Cách phòng chống trọng nam khinh nữ

tư tưởng trọng nam khinh nữ

Câu hỏi : Anh Nam và chị Chung có hai con là cháu Tuấn học lớp 8, cháu Hương học lớp 5. Vừa qua, bỏ qua lời khuyên can của chị Chung và cô giáo chủ nhiệm cháu Hương, anh Nam quyết định cho cháu Hương nghỉ học. Lý do một phần là vì kinh tế gia đình khó khăn, một phần là nghĩ con gái không cần học nhiều, chỉ cần biết đọc thông viết thạo là được. Pháp luật quy định như thế nào về quyền được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện học tập, lao động?

Luật sư tư vấn :

Theo quy định tại Điều 18 Luật bình đẳng giới năm 2006, con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Điều 41 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình gồm:

– Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

– Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.

– Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

– Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính.

– Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.

Bên cạnh đó, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005 quy định:

“Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập …Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Con trai hay con gái đều cần được đối xử như nhau, cũng cần được học tập, lao động, giải trí theo đúng độ tuổi và sự phát triển của con. Cha mẹ cần phải đối xử công bằng với con cái, không nên “trọng nam khinh nữ” để dẫn đến cách nhìn lệch lạc của các con về vai trò của mỗi giới, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách của các con sau này.

Việc anh Nam không cho cháu Hương tiếp tục đi học là ảnh hưởng đến quyền được học tập của cháu và không làm tròn trách nhiệm đối với con cái. Đồng thời, với lý do “con gái không cần học nhiều” là có sự phân biệt giữa con trai và con gái, vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về bình đẳng giới. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về bình đẳng giới.

Chồng gia trưởng không chăm sóc cho gia đình ?

Câu hỏi : Vợ chồng anh A và chị B có một con chung, cuộc sống sung túc vì cả hai đều có công việc ổn định, thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, anh A là người gia trưởng nên đi làm về anh không làm bất cứ việc nhà nào. Anh chỉ ngồi đọc báo hoặc xem ti vi. Còn chị B, từ khi đi làm về, chị làm hết việc nhà như: nấu cơm cho gia đình, tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa. Chị B rất bực mình nhưng hễ nói, anh A lại gạt đi bảo: “Đó không phải là việc của anh, phụ nữ phải lo việc nội trợ, con cái”. Hỏi quan điểm của anh A có đúng không?

Luật sư tư vấn :

Trên cơ sở thực tiễn, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại nên có những ông chồng coi việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái là của người phụ nữ nên họ không chia sẻ công việc nhà với vợ. Mọi công việc cứ đổ dồn cho người vợ. Pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay đã quy định rõ vợ chồng bình đẳng nhưng các ông chồng vẫn mang nặng tính gia trưởng, chưa thay đổi được tư tưởng cổ hủ này.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan” (Điều 17) và “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” (Khoản 1 Điều 19).

Điều 18 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau:

“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình”.

Theo quy định trên của pháp luật, anh A, chị B đều bình đẳng với nhau trong mọi công việc kể cả trong gia đình và ngoài xã hội. Anh A có trách nhiệm và nghĩa vụ giúp đỡ chị B trong công việc của gia đình và chăm sóc con cái. Do đó, quan niệm công việc nội trợ, chăm sóc con cái là của phụ nữ của anh A là không đúng.

Chồng phó mặc gia đình con cái cho vợ có vi phạm pháp luật không ?

Câu hỏi : Vợ chồng anh Kiên và chị Ngọc sinh được 2 con gái. Anh Kiên rất muốn có con trai để có người “chống gậy” khi chết nhưng chị Ngọc không đồng ý. Bắt chị Ngọc tháo vòng để đẻ không được, anh Kiên tỏ thái độ, thường xuyên đi sớm về khuya, phó mặc toàn bộ công việc gia đình con cái cho vợ. Hỏi hành vi của anh Kiên có vi phạm pháp luật không?

Luật sư tư vấn :

Trong xã hội hiện đại ngày nay, quan niệm trọng nam khinh nữ dường như vẫn còn tồn tại khá nặng trong tư tưởng của mỗi người dân Á đông, được thể hiện rất rõ qua việc muốn và tìm cách sinh con trai trong nhiều gia đình. Trường hợp gia đình nhà anh Kiên, chị Ngọc là một minh chứng cụ thể về vấn đề này.

Tại Điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ: Thực hiện quy mô gia đình ít con – có một hoặc hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Theo quy định của pháp luật nêu trên, việc anh Kiên bắt vợ phải sinh thêm đứa con thứ 3 cho mình để hy vọng là con trai để có người “chống gậy” khi chết là chưa phù hợp, vi phạm quy định về nghĩa vụ của công dân.

Bên cạnh đó, cũng chỉ vì yêu cầu vợ tháo vòng để đẻ không được mà anh Kiên có hành vi phó mặc toàn bộ công việc gia đình, chăm sóc con cái cho chị Ngọc là không đúng. Bởi theo quy định tại Khoản 5 Điều 18 Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc cho gia đình. Cũng tại Khoản 2 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cha mẹ có nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Chồng không cho vợ tham gia công tác xã hội thì bị xử lý như thế nào ?

Câu hỏi : Chị H là người phụ nữ nhanh nhẹn, nhiệt tình với công việc chung của cộng đồng làng xóm nên chị được giới thiệu làm Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã cho nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, anh T – chồng chị H, vốn là người có tư tưởng cổ hủ nên đã ngăn cản, cấm đoán không cho chị H tham gia với  lý do phụ nữ không được qua mặt chồng. Anh T còn tuyên bố đe dọa, nếu chị cố tình làm trái ý anh tham gia bầu bán, anh sẽ ly dị. Hành vi trên của anh T có vi phạm pháp luật không?

Luật sư tư vấn :

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật bình đẳng giới năm 2006 thì các hành vi sau là hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:

a) Cản trở việc nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

c) Đặt ra và thực hiện quy định có sự phân biệt đối xử về giới trong các hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc trong quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.

Cũng tại Điểm c Khoản 3, Điểm đ Khoản 4 Điều  6 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không cho nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới.

Đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên, hành vi của anh T đã vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, anh T sẽ bị xử lý theo quy định trên.

Xem thêm : Chồng có hành vi bạo lực gia đình thì bị xử lý như thế nào ?

Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn ly hôn hoặc liên hệ luật sư tư vấn thủ tục ly hôn : 0904 902 429 

Video liên quan

Chủ đề