Báo cáo ket qua nghien cuu xuat huyet tieu hóa năm 2024

Đặt vấn đề: Nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng không những là phương pháp chẩn đoán chính xác tổn thương xuất huyết do loét dạ dày-tá tràng mà còn có hiệu quả cầm máu cao. Tuy nhiên, thời điểm nội soi ở những bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày-tá tràng vẫn còn nhiều tranh cãi. Mục tiêu nghiên cứu: (1) Khảo sát các thời điểm nội soi và một số yếu tố liên quan; (2) Đánh giá kết quả điều trị theo các thời điểm nội soi. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang có phân tích, tiến hành trên 239 bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày-tá tràng điều trị từ 8/2022 đến 4/2023. Kết quả: Nội soi khẩn cấp (<12 giờ) 21,76%, nội soi sớm (12-24 giờ) 16,32%, nội soi trì hoãn (>24 giờ) 61,92%; có mối liên quan với số đơn vị máu truyền, kích thước ổ loét, thời gian nằm viện và kết quả điều trị chung (p<0,05). Tỷ lệ bệnh nhân được cầm máu qua nội soi là 64,85%, tỷ lệ cầm máu ban đầu thành công chung là 96,13%, cầm máu ban đầu thất bại chỉ xảy ra ở thời điểm nội soi trì hoãn 6,45%. Tỷ lệ xuất huyết tái phát chung là 10,74%. Tỷ lệ điều trị thành công ở thời điểm nội soi khẩn cấp là 96,15%, nội soi sớm là 97,44% và nội soi trì hoãn là 85,14%. Kết quả điều trị thành công chung là 89,54%. Kết luận: Nội khẩn cấp (<12 giờ) và nội soi sớm (12-24 giờ) sau khởi phát nên được tiến hành ở những bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày-tá tràng, mang lại lợi ích cao về kết cục lâm sàng và chi phí điều trị.

Xuất huyết tiêu hoá do loét, nội soi dạ dày-tá tràng, thời gian nội soi

Xuất huyết tiêu hóa (XHTH) cao là một cấp cứu nội ngoại khoa chiếm khoảng 75,0% các trường hợp XHTH. Điều trị XHTH còn gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân thường đến muộn, nhiều trường hợp mất máu nặng, huyết động không ổn định, sốc mất máu đòi hỏi vừa hồi sức, can thiệp và/hoặc phẫu thuật cấp cứu. Những năm gần đây tại bệnh viện K, số lượng bệnh nhân XHTH được cấp cứu ngày càng tăng. Bởi vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu mô tả đặc điểm của bệnh lý XHTH cao trên bệnh nhân ung thư và đánh giá kết quả xử trí phẫu thuật (PT) bệnh lý XHTH cao. Đối tượng nghiên cứu: Tất cả những bệnh nhân không phân biệt tuổi, giới, được chẩn đoán XHTH cao và được điều trị phẫu thuật tại khoa ngoại bụng 2, bệnh viện K. Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu mô tả. Địa điểm nghiên cứu : Bệnh viện K Trung ương. Thời gian: 1/2019-12/2020. Kết quả nghiên cứu: Có 28 BN, nam 23 (82,1%), nữ 5(17,9%). Tuổi trung bình: 61,0. Tỷ lệ loét dạ dày tá tràng (DD-TT), thủng ổ loét DD-TT cũ chiếm 50,0%. 17,8% sốc mất máu. Nôn máu và ỉa phân đen chiếm 35,7%. Ỉa phân đen: 64,3%. NSDD Forrest IA và IB chiếm 25,0%. Thiếu máu nặng 28,6%, thiếu máu vừa 28,6%, nhẹ 42,8%. Truyền máu ≥ 5 ĐV: 32,1% (9 BN), <5 ĐV: 50,0% (14 BN). Mổ cấp cứu 25,0%, cấp cứu trì hoãn 21,4%. Tỷ lệ bệnh lý: XHTH do UTDD: 78,6% (22/28), XHTH do loét HTT: 14,3% (4/28), XHTH do loét DD:7,1% (2/28). Kết quả PT Không có BN tử vong, 1 BN rò mật sau mổ điều tri nội. 1 BN tái XHTH sau mổ khâu cầm máu ổ loét HTT, nối vị tràng điều trị nội khoa bằng PPI. Kết luận: Bệnh lý XHTH cao tại BV K do ung thư dạ dày, loét dạ dày chảy máu, loét hành tá tràng chảy máu với tỷ lệ 78,6; 7,1; 18,3 trong đó tổn thương loét hành tá tràng thủng vào động mạch vị tá tràng là tổn thương nặng, gây sốc mất máu, can thiệp cầm máu qua NSDD có tỷ lệ thất bại cao, xử trí phẫu thuật khó khăn.

Xuất huyết tiêu hóa cao

Nội dung

* Mục tiêu nghiên cứu: - Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao - Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật bệnh lý xuất huyết tiêu hóa cao * Phương pháp nghiên cứu: - Đối tượng nghiên cứu: + Tiêu chuẩn lựa chọn: Tất cả các bệnh nhân không phân biệt tuổi, giới, được chẩn đoán là xuất huyết tiêu hóa cao. Được điều trị phẫu thuật tại khoa Ngoại Bụng II, Bệnh viện K từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020. + Tiêu chuẩn loại trừ: BN không đủ hồ sơ hay dữ liệu nghiên cứu. BN được chẩn đoán là xuất huyết tiêu hóa thấp. - Thời gian: từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020 - Địa điểm: khoa Ngoại Bụng II, Bệnh viện K - Thiết kế nghiên cứu: mô tả hồi cứu - Cỡ mẫu: n=24

Mục tiêu: 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa (XHTH) do loét dạ dày tá tràng. 2. Đánh giá hiệu quả và các yếu tố liên quan của của các phương pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu mô tả từ T1/2019 đến T12/2022, 278 bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày- ta tràng và được điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Kết quả: Tuổi trung bình nghiên cứu là 59,8 ± 19,1, chủ yếu gặp ở lứa tuổi 50-79, tỷ lệ nam/nữ là 2,3. Tỷ lệ ngành nghề hay gặp là nhóm lao động trí óc chiếm 42,1%. Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất là đại tiện phân đen và đau bụng thượng vị chiếm 79,5%. Có 24,7% số bệnh nhân cần can thiệp có triệu chứng sốc mất máu khi nhập viện. Số bệnh nhân điều trị nội khoa đơn thuần là 66,3%, nội soi can thiệp là 20,8%, can thiệp nội mạch là 8,9%, phẫu thuật là 3,9%.Tỷ lệ cầm máu thành công ban đầu của 2 nhóm nội soi tiêm xơ và kẹp Clip lần lượt là 91,7% và 95,7%. Tỷ lệ chảy máu tái phát của nhóm điều trị nội là 13,5%, nhóm nội soi can thiệp là 10,3%, nhóm nút mạch là 8%, nhóm phẫu thuật là 9,1%. Thời gian tái phát chảy máu thường gặp nhất trước 72 giờ, chiếm 80% ở nhóm điều trị nội và 81,8% ở nhóm can thiệp. Tổn thương hay gặp ở nhóm phẫu thuật là ổ loét forrest IA, IB ( 81,8%), , vị trí ở bờ cong nhỏ (36,4%) và mặt sau hành tá tràng (36,4%), kích thước ổ loét > 2cm (72,7%). Tổn thương mạch máu gặp trong nhóm can thiệp mạch nhiều nhất là động mạch vị tá tràng (56%). Có 4 phương pháp phẫu thuật được tiến hành lần lượt là cắt 2/3 dạ dày (63,6%), khâu cầm máu kèm cắt dây X (27,3%), cắt bỏ ổ loét (9,1%). Tỷ lệ tử vong của các phương pháp lần lượt là: nội soi ( 5,2%), can thiệp mạch (4%), phẫu thuật (9,1%). Biến chứng sau mổ gặp nhiều nhất là rò mỏm tá tràng (27,3%), loét tái phát (18,2%), chảy máu tái phát (9,1%). Thời gian nằm viện trung bình của phương pháp phẫu thuật là 10,67 ngày. Kết luận: + XHTH do loét DD-TT là biến chứng nặng và chiếm tỷ lệ cao nhất trong các biến chứng của bệnh lý loét DD-TT. Đặc biệt là những trường hợp loét ở bờ cong nhỏ hoặc mặt sau hành tá tràng thường gây ra sốc mất máu. + Điều trị hiện nay vẫn phần lớn là nội khoa, với các trường hợp chảy máu hoạt động thì phương pháp nội soi cầm máu bằng tiêm xơ hoặc kẹp clip đều đạt hiệu quả cao. + Tổn thương hay gặp ở nhóm phải nút mạch hoặc phẫu thuật thường là ổ loét đang chảy máu, kích thước lớn, vị trí hay gặp ở bờ cong nhỏ hoặc mặt sau tá tràng. + Phẫu thuật trong XHTH có tỷ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nặng, nhiều nhất là rò mỏm tá tràng, thời gian nằm viện cũng kéo dài hơn.