1 ngày cần bao nhiêu g muối?

Muối là một khoáng chất thiết yếu, không chỉ giúp bảo quản thực phẩm, giúp đồ ăn ngon hơn mà còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể. Người ta cho rằng, muối là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng cũng phải nói rằng chúng ta không thể sống được nếu thiếu muối.

1 ngày cần bao nhiêu g muối?
Ảnh minh họa

Trong muối có chứa Natri – chất cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể. Nó giúp đảm bảo việc truyền thần kinh thích hợp, sự co cơ và các chức năng khác của cơ thể có thể diễn ra bình thường. Muối thường được loại bỏ ra khỏi cơ thể thông qua tuyến mồ hôi và đi tiểu, và được đưa vào cơ thể từ muối có trong thực phẩm chúng ta ăn.
Hạn chế muối ăn đặc biệt cần thiết với người bị tăng huyết áp, người bị suy tim hoặc người già. Bạn sẽ có thể biết cơ thể có quá nhiều muối khi có các triệu chứng như đầy hơi và giữ nước. Bộ não cũng nhận được tín hiệu rằng cơ thể cần nhiều nước hơn. Điều này sẽ khiến bạn trải qua những cơn khát cực độ để khiến bạn uống nhiều nước hơn.
Muối liên quan tới với một số bệnh
Bệnh tăng huyết áp:
Một chế độ ăn điều trị liên quan đến giảm natri trong điều trị tăng huyết áp (THA) là chế độ ăn nhạt, nhiều rau xanh và hoa quả. Chế độ ăn này giàu kali, giàu vitamin, chất xơ, thấp natri và chất béo. Chế độ ăn “không thêm muối” đòi hỏi bệnh nhân không được bổ sung muối trong khi chế biến thực phẩm và không ăn muối tại bàn ăn. Ngoài ra việc tiêu thụ những thực phẩm nhiều muối cũng nên hạn chế.
Hạn chế ăn muối, giảm mì chính: Một thìa 5g muối có chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành bình thường không bị THA. Bỏ thói quen tiêu thụ thức ăn chứa nhiều muối như: cà muối, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộ… Ăn nhiều rau xanh và hoa quả chín để có nhiều chất chống oxy hóa, nhiều kali.
Bệnh suy thận tùy theo giai đoạn của bệnh:
- Thức ăn nên hạn chế: Muối (ăn nhạt nếu có phù, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 2 thìa nhỏ nước mắm); ăn hạn chế đạm thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng, tránh ăn nội tạng động vật; đồ nướng, rán, thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, dẻ, socola); thực phẩm giàu phốt-pho (pho-mat, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ…).
- Thức ăn được khuyến khích: Chất bột (khoai lang, khoai sọ, miến dong); chất đường (đường, mía, mật ong, hoa quả ngọt); chất béo (có thể ăn khoảng 30 - 40g/ngày, ưu tiên chất béo thực vật); bổ sung canxi (sữa); bổ sung vitamin (nhóm B, C, acid folic…).
- Nước uống: Lượng nước uống hàng ngày nên sử dụng = 300 đến 500ml (tùy theo mùa) + lượng nước tiểu hàng ngày + lượng dịch mất bất thường, hạn chế đồ uống có ga, cồn (bia, rượu...).
Bệnh suy tim:
Trước hết cần lưu ý: 1g muối ăn chứa 400mg natri. Như vậy 1 thìa cà phê muối có đến 2g natri. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể chỉ khoảng 400mg natri (tức 1g muối/ngày), lượng natri này đã có trong bữa ăn đủ thịt, cá, rau, quả. Nên nhớ mỳ chính, bột canh chứa nhiều natri dưới dạng natri glutamat nên không dùng để chế biến thức ăn cho bệnh nhân suy tim.
Chế độ ăn nhạt hoàn toàn: 200-300mg natri/ngày/người, lượng natri này đã có đủ trong thực phẩm bữa ăn. Do đó, khi chế biến thực phẩm và khi ăn hoàn toàn không dùng muối, mỳ chính, bột canh, nước mắm; chọn thực phẩm ít natri như gạo trắng, khoai củ, rau, quả ngọt, thịt, cá, trứng ăn cả lòng trắng; không ăn sữa nguyên kem, đồ hộp, các thức ăn nướng, rán, xào, muối, ướp, bánh mỳ vì chứa nhiều muối.
Chế độ ăn nhạt: 400-700mg natri/ngày/người khoảng từ 1-2g muối. Khi chế biến chỉ cần cho 1g muối ăn hoặc 1 thìa con nước mắm một ngày. Ngoài ra natri có trong thực phẩm khoảng 1g trong ngũ cốc, rau quả của khẩu phần; chọn thức ăn ít natri, bỏ các thức ăn chế biến sẵn, đồ hộp, sữa nguyên kem vì nhiều muối.
Chế độ ăn nhạt vừa: 800-1.200mg natri/ ngày/người tương đương khoảng 2-3g muối ăn/ngày. Cho 2g muối ăn/ngày hoặc 2 thìa cà phê nước mắm/ngày. Không dùng thức ăn giàu muối như bánh mỳ, sữa nguyên kem, pho mai, đồ hộp, thức ăn nướng, ướp sẵn.
Ba chế độ ăn nhạt dùng cho bệnh nhân suy tim tùy theo triệu chứng lâm sàng của bệnh mà áp dụng, dựa theo đáp ứng của từng người bệnh để thay đổi từ chế độ này sang chế độ khác.
Để chế độ ăn thông thường hạn chế muối
Mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như sau:
- Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn.
- Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày.
- Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, pizza, thực phẩm đóng hộp…
- Lựa chọn các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
- Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối.
- Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ việc thêm các gia vị mặn.

Tác giả bài viết: Tuyết Nga - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Theo SK-ĐS)