Cạnh tranh trong giáo dục là gì

Đỗ Minh Ngọc là Giảng viên môn Quản lý tại Khoa Quản lý và Du lịch, Đại học Hà Nội, Việt Nam. E-mail: . vn.

Trong nỗ lực không ngừng nâng cấp hệ thống giáo dục, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu chương trình cải cách giáo dục đại học (HERA) trong giai đoạn 2006-2020, cho phép các trường đại học và cao đẳng tự chủ, tự quyết định quy mô phát triển và mô hình tài chính của mình. Giờ đây, khi chương trình cải cách sắp kết thúc và các trường đại học đã hoàn thành dự án thí điểm từ năm 2014 đến 2017 như một phần của HERA, đã đến lúc các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần xem lại những chiến lược đã được áp dụng để chuẩn bị cho những thay đổi cần thiết đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững.

Chương trình nghị sự mang tính cách mạng

Kể từ khi chính sách đổi mới ra đời vào năm 1986, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã trải qua những thay đổi đột phá, bao gồm loại bỏ sự kiểm soát độc quyền giáo dục của nhà nước, cho phép thành lập các trường đại học và cao đẳng tư nhân. Tuy nhiên, các tổ chức học thuật công lập vẫn phải tuân thủ kế hoạch tập trung và phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ. Hiểu rằng nhất thiết phải thay đổi để nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức giáo dục đại học trong nền kinh tế định hướng thị trường, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt HERA (được gọi là Nghị quyết 14/2005/NQ-CP) vào năm 2005. HERA cho phép các trường đại học tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung chương trình và tự quản lý ngân sách hoạt động. Nói chung, HERA đã được công chúng và chính các trường đại học chấp nhận, và dự kiến sẽ đổi mới hoàn toàn hệ thống giáo dục đại học. Kết quả cho đến nay là, tất cả các tổ chức giáo dục đại học trong nước từng bước được trao quyền tự chủ, chất lượng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy được cải thiện.

Mặc dù các tổ chức đại học công vẫn nhận một phần ngân sách hoạt động từ chính phủ, tự chủ hoàn toàn tiếp tục là mục tiêu cao nhất của họ như xác nhận của phó thủ tướng tại một hội nghị xem xét dự án thí điểm giai đoạn 2014-2017 diễn ra gần đây. Cuối cùng, các trường đại học và cao đẳng sẽ không khác biệt với các doanh nghiệp độc lập, vì thế bài viết này áp dụng quan điểm quản lý chiến lược để phân tích chiến lược chung của họ. Nói chung, các trường đại học phục vụ chủ yếu là sinh viên trong nước và chiến lược doanh nghiệp cũng như chiến lược kinh doanh của họ đều nhằm mục đích tăng trưởng và mở rộng.

Chiến lược doanh nghiệp

Nhiều trường đã và đang thực hiện một chiến lược hợp tác ở cấp doanh nghiệp bằng cách phát triển những chương trình đào tạo hợp tác với các đối tác nước ngoài. Đây là kết quả của chính sách của chính phủ năm 1987 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế với mục đích đa dạng hóa các nguồn lực tài chính của hệ thống giáo dục. Hợp tác đầu tiên như vậy được thực hiện vào năm 1998 và kể từ đó số lượng các chương trình hợp tác quốc tế đã tăng lên, trong đó bao gồm chương trình đào tạo văn bằng đại học, sau đại học và tiến sĩ. Sinh viên theo học các chương trình này phải trả học phí rất cao, nhưng được tiếp cận với chương trình giảng dạy nước ngoài, nhận bằng cấp từ các tổ chức nước ngoài, và có thể lựa chọn hình thức theo học một nửa chương trình ở Việt Nam và một nửa ở nước ngoài. Các chương trình hợp tác quốc tế tạo ra nguồn thu đáng kể cho các trường, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao danh tiếng và thu hút nhiều sinh viên hơn nhờ vào phương pháp giảng dạy được cải thiện.

Chiến lược kinh doanh

Mục tiêu của cách tiếp cận thâm nhập thị trường là tăng doanh thu của các dịch vụ hiện tại trên thị trường hiện tại, có nghĩa là tuyển thêm sinh viên vào các khóa học hiện có. Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh của họ trong suốt những năm qua. Từ năm 1999 đến năm 2013, số lượng sinh viên ghi danh vào các trường đại học liên tục tăng, được thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ với mục đích cung cấp đủ nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Mặc dù vậy, mối liên kết giữa đào tạo các kỹ năng cần thiết và nhu cầu thị trường vẫn chưa được giải quyết một cách hệ thống.

Phát triển thị trường bao gồm việc giới thiệu một dịch vụ hiện tại cho một thị trường mới, điều này có nghĩa là mở rộng việc cung cấp các khóa học hiện có cho các nhóm sinh viên mới. Các cơ sở giáo dục Việt Nam đã phát triển các khóa học bằng tiếng Anh cho sinh viên trong nước và chấp nhận cả sinh viên nước ngoài vào các khóa học này. Thu hút sinh viên quốc tế là một chính sách rõ ràng của chính phủ, với các sáng kiến như áp dụng một chương trình đắt tiền trong năm 2008 để cung cấp các khóa học đại học bằng tiếng Anh và đưa các giáo sư cao cấp đến giảng dạy ở Việt Nam, hoặc gần đây hơn, cho phép các trường đại học tự xác định điều kiện nhập học đối với sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, những khóa học bằng tiếng Anh thiếu đa dạng và chất lượng tương đối thấp là những trở ngại lớn trong việc thu hút sinh viên và các học giả quốc tế.

Phát triển sản phẩm là cung cấp các dịch vụ mới cho thị trường hiện tại, điều này có nghĩa là phát triển các khóa học mới cho sinh viên trong nước. Đây là động thái chiến lược nổi bật nhất của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam. Các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hoặc là đơn ngành hoặc đa ngành, và số lượng các trường đại học đa ngành được báo cáo tăng lên. Các khóa học mới được cung cấp với số lượng và lựa chọn ngày càng tăng để tiếp cận nhiều sinh viên hơn. Điều này phản ánh rõ nhất bản chất của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam là các cơ sở giảng dạy dựa vào học phí là nguồn thu nhập chính.

Đa dạng hóa sản phẩm có nghĩa là chuyển sang phân khúc thị trường mới với các dịch vụ mới. Ở đây, phương pháp tiếp cận liên quan đến việc thu hút các nhóm học viên mới. Nhiều trường đại học cung cấp các khóa đào tạo dành cho người lớn (về ngôn ngữ, kỹ năng máy tính, kỹ năng thực hành, v.v…). Trong khi đó, một số tổ chức cố gắng đa dạng hóa để tiếp cận phân khúc trước đại học, hoặc các phân khúc khác nhau, của giáo dục. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sở hữu Trường THPT năng khiếu, trường Nguyễn Tất Thành (cấp hai và cấp 3) và trường mẫu giáo Búp Sen Xanh. Đại học Hoa Sen gần đây mới khai trương Trung tâm Ngoại ngữ và Du học, cung cấp dịch vụ cho cả người lớn và học sinh nhỏ tuổi (mẫu giáo, tiểu học và trung học) các khóa học tiếng Anh và tư vấn du học.

Nỗ lực để tự chủ hoàn toàn

Cho đến nay, chiến lược của các tổ chức giáo dục Việt Nam chủ yếu vẫn định hướng theo các kế hoạch của chính phủ, và phần lớn những động thái của họ mang tính ứng phó hơn là chủ động. Là một phần của hệ thống trung ương tập quyền trong thời gian dài, các trường đại học và cao đẳng công lập không được trang bị đầy đủ năng lực quản lý để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nếu được cấp toàn quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam sẽ không khác gì những chú chim non bị rơi khỏi tổ – nơi trú ẩn an toàn, ở đó chúng đã quen được nhà nước cung cấp mọi giải pháp; một số có thể va đập mạnh xuống đất, một số khác sẽ học hỏi và bay lên được. Cho đến lúc đó, chính phủ nên tiếp tục giải quyết những thiếu sót của hệ thống để hình thành một lộ trình thuận lợi cho giáo dục đại học Việt Nam đạt đến tự chủ hoàn toàn.

Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản, tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tại Bộ Giáo dục và Ðào tạo mới đây, GS, TS Trần Thọ Ðạt, Hiệu trưởng Trường đại học (ÐH) Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Tự chủ trong giáo dục ÐH là xu thế tất yếu không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, cái khó chính là các trường tự chủ không thể tăng học phí kịch trần để lấy thu bù chi bởi đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các trường. Ngay cả các trường ÐH tốp đầu cũng phải truyền thông, nâng cao chất lượng để có thể tuyển sinh. Vì vậy, nếu cơ chế tài chính theo hình thức trường tự chủ thì thu cao để bù chi, còn trường không tự chủ vẫn thu học phí thấp và được hỗ trợ của nhà nước thì khó có thể nói đến cạnh tranh nâng cao chất lượng”.

Chia sẻ của vị hiệu trưởng trường ÐH đứng đầu cả nước trong đào tạo kinh tế, tài chính… nhận được sự đồng tình của nhiều người và đặt ra nhiều vấn đề trong giáo dục ÐH hiện nay. Ðiều đó cho thấy, xu hướng phát triển phù hợp khi các trường ÐH phải cạnh tranh nâng cao chất lượng, tạo uy tín và thương hiệu thì mới thu hút người học. Những trường chậm đổi mới, trì trệ trong nâng cao chất lượng, ít đầu tư cho đội ngũ, cơ sở vật chất, thực hành sẽ bị tụt hậu và khó khăn trong tuyển sinh. Thực tế, trong kỳ tuyển sinh năm 2016, mặc dù số thí sinh đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng trở lên dôi dư so với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ÐH khá nhiều. Tuy nhiên, số trường ÐH tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt một chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Như vậy, thí sinh khi đăng ký theo học đã có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng về chất lượng, uy tín của trường, của ngành nghề theo học, chất lượng đào tạo, khả năng có việc làm… khi theo học một trường ÐH nào đó.

Mặt khác, khi đã có cạnh tranh trong giáo dục ÐH, cũng cần có những cơ chế, chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các trường. Có như vậy mới tạo nên “cuộc đua” giữa các thí sinh để được vào học trường ÐH phù hợp ngành nghề yêu thích, có uy tín, chất lượng tốt; đồng thời cũng là “cuộc đua” giữa các trường trong nâng cao chất lượng.

Mạnh Xuân

Nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.


Ảnh minh họa. (Nguồn: VA)

Mục tiêu nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, hội nhập quốc tế với lộ trình phù hợp; Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: Rà soát hệ thống pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cụ thể:

Hoàn thiện chính sách nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đào tạo

Rà soát quy hoạch mạng lưới, triển khai phân tầng các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành theo quy định tại Nghị định 73/2015/NĐ-CP ngày 8/9/2015.

Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên, củng cố các trường sư phạm trọng điểm nhằm hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Triển khai quy hoạch phát triển các ngành đào tạo; tập trung đầu tư xây dựng và phát triển một số ngành đào tạo chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới nhằm đáp ứng tốt hơn chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia và nhu cầu xã hội, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và hoà nhập của giáo dục đại học Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục đại học: Đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo; tập trung phát triển, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; tăng cường công tác kiểm định chất lượng; tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy, học và nghiên cứu khoa học.

Mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung đào tạo và khảo thí cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo theo cơ chế thị trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đầu ra.

Rà soát các thủ tục, điều kiện thành lập, hoạt động đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Phát triển tiềm lực và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Nâng cao trình độ giáo viên tiếng Anh và giáo viên dạy các môn khoa học bằng Tiếng Anh, hướng tới trao đổi giáo viên các cấp trong ASEAN.

Rà soát các quy định về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục như: liên kết đào tạo, giáo viên, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy và nghiên cứu; trao đổi sinh viên; tình nguyện viên nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy; đào tạo từ xa, qua mạng của nước ngoài tại Việt Nam nhằm thu hút nguồn lực nước ngoài cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục, điều kiện bất hợp lý, không còn cần thiết.

Kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính từ khâu dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung thực hiện tốt việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định đối với quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao chất lượng thể chế, tránh tình trạng ban hành văn bản lại phải sửa đổi.

Rà soát và đưa ra phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính quy định liên quan đến điều kiện thành lập, hoạt động đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đẩy mạnh công tác công bố và chuẩn hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ đảm bảo công khai, minh bạch và theo đúng tiến độ.

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước

Tập hợp, rà soát và đánh giá tình hình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, có giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo phục vụ công tác quản lý các cấp.

Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD&ĐT

Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương về giáo dục và đào tạo, gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Tiếp tục phối hợp triển khai đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa giữa Việt Nam với các quốc gia khác; Mở rộng các chương trình trao đổi và dịch chuyển sinh viên quốc tế; Tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục song phương/đa phương, và công nhận bằng cấp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường các hoạt động quảng bá giáo dục Việt Nam ra nước ngoài thông qua triển lãm giáo dục, trao đổi đoàn, kết nghĩa giữa cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam với cơ sở giáo dục nước ngoài./.

Mỹ Anh

TIN LIÊN QUAN

  • Thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc kháng sinh Zinnat Suspension do vi phạm chất lượng
  • Điện chia buồn
  • Huy động, khơi thông nguồn lực tại chỗ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ
  • Bế mạc Khóa họp 50 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
  • Chủ tịch nước thăm, tặng quà thương, bệnh binh tại Bắc Ninh
  • Thêm 684 ca COVID-19 mới, Quảng Ninh bổ sung 722 F0
  • Chính phủ công bố danh mục 34 cảng biển Việt Nam

Video liên quan

Chủ đề