Cả nước có bao nhiêu sàn giao dịch công nghệ

Theo đánh giá của Bộ KH và CN, trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân là 22%. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao như điện, điện tử máy tính (46%); chế biến gỗ, giấy (29%), chế biến thực phẩm (28%). Có được kết quả nêu trên là nhờ các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý, nổi bật là ban hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH và CN. Các quy định đã thể chế hóa chủ trương coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.    Công tác phát triển tổ chức trung gian phục vụ phát triển thị trường KH và CN được chú trọng. Hiện, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian, gồm sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN, tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH và CN. Số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trước năm 2015, chỉ có tám sàn giao dịch công nghệ, đến giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, một sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc Bộ, sàn giao dịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập. Một số mô hình tổ chức trung gian tiêu biểu tại các trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm đã hình thành, phát triển, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh,…    Giai đoạn 2015-2018 đã có 2.267 hợp đồng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ giữa các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam, 206 hợp đồng chuyển nhượng giữa doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam với nước ngoài. Tại các trường đại học, hoạt động chuyển giao công nghệ cũng ghi nhận nhiều giao dịch. Trong đó doanh thu của Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh từ hoạt động chuyển giao công nghệ từ năm 2009 đến 2019 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng; Trường đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2010 đến 2020 đã thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh số trung bình khoảng 25 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ bằng việc đối ứng nguồn vốn, nhân lực và các trang thiết bị, với tổng kinh phí được huy động từ các doanh nghiệp để triển khai các nhiệm vụ thương mại hóa đạt 111,3 tỷ đồng.    Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường KH và CN chưa phát triển đúng với tiềm năng của nguồn cung, cầu. Nhiều doanh nghiệp ở các địa phương đang gặp khó khăn về việc tìm công nghệ phù hợp. Phó Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Thái Nguyên Phạm Thị Hiền cho biết, 95% số doanh nghiệp trên địa bàn thật sự có nhu cầu về đổi mới công nghệ, nhưng hầu hết lúng túng khi lựa chọn các công nghệ phù hợp, ít có các thông tin tin cậy về công nghệ. Thực tế này đòi hỏi cần có những tổ chức trung gian đủ mạnh để có thể kết nối được nguồn cung, cầu. Bộ KH và CN cần quan tâm hơn đến thị trường KH và CN ở địa phương, nhất là những địa phương còn khó khăn và đang có nhu cầu lớn về đổi mới, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực làm việc tại các tổ chức trung gian hỗ trợ phát triển thị trường KH và CN, với kiến thức chuyên sâu về công nghệ, luật, kinh tế, đàm phán… Các trường đại học, cao đẳng cần sớm mở các chuyên ngành đào tạo nhân lực làm việc ở các tổ chức trung gian.    Thứ trưởng KH và CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vị trí, vai trò của thị trường KH và CN trong hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa tạo động lực cho thị trường KH và CN phát triển. Chưa có những cơ chế, chính sách thật sự khuyến khích các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Các tổ chức KH và CN chưa chú ý đến sáng chế, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Số lượng tổ chức trung gian nhiều nhưng còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm… Để phát triển thị trường KH và CN, giai đoạn 2021-2030, Bộ KH và CN tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH và CN. Đồng thời, phát triển các tổ chức trung gian, nguồn cung, nguồn cầu, nâng cao năng lực làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH và CN, liên thông, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính.  

 Ánh Tuyết

Sáng 25/11, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp một số đơn vị như Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Nữ trí thức Việt Nam và Hội doanh nhân quốc tế Việt-Âu tổ chức Lễ khai trương Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị.

Phát triển Sàn giao dịch công nghệ là nhiệm vụ quan trọng

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, hình thành và phát triển đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.

Ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1158/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030, trong đó xác định việc phát triển các tổ chức trung gian của thị trường, như Sàn giao dịch công nghệ, là một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.

“Sàn giao dịch công nghệ thực hiện các hoạt động kết nối các bên cung-cầu công nghệ tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; hỗ trợ trình diễn, triển lãm, giới thiệu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như các sản phẩm, hàng hóa khoa học và công nghệ, qua đó góp phần thiết thực vào phát triển thị trường khoa học và công nghệ”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ khai trương. (Ảnh: Quốc Duy) 

Bộ trưởng đề nghị Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức vận hành thật tốt Sàn giao dịch; chủ động kết nối, liên thông với các Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị khác trên cả nước cũng như trong khu vực. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy, quen thuộc của các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ, qua đó có thể “đánh thức” tiềm năng của các kết quả nghiên cứu, nhất là các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia Trần Đắc Hiến, nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo cục tổ chức chợ công nghệ và thiết bị ở các quy mô khác nhau nhằm hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có sản phẩm khoa học và công nghệ quảng bá, trình diễn, giới thiệu với công chúng, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường.

 Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia Trần Đắc Hiến phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Quốc Duy)

Tuy nhiên, các hoạt động nêu trên chủ yếu mang tính sự kiện, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nên không đáp ứng được nhu cầu thường xuyên về hoạt động cung-cầu công nghệ trên thị trường khoa học công nghệ. Để góp phần giải quyết vấn đề này, sau thời gian nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã phối hợp một số đơn vị triển khai các hoạt động trưng bày, trình diễn, kết nối, xúc tiến giao dịch các sản phẩm, hàng hóa khoa học và công nghệ tại Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị trực tiếp tại Tầng 1, số 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội và trực tuyến tại địa chỉ Techmartvietnam.vn.

“Chúng tôi mong muốn và hy vọng Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị sẽ là điểm kết nối quan trọng cho các tổ chức, cá nhân và đem đến các cơ hội hợp tác thành công, đóng góp thiết thực và sự phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam”, ông Hiến cho hay.

Giới thiệu hàng trăm sản phẩm khoa học và công nghệ uy tín

Đồng hành cùng sự kiện khai trương Sàn giao dịch công nghệ có chuỗi sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ của các cán bộ khoa học nữ thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng 25 doanh nghiệp nữ khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực Y-Dược, công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin…

Ngoài ra còn có các gian hàng của Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Chi hội Doanh nhân Việt-Âu với nhiều sản phẩm, hàng hóa khoa học và công nghệ uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp hàng đầu thuộc các hiệp hội này như Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty TNHH Kỹ thuật tự động Hàn Mỹ Việt, Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco), Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Công ty cổ phần dược phẩm Savi, Công ty TNHH Minh Long…

Cắt băng khai trương khu trưng bày của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam. (Ảnh: Quốc Duy)

Bên cạnh đó, các phiên kết nối, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại cũng được tổ chức cho các sản phẩm, hàng hóa của hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tại 30 quốc gia ở châu Âu và các nước khác.

Tại Sàn giao dịch công nghệ, không chỉ có các sản phẩm, hàng hóa khoa học và công nghệ được trưng bày, trình diễn trực tiếp, mà còn giới thiệu cơ sở dữ liệu của hàng trăm công nghệ chào bán trên trang Techmartvietnam.vn; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ với hàng trăm nghìn bản ghi về công bố khoa học trong nước và quốc tế của các tác giả Việt Nam, hàng chục nghìn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ bằng ngân sách Nhà nước, hàng triệu kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới thông qua cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ quốc tế, tạo cơ sở tri thức cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản xuất kinh doanh.

Khách tham quan tại sự kiện. (Ảnh: Quốc Duy) 

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu về sáng chế, giải mã công nghệ, công cụ lập bản đồ sáng chế giúp dự báo xu hướng phát triển công nghệ, phân tích thị trường tiềm năng và đối thủ cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhanh công nghệ phù hợp cũng như rút ngắn thời gian nghiên cứu đổi mới công nghệ, sản phẩm một cách hiệu quả.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có nhiều phiên hội thảo, tọa đàm về kết nối, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ với những chủ đề thời sự và cấp thiết của cộng đồng khoa học và doanh nhân như chuyển đổi số, xúc tiến thương mại hàng hóa, chia sẻ kinh nghiệm thành công, thất bại trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo…

VĂN TOẢN

Video liên quan

Chủ đề