thể, bình đẳng và cùng có lợi.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế giữa các quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường và vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển ngành năng lượng; khuyến khích đẩy mạnh cơ chế hợp tác công-tư; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Liên bang Nga và các nước đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Diễn đàn “Tuần lễ Năng lượng Nga” là sự kiện quan trọng về năng lượng, được tổ chức theo sáng kiến của Chính phủ Nga từ năm 2017 nhằm thảo luận vấn đề phát triển và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.

Sự kiện năm nay với chủ đề “Năng lượng thế giới: Chuyển đổi để phát triển” thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu Nga và quốc tế, trong đó có lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có bài phát biểu tại Diễn đàn.

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã được các đại biểu tham dự diễn đàn đánh giá rất cao, thể hiện sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tăng cường hợp tác với Liên bang Nga và các quốc gia nhằm phát triển ngành năng lượng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường; góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới./.

Hoàn thiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

(ĐCSVN) - Theo kết quả đánh giá sơ bộ của 17 tỉnh, thành phố, tổng năng lượng tiết kiệm được năm 2021 là 284,1 kTOE. Việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ được Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: A.N)

Ngày 10/12, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (BộCông Thương) phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Tiết kiếm năng lượng toàn quốc năm 2021 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Báo cáo kết quả hoạt động Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn quốc năm 2021, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay, bên cạnh việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong năm 2021, Chương trình còn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như: xây dựng các mô hình điển hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; kiểm toán năng lượng 91 cơ sở; xây dựng mô hình quản lý năng lượng 17 cơ sở; công nhận 45 cơ sở sử dụng năng lượng xanh...

Bên cạnh đó, đã xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh công tác truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo kết quả đánh giá sơ bộ của 17 tỉnh/thành phố, tổng năng lượng tiết kiệm được năm 2021 là 284,1 kTOE, trong đó, thành phố Hà Nội là địa phương có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất với 122,4 kTOE.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình trong năm qua còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt đối với một số tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng. Một số địa phương chưa được bố trí nguồn kinh phí trung ương và địa phương để triển khai chương trình. Việc đầu tư trang thiết bị, cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật và các giải pháp tiết kiệm năng lượng cần nguồn kinh phí lớn, chưa được chú trọng đầu tư.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã báo cáo, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất đối với BộCông Thương nhằm thúc đẩy chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giia đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đặt ra những mục tiêu cụ thể như: giai đoạn 2019 - 2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; giai đoạn 2025 - 2030 con số này là 8-10%.

Bên cạnh đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội, giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Để thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các địa phương, bên cạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, ông Nguyễn Đình Hiệp cho rằng, cần nâng cao năng lực công tác truyền thông cũng như có các giải pháp hỗ trợ đầu tư vốn cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Về phía Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho hay, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thực hiện từ năm 2006. Việc triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả: Tổ chức đa dạng các hoạt động thông tin, tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát động phong trào và nhân rộng mô hình Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố; đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành công nghiệp; hỗ trợ cải thiện hiệu suất của dây chuyền sản xuất…

Tuy nhiên, Chương trình vẫn còn một số tồn tại: Nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho Chương trình còn hạn chế trong khi đối tượng trong khuôn khổ Chương trình rất rộng và đa dạng từ Trung ương tới địa phương; nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng...

Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các cơ sở sử dụng năng lượng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

An Nguyên

TIN LIÊN QUAN

  • Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V
  • Lào Cai: Công tác Tuyên giáo có nhiều đổi mới, sáng tạo
  • Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển tài chính xanh, năng lượng và chống biến đổi khí hậu
  • Tăng cường hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Thụy Sỹ
  • Đẩy mạnh phân rõ trách nhiệm từ thành phố đến xã, phường
  • Chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
  • Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo qua đời

Video liên quan

Chủ đề