Cách mặc trang phục truyền thống Khmer

Thứ Tư 18 Tháng Tư 2018 - 03:57:34 CH

Do có sự cộng cư lâu đời với người Việt, người Chăm, người Hoa... nên văn hóa của người Khmer nói chung và trang phục của họ nói riêng có nhiều biến đổi. Tuy nhiên, trang phục truyền thống của người Khmer Nam bộ vẫn thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa riêng của mình.


Về trang phục, ăn mặc của người Khmer Nam bộ thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa riêng của mình. Chiếc váy xampot của phụ nữ Khmer mặc theo cách quấn ngang hông và giắt về một phía, gấu váy cao trên cổ chân. Váy xampot thường được làm bằng vải tơ tằm, dệt tay, có nhiều họa tiết và nhiều màu sắc. Áo wên, áo srây hoặc áo tằm wong (tầm vong) là loại áo dài của người Khmer, làm bằng vải màu đen. Áo được may bít tà, rộng và dài qua đầu gối, cổ xẻ trước ngực nên khi mặc phải chui đầu. Tay áo thường bó chặt, sườn áo có ghép thêm bốn miếng vải dọc từ nách đến gấu. Các loại áo này thường được mặc chung với quần đen như người Việt hoặc mặc với váy xampot. Còn Kama là loại khăn rằn của người Khmer nhưng nay cũng thường thấy được sử dụng trong cư dân người Chăm và người Việt ở Nam bộ. Do kỷ thuật nhuộm vải bằng quả mạc nưa (maklưa) nên Kama có màu đen tuyền, bóng và lâu phai nhạt. Loại Kama do người Khmer dệt có hoa văn hình karô, màu đỏ hoặc màu xanh nổi lên trên nền hình chữ nhật hoặc hình vuông màu trắng nên thường đẹp và bền. Kama còn dùng làm khăn lau mặt, làm khăn choàng, khăn tắm, quấn đầu, thắt lưng, làm bao đựng vật dụng đi đường và làm võng cho em bé nằm.


Cách mặc trang phục truyền thống Khmer
Trang phục ngày cưới của cô dâu Khmer Nam bộ

Ngày nay, do quá trình cộng cư với người Việt, người Chăm, người Hoa… lâu dài nên văn hóa của người Khmer nói chung, trang phục của họ nói riêng có nhiều biến đổi. Đặc biệt, vào thời Ngô Đình Diệm cai trị, với chủ trương đồng hóa các tộc người, người Khmer vì sợ bị phân biệt đối xử nên nhiều người ngại ăn mặc trang phục truyền thống của mình mà phải mặc theo người Việt. Sau đó quen dần và tới  nay đã trở thành chuyện bình thường nên thấy ít khác biệt so với người Việt. Y phục truyền thống của họ nay chỉ thấy "khiêm tốn" trong các ngày có lễ hội truyền thống hoặc khi trình diễn văn nghệ hay giới thiệu về văn hóa của mình. Thanh niên Khmer hiện nay thích ăn mặc như nhiều thanh niên người Việt, người Hoa, người Chăm trong vùng nên khi ra đường khó phân biệt đâu là thanh niên Khmer, đâu là thanh niên Việt, Chăm, Hoa. Chỉ trong ngày cưới, ngày hội, ngày lễ truyền thống của người Khmer như lễ hội Chol Chhnăm Thmây, Đôn ta, Ok om bok… thì mới là dịp người Khmer lại tiếp tục ăn mặc trang phục truyền thống của mình để đi đến chùa và cả đi thăm viếng nhau. Hiện nay khi ra đường, thiếu nữ Khmer thường mặc quần tây, phụ nữ thường mặc quần đen với áo sơmi, áo kiểu hoặc áo bà ba. Chân thì mang guốc, dép hoặc giày. Đàn ông Khmer thường mặc bộ trang phục pirama hoặc bộ đồ bà ba với quần dài hoặc quần đùi. Khi đi làm, người Khmer thường chọn các loại quần áo, dày dép bền và tốt như các loại quần áo được may bằng vải kaki. Khi đi đám cưới, đi viếng chùa, tham dự sinh hoạt lễ hội…, người Khmer thường chọn các trang phục đẹp không thua kém các tộc người khác. Đàn bà con gái vẫn còn chuộng mặc váy truyền thống, riêng đàn ông con trai thường thích mặc bộ đồ tây, mang giày mang dép, đi lại cho thuận tiện. Phụ nữ thích đeo nhẫn bằng vàng hoặc bằng kim loại khác, tóc thích cài bằng các loại kẹp có bông hoa nhiều màu sắc sặc sỡ để tăng thêm duyên dáng. Cả nam và nữ thanh niên người Khmer Nam bộ đều thích đeo đồng hồ.


Cách mặc trang phục truyền thống Khmer
Trang phục lễ hội của người Khmer Nam bộ

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là những năm gần đây do đời sống được cải thiện, nhiều người Khmer có điều kiện, họ lại muốn tìm về với vốn truyền thống văn hóa nên trang phục truyền thống của họ cũng dần dần được "sống lại". Các cô gái Khmer có điều kiện thì tự may lấy hoặc mua sắm nên các trang phục truyền thống đắt tiền cũng thấy ngày một nhiều trong các ngày hội văn hóa cộng đồng, tại các Chùa Khmer hay trong các sự kiện "biểu diễn thời trang" trong các ngày sinh hoạt văn hóa văn nghệ cùng với nhiều tộc người khác.
Tuy vậy, trong sinh hoạt hàng ngày, theo điều tra của chúng tôi thì hiện nay có 19,66% người Khmer mặc trang phục truyền thống thường xuyên, 38,06% thỉnh thoảng mới mặc và 42,28% là rất ít mặc. Trong số đó, đối với nam giới mặc trang phục truyền thống ở độ tuổi thiếu niên là 11,49%, thanh niên là 21,26% và người lớn tuổi là 67,24%. Đối với nữ giới mặc trang phục truyền thống ở tuổi thiếu niên là 10,38%, thanh niên là 26,42% và người lớn tuổi là 63,21%.

                                                                                               Hùng Khu
Nguồn: www.vhttdlkv3.gov.vn

Thứ Sáu, 11/01/2019 | 16:12

Trang phục của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, đồng bào Khmer ở Bạc Liêu nói riêng đã góp vào kho tàng văn hóa của xứ sở những giá trị khá đặc biệt. Không đơn thuần là để thỏa mãn nhu cầu mặc và làm đẹp, những bộ trang phục của đồng bào dân tộc Khmer còn ẩn chứa những nét văn hóa độc đáo. Cho nên, trưng bày trang phục của một dân tộc cũng là cách gìn giữ, tôn vinh nét đẹp văn hóa “mặc” cho một địa phương.

Cách mặc trang phục truyền thống Khmer

Biểu diễn trang phục dân tộc Khmer tại Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017. Ảnh: C.T

Chúng ta dễ bắt gặp nét đẹp duyên dáng của những thiếu nữ Khmer trong trang phục truyền thống vào những dịp lễ hội, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc. Sắc màu rực rỡ, lấp lánh bởi những họa tiết, hoa văn và phụ kiện đính trên trang phục là ấn tượng đầu tiên. Theo sự tiến bộ của cuộc sống hiện đại, trang phục của đồng bào Khmer cũng có sự thay đổi, cách tân để phù hợp, tuy nhiên những đặc điểm kể trên vẫn được giữ gìn như cách đồng bào gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống thông qua bộ trang phục của mình.  Đẹp và lộng lẫy nhất vẫn là trang phục trọng đại của đời người: trang phục cưới. Đặc điểm chung của trang phục cưới của đồng bào dân tộc Khmer là trang trọng, kín đáo. Điểm nổi bật làm các cô dâu Khmer đẹp lung linh chính là nhờ họa tiết và màu sắc trên áo cưới. Họa tiết thì tinh tế bên cạnh những hạt cườm, kim sa lấp lánh. Màu sắc thì chủ đạo vẫn là đỏ, cam, vàng. Bên cạnh đó, còn có những phụ kiện đi kèm như yếm, thắt lưng, vòng cổ, vòng tay… Đặc biệt, áo cưới của cô dâu là chiếc xăm-pốt được dệt bằng sợi kim tuyến hoặc tơ tằm. Và không thể thiếu là chiếc khăn sbay mềm mại uốn chéo từ vai trái xuống sườn phải.  Trang phục của chú rể ít cầu kỳ hơn, thường là trang phục màu trắng. Gắn với trang phục trên người, thứ không thể thiếu của một chú rể Khmer truyền thống là cây quạt giắt sau lưng và thanh kiếm với ý nghĩa bảo vệ người vợ suốt đời. Chưa kể đến những thủ tục, nghi thức trong một lễ cưới của đôi trai gái dân tộc Khmer, thì chỉ bộ trang phục cưới của đôi bạn đã phần nào cho thấy nét độc đáo trong tiệc cưới của đồng bào dân tộc. Trong trang phục đi dự lễ hội, người Khmer thường mặc xà-rông cùng áo tầm-vông được dệt tơ tằm, sợi bông hay chỉ màu kim tuyến. Giữa đám đông, họ xuất hiện một cách nổi bật với trang phục lễ hội truyền thống như sự khẳng định nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer, qua cách ăn mặc của mình. Ở bất kỳ lễ hội lớn nhỏ nào của đồng bào, trang phục chính là nét đặc trưng dễ thấy nhất ở họ. Vận lên mình bộ trang phục rực rỡ sắc màu, áo tầm-vông đi cùng xà-rông, khăn sbay thướt tha, dịu dàng và quyến rũ, khiến họ nổi bật giữa đám đông và không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.  Vừa qua, tại một cuộc họp lấy ý kiến cho việc trưng bày Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu (tại khối nhà B và C của Trung tâm Triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu), trong một hạng mục trưng bày trang phục truyền thống của người Bạc Liêu, đã có ý kiến đề xuất nên phân loại trang phục truyền thống ở Bạc Liêu thành trang phục đời thường, cưới xin, lễ hội. Ở hạng mục này, chúng tôi cho rằng cần phải trưng bày sự độc đáo của trang phục ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa tại Bạc Liêu. Bởi đó là sự khác biệt độc đáo nhưng tạo thành nét đẹp hài hòa về trang phục, tạo nên sự phong phú, đa dạng nhưng vẫn hòa hợp trong trang phục truyền thống ở Bạc Liêu. Mà những nét đẹp độc đáo, đặc trưng trong trang phục dân tộc Khmer như bài viết này miêu tả chính là bằng chứng điển hình.

Cẩm Thúy

Dân tộc: KhmerĐịa điểm: Khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Nội dung chính: Giới thiệu trang phục dân tộc Khmer: Trong lao động, nữ giới Khmer mặc trang phục đơn giản, nhưng kín đáo, thể hiện nét đẹp tâm hồn, tích cách siêng năng, cần cù lao động, chịu thương chịu khó làm ăn. Trong sinh hoạt ngày thường, nam giới lớn tuổi mặc quần áo bà ba màu đen, hoặc trắng. Họ quấn khăn rằn quanh đầu và chít hai đầu khăn lại ở phía trước trán, hoặc chỉ quấn khăn quanh cổ. Trang phục truyền thống điển hình nhất cách đây 30-40 năm của dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long chính là chiếc váy “xăm pốt chân khen”. Đó là tấm vải rộng quấn quanh thân, từ hông xuống ngang đùi, phần vải phía sau kéo luồn giữa hai chân vắt ra phía trước rồi giắt lại ở hông thành một loại như chiếc quần ngắn, rộng lùng thùng. Phụ nữ lớn tuổi trong lễ hội thường mặc một loại áo dài cổ truyền gọi là wên, áo may bít tà, thùng áo rộng và dài ngang dưới gối, cổ áo xẻ trước, hai tay áo chặt, hai bên sườn ghép thêm bốn miếng vải từ nách đến gấu áo, mặc quần đen. Khi mặc áo này, các bà thường quàng khăn vải chéo ngang người, luồn qua một bên nách rồi qua vai, thả hai đầu khăn xuống thành hai múi. Trang phục lễ tết gồm có áo, váy, khăn quấn chéo, thả ra sau lưng. Trang phục cô dâu, chú rể xưa chỉ dành cho giới thượng lưu, nay phổ biến trong lễ cưới của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Đó là chiếc xăm pốt của chú rể, để bình thường như chiếc xà rông, có màu đỏ sậm, nhiều hoa văn, chiếc áo ngắn màu đỏ hoặc trắng, kiểu cổ đứng, tay dài, cài cúc (9 cúc) ở phía trước. Nơi vai trái vắt dải khăn (khăn kần xail), đeo thêm con dao cưới (kầm pách) nhằm để múa mở đường trong lễ cưới theo phong tục, để cắt trầu cau cho cô dâu dùng, thể hiện sự sẵn sàng hy sinh cho tình yêu. Cô dâu mặc áo ngắn tay bó chẽn hoặc để hở một bên vai (xa bây) và xăm pốt. Tất cả được thêu kim tuyến lấp lánh màu đỏ, dùng thắt lưng kim loại (xai krò bách). Một tấm sronko trang trí hạt trai, thêu hoa cườm sặc sỡ, có dạng như cái yếm hình bán nguyệt quàng phía trước quanh chân cổ, che kín phần trên ngực áo, quàng xéo ngang ngực một tấm khăn dài hình chữ nhật (khăn òn kon đây) dệt bằng sợi kim tuyến rực rỡ; đội mũ cưới, màu đỏ hình tháp nhọn ba tầng (còn gọi là kà păng/kpâl plôp) làm bằng kim loại hay giấy bồi, trang trí các hạt ngọc trai, hạt xoàn, thêu hoa cườm, kết các cánh của con kim quýt màu xanh lá cây, pha sắc vàng óng, cắm thêm các cây trâm (sniêk sok), gắn hoa, chuỗi hạt ngọc rủ dài xuống hai bên tai của cô dâu.