Chỉ số sp500 bị ảnh hưởng bởi yếu tố nào năm 2024

S&P 500 là chỉ số quan trọng của thị trường chứng khoán Mỹ. Dựa vào chỉ số này, nhà đầu tư có thể dự đoán được tình trạng của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Vậy chỉ số S&P 500 là gì? Bạn hãy cùng VNSC tìm hiểu về chỉ số này trong bài viết dưới đây nhé!

Tổng quan về chỉ số S&P 500

Chỉ số S&P 500 là gì?

Standard & Poor’s 500 Stock Index (S&P 500) hay Chỉ số S&P 500 là chỉ số được tính toán dựa trên cổ phiếu phổ thông của các công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, được niêm yết trên sàn NYSE hoặc NASDAQ.

Chỉ số này phản ánh biến động giá của 500 công ty thuộc danh sách S&P 500 chiếm tới 70% vốn hóa thị trường chứng khoán nước Mỹ. Do đó, theo dõi chỉ số S&P 500 nhà đầu tư có thể thấy được tình hình của thị trường chung. Một số công ty nổi tiếng trong danh sách này như Apple, Facebook, Amazon, Microsoft, Google, Johnson & Johnson…

Chỉ số S&P 500 do S&P Dow Jones Indices thuộc Tập đoàn McGraw Hill Financial phát triển và cập nhật. Ngoài ra, tập đoàn này có cập nhật một số chỉ số khác như S&P MidCap 400, S&P SmallCap 600 và S&P Composite 1500.

Lịch sử ra đời chỉ số S&P 500

Chỉ số S&P 500 với số liệu của 500 công ty được công bố lần đầu tiên ngày 4/3/1957 bởi Standard & Poor’s. Công ty này được thành lập nhờ sáp nhập 2 công ty khác gồm Poor’s Publishing và Standard Statistics Company. Trong đó, Poor’s Publishing được thành lập bởi Henry Varnum Poor năm 1860 và Standard Statistics được thành lập năm 1906.

Trước đó, Standard Statistics đã đưa ra một chỉ số chứng khoán đầu tiên, dựa trên cổ phiếu của 233 công ty tại Mỹ. Chỉ số này được cập nhật hàng tuần. Sau đó, công ty này tiếp tục đưa ra một chỉ số mới, lấy số liệu từ cổ phiếu của 90 công ty tại Mỹ, được cập nhật hàng ngày. Đây chính là tiền thân của chỉ số S&P 500 như ngày nay.

Từ 1957 đến nay, trải qua nhiều biến động của thị trường kinh tế thế giới, chỉ số S&P 500 cũng biến động không ngừng. Năm 2002, chịu ảnh hưởng của suy thoái chứng khoán, S&P 500 mất khoảng 50% giá trị. Tới ngày 30/5/2007, chỉ số đạt mức cao nhất trong 7 năm là 1,530.23 điểm. Sau đó, chỉ số tiếp tục biến động nhẹ, kết thúc năm 2007 ở mức 1,468.36 điểm.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, chỉ số lại giảm xuống dưới 1,400 điểm, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Đây là báo hiệu của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ giai đoạn 2007 – 2009. Trong năm 2008, đã có lúc chỉ số này giảm tới 100 điểm, đây mức dao động lớn nhất kể từ năm 1929. Cuối 2009, chỉ số S&P 500 gần như chạm đáy, ở mức 676.53 điểm khi đóng cửa ngày 9/3/2009.

Khủng hoảng đi qua, chỉ số S&P 500 phục hồi dần. Ngày 3/5/2013, chỉ số vượt mốc 1600 điểm. Tiếp tục phá mốc 1700 điểm ngày 1/8/2013 và mốc 1800 điểm vào ngày 22/11/2013.

Quỹ chỉ số S&P 500 là gì?

Quỹ chỉ số S&P 500 là những quỹ đầu tư, quỹ ETF được thành lập dựa theo chỉ số S&P 500. Danh mục đầu tư của những quỹ này mô phỏng sát nhất với danh mục 500 công ty tính chỉ số. Do đó, biến động của quỹ sẽ gần như đồng thời với biến động của thị trường chứng khoán Mỹ.

Tiêu chí đánh giá các công ty trong danh sách S&P 500

Danh sách các công ty thuộc nhóm S&P 500 được xác định theo những tiêu chí như vốn hóa thị trường, thanh khoản, trụ sở chính, cổ phiếu công khai… Danh sách này không cố định, được đánh giá và thay đổi định kỳ để phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, muốn lọt top S&P 500, các công ty phải đáp ứng một số tiêu chí chính sau:

  • Có vốn hóa thị trường chưa điều chỉnh tối thiểu 12,7 tỷ USD
  • Tỷ lệ free-float đạt từ 50% (tức 50% lượng cổ phiếu phải được tự do giao dịch trên thị trường chứng khoán)
  • Công ty phải có lợi nhuận trong quý gần nhất.
  • Tỷ lệ đồng USD hàng năm được giao dịch chia cho giá trị vốn hóa thị trường được điều chỉnh thả nổi ít nhất là 0,75.

Ngoài ra, còn một số tiêu chí khác để đánh giá, được thay đổi phù hợp với thực tế. Danh sách các công ty thuộc S&P 500 sẽ được đánh giá và cập nhật định kỳ hàng quý, vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Những công ty không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ, thay vào đó là những công ty mới phù hợp hơn.

Cách tính chỉ số S&P 500

Chỉ số S&P 500 được tính bằng cách lấy tổng giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu 500 công ty chia cho một ước số. Tổng giá trị vốn hóa thị trường được công bố công khai trên trang Standard & Poor’s. Giá trị ước số được giữ bí mật, xấp xỉ khoảng 8,9 tỷ. Ước số không cố định, có thể thay đổi khi phát hành cổ phiếu, chia tách công ty hay thay đổi cơ cấu công ty…

Công thức tính chỉ số S&P 500 như sau:

S&P 500 Index = (Tổng vốn hóa thị trường của 500 công ty)/Ước số.

Vì S&P 500 tính dựa theo giá trị vốn hóa nên các công ty có vốn hóa lớn sẽ tác động lớn tới chỉ số S&P 500 và ngược lại. Đây được gọi là trọng số. Trọng số được tính như sau:

Trọng số = (Vốn hóa thị trường của công ty)/(Tổng vốn hóa thị trường của 500 công ty trong nhóm S&P 500)

Các yếu tố tác động tới chỉ số S&P 500

Do chỉ số S&P 500 phụ thuộc vào tình hình hoạt động của các công ty trong danh sách nên các yếu tố tác động tới những công ty này cũng tác động tới chỉ số S&P 500:

  • Chính sách tiền tệ của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ): Chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới lãi suất thị trường, tác động tới việc vay vốn của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân. Lãi suất giảm, việc vay vốn dễ dàng hơn, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh và người dân chi tiêu nhiều hơn. Khi đó, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và chỉ số tăng lên.
  • Hiệu quả kinh tế: Khi kinh tế tăng trưởng, mọi người có việc làm, chi tiêu tăng, doanh nghiệp phát triển tốt, nhiều cổ phiếu tăng giá, chỉ số này cũng tăng và ngược lại.
  • Giá trị đồng USD: Đồng USD mạnh, các doanh nghiệp tại Mỹ nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, lợi nhuận tăng lên. Doanh nghiệp hoạt động tốt thì giá cổ phiếu tăng lên, chỉ số S&P 500 cũng tăng theo. Ngược lại, đồng USD giảm, chi phí nguyên liệu tăng, lợi nhuận giảm, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, S&P 500 cũng có thể giảm theo.
  • Giá cả hàng hóa: Khi giá cả hàng hóa tăng lên, chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, giá cổ phiếu giảm, chỉ số cũng giảm sút.

Ứng dụng S&P 500 trong đầu tư tài chính

Hiện nay, có 2 cách đầu tư theo chỉ số S&P 500 đạt hiệu quả sau:

  • Đầu tư vào các công ty thuộc danh sách S&P 500: Nếu bạn là nhà đầu tư chứng khoán quốc tế hoặc đầu tư tại thị trường chứng khoán Mỹ, bạn có thể đầu tư vào các công ty thuộc top S&P 500. Khi đó, hiệu quả đầu tư của bạn sẽ có xu hướng biến động theo chỉ số S&P 500.
  • Đầu tư vào quỹ ETF: Đây là những quỹ mô phỏng theo chỉ số S&P 500. Nghĩa là, quỹ này sẽ tập hợp vốn của nhiều người lại và đầu tư vào tất cả các cổ phiếu thuộc danh sách S&P 500. Muốn đầu tư theo chỉ số này, bạn chỉ cần mua chứng chỉ quỹ của các quỹ này mà thôi.

Trên đây, VNSC đã chia sẻ những thông tin khái quát nhất về chỉ số S&P 500. Chỉ số này không chỉ quan trọng với thị trường chứng khoán Mỹ mà còn tác động tới thị trường thế giới. Nếu bạn là nhà đầu tư Việt Nam, tại thị trường Việt Nam, bạn có thể theo dõi biến động của chỉ số này để dự đoán xu hướng thị trường và đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả nhất.

Chủ đề